Vụ "kiều nữ" Hải Dương có sở thích cưỡng dâm tài xế taxi:

Không đủ căn cứ xử lý hình sự phóng viên viết bài

Thứ Ba, 06/05/2014, 14:44

Vụ việc gây xôn xao dư luận vào cuối tháng 12/2013, khi Báo điện tử Người đưa tin liên tiếp đăng tải các bài viết về một người phụ nữ tên N, Việt kiều Mỹ, từng sinh sống trên địa bàn TP Hải Dương, có sở thích quái dị là dụ dỗ các tài xế taxi đến ngôi biệt thự của chị ta rồi lừa cho uống thuốc kích dục và... cưỡng dâm.

Không đủ căn cứ!

Vụ việc này từng gây ầm ĩ khi sau đó, chị Phạm Thị Thanh Ngọc tình cờ đọc được các bài báo trên qua mạng Internet và nhận ra bức ảnh chụp ngôi biệt thự của mình, đã tức tốc bay từ Mỹ về Việt Nam, đồng thời thuê luật sư Hoàng Cao Sang giúp đỡ mình về thủ tục pháp lý. Ngay trong ngày hôm sau đặt chân tới Việt Nam, chị Ngọc đã gửi đơn tố cáo tới Công an tỉnh Hải Dương, đề nghị xử lý các phóng viên, vì theo chị Ngọc, các phóng viên của Báo điện tử Người đưa tin đã viết bài, xúc phạm chị là "nữ dâm tặc", là "kẻ cuồng dâm" chuyên đi dụ dỗ cho tài xế uống thuốc kích dục để ép buộc họ quan hệ tình dục trái ý muốn của họ. Theo chị Ngọc, các nội dung viết về chị là hoàn toàn bịa đặt, dựng chuyện, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của chị và đề nghị các cơ quan hữu quan truy tố những phóng viên viết bài về tội vu khống.

Chị Ngọc và luật sư trong cuộc gặp gỡ báo chí.

Tuy nhiên, theo Thượng tá Phạm Khắc Điệp - Phó phòng PC45 Công an tỉnh Hải Dương: Qua xem xét nội dung đơn tố cáo và theo kết quả xác minh ban đầu, cơ quan điều tra xác định: Các bài báo "Hoang mang kiều nữ có sở thích cưỡng hiếp lái xe", "Lết khỏi nhà kiều nữ, tài xế lẩy bẩy nhập viện" và "Diện kiến kiều nữ thích lạm dụng tài xế taxi trong phòng ngủ" đăng trên Báo điện tử Người đưa tin trong các ngày 26, 28 và 31/12/2013, phản ánh về một hiện tượng, một vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh Hải Dương, nhân vật được nêu là "kẻ cuồng dâm", "nữ dâm tặc" trong bài viết không bị nêu đích danh, họ tên, địa chỉ cụ thể.

Do đó không có cơ sở cho rằng các phóng viên viết bài xâm phạm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bất cứ cá nhân nào, vì vậy, không có dấu hiệu của tội vu khống theo Điều 122 BLHS. Về các tài xế taxi được viết tắt tên như Q, N, K thì cơ quan điều tra cũng không thể xác định được. Riêng tài xế Bối thuộc Hãng taxi Mai Linh, cơ quan điều tra đã gọi hỏi nhưng tài xế này phủ nhận hoàn toàn chuyện mình bị chị Ngọc cưỡng dâm như các bài báo đã nêu. Kể cả ông Tuyên, người đã giải cứu phóng viên (khi phóng viên bị chị Ngọc chuẩn bị xâm hại) cũng phủ nhận chuyện này. Cũng theo Thượng tá Điệp, một số tài xế taxi cho biết có đến ngôi nhà đó để chở chị Ngọc nhưng còn về chuyện bị lạm dụng tình dục thì ai cũng phủ nhận.

Không nêu đích danh nhưng... ai cũng biết!

