Bệnh viện Bạch Mai:

Khẳng định không từ chối cấp cứu bệnh nhân

Thứ Sáu, 09/08/2013, 14:48

Công việc cứu chữa người bệnh là công việc áp lực từ tính mạng và sức khỏe của bệnh nhân, áp lực từ khâu quản lý của bệnh viện nhưng TS Nguyễn Văn Chi khẳng định, với ông nói riêng và hầu hết các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai nói chung thì khi đã khoác lên mình chiếc áo blu trắng, không có bất kì áp lực nào có thể ảnh hưởng tới lương tâm nghề nghiệp vì danh dự với đồng nghiệp, danh dự với nghề được ví rằng: "Lương y như từ mẫu".

Chuyên đề Cảnh sát toàn cầu số ra ngày 30/7 có đăng tải bài viết "Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai: Có hay không từ chối cấp cứu bệnh nhân?" nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội.

Và khi mà những sự việc đau lòng xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây liên quan tới ngành y tế vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng thì câu chuyện của gia đình anh Nguyễn Văn Thụy (Hưng Yên) dấy lên một mối hồ nghi lớn về những người được xem là "từ mẫu" của nhân dân.

Vậy đằng sau lớp mây mù này là gì, có đúng là Bệnh viện Bạch Mai từ chối cấp cứu hay không, chúng tôi xin đăng tải tiếp những ý kiến khác để câu chuyện rõ ràng và trọn vẹn hơn.

Gia đình bệnh nhân nói có, bệnh viện lại nói không

Theo lời kể của chị Chu Thị Nên thì ngày 2/6, anh Thụy, chồng chị bị điện giật và được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Phố Nối (Hưng Yên) điều trị. Nhận thấy tình hình nguy kịch của anh Thụy, gia đình đã xin chuyển viện lên tuyến trên là Bệnh viện Bạch Mai. Hết lần thứ nhất tới lần thứ hai, bệnh viện đều từ chối cấp cứu.

Cũng theo lời của chị Nên thì lí do mà bệnh viện đưa ra là anh Thụy bị tê liệt thần kinh, chết não hoàn toàn, không thể cứu chữa được và tốt nhất là nên mang về quê. Và mặc dù chị van nài "còn nước còn tát", mong bác sỹ giúp thì gia đình vẫn phải thuê xe cứu thương đưa anh Thụy về.

Trong suốt toàn bộ câu chuyện, chị Nên luôn tỏ thái độ băn khoăn khó hiểu tại sao bác sỹ ở Bệnh viện Bạch Mai bảo chồng mình không thể cứu được; Việc anh Thụy đang dần hồi phục các chức năng tại Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an) được gọi là sự kì diệu, sự trở về thần kì từ cõi chết?    

Trong buổi làm việc TS Nguyễn Văn Chi - Phó trưởng Khoa Cấp cứu, đại diện cho Bệnh viện Bạch Mai vào chiều ngày 30/7 vừa qua thì ông khẳng định rằng: "Chúng tôi không hề nói bệnh nhân đã tử vong. Và cũng chẳng có chỗ nào trong bệnh án của bệnh nhân Thụy ghi là bệnh viện trả về cả".

Theo lời ông Chi: "Đúng là ngày 2/6, Khoa Cấp cứu có tiếp nhận ca cấp cứu bệnh nhân tên là Nguyễn Văn Thụy, 48 tuổi, ở Hưng Yên. Lần thứ nhất, bệnh nhận được đưa lên lúc 9h sáng trong tình trạng bệnh rất nặng: hôn mê sâu, thở máy…. Sau đó, bệnh nhân được lưu lại từ 9 giờ sáng tới 17 giờ. Trong suốt thời gian đó, chúng tôi cũng làm rất nhiều quy trình như đánh giá, xét nghiệm, dùng thuốc nâng huyết áp… chứ không phải cái kiểu khám qua loa như lời chị Nên nói, tất cả đều được thể hiện trong hồ sơ bệnh án.

