Miếng ăn là miếng tồi tàn

Thứ Bảy, 08/03/2014, 14:22

Gần đây, theo một thống kê nào đó, người Việt lại được đưa lên hàng kỷ lục trong chuyện tiêu thụ rượu bia và một trong những thứ mồi nhậu phục vụ rượu bia ấy lại là thịt chó, với con số nghe đâu lên tới 5 triệu con chó được tiêu thụ hằng năm. Thống kê từ phía nước ngoài ấy lại làm dấy lên một làn sóng từ chính những người Việt trong và ngoài nước về chuyện ăn thịt chó, mà đặc biệt rất nhiều trong số đó gay gắt cho rằng, những người ăn thịt chó là dã man và mọi rợ bởi họ nhận xét “chó là người bạn trung thành nhất của loài người”. 

Mấy năm gần đây, chuyện người nước ngoài có ý kiến đả kích người Việt về việc ăn thịt chó xuất hiện khá thường xuyên, với một cái nhìn hoàn toàn theo văn hóa phương Tây và do đó, nó có thể được chấp nhận cởi mở trên khía cạnh khác biệt về văn hóa ẩm thực. Thực chất, người Việt không có văn hóa ăn thịt chó một cách thường xuyên như người Hàn Quốc và thậm chí, ở một số vùng miền, đặc biệt là phía Nam, thịt chó cũng không phải là thứ thực phẩm quá phổ biến. Và hơn nữa, với một số ý kiến thiểu số như vậy, dù là có căng thẳng đi nữa, người Việt cũng không phải thanh minh làm gì cho chuyện sử dụng thịt chó như một món đặc sản của mình.

Gần đây, theo một thống kê nào đó, người Việt lại được đưa lên hàng kỷ lục trong chuyện tiêu thụ rượu bia và một trong những thứ mồi nhậu phục vụ rượu bia ấy lại là thịt chó, với con số nghe đâu lên tới 5 triệu con chó được tiêu thụ hằng năm. Thống kê từ phía nước ngoài ấy lại làm dấy lên một làn sóng từ chính những người Việt trong và ngoài nước về chuyện ăn thịt chó, mà đặc biệt rất nhiều trong số đó gay gắt cho rằng, những người ăn thịt chó là dã man và mọi rợ bởi họ nhận xét “chó là người bạn trung thành nhất của loài người”.

Đúng là việc ăn thịt chó không nên được cổ súy và xét ở khía cạnh nào đó, việc con người sử dụng chính “người bạn thân nhất của mình” làm thực phẩm thì cũng có chút gì đó đáng phải suy nghĩ. Song, việc đả phá những người ăn thịt chó có lẽ cũng cần phải được cân nhắc lại trong một giới hạn vừa phải, chứ không thể coi những người ăn thịt chó là dã man hay mọi rợ được.

Một ví dụ chúng ta cần phải nhìn nhận và suy nghĩ chính là món foie gras (gan ngỗng) của người Pháp. Đây có thể coi là một trong những đặc sản “trấn sơn” của người Pháp nhưng ở một số quốc gia, ví dụ như ở Mỹ, món ăn đó không được cộng đồng chấp nhận rộng rãi. Đơn giản, những người chống lại nó dựa trên lý do việc nuôi ép ngỗng để cho ra buồng gan cỡ lớn là cách hành xử dã man đối với loài vật. Bởi thế, tiêu thụ foie gras Pháp ở Mỹ là không thể. Nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa với chuyện ở chính nước Mỹ, vẫn có những người mê foie gras thực sự. Và người Mỹ cũng không sử dụng từ “dã man” hay “mọi rợ” để chỉ trích người Pháp về chuyện đó. Còn người Pháp, họ vẫn sản xuất, tiêu thụ foiegras như thường.

Quy trình cưỡng ép để ngỗng cho buồng gan vĩ đại khiến món foie gras không được ưa chuộng ở Mỹ và nhiều quốc gia khác.

