Người mẹ cay nghiệt với đứa con trai làm giàu trong uất hận

Thứ Năm, 11/10/2012, 16:21
“Thằng ngu kia, lần mò gì mà lâu thế, dọn cơm nhanh lên để em nó còn đi học”. Khi nghe những lời quát mắng này, hiếm ai có thể nghĩ đó là những lời nói mà mẹ “dành” cho tôi trong suốt những năm tháng ấu thơ.

Tại sao mẹ lại khắc nghiệt với tôi thế, tôi là con trai cả, em tôi cũng là con trai, nhưng sao cái cách đối xử của mẹ đối với hai anh em tôi hoàn toàn khác biệt. Mẹ thường xuyên đay nghiến, xỉ vả tôi là thằng ngu, thằng vô tích sự. Còn em trai tôi, mẹ coi nó như lẽ sống của mẹ. Anh em tôi rất quý nhau. Hưng - thằng em tôi có lần tâm sự: “Em hỏi mẹ tại sao cứ mắng anh Minh như thế. Mẹ trả lời rằng nó là thằng phá gia chi tử, nó sẽ là cái họa của nhà này. Con phải học hành thật giỏi để sau này làm chỗ dựa cho cha mẹ lúc về già. Chứ còn cái thằng kia, chẳng nhờ vả gì được nó đâu”.

Cả đêm đó tôi đã khóc, những lời của mẹ như nhát dao cứa vào lòng đứa trẻ mới 12 tuổi là tôi. Tôi cũng đi học, cũng làm việc nhà. Những đồng tiền duy nhất tôi nhận từ mẹ là tiền ăn sáng, tôi có làm gì mà mẹ bảo tôi là phá gia chi tử. Trong lòng tôi ngấm ngầm một nỗi uất hận: mẹ đặt niềm tin vào thằng Hưng, mẹ muốn thằng Hưng là chỗ dựa sau này thì tôi sẽ nhường cái nhiệm vụ cao cả ấy cho nó, tôi vẫn sẽ học, sẽ kiếm một nghề. Tôi sẽ chăm chỉ làm lụng để trở nên giàu có...

Bố tôi nhìn tôi thở dài: “Thanh niên đến nơi rồi mà còm nhom. Hay là bố bảo mẹ đưa con đi cắt mấy thang thuốc bắc”. Mẹ tôi đang lúi húi ở bếp liền quắc mắt: “Phí tiền à, muốn khỏe thì phải làm việc nhiều vào”. Bố lại tiếp tục thở dài. Trong nhà, mẹ là người quyết định mọi thứ. Bố tôi trước là công nhân, bị tai nạn lao động nên về nghỉ mất sức. Hằng ngày bố chỉ quanh quẩn ở nhà. Tối đến, bố dọn dẹp bàn ghế, cho lên cái xe đẩy ra đầu phố bán hàng nước. Mẹ tôi thì làm việc ở nhà máy. Mẹ vất vả lắm mới kiếm đủ tiền nuôi cả gia đình, tôi biết vậy, nhưng đó không phải là lý do để mẹ tôi mắng mỏ tôi cay nghiệt như thế.

Mãi đến năm 15 tuổi, tôi mới biết cái lý do mà mẹ lại khắc nghiệt với tôi. Câu chuyện khá tế nhị nên mọi người luôn giấu kín. Đến khi tôi đủ lớn, các dì mới tiết lộ cho tôi biết. Hóa ra tôi không phải là con của bố. Mẹ trước khi lấy bố có phải lòng một người đàn ông hào hoa từ thành phố về nghiên cứu đề tài tại nhà máy. Hai người yêu nhau và kết cục là mẹ tôi mang thai. Biết tin này, người đàn ông kia rũ bỏ trách nhiệm và trở về thành phố. Mẹ tôi đau đớn đến mức nhảy xuống con sông bên cạnh nhà máy tự tử. Người cứu được mẹ là bố tôi bây giờ. Hồi đó, ông là công nhân lái xà lan chở nguyên vật liệu cho nhà máy của mẹ. Cứu được mẹ, biết được câu chuyện, ông tình nguyện cưới mẹ và trở thành bố của 2 anh em tôi.

