Vỡ hụi tiền tỷ ở các làng quê nghèo: Những cảnh báo chưa bao giờ muộn

Thứ Bảy, 31/01/2015, 09:00
Liên tiếp những vụ vỡ nợ lên đến hàng tỷ ở những vùng quê trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian qua đã dấy lên mối lo ngại về tình trạng hùn vốn, cho vay lấy lãi suất cao mà nhiều người không biết rằng đã có rất nhiều vụ việc tương tự từng xảy ra khiến nhiều gia đình lâm cảnh khốn cùng.

Liên tiếp vỡ nợ

Còn nhớ cách đây chưa lâu, tại khu vực chợ Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa, một số tiểu thương đã lâm vào cảnh điêu đứng, có gia đình có nguy cơ mất nhà chỉ vì tin tưởng cho ông Nguyễn Thanh Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận (TX Thái Hòa) và vợ ông là bà Trần Thị Xuân (SN 1962) vay tiền.

Trước những gì nhìn thấy về khối gia sản kếch xù của gia đình ông Phượng khi họ có nhà lầu, xe hơi, con cái thành đạt, bản thân bà Xuân là chủ cửa hàng ăn uống lớn ở thị tứ Nghĩa Thuận, sau những lần tin tưởng cho vay với số lượng ít và được chủ nợ trả lãi suất rất đúng hạn, các con nợ càng thêm tin tưởng về mối hùn vốn sinh lãi nhanh chóng này nên trong nhà có bao nhiêu là mang đi cho vợ chồng ông Phượng vay hết, có gia đình còn đi mượn anh em, họ hàng, thậm chí là cắm sổ đỏ vay tiền ngân hàng để cho vay nóng lấy lãi suất chêch lệch cao hơn. Có thể thấy mọi người ai nấy đều tin tưởng tuyệt đối vào việc cho đôi vợ chồng này vay.

Đến khi hay tin cặp vợ chồng này vỡ nợ, mọi người đều hốt hoảng tìm đến để đòi thì mới hay chủ nợ đã không còn khả năng để chi trả.

Nhiều gia đình cho vay với số lượng tiền lớn như ông Trần Sĩ Thiệp cho vay 530 triệu, bà Bùi Thị Thanh 290 triệu, bà Ngô Thị Hương 420 triệu, bà Nguyễn Thị Lan 105 triệu, chị Nguyễn Thị Liên 55 triệu đồng… Tổng số tiền nợ trên 8 tỷ đồng, chưa kể tiền lãi.

Theo tường trình ông Phượng gửi Đảng ủy, UBND xã Nghĩa Thuận, số tiền vay mượn ấy vợ chồng ông đầu tư kinh doanh hàng ăn, bán đồ điện dân dụng, nhưng thua lỗ. Con trai ông Phượng còn thành lập một công ty riêng để đầu tư xây dựng, nhưng không thu hồi được vốn, nên dẫn đến vỡ nợ. Ông còn hứa sẽ trả tiền cho người dân sau khi con tổ chức đám cưới rồi bán nhà. sau đó vợ chồng ông Phó Chủ tịch đã lặng lẽ chuyển nhượng ngôi nhà mình cho một người khác với giá 3,5 tỷ đồng mà không thanh toán cho bà con.

Trong khi vụ việc ở thị xã Thái Hòa chưa kịp lắng xuống thì mới đây, tại xã Giang Sơn Đông và Giang Sơn Tây huyện Đô Lương (Nghệ An) lại tiếp tục xảy ra vụ vỡ nợ với số tiền lên tới hơn 7 tỷ đồng.

Người dân Đô Lương (Nghệ An) trước nguy cơ trắng tay.

Theo thống kê ban đầu, gần 60 người đã đến trình báo với chính quyền địa phương với tổng số tiền thiệt hại là hơn 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số ban đầu, vì nhiều lý do, thì khả năng số tiền còn có thể lên đến 10 tỷ đồng.

Người bị người dân tố cáo là Ngô Thị Trang (SN 1972) trú tại xóm Hòa Bình, xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương. Là chủ đại lý kinh doanh cán có tiếng với một tổ hợp trang trại khá lớn, Ngô Thị Trang từng được lên truyền hình với tư cách gương điển hình làm kinh tế giỏi, nhờ đó có uy tín với bà con lối xóm.

Bằng uy tín ấy, Trang bắt đầu lợi dụng để thực hiện ý đồ của mình. Theo đơn tố cáo của chị Đặng Thị Hằng (SN 1976), trú xóm Phố, xã Giang Sơn Đông, hai vợ chồng chị làm ruộng, gom góp được ít tiền, khi Trang đến hỏi vay, chị đã gom tiền của anh em nội ngoại để cho vay 4 lần với tổng số tiền là 175 triệu đồng.

Bà Thái Thị Mai (SN 1964), trú xóm Tây Xuân, xã Giang Sơn Đông thổ lộ: "Hai vợ chồng tôi tích cóp mãi mới được một số tiền định để xin việc cho con. Thấy Trang đến nhà hỏi vay, ban đầu tôi định không cho nhưng nghĩ thấy vừa là hàng xóm, gia đình người ta làm kinh tế giỏi nên tôi nghĩ lại. Đến bây giờ, Trang đã 3 lần sang nhà mượn của nhà tôi 196 triệu đồng".

