Nguy hiểm cảnh sống nơi miệng "hà bá"

Chủ Nhật, 07/09/2014, 10:00
Nhiều năm nay vài chục hộ dân xã Phương Trung, Kim Thư (Thanh Oai, Hà Nội) phải sống trong cảnh thấp thỏm lo sợ vì hiện tượng lún, sụt lở ven sông Đáy. Đã có gia đình nhà bị lún, nứt nẻ và phải chuyển đi nơi khác ở để đảm bảo tính mạng. Các gia đình bị sập công trình phụ, tường bao là chuyện thường như cơm bữa. Nếu cơ quan chức năng không sớm vào cuộc chỉ 1 trận lũ cũng đủ để dòng sông đáy nuốt chửng vài chục ngôi nhà, đe dọa tính mạng hàng trăm người dân.

Bỏ nhà để bảo toàn tính mạng

Khoảng 10 năm trở lại đây nhiều hộ dân của hai thôn Tây Sơn (xã Phương Trung), Đoàn Kết (xã Kim An) lại sống trong lo lắng, sợ hãi sau mỗi trận mưa. Bởi những vạt đất thổ cư, cây cối, vườn tược cứ thế bị hà bá nuốt chửng. Các biển cảnh báo nguy hiểm liên tục được chính quyền, người dân cắm lên. Những khóm tre như thể bị bóc ra từng mảng nối tiếp nhau tạo thành những hố sâu hoắm hình hàm ếch sát vào nhà dân. Theo phản ánh của các hộ ven sông này, tốc độ sạt lở rất nhanh, chỉ một đêm thức dậy cả khu công trình phụ, tường bao có thể bị hòa vào dòng nước hung dữ. Nhiều nhà ở đây cách sông chỉ vài mét, mỗi lần nước dâng lên vỗ bì bõm bên hông nhà.

Chúng tôi đến khúc sông sung yếu này vào đúng những ngày Hà Nội hứng chịu những trận mưa rào triền miên. Hơn ai hết người dân ven đê sông Đáy tỏ ra lo lắng như thể đang ngồi trên đống lửa. Đưa ánh mắt ngầu đỏ về phía dòng nước chảy xiết ông Nguyễn Văn Thành (xã Kim Thư) nói: "Trước đây sân nhà tôi xuất hiện 1 hố mối, gia đình lo lắng mua đất đá đổ vào cho đầy. Thế nhưng từ năm ngoái lại xuất hiện thêm vài lỗ nữa. Mỗi mùa nước lên, nước cuốn cả 1 khoảnh vườn, tạo thành những hàm ếch sâu hoăm hoắm. Nhà tôi bị nứt toác phía trái nghiêng hẳn về phía sông". Nhận thấy tình hình nghiêm trọng ông Thành cùng vợ con phải chuyển đi nơi khác ở. Do kinh tế khó khăn, hầu hết các hộ tại khu vực này khắc phục vẫn chỉ là tạm thời, đối phó với bề nổi như: Chống nhà, đóng cọc bao…

Biển cảnh báo nguy hiểm người dân cắm đề phòng người lạ qua lại khu vực nguy hiểm.

Cũng giống như nhiều hộ gia đình khác đang sinh sống bên ven bờ sông Đáy, gia đình anh Lê Văn Lợi (thôn Tây Sơn, xã Phương Trung) luôn sống trong thấp thỏm. Mùa khô còn đỡ, vào mùa mưa thì những thành viên trong gia đình anh Lợi đứng ngồi không yên. Nỗi lo mưa bão "nuốt" mất ngôi nhà mình đang ở là có thật. Anh Lợi tâm sự: "Năm kia gia đình tôi đã phải bỏ ra mất chục triệu để cạp lại cái bờ. Nhưng đó cũng chỉ là tạm bợ thôi. Mưa lớn, gió to là vợ chồng con cái vẫn phải chạy đến ở nhờ nhà người thân".