Đến 17 giờ cùng ngày, thấy tình trạng bệnh nhân tuy vẫn còn hôn mê, nhưng ổn định, mọi sự can thiệp kĩ thuật đều đã xong, bây giờ chỉ còn vấn đề chăm sóc và chờ. Vì thế, chúng tôi giải thích nên đưa bệnh nhân về bệnh viện tuyến tỉnh để chữa tiếp. Đó là chưa kể tới việc Bệnh viện Bạch Mai lại quá đông, Khoa Cấp cứu lại đang sửa chữa. Chưa có một lời nào nói đẩy bệnh nhân về nhà, hoặc trả bệnh nhân về càng không có".

Các bác sỹ đang xem xét hồ sơ bệnh nhân.

Sau đó, theo lời bác sỹ Chi nói, gia đình anh Thụy đã không đồng ý về Bệnh viện đa khoa Phố Nối mà xin về nhà. Song khi về đến nơi, gia đình bệnh nhân lại thấy anh Thụy không ổn và chưa mất như gia đình dự đoán, họ lại đưa trở lại Bệnh viện Bạch Mai.

Khi đưa trở lại, các bác sỹ ở đây đánh giá tình trạng của bệnh nhân vẫn ổn như lúc trước và tiếp tục giải thích với người nhà để họ đưa bệnh nhân về Bệnh viện đa khoa Phố Nối. Thứ nhất, vì ở đó có điều kiện có chỗ thoải mái. Hơn nữa đó là bệnh viện vệ tinh, là một cánh tay nối dài của Bệnh viện Bạch Mai. Và chúng tôi luôn luôn có bác sĩ ở dưới đó để làm việc cùng. Rõ ràng, gia đình cũng thống nhất đồng ý là đưa về và chúng tôi làm thủ tục, giấy chuyển viện cho bệnh nhân…

Tất cả diễn ra đúng quy trình

Nói về quy trình cấp cứu bệnh nhân, Bác sỹ Chi khẳng định: "Bệnh viện hoàn toàn làm theo quy trình. Người tiếp nhận bệnh nhân Thụy từ đầu tới cuối là TS Ngô Đức Ngọc. Tình trạng bệnh của bệnh nhân lần nhập viện đầu tiên được ghi lại như sau: "Vẫn phải thở bằng máy, phải dùng thuốc nâng huyết áp. Sang lần hai thì tình hình ổn hơn, thậm chí rất ổn vì không dùng thuốc mà vẫn có huyết áp".

Rõ ràng chúng tôi đã giải quyết ca này hết sức chủ động, bình thường cũng như bất cứ ca cấp cứu nào. Nếu cần phải can thiệp, cần phải mổ, cần làm các kĩ thuật cao thì chúng tôi đã giữ lại. Bạch Mai chỉ hơn các bệnh viện khác ở chỗ can thiệp kĩ thuật. Nếu không can thiệp kĩ thuật gì nữa thì Bạch Mai có khác gì những bệnh viện khác?".

Sau khi cho chúng tôi xem những giấy tờ, văn bản ghi lại cụ thể quá trình thăm khám bệnh nhân Thụy, bác sỹ Chi nói thêm về quy trình cấp cứu thông thường: "Bệnh nhân sẽ được bác sĩ khám, đánh giá tình trạng bệnh nhân, sau đó xử trí cấp cứu. Khi đánh giá bệnh nhân có thể ra khỏi khoa thì chúng tôi sẽ chuyển ra khỏi khoa. Mỗi ngày, hằng trăm bệnh nhân, nếu không chuyển đi nhanh thì một lúc khoa sẽ ngập lên. Một bệnh nhân ở lại có nghĩa bệnh nhân khác không được vào. Mà bệnh nhân này chúng tôi biết chỉ còn chăm sóc nữa thôi chứ không có can thiệp gì nữa. Nếu ở lại đây chúng tôi làm gì còn cơ hội để nhận bệnh nhân khác?"

Đó là chưa kể tới việc nhiệm vụ của Bệnh viện Bạch Mai được Bộ Y tế giao cho là hướng dẫn các bệnh viện tuyến tỉnh điều trị, giảm tải số lượng bệnh nhân tại đây như lời của Thạc sỹ Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Phòng Kế hoạch tổng hợp chia sẻ.

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai.

Theo Ths Lan Anh, "Khi chuyển về tuyến dưới, bao giờ bệnh viện cũng gặp gia đình bệnh nhân, trao đổi về tình hình bệnh tật, xu hướng tiến triển và hướng giải quyết. Và khi 2 bên đồng ý rồi mới chuyển được. Bây giờ gia đình bảo không đồng ý chuyển thì chúng tôi không bao giờ chuyển. Người ta không đi, người ta không thanh toán, thử hỏi có đi được không? Ở bệnh viện này, không thanh toán thì không ra khỏi viện được”.