Việc ăn một thứ thực phẩm nào đó được coi là đặc sản ở nước này nhưng lại là cấm kỵ trong văn hóa ẩm thực nước khác vẫn là chuyện thường tình trên thế giới này. Điển hình như thịt bò trong cộng đồng Ấn Độ giáo và thịt lợn trong cộng đồng Hồi giáo là hai thứ cấm sử dụng nhưng với nhiều quốc gia trên thế giới, nó lại là món ngon và bổ dưỡng.

Thế giới vốn đa dạng, đa màu sắc văn hóa và chính sự đa dạng, đa màu sắc đến khác biệt nhau ấy chính là thứ tạo nên vẻ đẹp cho đời sống này. Không thể nào bớt một mảng màu nào đó, dù nó chỉ là một chấm nhỏ trên bức tranh tổng thể. Mỗi thứ đều tồn tại với nhiệm vụ và giá trị riêng của nó mà chính tạo hóa đã trao cho nó nhiệm vụ và giá trị ấy. Chính vì thế, những chấm dù nhỏ nhất ấy mới tồn tại lâu đời đến thế và không thể bị phủ nhận dễ dàng như thế.

Vấn đề đáng được nhìn nhận ở đây xoay quanh câu chuyện thịt chó của người Việt lại là điểm khác, điểm đang làm chính người Việt chúng ta ngày một trở nên trì trệ hơn.

Thứ nhất, chúng ta quá cả tin vào những gì được gắn cái mác là “nước ngoài bảo thế”. Sự cả tin ấy lớn đến mức, chưa cần kiểm chứng gì, chỉ cần có nguồn tin nước ngoài thôi là chúng ta đã dựa vào nó coi như một tham chiếu chắc chắn. Ví như vụ tiêu thụ 5 triệu con chó mỗi năm chẳng hạn. Thống kê đó độ chính xác là bao nhiêu %, được thực hiện qua phương pháp thống kê nào… Những câu hỏi đó, chúng ta không đặt ra mà vội sử dụng ngay đáp án của họ để làm điểm tựa cho lập luận của mình.

Thứ nhì, chúng ta có quyền bảo vệ động vật và kêu gọi ngừng ăn thịt chó nhưng chúng ta không có quyền đả kích những người ăn thịt chó là “mọi rợ” hay “dã man”. Chấp nhận sự khác biệt là điều người Việt thực sự đang thiếu hôm nay, không chỉ ở chuyện nhỏ này,  mà còn ở nhiều khía cạnh khác nữa. Đưa ra quan điểm của mình, bảo vệ nó, thách thức những quan điểm khác là điều nên làm, là quyền chúng ta được làm nhưng khăng khăng đòi bôi xóa quan điểm trái chiều là chuyện không hề văn minh chút nào trong thế giới đa chiều hôm nay.

Văn hóa ẩm thực của mỗi dân tộc mỗi khác nhau, việc chúng ta đến một vùng văn hóa khác và dè bỉu thực phẩm của họ đã là sự tối kị rồi. Đằng này, vào hùa với những người nước ngoài nhìn văn hóa ẩm thực của chính dân tộc mình bằng con mắt thiếu sự cảm thông và thiếu tìm hiểu căn nguyên lại càng tối kị nữa. Các cụ đã nói “miếng ăn là miếng tồi tàn” mà chúng ta còn “mắng mỏ” nhau chỉ vì miếng ăn đến mức miệt thị, chẳng phải là còn tồi tài hơn ư.

Có chăng, chỉ nên vận động người khác “bớt dùng” cho tới thôi không sử dụng thịt chó nữa, việc đó có ý nghĩa và hay ho hơn biết bao. Đằng này, coi chính đồng bào của mình là thiếu văn minh, dã man, việc đó cũng chẳng thể giúp chính bản thân ta trở nên văn minh hơn chút nào…

H.Anh
.
.
.