Ngồi cạnh chồng, vợ anh Lợi chêm lời: "Đợt nào mưa bão mà được báo trước thì gia đình tôi sẽ chủ động dời nhà. Nhưng cũng có bận, nửa đêm bão gió đùng đùng, cả nhà cứ ngồi chong chong không ai dám ngủ. Ngộ nhỡ ngủ quên mà có chuyện gì xảy ra thì không ứng phó kịp. Những hôm có bão thì nhà của tôi chả khác nào động đất, rung lắc sợ lắm. Đất phía sau nhà cứ sạt rào rào. Giờ đất của cha ông để lại, chỉ còn biết sống chung với nó chứ còn biết chuyển đi đâu được nữa".

Cũng theo lời vợ chồng anh Lợi thì diện tích đất trước đó của nhà anh là 1 xào 10 thước, tương đương với gần 500m nhưng giờ bị xói mòn và sạt lở nên chỉ còn chưa nổi 400m. Nguyên nhân sạt lở ngày một nghiêm trọng là do người ta hút cát quá nhiều. Hơn nữa, từ ngày xã Kim Thư xây được kè, có bao nhiêu nước dồn tất xuống khu vực xã Phương Trung nên tình trạng sạt lở càng trở nên nghiêm trọng.

Bà Hòa rớt nước mắt nhìn ngôi nhà của mình bị "hà bá" nuốt trôi.

Sát nhà anh Lợi là một bãi đất hoang, có viền gạch xung quanh. Hỏi ra mới biết, trước đó là ngôi nhà của vợ chồng ông Lê Văn Toàn và bà Nguyễn Thị Hoa. Thế nhưng vài năm trước, ngôi nhà đó bị trơ móng vì bị lở đất. Đất lở đã xé ngoác một phía đầu đốc nhà ông Toàn. Lo sợ ngôi nhà sẽ bị đổ sập trong nay mai, người em trai của ông Toàn đang sinh sống nơi xa đã điện thoại về cho anh trai bảo ông bà chuyển qua phần đất được chia của mình để ở. "Giờ vợ chồng con cái tôi phải chuyển tất lên phía trên ở. Cái nhà này đã bán cho một người khác rồi nhưng họ cũng chỉ mua để đấy thôi chứ không dám đến ở. Chắc họ đợi khi nào nhà nước kè cho khu vực này mới chuyển đến. Mà đợi thì biết đến bao giờ" - bà Hoa chia sẻ.

Chân móng tường phía sau ngôi nhà cũ của bà Hoa, đất lở trôi xuống sông giờ khu vực ấy chả khác nào một cái hầm sâu hun hút. Những bụi tre trồng dọc bờ sông cũng nằm ngả nghiêng, có khóm nằm ngang một khúc sông. Đất xói mòn đã làm hầu hết những bụi tre đó bật gốc.

Gia đình chị Phạm Thị tiến, thôn Tây Sơn được liệt vào hàng chịu thiệt hại nặng nhất nhì vì sạt lở ở đây. Hiện nhà chị Tiến chỉ còn cách mép sông chừng 2m. Để ngăn chặn tình trạng báo động này chị Tiến nhiều lần mua gạch, đá xây thành từng lớp tường chắn phía sau bếp và công trình phụ. Tuy nhiên nó cũng chỉ là biện pháp làm chậm quá trình sạt lở. Chị Tiến nói: "Năm nào gia đình cũng phải mất một khoản tiền để gia cố bờ kè sau nhà. Tuy tốn kém cũng không thể cản được sự sụt lở. Chúng tôi thường xuyên mua đá hộc đổ vào những vết nứt ở bờ sông phía sau thế nhưng nhà cửa vẫn cứ nứt tứ tung. Nhân dân ở đây mong mỏi có một kè đá sông lâu lắm rồi. Có như vậy chúng tôi mới yên tâm làm ăn".

Dọc khu ven sông ấy, các hộ gia đình của anh Lê Văn Bình, Phạm Văn Trung,… cũng chịu chung số phận. Trên tường của những hộ gia đình này đều có những vết nứt nẻ ngang dọc do bị rung lắc. Như nhà anh Lợi thì vết nứt ấy còn xuống cả nền nhà, chạy ra ngoài đầu hè và xuống cả dưới sân.

