"Khai tử" cha mẹ đang sống để độc hưởng tiền tuất

Thứ Sáu, 07/11/2014, 09:00

Chồng vừa qua đời chưa lâu thì bà vợ lên xã làm giấy chứng tử cho chồng, rồi "tiện thể" khai luôn bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ đều đã mất để được hưởng tiền tuất một lần. Điều đáng nói là cả mẹ chồng và mẹ đẻ của người đàn bà này hiện vẫn đang sống rất khoẻ mạnh và không hề hay biết về việc làm của cô con dâu dù họ sống cùng thôn và chỉ cách nhà nhau vài trăm mét.

Từ mặt nhau vì tiền tuất

Cả thôn Đồng Dầu, xã Dục Tú, huyện Đông Anh thời gian gần đây xôn xao câu chuyện, cụ Nguyễn Thị Tám, 78 tuổi, bị cô con dâu cả là bà Lê Thị Thúy Mùi (53 tuổi) trú cùng thôn, khai nhận trên xã là đã mất để được hưởng tiền tuất một lần khi ông Phạm Văn Việt, 55 tuổi, chồng bà này qua đời chưa lâu. Khi chúng tôi tìm về nhà cụ Tám, cụ vẫn hoàn toàn khoẻ mạnh, minh mẫn, đi lại nhanh nhẹn, cụ còn đưa chúng tôi đến nhà bà Phạm Thị Chung, là con gái của cụ để tìm hiểu sự việc, bởi chính bà Chung là người phát hiện ra sự việc và làm đơn tố cáo hành vi vô nhân tính của người chị dâu.

Bà Chung cho biết: "Ngày 9/3/2013, anh trai tôi mất vì bạo bệnh thì 19 ngày sau, chị dâu tôi đã ra xã khai báo là mẹ tôi đã mất để được hưởng tiền tuất một lần. Lúc đầu chúng tôi cũng không hề hay biết gì. Phải đến tận đầu tháng 1/2014, khi mẹ tôi đi ra nhà anh Tiêm, con nhà bác tôi mua rượu thì anh ấy bảo rằng, sao chú Việt mất gần năm trời mà cô không làm chế độ hưởng tiền tuất, thím ấy (bà Mùi - PV) không làm thì để cháu làm cho. Thấy vậy, mẹ tôi liền hỏi bà Mùi thì lúc ấy mới lộ ra chuyện".

Bản khai tử cho bố mẹ chồng và bố mẹ đẻ của bà Mùi để được hưởng tiền tuất một lần.

Theo như bà Chung, lúc đầu vì không muốn gia đình xích mích, bởi anh trai mất chưa đầy năm, nên gia đình bà đã đến nhà bà Mùi để hỏi rõ sự tình. Các con bà Mùi đều tỏ thái độ và cho rằng, đó là tiền tuất của bố mình và mẹ mình phải được hưởng chứ bà nội không được phép động vào. Bức xúc việc bà Mùi khai tử mẹ mình trong khi cụ vẫn còn sống khoẻ mạnh để lừa dối chính quyền, chiếm tiền Nhà nước, ngày 6/1/2014, bà Chung đã làm đơn mang ra tận xã để trình bày, nhưng xã lại chỉ lên huyện. "Lên huyện, huyện lại bảo, giấy tờ đã có đủ dấu, chữ ký xác nhận của xã, chứ chúng tôi không sai. Tôi lại quay về hỏi Chủ tịch xã. Chủ tịch đưa tôi sang gặp anh Nguyễn Đăng Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Dục Tú và chính là người ký vào bản khai nhân thân do bà Mùi cầm lên để xác nhận bố mẹ tôi và cả bố mẹ bà Mùi đã mất. Thì anh Thọ bảo tôi là thôi cái tiền ấy chia ra làm mấy phần, cho cả bà mẹ đẻ ở Thanh Hoá nữa. Còn cụ Tám năm nay 78, hai năm nữa là 80, bà hưởng tuổi già thì người ta cũng cắt chế độ này đi. Nhưng tôi bảo tôi không thể, nhỡ mẹ tôi tháng này hay tháng sau mất, tôi cũng để mẹ tôi cầm đồng tiền đúng pháp luật. Tôi không nhất trí".

