Mang bầu đi cướp để có tiền khám thai

Thứ Hai, 16/01/2012, 07:59

Những ngày cuối năm, trời tuy rét mướt nhưng Diệu lại tỏ ra "mình đồng, da sắt" mà không thấy lạnh. Cô gái có gương mặt ngây thơ đã dọa giết người, cướp tài sản chỉ vì không biết làm sao với cái thai đang lớn dần trong bụng và không có tiền nuôi thân…

Giết người kiếm tiền… khám thai

Gần 2 tháng  trôi qua nhưng người dân cư ngụ ở khu phố 1 (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) vẫn chưa hết hoảng hồn khi chứng kiến sự việc một bà bầu cầm dao khống chế bà chủ ki ốt cho thuê truyện để cướp. Nếu không may mắn thì bà chủ đó đã bị hung thủ siết cổ bằng tấm ri đô cuộn lại cho đến chết. Manh động hơn, đối tượng cầm cả dao Thái Lan kề cổ bắt cống nạp tài sản. Được người dân ứng cứu nên nạn nhân đã được giải thoát trước cái chết trong gang tấc. Nạn nhân là bà Đỗ Thị Hoa (SN 1946, ngụ cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh), còn hung thủ là Nguyễn Thị Diệu sống lang bạt tại khu vực bến xe Miền Đông và đang mang bầu tháng thứ 5.

Thật không thể tin nổi khi người dân khu phố 1 (phường Hiệp Bình Chánh, quận thủ Đức) bắt được đối tượng ra tay hòng sát hại bà chủ quán cho thuê truyện lại là một thiếu nữ mới 22 tuổi, đang mang bầu tháng thứ năm. Như  thường lệ, lúc 16 giờ hằng ngày, khi mọi người tan sở về trên cung đường ở khu vực này tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng. Nhưng vào ngày 17-10 nó lại đông đúc hơn bởi nhiều người hiếu kỳ muốn tận mục sở thị bà bầu giết người.

Tại ki ốt số 111 ngay trên quốc lộ 13, đoạn gần ngã tư Bình Triệu (thuộc khu phố 1, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) có một thiếu phụ đang mang bầu bị người dân xung quanh bắt được đang bị lực lượng công an tra tay vào còng. Thị sát hại nạn nhân để kiếm tiền đi khám thai. Nhìn gương mặt thiếu phụ "sát thủ" Nguyễn Thị Diệu với nét mặt còn non nớt, bụng mang dạ chửa thì không ai lại nghĩ rằng ả dám làm điều động trời như vậy. Khi lý do mà ả đưa ra khiến người chứng kiến cũng không thể nào tin được bởi ả đã dựng lên một màn kịch hoàn hảo đến không ngờ.

Với vẻ mặt còn chưa hết bàng hoàng sau việc bị "ám sát" hụt, bà Đỗ Thị Hoa bức xúc kể lại: "Đây là nơi tôi thuê mấy năm nay phục vụ việc kinh doanh cho thuê truyện. Hằng ngày, khách vào thuê truyện thường là người quen và những người dân trong khu phố. Thi thoảng, cũng có vài khách lạ nhưng công việc vẫn diễn ra đều đều và không có gì phải đáng sợ. Cho đến một ngày, có một cô bé với dáng vẻ thư sinh đến đây đọc truyện từ sáng đến tối. Tôi có hỏi thì chỉ nhận được câu trả lời của cô bé là nhà cô ấy ở bên kia cầu Bình Triệu nhưng không dám thuê truyện về nhà vì sợ mẹ la. Những ngày sau đó, ngày nào cô bé ấy cũng đến ki ốt của tôi và ngồi đọc truyện từ sáng cho tới 3 - 4 giờ chiều mới về. Thấy cô bé có vẻ hiền lành, thật thà nên tôi chẳng nghi ngờ và không hỏi gì thêm. Sau này tôi có hỏi tên và biết được tên cô bé ấy là Diệu.