Ngày tôi ra đời, bà và các dì đã đưa mẹ tôi đến nhà hộ sinh. Bố tôi lúc đó còn đi chở hàng chưa về. Mỗi chuyến bố tôi đi chừng một tuần mới về nhà một lần, đấy là tôi nghe các dì kể lại chứ khi tôi nhận thức được, bố tôi đã trở thành một người tàn phế. Bố tôi gặp tai nạn đúng hôm tôi được sinh ra. Hôm đó, trời đột ngột chuyển mưa, bố tôi nhờ người cầm lái, ông trực tiếp ra xà lan lúi húi kiểm tra bạt che hàng. Lúc ngẩng đầu lên, ông thấy chiếc xà lan đang tiến sát một chiếc xà lan khác. Ông quát, ông hò hét, người cầm lái vẫn không để ý. Ông chạy vội lên khoang lái, trời mưa nên sàn trơn, ông bị ngã thò luôn cái chân vào khe giữa 2 chiếc xà lan đang dần hẹp lại. Một người ở xà lan bên kia chỉ kịp nhét một thanh tre vào giữa 2 chiếc xà lan. Những tiếng rốp rốp vang lên, ống tre bị vỡ và đầu gối của bố tôi cũng bị vỡ.

Ông mất việc, gia đình túng quẫn. Mẹ tôi sau này bấn loạn quá, bà đi xem bói để làm chỗ dựa tinh thần. Ngờ đâu, thầy bói lại phán tôi chính là đứa con khắc tinh với tất cả mọi người trong nhà. Tôi là nguyên nhân của các mối họa, tôi là nguyên do của vụ tai nạn của bố... Tệ hơn nữa, gã thầy bói phán sau này mẹ tôi sẽ không trông cậy được vào tôi. Tôi sẽ đi một phương xa để sinh sống và người chăm sóc bố mẹ sẽ là em tôi...

Ảnh minh họa.

Sau này đẻ thằng Hưng, em tôi, mẹ tôi càng tin lời thầy bói là sự thật. Từ đó, tôi bị mẹ hắt hủi, thường xuyên bị mẹ đánh mắng vô cớ...

Các dì còn kể rằng, tôi rất giống người đã phụ bạc mẹ, cũng có thể vì nguyên nhân đó mà mẹ chưa bao giờ có cảm tình với tôi. Học hết phổ thông, tôi chạy khắp nơi xin việc. Khi tôi tìm được việc làm ổn định thì em tôi cũng đang học lớp 10. Công việc của tôi là nhân viên đóng xén tại một nhà in nên thường xuyên phải làm tối, làm đêm để phục vụ cho những hợp đồng gấp gáp. Một lần, tôi chỉ kịp về nhà ăn vội bữa cơm rồi lại phải đến nhà in ngay. Thấy tôi vội vã đứng dậy sau bữa cơm, mẹ tôi quát: “Thằng kia! Đi đâu mà mất mặt. Muốn đi đâu thì phải rửa hết chỗ bát đĩa kia rồi hẵng đi”. Tôi ức quá: “Con đi làm chứ có phải đi chơi đâu?”. - “Đi làm thì cũng phải rửa bát, để thằng Hưng nó còn lo học hành. Sau này cả nhà trông chờ vào nó chứ mày thì được cái tích sự gì”. Tôi lẳng lặng bê mâm cơm ra sau nhà hất tất cả ra vườn rau rồi lầm lũi đi làm trong sự tủi nhục.

Từ hôm đó, tôi không về nhà nữa. Bố và Hưng thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm, còn mẹ thì tôi có gọi điện về nhà, thấy giọng tôi là bà dập máy. Tôi ở hẳn trong nhà in, nhận làm tất cả những công việc đêm hôm mà người khác ngại làm nhường lại. Bác giám đốc nhà in thấy tôi chăm chỉ nên quý lắm, cho tôi ở nhờ trong căn phòng trực đêm bé tí tẹo. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường đọc hết những ấn phẩm, những tạp chí, những tờ báo mà chúng tôi vừa in ra... Nó đã giúp tôi hiểu biết khá nhiều điều. Tôi nghĩ rằng mình phải học tiếp, có thể là tôi sẽ thi tại chức vào một trường đại học nào đó. Nhất định tôi sẽ phải học để có thể tự lập một cách vững vàng.

Hơn một năm sau, tôi đỗ đại học hệ tại chức. Vừa học vừa làm nên hết sức vất vả. Cùng lớp với tôi là những người lớn tuổi, đã có danh phận. Họ đi học chỉ để lấy cái bằng phục vụ cho việc thăng quan tiến chức. Còn tôi, tôi học để lấy kiến thức lập nghiệp.