Sau đó bà Chung còn nhiều lần cầm đơn ra tận Thanh tra Chính phủ rồi lại quay về Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố để đề nghị được giải quyết. Cho đến tận ngày 18/9/2014, khi Thanh tra Chính phủ nhiều lần có công văn gửi BHXH đề nghị xem xét, giải quyết lại chế độ cho cụ Tám thì cụ Tám vẫn chưa được hưởng bất cứ chế độ gì.

Bà Phạm Thị Chung bức xúc khi kể lại vụ việc.

"Ngày 12/7/2014, bà Mùi được xã gọi ra làm việc, nhà tôi có ai được gọi ra đâu, nhưng thấy bảo bà Mùi hứa trả lại số tiền trong 6 tháng và sau khi bà Mùi trả nợ xong thì BHXH sẽ trả lại toàn bộ tiền tuất hàng tháng cho mẹ tôi. Nhưng tôi nghĩ, việc bà Mùi lấy tiền của Nhà nước thì bà ấy phải trả là việc của bà Mùi với bên BHXH, nhưng việc chế độ của mẹ tôi thì vẫn phải thực hiện chứ, đợi bà Mùi trả nợ đến bao giờ. Hiện giờ gia đình chúng tôi và bà Mùi đã cắt đứt mọi quan hệ, không còn qua lại với nhau nữa", bà Chung bức xúc cho biết.

Trách nhiệm từ chính quyền

Đem trường hợp của bà Mùi lên thắc mắc với ông Nguyễn Đăng Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội, người trực tiếp ký xác nhận bản khai nhân thân cho bà Lê Thị Thuý Mùi thì ông Thọ cho biết: Sau khi UBND xác nhận thì bà Mùi đã tự sửa hồ sơ. Bà ghi thêm chữ đã mất vào ô của cụ Nguyễn Thị Tám và cả bà mẹ đẻ ở trong Thanh Hoá. Số tiền tuất khoảng 63 triệu. Như thế là cụ Tám không được hưởng tiền tuất hàng tháng. Cũng theo ông Thọ thì có lẽ lỗi là do bên BHXH, bởi thông thường khi cấp tiền tuất thì phải có giấy chứng tử của người đã mất.

"UBND xã chỉ xác nhận bà Mùi có hộ khẩu thường trú tại xã. Trong bản khai hộ khẩu có các ô, cột ghi những người quan hệ với người chết ở đây là ông Việt. Đầu tiên là bà Mùi, xong đến các con, rồi đến bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ. Thì cột cuối cùng bà Mùi không ghi gì rồi về nhà ghi đã mất vào đấy. Tóm lại là bố mẹ đã mất hết, còn bà Mùi chưa đủ tuổi để lĩnh tiền tuất hàng tháng nhưng lại được lĩnh tiền tuất một lần. UBND cũng đã phối hợp với bên BHXH mời bà Mùi lên làm việc hai buổi.

Bà Mùi cũng đã hứa là trả lại số tiền ấy cho BHXH làm thủ tục để hai bà mẹ hưởng tiền tuất hàng tháng. Nhưng tại buổi làm việc với BHXH thì bà ấy khất xin trả nợ sáu tháng vì điều kiện hoàn cảnh là chồng mất vì bệnh ung thư, bà lấy tiền về trang trải nợ nần cho con cái, các cháu, có cháu bị "đao". Nói chung là gia đình cũng vất vả nên đã tiêu mất một số tiền. Chắc bà ấy cũng đang lo vay mượn để trả lại. Nếu bà ấy không trả thì BHXH sẽ kiện bà ấy ra toà, bà ấy sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tội tự ý làm sai lệch hồ sơ để chiếm đoạt tài sản", ông Thọ cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, trong bản khai nhân thân, ô cuối cùng ghi nghề nghiệp của những người có quan hệ với người đã mất. Nếu theo như lời ông Thọ là ô để trống, bà Mùi đã tự ý ghi vào sau khi đã đóng dấu và có chữ ký, thì sơ suất từ chính người tiếp nhận bản khai của bà Mùi và sơ suất từ chính người ký và đóng dấu. Bởi họ là những cán bộ, nắm bắt rõ nhất nguyên tắc trong các quy trình, thủ tục hành chính, thì không có lý gì để trống ô kê khai để người kê khai lợi dụng làm sai lệch hồ sơ để chiếm đoạt tài sản một cách dễ dàng như thế. Trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về UBND xã Dục Tú.