Tuy các bài báo viết về "kiều nữ" Hải Dương không nêu đích danh tên tuổi, địa chỉ cụ thể của nhân vật, ngoài tên viết tắt nhân vật N. duy nhất, nhưng khi chúng tôi về thành phố Hải Dương để tìm hiểu sự việc (ngay sau khi loạt bài này được đăng tải) thì hỏi bất cứ ai về nữ Việt kiều tên N. được đề cập trong các bài báo đang làm xôn xao dư luận, họ cũng nói cho chúng tôi tên tuổi đầy đủ của chị N. chính là Phạm Thị Thanh Ngọc, Việt kiều Mỹ.

Họ cũng dẫn chúng tôi đến tận ngôi biệt thự mà chị Ngọc đã bán cho người khác (đây cũng là ngôi biệt thự trong tấm ảnh minh họa cho loạt bài viết về "kiều nữ" Hải Dương). Và người dân nơi đây khẳng định, "kiều nữ" tên N. trong các bài viết chính là chị Phạm Thị Thanh Ngọc.

Ngày thứ hai sau khi về nước, chị Ngọc đã cùng luật sư tới Công an tỉnh Hải Dương gửi đơn, sau đó luật sư của chị Ngọc đã tới tòa soạn Báo Người đưa tin để yêu cầu được xin lỗi công khai trên báo. Tuy nhiên, yêu cầu này đã bị từ chối, đồng thời vị đại diện Báo Người đưa tin cho rằng, các bài viết về "kiều nữ" Hải Dương không liên quan đến chị Ngọc và chị Ngọc không phải là nhân vật N trong bài viết.

Từ thời điểm đó cho đến nay, không có thêm bài viết nào về "kiều nữ" Hải Dương nữa, đồng thời số đông các báo khác đã lên tiếng bênh vực, cảm thông và chia sẻ với những gì chị Phạm Thị Thanh Ngọc đã phải trải qua trong suốt thời gian vừa rồi, nhất là khi chị Ngọc có dấu hiệu thần kinh không bình thường. Tuy nhiên, sau khi PC45 Công an tỉnh Hải Dương ra thông báo (về việc trả lời đơn của bà Phạm Thị Thanh Ngọc) cho rằng, không có căn cứ để xử lý hai phóng viên viết bài, thì ngay lập tức sau đó, trên Diễn đàn nhà báo trẻ, xuất hiện một status, được cho là của một trong hai phóng viên viết bài đã kể tiếp một câu chuyện về "nhân vật N".

Xin trích đăng nguyên văn: "Về chị N. hiện tại đang ở Việt Nam, bạn tôi vừa gửi cho tôi clip chị ngồi giữa một nhà hàng chiều nay tại Hà Nội, gạ gẫm cho các bạn xem ngực đẹp và vén áo cho các bạn cùng xem, tôi không có nhu cầu viết bài về chị nên bạn nào cần tôi cung cấp. Tôi cung cấp cả clip chị N. kể là thường xuyên quan hệ cùng anh trai ruột tên là B ở HD, số tiền mà chị đưa cho luật sư S và bị luật sư này dụ dỗ khởi kiện như thế nào...".

Không những thế, phóng viên này còn cung cấp cả hình ảnh chị Ngọc trong tư thế... ngực trần. Nhiều comment của các nhà báo khác cho rằng, phóng viên này không khảo mà xưng, tự dưng lại "lạy ông tôi ở bụi này". Trong khi cơ quan Công an thông báo không đủ căn cứ để kết luận chị N. là ai, thì phóng viên lại "thổ lộ" trên Diễn đàn nhà báo trẻ rằng mình có rất nhiều tư liệu về chị N., đồng thời "hé lộ" thêm nhiều câu chuyện động trời khác nữa của chị N.