Xót xa nhất là trường hợp chị Nguyễn Thị Hoa, hàng xóm của Ngô Thị Trang. Biết gia đình chị Hoa buôn bán có đồng ra đồng vào, lấy lý do phải đảo nợ ngân hàng, Trang đến tỉ tê vay 100 triệu đồng, chiều cùng ngày vay thêm 130 triệu. Mấy ngày sau đó, Trang tiếp tục đến vay thêm 50 triệu đồng và lần sau cùng, dù nợ cũ chưa trả nhưng Trang vẫn thuyết phục để chị Hoa đưa thêm 40 triệu đồng. Tổng số tiền mà Trang vay của gia đình chị Hoa là 320 triệu đồng, đến nay chưa trả được đồng nào...

Ngoài ra còn chị Bùi Thị Xuân, trú xóm Bắc Long, xã Giang Sơn Tây cho Trang vay 70 triệu đồng tiền mặt. Chị Xuân đang làm chủ 4 "nóc phường" (như 4 nhóm góp hụi) nên đã cho Trang vay cả 4 "nóc phường" trị giá 365 triệu và 19 chỉ vàng...

Giấy vay nợ được ghi sơ sài vào phía sau tờ lịch cũ.

Mất khả năng chi trả khi bể hụi

Hầu hết các vụ việc đều bị vỡ nợ, không có khả năng chi trả, hay có trả cũng chỉ là còn số rất nhỏ so với số tiền bị hại cho vay ban đầu. Các chủ nợ thường tìm cách trốn chạy, hay xù nợ, tìm cách đối phó với cơ quan Công an.

Theo ông Nguyễn Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND xã Giang Sơn Đông cho biết, khoảng 20 ngày nay có nhiều người dân phản ảnh về việc vỡ nợ trên địa bàn. Tính đến trung tuần tháng 1, đã có 57 người trình báo cùng đơn thư tố cáo với số tiền ban đầu là 7,1 tỷ đồng. Hiện xã đã bàn giao hồ sơ cho phía Công an huyện giải quyết theo thẩm quyền.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn cho biết thêm, vấn nạn "phường, hụi" trên địa bàn tương đối phức tạp. Hiện tại Trang thừa nhận đã vay tiền của nhiều người dân trong và ngoài xã để phát triển kinh tế nhưng thua lỗ và nay không có khả năng thanh toán.

Bước đầu, Trang khai nhận từ năm 2010 Trang bắt đầu vay tiền của nhiều nông dân và tham gia chơi "phường, hụi", thanh toán bằng hình thức tiền lãi tính ngày, tiền gốc lúc nào chủ nợ có nhu cầu rút thì báo trước để trả.

Hai bên thỏa thuận vay bằng cách ghi vào sổ nợ rồi ký nhận dân sự chứ không thông qua chính quyền địa phương.

Trang cũng thừa nhận đã vay của người dân trên địa bàn khoảng 7 tỷ đồng, mục đích là để trả lãi cho các con nợ, nộp tiền chơi phường, hụi và đầu tư vào kinh doanh, mở rộng trang trại gia đình.

Hiện tại, Trang không còn khả năng trả nợ. Tất cả nhà cửa và trang trại của gia đình chị ta đã thế chấp vào ngân hàng để vay vốn... Hồi kết của những vụ việc này còn chưa biết thế nào nhưng rất nhiều con nợ đang lao đao vì mất hết tiền vốn, tiền bao năm làm lụng tích góp được. Có gia đình còn có nguy cơ mất nhà cửa vì thế chấp ngân hàng để lấy tiền cho vay. Những ngày này, nhiều gia đình như ngồi trên đống lửa vì "tiền mất tật mang".

Hàng chục người dân hoang mang vì trót cho vay tiền với số lượng lớn.

Lời cảnh báo chưa bao giờ muộn

Dù hiện tượng xã hội bất bình thường này xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước, với tính chất, quy mô hết sức phức tạp, có những vụ vỡ nợ số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng, liên quan đến hàng trăm hộ gia đình, tuy nhiên không vì thế mà hình thức "hùn vốn" này tan rã.

Nguyên nhân là do nắm được tâm lý hám lợi của nhiều người, các "chủ hụi" dưới vỏ bọc là các thương gia, doanh nhân giàu có, trí thức thành đạt... đã dễ dàng gom cả trăm tỷ đồng để thực hiện mục đích mà họ công bố là huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh những trường hợp lợi dụng vấn đề này để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cũng có những trường hợp làm ăn bị thua lỗ, dẫn đến vỡ nợ. Khi không có khả năng thanh toán, nhiều đối tượng đã áp dụng những thủ đoạn tinh vi nhằm xù nợ, trốn nợ hòng qua mặt cơ quan chức năng.

Hậu quả của lối làm ăn chụp giật, phi pháp này là nhiều người phải vướng vào vòng lao lý, khuynh gia bại sản; cuộc sống của hàng nghìn hộ gia đình bị lao đao; ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại các địa phương.

Những vụ vỡ "hụi" gây xôn xao dư luận thời gian gần đây trên cả nước nói chung và ở tỉnh Nghệ An nói riêng thực sự là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với hình thức huy động, sử dụng nguồn vốn sản xuất, kinh doanh trong đời sống xã hội. Về mặt quản lý xã hội, các cơ quan thực thi pháp luật chỉ có thể can thiệp khi xảy ra hậu quả. Nhưng hậu quả ấy sẽ được ngăn chặn nếu như chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức xã hội... sâu sát, có trách nhiệm hơn trước những biểu hiện bất thường xảy ra trong đời sống nhân dân. Nếu chủ động ngăn chặn kịp thời thì người dân có thể tránh được những thiệt hại không đáng có.

Cảnh giác và thận trọng là những điều cần có để người dân "đề kháng" trước những "bánh vẽ" tương tự.

Đức Chung
.
.
.