Hôm xảy ra sự việc, Diệu đến từ rất sớm, mới 8 giờ sáng là nó đã ghé tiệm tôi ngồi xem chuyện. Thời gian bẵng đi, lúc đó khoảng 4 giờ chiều, Diệu đứng dậy đi xung quanh, lựa mấy cuốn chuyện và nói là thuê về nhà đọc, rồi hỏi tôi có bán băng keo không để mua về cho mẹ. Sẵn trong tiệm có cuộn băng keo mới mua chưa dùng đến, tôi đưa cho Diệu đem về cho mẹ. Cầm cuộn băng keo, Diệu bấm điện thoại gọi ai đó rồi vào nhà vệ sinh. Được một lúc thì hốt hoảng chạy ra nói trong nhà vệ sinh có con chuột chết và bảo tôi lấy bao bóng gắp ra khỏi thối. Thời điểm đó ở khu vực này bị cắt điện nên tôi bảo "tối vậy sao thấy mà gắp ra", nhưng Diệu bảo bà cứ mang hai bao bóng vào cháu chỉ cho mà lấy.

Tin lời nó, tôi đi vào trong nhà vệ sinh theo sự chỉ dẫn của Diệu để tìm chuột chết. Đang loay hoay, tôi bị Diệu dùng tấm ri đô che nhà vệ quấn ngang cổ xiết chặt lại. Hoảng quá, tôi đứng bật dậy trúng người Diệu nên nó bị bất ngờ rồi chới với ngã người ra sau. Tôi vùng dậy chạy thì Diệu cũng lao theo chụp được áo tôi lôi ngược vào trong, tay cầm dao Thái lan kề cổ tôi để khống chế" - Bà Đỗ Thị Hoa nhớ lại.

Bà Đỗ Thị Hoa run rẩy khi kể lại vụ án ngày.

Nghe tiếng người hét lên, chị Khoán ở ki ốt bên cạnh chạy sang và thấy cảnh tượng hãi hùng, bà Hoa đang kêu cứu "bớ… bớ người ta, cướp, cướp….". Chị Khoán kể về sự chứng kiến của mình: "Đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết nên dù sợ hãi nhưng bà Hoa vẫn luôn miệng kêu cứu mà mình chưa có cách nào ứng cứu. Lúc này thấy có người lạ đến, Diệu buông dao xuống, lấy tay bịt miệng nạn nhân. Bà Hoa liền vớ lấy con dao quẳng ra ngoài cửa rồi cố vùng vẫy thoát ra. Hai bên tiếp tục giằng co qua lại, Diệu vừa phải ôm bà vừa phải bịt miệng không cho bà kêu cứu nên bà đã vùng ra.

Lúc này, tôi đã vào hẳn trong nhà nên Diệu buông bà Hoa ra, đứng nép về một bên tỏ vẻ như không có chuyện gì. Như vớ được vàng, bà Hoa lao đến bên tôi, miệng ú ớ… rồi chỉ về hướng Diệu rồi nói bắt… bắt nó, "nó định giết tui, giữ lấy báo Công an". Tôi hô hào mọi người xung quanh đến để phụ giúp bắt giữ Diệu nhưng Diệu tỏ vẻ thơ ngây, ngơ ngác nói "em có làm gì đâu"…

"Trần tình" của thủ phạm

Ngồi đối diện với chúng tôi là một cô bé với khuôn mặt rất hiền có phần ngây thơ, giọng nói dịu dàng nhưng có phần rụt rè. Như chưa từng được khóc, Diệu khóc nức nở như một đứa trẻ rồi bình tĩnh kể lại cho chúng tôi nghe về tuổi thơ không êm đềm cùng quãng thời gian sóng gió vừa đến với em.