4 năm sau, dưới sự giúp đỡ của anh quản đốc phân xưởng, tôi được anh mời về để làm tại xưởng in của anh. Anh cho tôi mượn một gian phòng để ở và công việc của tôi là quản lý tất cả lĩnh vực thiết kế, chế bản, in ấn ở đó... 3 năm sau, xưởng in đó đã trở thành một công ty in khá uy tín, có cơ sở 2 tại phía Nam. Tôi giữ vai trò trọng trách ở đó và cũng có cổ phần trong công ty.

Tôi thỉnh thoảng có liên lạc với Hưng, nó vẫn thông tin rằng công việc của nó rất tốt, mức lương cao, đã mua được ôtô. Nó cũng sắp lấy vợ, một cô vợ theo nó là chân dài như người mẫu. Ở nhà, mẹ tôi vẫn khỏe, bố thì vẫn bị đau chân mỗi khi trái nắng trở trời. Dù sao thì tôi cũng mừng, hy vọng thằng Hưng sẽ gánh vác tốt trọng trách gia đình.

Tôi lấy vợ, đám cưới tôi chỉ có thằng Hưng và bố tôi vào dự. Tôi thấy bố tiều tụy, ăn mặc giản dị, chẳng có gì ra vẻ là ông bố của một người con thành đạt. Tôi hỏi Hưng thì nó cứ lảng sang chuyện khác. Lúc chia tay bố, tôi biếu ông 10 triệu đồng. Ông đón nhận mà run rẩy xúc động lắm. Hưng bảo tôi là họ đi bằng máy bay, nhưng khi lên xe taxi, tôi nghe rõ tiếng bố tôi nói với lái xe là cho ra bến xe. Chiếc xe vụt đi để lại cho tôi những mối hoài nghi. Đi suốt chặng đường ấy mà phải ngồi xe khách thì chắc chắn không phải là người có kinh tế khá giả.

Sau mấy ngày trăng mật, tôi rủ vợ ra Hà Nội chơi và cũng nhân tiện về quê thăm nhà. Căn nhà từ hồi tôi ra đi vẫn thế, trước cửa có thêm chiếc xe máy cũ rích của Hưng chứ chẳng thấy cái ôtô nào cả. Mẹ nhìn thấy tôi thì lẳng lặng bỏ đi, hình như bà đang cố giấu những giọt nước mắt. Tôi dẫn vợ đi thăm các dì và để nghe họ kể những điều chân thực nhất. Hóa ra Hưng và bố đã nói dối tôi, nhà tôi vẫn rất khó khăn. Hưng được mẹ chiều quá nên hư, kiếm được bao nhiêu tiền nướng hết vào lô đề cờ bạc. Hưng bị đuổi việc và suốt ngày bám vào mẹ. Cô người yêu của nó chỉ là một cô gái chơi bời, bám lấy Hưng trong những lúc nó thắng bạc, trúng lô tiêu tiền như nước, đến khi hết tiền, cô ta lại cặp với người khác.

Bao nhiêu kỳ vọng của mẹ tôi đặt vào Hưng đã tan thành mây khói. Mẹ tôi thất vọng lắm, nhưng với cái tính khí gàn dở nên rất khó để bà chịu xuống nước với tôi. Phải mất đến 2 ngày, tôi mới có thể nói chuyện được với mẹ. Tôi xin lỗi mẹ, tôi hứa sẽ lo cho cả nhà chỉ với một điều kiện: Mẹ phải để thằng Hưng tự lập.

Mẹ tôi khóc rất nhiều, chưa bao giờ tôi thấy thương mẹ như thế, có lẽ mẹ đã hối hận. Tại sao mẹ lại tin vào thầy bói? Tại sao mẹ lại đặt niềm tin vào một đứa con mà chỉ quen được chăm bẵm, chiều chuộng? Cách dậy con của mẹ đã quá sai lầm nên đến bây giờ Hưng mới ra nông nỗi này. Mẹ tôi đã rất khổ, nhưng nỗi khổ đó đều do mẹ tự gây ra. Cũng may là đến lúc này, mẹ đã nhìn ra vấn đề và đã chấp nhận đứa con là tôi. Dù sao thì tôi cũng không thể thường xuyên chăm sóc mẹ. Chỉ còn một cách duy nhất là tôi sẽ giúp Hưng “học” làm người lớn, biết lo cho gia đình, biết kiếm những đồng tiền chân chính và biết rằng: mẹ vẫn kỳ vọng vào em rất nhiều

Quang Minh
.
.
.