Thậm chí, lúc 5 giờ chiều ngày 2/6, mặc dù bệnh viện đã giải thích tình trạng nặng cần hồi sức lâu dài tại tuyến tỉnh, gia đình vẫn kiên quyết xin về vì bệnh nặng. Khi xin về lần thứ nhất, vợ bệnh nhân còn ghi rõ vào hồ sơ rằng: "Tôi xin đưa về nhà, nếu có vấn đề gì xảy ra tôi xin chịu mọi trách nhiệm, không thắc mắc gì". "Rõ ràng đây là một quy trình làm việc hết sức thông thường. Chúng tôi không có gì sai cả".

Có điều gì nhầm lẫn ở đây?

Trong bài viết trước về vụ việc này có đề cập đến Y tá trưởng của Khoa Cấp cứu là bà Lê Thị Nguyên có nói rằng bệnh nhân Thụy khi được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng "ngừng tuần hoàn ngoại viện, tê liệt thần kinh do bị điện giật và khi đến đây đã tử vong rồi"?

Trả lời chất vấn của phóng viên về điều này, TS Chi nói: "Người điều dưỡng không được quyền trả lời những thông tin liên quan tới chuyên môn. Thứ nhất, đó không phải chức trách của họ. Thứ hai, lúc bệnh nhân Thụy được vào nhập viện, y tá Nguyên không có mặt ở đó, không cầm bệnh án nên không thể nắm được tình hình để trả lời.

Thông tin mà y tá Nguyên cung cấp không phải là thông tin chính thống, với nhiệm vụ của mình Y tá Nguyên chỉ nắm sơ bộ các bệnh nhân nhập viện trong ngày để báo cáo lại cho Phòng Kế hoạch Tổng hợp. 

TS Chi còn nói thêm: "Việc anh Thụy tỉnh lại, đang hồi phục các chức năng không phải là một kỳ tích như gia đình hay những người khác nghĩ. Đó là thành quả của y học, trong đó có sự giúp đỡ của Bệnh viện Bạch Mai nữa chứ. Nếu chúng tôi không đưa kỹ thuật và bác sỹ xuống đấy thì Bệnh viện Đa khoa Phố Nối làm sao làm được? Vì thế, chúng tôi vô cùng bất ngờ khi tiếp nhận luồng ý kiến trái chiều như thế".

Trong lúc ngành y tế đang vướng phải những "scandal" chưa có câu trả lời thỏa đáng từ phía những người cầm trịch thì câu chuyện gia đình bệnh nhân Thụy dấy lên một mối hồ nghi lớn về những người được xem là "từ mẫu" của nhân dân, dễ gây hoang mang dư luận.

Hồ nghi này chưa qua hồ nghi khác lại đến, nối tiếp nhau kéo xã hội xuống một cái hố sâu của sự u ám. Tuy nhiên, không thể chỉ vì một chuyện "con sâu làm rầu nồi canh" mà đánh đồng tất cả. Sự thật vẫn là sự thật. Và trong câu chuyện này, sự thật nằm trong giấy tờ, sổ sách của bệnh viện; và còn ở trong chính lời cam kết của người nhà bệnh nhân trước khi xin về.

Còn vì sao lại có sự "lệch pha" trái khoáy như thế giữa hai bên thì có thể như lời của TS Chi nói, "chắc là có một sự hiểu lầm hoặc một nguyên nhân khách quan nào đó giữa hai bên".

Công việc cứu chữa người bệnh là công việc áp lực từ tính mạng và sức khỏe của bệnh nhân, áp lực từ khâu quản lý của bệnh viện nhưng TS Nguyễn Văn Chi khẳng định, với ông nói riêng và hầu hết các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai nói chung thì khi đã khoác lên mình chiếc áo blu trắng, không có bất kì áp lực nào có thể ảnh hưởng tới lương tâm nghề nghiệp vì danh dự với đồng nghiệp, danh dự với nghề được ví rằng: "Lương y như từ mẫu".  (?!)

Đậu Dung - Cẩm Huyền
.
.
.