Chưa có biện pháp khắc phục triệt để

Theo phản ánh của người dân cũng như chính quyền địa phương thì hiện tượng sạt lở, lún là do khoảng hơn 10 năm về trước trên khúc sông này diễn ra tình trạng hút cát. Mặc dù hiện nay không còn các thuyền qua lại hút nhưng hậu quả của nó là rất rõ ràng. Nguyên nhân nữa là do khúc sông thuộc địa phận giáp ranh giữa xã Kim Thư và xã Phương Trung như một khúc cua tay áo. Khi nước lũ về, dâng cao kết hợp với nước từ các cống thoát dân sinh tạo nên dòng xoáy rất mạnh. Đặc biện hơn nữa địa phận thuộc xã Kim Thư vài năm trước được nhà nước xây kè đê kiên cố nên dòng xoáy lại càng đẩy mạnh về khúc sông địa phận xã Phương Trung.

Ông Lưu Văn Chiến, trưởng thôn Tây Sơn (xã Phương Trung) cũng phải thừa nhận rằng việc chống lại sự sói mòn, sụt lở của nước lũ là quá sức với người dân. Mọi biện pháp cũng chỉ là tạm bợ và không có tính lâu dài. Các hộ dân đã trồng tre dọc bờ sông, mua đất, đá hộc về gia cố những điểm sạt lở nhưng chỉ sau mỗi trận lũ nước lại cuốn trôi tất cả.

Ông Lợi chỉ những vết nứt do hiện tượng sụt lún trong căn nhà mình đang ở.

Ông Lê Văn Lợi (thôn Tây Sơn) cho biết: "Trận mưa tháng 4 vừa qua, dòng nước đã quật đổ rất nhiều khóm tre chắn sóng dọc bờ sông, cây cối trong vườn cũng bị cuốn trôi. Bản thân các hộ dân phải cắm biển cảnh báo nguy hiểm, căng dây thừng xung quanh khu vực sạt lở. Chúng tôi khẩn thiết mong các cấp lãnh đạo, cơ quan chức năng có biện pháp hạn chế tình trạng này để bà con yên tâm lao động sản xuất".

Ông Cao Ngọc Đĩnh, Hạt Trưởng Hạt Quản lý đê điều Thanh Oai - Chương Mỹ đánh giá đoạn sông Đáy chảy qua địa phận 2 xã Kim Thư và Phương Trung dài khoảng 3km, trong đó có hơn 800m từ kè Đôn Thư đến cầu Văn Phương hiện nay rất yếu, thường xuyên bị sạt lở. Do khu vực này là thềm bờ sông cao, mái đê đứng, có độ chênh lệch rất lớn, một số đoạn đã bị sạt trượt lấn sâu vào khu vực dân cư, gây ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng của nhân dân. Sau hàng loạt những đoàn chuyên môn về kiểm tra cũng đã đánh giá hiện trạng và cho rằng mức độ sạt lở là nghiêm trọng.

Cả bụi tre do người dân trồng chắn sóng cũng bị quật đổí sau trận mưa rào.

Phó chủ tịch UBND xã Phương Trung, ông Phạm Văn Toàn cho biết: "Hiện có khoảng 30 hộ gia đình nằm ở khu vực ven sông và trong tình trạng nguy hiểm. Tuy nhiên tập trung chủ yếu ở thôn Tây Sơn. Về phần địa phương thì chỉ có thể hỗ trợ nếu không may mưa lớn xảy ra và phải phân lũ thì chính quyền sẽ di dời toàn bộ các hộ dân nằm trong khu vực sạt lở tới các khu vực an toàn. UBND xã Phương Trung và Kim Thư đã thành lập các tổ tuần tra canh gác đê, thường xuyên ứng trực 24/24h ở khu vực xung yếu và cắm biển cảnh báo điểm sạt lở để nhân dân chủ động phòng tránh.

Để khắc phục lâu dài thì phải xây kè nhưng kinh phí của địa phương thì có hạn, không có đủ điều kiện nên mong muốn các cấp các ngành quan tâm để bảo vệ tài sản, tính mạng cho nhân dân. Địa phương cũng đã có đơn đề nghị tới chi cục bảo vệ đê điều huyện Thanh Oai

Ngọc Anh
.
.
.