Miền Tây Nghệ An, ám ảnh nạn buôn người…

Thứ Năm, 10/04/2014, 11:14

Trong chuyến công tác đầu năm tại miền Tây xứ Nghệ, một trong những chủ đề được các chiến sĩ cắm bản Công an huyện Kỳ Sơn “lưu ý”, là nạn buôn người đang trở nên nhức nhối trong thời gian qua. 

Một phần do địa bàn trải rộng theo dọc đường biên, phần nữa bọn tội phạm ma mãnh, song điều đáng tiếc là do nhận thức của người dân bản địa, dù đã có hàng trăm phụ nữ ra đi không trở về, cũng đồng nghĩa với chừng ấy ông chồng mất vợ, những ông bố bà mẹ mất con, nhưng trước những lời dụ dỗ ngọt nhạt của những kẻ táng tận tương tâm khi vẽ ra trước mắt một viễn cảnh mộng mơ, xán lạn, nhiều người vẫn nhắm mắt đưa chân để rồi sa vào cạm bẫy. Cũng bởi vậy, những bi kịch mang tên buôn người cứ thế tiếp diễn, ám ảnh.

Thực ra, vấn nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới bằng chiêu lừa xin việc ở thành phố, đã diễn ra âm ỉ từ rất lâu ở các huyện biên viễn của miền Tây xứ Nghệ, từ Con Cuông đến Tương Dương, Quỳ Châu đến Quế Phong, Kỳ Sơn. Năm nào cũng có ít nhất vài ba chục vụ việc xảy ra, có những người từ nạn nhân đã trở về quay lại lừa bán những người khác, khiến cái vòng luẩn quẩn ấy cứ lặp lại như một chu kỳ không thể khác vậy. Đã cảnh báo, tuyên truyền, vận động, thậm chí phạt tiền, xét xử lưu động để tạo sự răn đe, nhưng dường như ma lực về một cuộc sống ở chốn phồn hoa đô hội vẫn là sức hút quá lớn, để lôi kéo những người phụ nữ chốn thâm sơn cùng cốc này bước chân ra khỏi bản, mà đâu biết rằng, lần đi ấy có thể là lần sau cuối.

Chuyện từ một người mẹ vượt biên tìm con

Xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) nằm chênh vênh bên dòng sông Nậm Mộ, nơi đây từ lâu đã là điểm nóng về tệ nạn đưa phụ nữ qua bên kia biên giới. Kể cho tôi nghe về những câu chuyện thương tâm, ông Lô Như Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Lập dõi đôi mắt xa xăm vào khoảng không vô định, chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng trong khoảng 5 năm trở lại đây đã có hàng trăm phụ nữ và trẻ em rời làng ra đi mà không trở về. Riêng năm 2013 xác định được 14 phụ nữ qua Trung Quốc rồi bỏ chồng con ở quê nhà để lấy chồng mới, định cư nơi đất khách quê người. Trong đó, bản Chà Lắn 10 người, bản Xốp Nhị 3 người, bản Xốp Thảng 1 người. Có gia đình lần lượt 2 con gái níu chân nhau cùng ở xứ người như trường hợp của chị Lô Thị Bình ở bản Xốp Nhị.

Chị Bình có chồng tật nguyền, sinh được 2 trai và cô con gái xinh xắn. Giữa năm 2010, người em dâu ở huyện Tương Dương lên thuyết phục gia đình cho cháu lớn là Lô Thị Ngọc (SN 1995), đang học lớp 7 đi nấu ăn thuê cho mấy người xẻ gỗ ở xã Nậm Cắn, lương mỗi tháng 3 triệu đồng. Thấy thu nhập cao, lại là chỗ anh em bà con, gia đình không mảy may nghi ngờ, đã cho cháu đi. Nào ngờ lần đi ấy anh chị đã mất con vĩnh viễn. Thay vì đưa cháu đi nấu ăn, người em dâu này đã mang cháu sang Trung Quốc bán làm vợ cho người ta để nhận về số tiền 10 triệu đồng thông qua một người khác. Chưa dừng lại ở đấy, lấy lý do đưa em gái đi tìm chị, người này đã đưa đứa con gái thứ 2 Lô Thị Ôn mới 15 tuổi sang Trung Quốc và bán luôn. Sau đó, vì quá thương con, đích thân chị Lô Thị Hồng đã sang xứ người tìm con, nhiều tháng vật vạ nơi đất khách, chị tìm được con nhưng không đủ tiền chuộc, đã đi làm thuê kiếm tiền. Ba tháng sau quay lại chuộc con thì con đã bị bán qua tay một người khác. Người mẹ này đành đau đớn nuốt nước mắt vào lòng chấp nhận cảnh mất con.

Một xã có 235 phụ nữ bị lừa bán

Cũng tại Kỳ Sơn, anh Hà Văn Thái, Trưởng Công an xã Hữu Kiệm buồn phiền cho biết, hiện toàn xã có hơn 40 phụ nữ bị nghi lừa bán ra nước ngoài. Con số này ngày càng có biên độ tăng theo thời gian, khiến nhà chức trách nơi đây rất quan ngại nhưng để ngăn chặn rất khó. Phần vì nhận thức của đồng bào chưa cao, phần nữa địa bàn rộng, các bản làng gần như nằm tách biệt, người dân cũng vì đói khát ăn mặc nên dễ dàng nghe theo những lời nói như mật rót vào tai của bọn buôn người. Theo anh Thái, chính bởi vậy nên khi người lạ đến đưa phụ nữ và trẻ em ra khỏi địa bàn, cơ quan chức năng cũng không nắm được là họ đi đâu, làm gì. Chỉ đến lúc mất con, mất vợ, họ mới đến trình báo Công an thì sự thể đã rồi. Tại xã Hữu Kiệm, hệ lụy từ việc buôn người ám ảnh đến từng gia đình.

