Khát vọng đổi đời của những cô gái ở "làng mại dâm"

Thứ Năm, 15/03/2018, 21:36
Trong căn phòng ngủ với bức tường sơn màu hồng, gấu bông và gối hình trái tim, Durga Chauhan, 19 tuổi, đọc sách và trò chuyện với bạn bè qua WhatsApp.

Căn phòng trong ngôi nhà nhỏ nằm dọc theo đường cao tốc ở nông thôn Ấn Độ này là nơi cô sinh ra và lớn lên. Đây là nơi cô mơ ước trở thành bác sĩ và cũng là nơi mà cô từng làm việc như một gái mại dâm.

Khát vọng đổi đời nhờ tri thức

Cuộc sống của nhiều phụ nữ thuộc cộng đồng Bacchara ở Madhya Pradesh - một tiểu bang ở trung tâm Ấn Độ gắn liền với công việc của gái bán dâm. Durga Chauhan thuộc về Bacchara - một cộng đồng mà phụ nữ là những người lao động chính trong gia đình. 

Nhiều người kiếm tiền bằng nghề mại dâm. Mẹ, bà của Durga Chauhan từng làm nghề mại dâm và cô cũng "tiếp bước" sau khi cuộc hôn nhân kết thúc. Để con gái không phải bước vào con đường bán dâm, mẹ Durga Chauhan đã cho cô kết hôn rất sớm. Tuy nhiên, ở độ tuổi 13, Durga Chauhan quyết định ly hôn sau vài tháng chung sống vì chồng thường xuyên say rượu và đánh đập cô.

Durga Chauhan không phải là trường hợp duy nhất bị đẩy vào con đường bán dâm trong những khu vực nông thôn nghèo Ấn Độ. Nhiều phụ nữ khác kể lại câu chuyện tương tự khi bị ép buộc bán dâm ở tuổi thanh thiếu niên vì nhu cầu kinh tế và áp lực gia đình. Rekha Chauhan, cô gái ngoài 30 tuổi là một trường hợp khác. Cô từng bán dâm khi còn rất trẻ.

Rekha Chauhan từng hành nghề mại dâm từ khi rất trẻ.

"Tôi bắt đầu bán dâm lúc 12 tuổi. Trong hai năm đầu, khi buộc phải bán dâm tôi thường ngồi lì một chỗ và khóc to. Tôi muốn đi đâu đó thật xa nơi này nhưng không thể. Không có tổ chức hay trại trẻ mồ côi nào đón nhận tôi", Rekha Chauhan nói. 

Cuối cùng, Rekha Chauhan tìm ra lối thoát thông qua hôn nhân. "Tôi đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Tôi có hai anh trai và không ai nói chuyện với tôi từ sau khi tôi kết hôn. Lý do rất đơn giản, nếu làm gái mại dâm, tôi có thể cung cấp tiền cho họ", Rekha Chauhan nói.

Rất ít cơ hội để quay trở lại cuộc sống đời thường với những phụ nữ muốn từ bỏ con đường bán dâm. Đó không đơn thuần là quyết định của cô gái mà còn chịu ảnh hưởng rất lớn từ người thân trong gia đình. Chính Rekha Chauhan đã giúp Durga Chauhan từ bỏ công việc bán dâm.

Durga Chauhan đã trả được phần lớn các khoản nợ và tìm được học bổng đi học. Giờ đây, Durga Chauhan đang giúp đỡ các thiếu nữ khác như cô ấy tìm lối thoát trong cuộc sống. 

"Tôi nói với những cô gái có hoàn cảnh như tôi rằng, bán dâm là công việc không tốt. Chúng ta nên học để có tri thức và chỉ có tri thức mới giúp thay đổi cuộc sống", Durga Chauhan nói.

Durga Chauhan nói tiếp, khi nhìn những người khác đến trường, cô luôn tự hỏi, tại sao mình không thể đi học? Tại sao phụ nữ không thể nghiên cứu? Chính mẹ Durga Chauhan đã ủng hộ cô đến trường.

"Mại dâm không phải kết quả của sự lựa chọn mà là con đường cuối cùng"

Phân biệt giai cấp là một vấn đề đã tồn tại từ rất lâu trong xã hội Ấn Độ. Con người sinh ra trong giai cấp nào buộc phải chấp nhận cuộc sống ở giai cấp đó. Mặc dù việc phân biệt đối xử giai cấp là bất hợp pháp nhưng nó vẫn diễn ra và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Giai cấp xác định vị trí xã hội, cơ hội, mối quan hệ của người dân trong các tầng lớp xã hội.

Monalika Tiwari, một nhân viên hoạt động xã hội của Jan Sahas - tổ chức từ thiện bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái bị ép buộc hoạt động mại dâm nói rằng, các cô gái trẻ thường bị ép bán dâm để kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Đàn ông trong cộng đồng dường như không phải làm việc. Trong khi đó, ít nhất một thành viên nữ trong gia đình buộc phải trở thành gái mại dâm thay vì kết hôn.

Căn phòng màu hồng mà Durga Chauhan lớn lên và cũng chính tại đây, cô hành nghề mại dâm để kiếm tiền nuôi gia đình.

"Mại dâm không phải kết quả của sự lựa chọn mà là con đường cuối cùng. Giai tầng là một trong những nguyên nhân của tình trạng này. Những tầng lớp dưới trong xã hội luôn phải sống trong đói nghèo, bất bình đẳng và phân biệt giới tính", Ruchira Gupta, người sáng lập tổ chức từ thiện Apne Aap nói. Mục đích của Apne Aap là giúp đỡ gái mại dâm trở về cuộc sống thường ngày.

Ashif Shaikh, người sáng lập Jan Sahas cho biết, tổ chức từ thiện này đã làm việc với khoảng 6.000 cô gái buộc phải làm nghề mại dâm vì nguyên nhân liên quan đến phân biệt giai cấp. Shaikh đồng tình quan điểm cho rằng, cơ cấu quyền lực trong các cộng đồng là nguyên nhân chính đẩy phụ nữ vào con đường bán dâm.

Bên cạnh đó, gia đình cũng là một rào cản lớn. Gia đình thường phản đối cho con em đến trường cho dù tri thức được coi là "chất xúc tác" quan trọng cho sự thay đổi. "Các ông bố không muốn con gái đi học vì họ là những người kiếm tiền chính trong gia đình", Ashif Shaikh nói. 
Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.