Theo chúng tôi, về góc độ pháp lý, có thể không xử lý được về mặt hình sự các phóng viên viết bài, nhưng câu hỏi đặt ra là: Nếu nhân vật N. không phải là chị Ngọc, vậy thì là ai? Tại sao trong bài viết lại sử dụng hình ảnh căn nhà của chị Ngọc. Dù bài báo chỉ là hư cấu một nhân vật nào đó để câu lượng truy cập của độc giả nhưng việc dùng hình ảnh căn nhà của người khác là vi phạm pháp luật, chưa nói đến việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

 Hiện tại, theo tìm hiểu của chúng tôi, bệnh thần kinh của chị Ngọc càng ngày càng nặng, bố mẹ đã già yếu của chị Ngọc phải giúp đỡ chị  Ngọc rất nhiều trong công việc, hoạt động hằng ngày. Luật sư Hoàng Cao Sang cho chúng tôi biết, hiện tại ông đã dừng việc trợ giúp pháp lý cho chị Ngọc vì căn bệnh thần kinh của chị Ngọc khiến ông không thể trao đổi, nói chuyện được nữa. Cách đây khoảng 3 tuần, ông Sang từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội theo lời mời của chị Ngọc, nhưng trong cuộc trao đổi, chị Ngọc lúc nói lúc cười, lúc bảo ông Sang làm việc này, thoắt cái lại đề nghị ông làm việc khác.

Bức ảnh chụp ngôi nhà của chị Ngọc đăng kèm các bài viết.

Theo luật sư Hoàng Cao Sang, trong trường hợp chị Ngọc không đồng ý với Thông báo của Công an tỉnh Hải Dương thì trong thời hạn 15 ngày, chị Ngọc có quyền khiếu nại đến thủ trưởng cơ quan này để giải quyết. Nếu thủ trưởng cơ quan này ra quyết định giải quyết mà chị Ngọc vẫn không đồng ý thì chị Ngọc có quyền khiếu nại đến Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương theo Điều 329 BLTTHS.

Có thể vụ việc rồi sẽ không đi đến đâu, các phóng viên viết bài có thể sẽ "thoát hiểm" ngoạn mục, nhưng dư âm về vụ "kiều nữ Hải Dương" thì có lẽ sẽ còn là cái tiếng bám theo các phóng viên này rất lâu nữa trong cuộc đời làm báo. Xin hãy nhớ, đó là một bài học!

Xin trích đăng các ý kiến của một số nhà báo trên Diễn đàn Nhà báo trẻ xung quanh vụ việc này:

- Ở bài viết ra ngày 26 và 28/12/2013, các tác giả đưa ra các nhận định mang tính kết luận về hành vi của một phụ nữ thực hiện trong nhà riêng của mình với một số đàn ông có đủ năng lực hành vi dân sự (và họ không có đơn gửi Công an với tư cách bị hại). Để đưa ra các kết luận này, các tác giả viện dẫn nhiều nguồn tin mang tính đồn thổi, hoặc nguồn tin có tên nhưng lại viết mập mờ như "các tài xế lái xe taxi có tên Bối, Q., N. và K. thuộc Hãng taxi Mai Linh" và hoàn toàn không có các chi tiết cụ thể về thời gian, hoàn cảnh xảy ra sự việc. Như vậy có đúng các quy định của pháp luật về "Xác định nguồn tin trên báo chí" ban hành theo Quyết định 52/2008/QĐ-BTTTT ngày 2-12-2008 của Bộ trưởng Bộ VH-TT và quy định về đạo đức nghề nghiệp không? (lưu ý là người được đề cập đang phải trị bệnh).

- Một số hình ảnh về cổng ngôi nhà, đường phố... có làm cho độc giả nhận ra căn nhà và chủ nhân của nó, cho dù như Công an xác định nhân vật được cho là "nữ dâm tặc", "kẻ cuồng dâm" trong bài viết không bị nêu đích danh tên họ, địa chỉ cụ thể. Vậy việc đăng tải như thế có khả năng gây ra thiệt hại và hậu quả cho công dân hay không?

- Một sự việc (có thể) có thật xảy ra trong không gian của cá nhân, chưa có dấu hiệu vi phạm Luật Hình sự thì báo chí có thể khai thác không. Bởi vì: "Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền".

Nhóm PV
.
.
.