Anh Lô Văn Học (SN 1983), có vợ là chị Lô Thị Khôm (SN 1984), hai vợ chồng có được 3 người con. Cách đây hai năm, nghe theo lời rủ rê của một người bạn ở xã Đôn Phục (Con Cuông), chị Khôm bỏ chồng con lại quê nhà, xuống thành phố phục vụ quán ăn để nhận lương 6 triệu đồng như lời hứa hẹn. Song cũng từ bấy đến nay, chị này biệt tích không dấu vết, để lại mình anh Học cảnh gà trống nuôi con. Bận bịu mưu sinh, anh cũng không biết phải tìm vợ ở đâu, ngoài việc trình báo với chính quyền. Hay như trường hợp của ông Lương Văn Mày, có con gái là Lương Thị Huyền, lấy chồng sinh được 2 đứa con cũng theo người ta đi làm ăn và bặt tin tức 3 năm nay. Cách đây hơn một năm về trước, chồng chị Huyền vào rừng đốn gỗ bị lũ cuốn mất tích, một mình ông Mày đã ngoài 60 tuổi phải chăm hai đứa cháu ngoại, một lên 5 và một lên 4, cơ cực đủ đường.

Nhức nhối nhất về vấn nạn buôn người ở miền Tây xứ Nghệ có lẽ là xã Chiêu Lưu, với hơn 200 phụ nữ và trẻ em bị lừa bán tính từ năm 2007 trở lại nay. Ông Lê Thanh Bình, Trưởng Công an xã Chiêu Lưu cho biết, đến tháng 1-2014, cả xã có 235 người bị đưa qua Trung Quốc, có bản như Lưu Thắng có trên 100 người. Số nạn nhân này tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Thậm chí, có gia đình mẹ sang ở một thời gian rồi quay về đưa con gái sang. Còn qua đó làm gì thì chính quyền sở tại cũng không nắm được. Mặc dù Công an và các ban ngành đã đẩy mạnh công tác ngăn ngừa, thậm chí mạnh tay với tệ nạn buôn người song tình trạng này vẫn không giảm. Riêng trên địa bàn xã Chiêu Lưu, trong năm 2013, Công an xã phát hiện, bắt giữ 13 vụ đưa người sang Trung Quốc bán, giải cứu hàng chục nạn nhân. Hiện, trên địa bàn có khoảng 130 hộ gia đình chỉ có đàn ông, và hơn gần 200 hộ thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người vợ, người mẹ. Những người đàn ông với nhau, họ tự quán xuyến mọi việc trong nhà, từ lên rừng kiếm tiền đến đi chợ, nấu ăn, giặt giũ và cả chăn nuôi, cấy hái. Nhịp sống như vậy đã diễn ra từ lâu, ăn sâu vào nếp cảm nếp nghĩ của từng người, ai cũng cam phận, vui vẻ chấp nhận nên cảm thấy bình thường. Kỳ thực, họ có muốn lấy thêm vợ khác để về lo việc gia đình, cũng chẳng còn phụ nữ nữa.

Để ngăn chặn nạn buôn người, thời gian qua Công an Nghệ An đã phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, tổ chức đồng bộ nhiều biện pháp từ tuyên truyền, vận động đến thực hiện việc “ba cùng”, bám dân bám bản. Cùng với nhiều vụ án buôn người được triệt phá, các đối tượng này được đưa ra xét xử công khai, lưu động để làm gương, nhiều phong trào khác cũng được triển khai, trong đó có việc tổ chức các câu lạc bộ tuyên truyền do chị em phụ nữ làm chủ. Điển hình là Câu lạc bộ Lá chắn lại bản Đồng Điện, xã Đôn Phục, huyện Con Cuông. Từ trước đến nay, đây là điểm nóng về tệ nạn buôn bán phụ nữ với hơn 100 người bị đưa sang bên kia biên giới. Tháng 7-2013 Câu lạc bộ Lá chắn ra đời, với sự tham gia của 30 phụ nữ trong xã, nhằm tuyên truyền, vận động bà con, chủ yếu là chị em phụ nữ và các cô gái mới lớn, tránh xa sự dụ dỗ, lôi kéo của người xấu. Từ khi thành lập đến nay, nhiều chị em bắt đầu thay đổi nhận thức và tình trạng mua, bán người, dụ dỗ, lôi kéo chị em phụ nữ và các em gái trong bản đi làm ăn xa giảm hẳn. Hiện, mô hình này được đánh giá cao và sẽ triển khai nhân rộng tại các xã nhức nhối tệ nạn buôn người.

Đại tá Nguyễn Văn Đề, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, xuất phát từ nhận thức pháp luật còn hạn chế, cuộc sống khó khăn nên khi bị dụ dỗ, lừa phỉnh, nhiều gia đình đã nghe theo. Thậm chí, trong số đó có những gia đình bị lừa đến lần thứ hai, thứ ba vẫn tiếp tục mắc sai lầm. Nhiều nạn nhân sau khi trở về lại đi lừa người thân, bạn bè, tất cả vì cơm áo gạo tiền. Trong thời gian tới, Công an huyện Kỳ Sơn sẽ đẩy mạnh công tác tauyên truyền, kết hợp các biện pháp cứng rắn để không nhân lên thêm những nỗi đau vốn đã khoét sâu trong từng gia đình, là nạn nhân của tội phạm buôn người này

Thành Thảo
.
.
.