Cụ Nguyễn Thị Tám vẫn rất khoẻ mạnh, minh mẫn nhưng bị khai là đã chết.

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) quy định người lao động tham gia đóng BHXH đủ 15 năm trở lên chưa hưởng BHXH một lần; người đang hưởng lương hưu; người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, tai nạn nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên... khi chết thì thân nhân (theo quy định) được hưởng chế độ tử tuất hằng tháng.

Trong trường hợp không còn thân nhân hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng chế độ tử tuất một lần, hay còn gọi là "tuất một cục".  Do chênh lệch tiền tuất trợ cấp một lần với trợ cấp hằng tháng khá cao (đặc biệt trường hợp người qua đời có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài và lương cao), nên có rất nhiều chiêu lách luật để qua mặt cơ quan nhà nước, cố tình khai gian không còn người thân phải nuôi dưỡng để nhận tiền tuất một lần.

Trường hợp của cụ Nguyễn Thị Tám chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp mà những người con vì túng quá làm liều, hay vì cạn tình cạn nghĩa mà khai tử cả bố mẹ để được độc chiếm tiền tuất. Ví dụ như trường hợp của cô Nguyễn Thị Lệ Thanh, giáo viên Trường THCS thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc, Nghệ An), bị bạo bệnh qua đời.

Bà Hồ Thị Mau, mẹ chồng cô Thanh (hiện trú tại xã Hợp Thành, Yên Thành, Nghệ An) là người được hưởng trợ cấp tử tuất hằng tháng. Thế nhưng trên hồ sơ lại thể hiện bà Mau đã chết nên gia đình xin được hưởng chế độ tử tuất một lần với số tiền hơn 98 triệu đồng. Hoá, ra người khai tử bà Mau chính là con trai của bà cụ bởi theo anh ta tiết lộ, khi làm hồ sơ, người ta nói muốn lấy tiền một lần thì phải khai bà chết rồi.

Hay như trường hợp ở xã Nghi Ân (thành phố Vinh), bà Nguyễn Thị Như (tên thường gọi là bà Văn) đang sống khỏe mạnh ở xóm Kim Tân nhưng cũng được khai là đã chết. Bà Như có con dâu là Hoàng Thị Thành (trú tại xã Nghi Hưng, Nghi Lộc, Nghệ An) qua đời, thay vì bà được người nhà làm chế độ trợ cấp hằng tháng, họ lại khai bà chết để nhận chế độ một lần với số tiền lên đến 130 triệu đồng.

Từ thực tế cho thấy, việc giải quyết chế độ chính sách cho người dân cần phải làm sát sao, trách nhiệm, đòi hỏi cán bộ từ chính cấp địa phương, vốn là người gần dân nhất, phải nắm vững nghiệp vụ, chuyên môn, để kịp thời phát hiện, xử lý những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát tiền ngân sách của Nhà nước. Đây cũng chính là lời cảnh tỉnh cho cách làm việc thiếu trách nhiệm, thiếu năng lực của cán bộ, công chức hiện nay.

Trao đổi với phóng viên, bà Mùi thừa nhận việc làm sai trái của mình. Theo bà Mùi, trước đó mẹ chồng bà tức cụ Tám đã đồng ý cho bà hưởng chế độ tuất, sau khi làm giấy tờ hưởng chế độ, nghĩ rằng khai mẹ chồng và mẹ đẻ đã mất thì được nhận tiền tuất một lần. Đây là chuyện gia đình, tôi cũng đang làm lại thủ tục để trả lại tiền cho bên bảo hiểm và chế độ hưởng tuất cho cụ. Thế nhưng, mấy cô con gái của bà vẫn cứ làm đơn kiện cáo, làm to chuyện ra.

Nhóm PV
.
.
.