Từ việc xử phạt và đình bản Báo điện tử Trí Thức Trẻ:

Mạnh tay với kiểu làm báo rẻ tiền câu khách

Thứ Năm, 04/09/2014, 17:30

Kết luận của thanh tra Bộ này chỉ rõ Báo Trí Thức Trẻ đã có 3 hành vi vi phạm pháp luật về báo chí: Không ghi rõ họ, tên thật hoặc bút danh của tác giả, nhóm tác giả bài báo; đăng ảnh của cá nhân khi chưa được sự đồng ý của người đó và đăng thông tin gây mất đoàn kết.

Mới đây nhất, với việc để lọt bài viết có tựa đề "Gái miền Tây và 3 chữ "N" nổi danh thiên hạ", Báo điện tử Tri Thức Trẻ cũng nổi danh làng báo và xôn xao dư luận khi phải nhận quyết định đình bản 3 tháng và bị phạt 207 triệu đồng do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn ký ban hành Quyết định. Việc tờ báo của Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam bị "tuýt còi" một lần nữa cho chúng ta thấy tình trạng xuất bản vô tội vạ trên các ấn phẩm báo chí, truyền thông hiện nay đã đến lúc cần có một "lề thói".

Kết luận của thanh tra Bộ này chỉ rõ Báo Trí Thức Trẻ đã có 3 hành vi vi phạm pháp luật về báo chí: Không ghi rõ họ, tên thật hoặc bút danh của tác giả, nhóm tác giả bài báo; đăng ảnh của cá nhân khi chưa được sự đồng ý của người đó và đăng thông tin gây mất đoàn kết.

Và sau quyết định này, ngay lập tức website của tờ báo điện tử này ở địa chỉ http://ttvn.vn/ tạm ngừng mọi hoạt động và chỉ còn một thư xin lỗi công khai duy nhất đến từ Ban biên tập và tập thể biên tập viên, phóng viên, nhân viên Báo điện tử Trí Thức Trẻ. 

Với bài viết về gái miền Tây, báo điện tử Trí Thức Trẻ tạm thời bị đình bản 3 tháng.

Kết luận của Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá rằng bài viết đã đăng trên tờ Trí Thức Trẻ là "điển hình của những trò giật gân, câu khách rẻ tiền trên một số tờ báo điện tử hiện nay". Điều đó cũng có nghĩa rằng không chỉ có một Trí Thức Trẻ mà vẫn còn nhan nhản Trí Thức Trẻ.

Với mức độ truyền tin nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, báo điện tử cũng như những trang tin (hoạt động giống như một tòa soạn báo độc lập) đang áp đảo và chiếm ưu thế so với báo giấy. Hẳn nhiên, đây là xu thế chung và tất yếu không riêng gì của nước ta. Thế nhưng, tình trạng các ấn phẩm này xuất bản vô tội vạ với chiêu trò giật gân, câu khách đang trở thành một mô-típ chung, gây "náo loạn" làng báo.

Và thế là, từ bỏ việc cung cấp thông tin, báo chí giờ đây chỉ còn chức năng giải trí - giống như showbiz. Điều đó làm cho người đọc bị bội - thực - thông tin vô tội vạ. Đến nỗi, có những người khước từ báo chí. Họ sợ báo chí. Họ chấp nhận mình là những người lạc hậu và không văn minh. Lý do mà họ đưa ra, đó là báo chí bây giờ đánh mất sự tử tế và chỉ khiến họ hư người.

Ý kiến trên có phần cực đoan nhưng cũng đã thể hiện phần nào một góc hiện thực truyền thông hiện nay. Có biết bao nhiêu tờ báo xuất bản/ copy - paste tin tức mỗi ngày? Và biết bao dòng chảy thông tin được khơi thông rồi "ách tắc" ngay sau đó khi những tin tức thuộc dạng "hot", câu view liên tục xuất hiện. Và rồi chính dạng tin tức này cũng thay đổi liên tục và được "copy" một cách vô tội vạ từ trang này sang trang khác.

Làm sao hạn chế được tối đa sự "cải hóa" trong đội ngũ nhà báo và cả những người tiếp nhận? Làm sao đưa những tờ báo điện tử/ trang tin vào quỹ đạo chế tài pháp luật về báo chí nói chung? Và khi vi phạm, thì phải xử phạt như thế nào để lần sau không tái diễn? Còn nữa, những tờ báo "ăn theo" nên xử phạt như thế nào cho hợp lý?

Trước Trí Thức Trẻ, cũng có rất nhiều tờ báo bị bị phạt, phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí đóng cửa. Tuy nhiên, việc xuất bản tin tức vô tội vạ ấy vẫn tràn ra trên mặt báo mỗi ngày. Người đọc hằng ngày vẫn phải hứng chịu sự - bủa - vây - nhạt - nhẽo từ truyền thông.

Thiết nghĩ, đã đến lúc, những nhà quản lý Nhà nước về báo chí nên kết thúc thái độ "thỏa hiệp" và thiếu dứt khoát với những tờ báo dạng này để góp phần thanh lọc và đưa báo chí trở về đúng chức năng của mình

X.Q.
.
.
.