Cô gái này sinh ra và lớn lên ở Phan Thiết (Bình Thuận). Kinh tế gia đình phụ thuộc vào những chuyến đi biển của cha và việc buôn bán cá của mẹ. Năm 2008, mẹ mất, ba đi bước nữa khiến em trở nên lẻ loi. Vốn là thân con gái đang trong tuổi lớn, nhạy cảm nên em thấy mình bị bỏ rơi và ghét người phụ nữ đã giành mất tình thương yêu của cha mình. Và câu nói: "mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng" cứ xoáy vào tâm hồn Diệu. Chán chường, Diệu bỏ nhà lên TP HCM. "Một mình nơi đất khách quê người, không người thân thích, không chỗ ở, lại không có tiền bạc. Em trở thành kẻ "tối đâu là nhà, ngã đâu là giường" ngay từ khi bước chân xuống thành phố và bến xe Miền Đông là mái nhà của em từ thuở ấy.

Để mưu sinh, em phải làm đủ nghề kể cả việc của đàn ông để kiếm tiền lo cho bản thân và tương lai tăm tối phía trước. Hằng ngày, em đảo quanh khu vực  bến xe, ai thuê gì làm nấy. Từ việc phụ bưng bê phở, cà phê đến việc bốc dỡ hàng xuống xe, em đều làm được hết. Tưởng rằng cuộc đời cứ trôi êm ả theo dòng chảy của thời gian và cuộc sống của em cũng như bao đứa trẻ lang thang, phiêu bạt khác. Cho đến một ngày, em gặp một người đàn ông cũng đã luống tuổi đáng cha chú tỏ lòng thương xót.

Không rõ danh tính của người ấy, mà em cũng chẳng cần biết tên họ của người ta để làm gì. Sau một thời gian quấn quít, em đã trao thân cho gã họ sở này. Cũng bởi mỗi lần nhận được sự quan tâm của anh ấy lại có thêm tiền tiêu, thế nên lịch trình gặp nhau của em và anh ấy không được ấn định, chỉ khi nào anh ấy rảnh thì đến với em và điểm đáp là những nhà nghỉ ngay cạnh bến xe Miền Đông" - giọng Diệu chầm chậm buồn.

Giọng Diệu chùng hẳn xuống, khóc nấc lên: "Thường thì mỗi tuần vài ba lần anh ấy đến với em và chúng em lại êm ái trong vòng tay quên đi nỗi nhọc nhằn mưu sinh. Mỗi lần như vậy, em lại có thêm vài trăm ngàn để chi tiêu. Với em như vậy là quá đủ cho một cuộc đời bất hạnh, lang thang. Tuy nhiên, cái gì cũng có cái giá của nó và em trở thành nạn nhân của cái giá đó khi không lường hết hậu quả. Cho đến khi biết em có thai (mà không thể phá bỏ được) thì người đàn ông cũng thưa đến dần, trong khi nhu cầu ăn uống, chi tiêu càng ngày càng lớn. Công việc cũng ít đi vì không ai thuê người có bầu làm việc nữa. Túng quẫn, em tìm đến tiệm truyện đọc để giết thời gian và để giải khuây.

Sau đó, thấy bà chủ thường hay ở đây một mình nên em đã lên kế hoạch kiếm tiền từ việc làm phi pháp để có tiền khám thai và có tiền ăn uống cho bản thân. Chỉ chờ cơ hội là sẽ ra tay. Thế nhưng, em đã phải trả giá cho hành động liều lĩnh, ngu dốt và sai trái của mình sau những ngày trong nhà tạm giam của Công an này".

Rời nhà tạm giữ Công an quận Thủ Đức tôi thấy xót thương cho số phận của cô gái "trẻ người, non dạ" này. Tuy hành động của Diệu chưa dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và lại gây án trong tình trạng mang thai nhưng việc làm của Diệu cũng đáng để lên án, nó còn là bài học đắt giá cho những ai đang vướng vào vòng xoáy của lỗi lầm

Đức Mừng
.
.
.