Người ta lạy mình rồi kìa!

Thứ Bảy, 17/05/2014, 15:07

Chỉ trong vòng 1 ngày, bức ảnh tay đua mô tô 135cc người Malaysia qùy sụp xuống đường lạy khán giả Việt Nam ở Bình Dương hôm 27/04 đã gây bão trên các phương tiện truyền thông cũng như trên các trang mạng xã hội. Một hình ảnh gây sốc thực sự, cú sốc mà mỗi người Việt xem vào đó chắc chắn đều cảm thấy xấu hổ, thở dài và nhận ra chính mình có một phần trách nhiệm trong đó.

Thái độ ứng xử công cộng của người Việt ở khắp nơi đã là vấn đề nhức nhối chung suốt nhiều năm nay và nó không còn là hiện tượng nữa mà dường như đã trở thành bản chất của người Việt hôm nay (ít ra là trong mắt du khách nước ngoài).

Chắc không cần nhắc lại, ai cũng còn nhớ mãi thảm họa cướp hoa ở Hà Nội năm nào và vụ hôi bia,  năm vừa rồi ở miền Nam. Điều đó khiến mỗi chúng ta phải nghĩ rằng phải chăng, chưa bao giờ xã hội Việt Nam trở nên mất trật tự và hỗn loạn đến thế?. Đó là một câu hỏi mở hoàn toàn bởi trả lời nó không chỉ dùng mỗi một từ “đúng” hay “sai” mà còn là cả một ngàn lý do đã tạo nên sự hỗn loạn ấy.

Vụ khán giả tràn vào đường đua ở Bình Dương hôm 27/04 kể trên thậm chí còn không dừng lại ở mỗi hành vi tay đua Malaysia kia qùy lạy người Việt Nam mà còn thêm những điểm nhấn tối tăm khác mà cụ thể là những thanh niên lợi dụng sự lộn xộn đã biểu diễn những màn chạy xe mạo hiểm như bốc đầu, lạng lách ngay trên phố và có kẻ quá khích đã bị lực lượng công an bắt giữ.

Những ai ở TPHCM hay các tỉnh lân cận chắc chưa bao giờ quên nỗi ám ảnh cảnh thanh niên tụ tập về đua xe ngay trên bãi biển Vũng Tàu giữa thanh thiên bạch nhật trong các ngày cuối tuần và đặc biệt là những ngày lễ lớn như 30/04 hay 02/09. Họ bất chấp sự an nguy của những du khách đang tắm biển, tắm nắng trên bãi cát và cứ thể thể hiện mình ngay trên bãi cát dù đó có là lúc 8g sáng hay 4g chiều đi nữa.

Rõ ràng, chúng ta có thể trách tại quản lý nhà nước còn chưa sâu sát; cung cách tổ chức các sự kiện còn chưa chuyên nghiệp mà cụ thể là ở Bình Dương, việc tổ chức sự kiện ngoài trời chưa tuân thủ theo đúng nguyên tắc của pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh nhưng điều đáng trách nhất lại nằm ở chính mỗi chúng ta khi thái độ thượng tôn pháp luật của đại đa số dân cư còn quá kém.

Tay đua Malaysia lạy người Việt Nam.

Nhiều người miền Nam ra Hà Nội đều bất ngờ về việc người Hà Nội lưu hành giao thông mà không đội mũ bảo hiểm đã trở thành chuyện bình thường. Trong khi đó, ở TPHCM, Đà Nẵng, Nha Trang hay Cần Thơ, đó là điều đã nằm sâu trong ý thức của mỗi người. Hơn nữa, người ta càng bất ngờ hơn khi gần như tuần nào cũng được xem một video clip đại khái theo kiểu thanh niên cứng làm lực lượng CSGT phải bó tay. Không hiểu, những trang mạng, những tờ báo điện tử giới thiệu những video ấy là để cổ súy điều gì? Hay là chỉ cần câu khách, họ không cần suy nghĩ đến hệ quả của việc tiếp tay phát tán những hình ảnh coi thường pháp luật như thế? Và dù cho là mục đích, lý do nào đi nữa, bản thân việc phát tán các hình ảnh dạng đó cũng đều bắt nguồn từ chính sự thiếu thượng tôn pháp luật.

Mỗi con phố ở các đô thị đều có những đường vạch vôi trắng dành cho người đi bộ với đèn tín hiệu rõ ràng. Song, không mấy ai băng qua đường theo tín hiệu chỉ dẫn và đúng chỗ dành cho mình đó. Mặt khác, bản thân những người điều khiển xe cơ giới cũng chẳng thèm nhường đường cho những người đi bộ đúng chỗ, theo đúng đèn tín hiệu. Một xã hội như thế, bảo sao không có nhiều tai nạn, không có nhiều những án mạng đáng tiếc chỉ vì chuyện va chạm giao thông nho nhỏ.

Thời điểm này đang là đầu mùa hè và chúng ta chắc chắn sẽ gặp nhiều hình ảnh thanh niên quần đùi cởi trần chạy xe nghênh ngang trên phố; hình ảnh chị em phụ nữ mặc đồ ngủ đi chợ như chuyện cơm bữa thường ngày. Hình ảnh không mỹ quan đó không chỉ làm xấu chính họ, chính địa phương họ sinh sống mà nó cũng thể hiện thái độ coi thường pháp luật trong chính mỗi người.

Và ở hoàn cảnh như thế, chúng ta nên đặt ra câu hỏi khác: “Phải chăng, các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật của chúng ta còn quá hiền lành?”. Nhưng đừng vội trả lời câu hỏi ấy  mà hãy nhìn vào tương lai của vấn đề nếu như có một lệnh cấm được đưa ra kiểu như “Cấm ăn mặc phản cảm ra phố”. Lúc ấy, sẽ lại có hàng ngàn, hàng vạn kẻ hiểu biết lên phản ứng theo một định dạng chung “rỗi hơi mới ra những luật lệ như thế”. Nhưng có ai ngờ rằng, chính những kẻ phản ứng như thế lại cứ thở than với nhau mãi rằng “xã hội bây giờ loạn mất rồi. Chẳng ai còn ý thức gì nữa cả”.

Vâng, người nước ngoài vẫn được mang ra làm hình mẫu về thái độ văn minh công cộng cho người Việt. Bây giờ, người ta đã lạy mình rồi đó, mình đã sáng mắt ra được thêm chút nào chưa? Hay là ta cứ tỏ ra mình là người văn minh thôi nhưng ngay từ trong các hành vi thường nhật của mình, chính mình mới là người luôn luôn thiếu thượng tôn pháp luật?

H.Anh
.
.
.