Những hàng trà chén hiện đại

Thứ Bảy, 19/10/2013, 07:44

Vậy là đã hơn nửa tháng kể từ ngày bắt đầu nổ ra ồn ào xoay quanh chuyện Thật-Giả của những chuyến đi đã tạo nên chất liệu cho Huyền Chip viết nên hai cuốn sách "Xách ba lô lên và đi" và "Đừng chết ở châu Phi".

Từ những ngày khởi đầu của những ồn ào đó, không ít người, với con mắt cẩn trọng một chút, ngờ vực một chút, đã cho rằng đây có thể là một chiêu PR của đơn vị phát hành sách mà thôi. Nhưng khi đến mức độ đã được đẩy cao tới việc có đơn thư yêu cầu thu hồi cuốn sách vì nó có thể dẫn tới những kết cục này kia theo suy luận của một số người thì rõ ràng không còn là chuyện PR nữa.

Và cuộc chiến trên mạng xoay quanh cái tên Huyền Chip cứ liên hồi kỳ trận suốt hơn 2 tuần qua đã khiến chúng ta phải nghĩ khác về câu chuyện đó, nghĩ vượt xa hẳn phạm vi cuốn sách ấy và cái tên tác giả trẻ trung ấy.

Thứ nhất, chưa vội bàn đến chuyện Huyền Chip nói thật hay nói dối ta đã đủ thấy xung quanh mình là một thế giới ''nguy hiểm'' đến như thế nào. Đa số những ý kiến chỉ trích trên mạng đến mức độ như thể muốn dồn Huyền Chip vào đường cùng buồn thay lại là của cánh mày râu.

Không hiểu có nơi nào mà giới mày râu thích chê bai, dè bỉu đúng kiểu ngồi lê đôi mách như ở ta hay không và việc các ''anh hùng bàn phím'' xúm nhau ném đá một cô bé mới ngoài 20 tuổi càng cho thấy thế giới mạng đã và đang tạo ra quá nhiều ''anh hèn bàn phím'' thì đúng hơn.

Đàn ông, sống trong cuộc đời, có những việc chướng tai chướng mắt thì phải ra mặt thể hiện cái bản lĩnh, cái tâm ''giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha'' của mình. Song, là đàn ông, có những chuyện vốn dĩ chỉ là chuyện vặt mà đấng mày râu cần phải biết lướt qua, biết bỏ qua, biết không nhìn đến nó.

Vậy mà chẳng hiểu sao đàn ông ở xứ mình lại khoái ném đá các cô gái đến thế. Hay là họ ném để giải tỏa những bức xúc trong lòng mà vốn dĩ hàng ngày, hằng giờ họ không thể bộc lộ ra vì… sợ vợ, sợ mẹ hay sợ người yêu???

Thứ hai, quan trọng hơn cả, chính là không hiểu sao dân xứ mình rảnh quá. Người ta thường nói, xứ Bắc có cái đặc sản là hàng trà chén lề đường mà miền Nam không có. Song, đặc sản thực sự ở cái hàng trà chén đó không phải là trà mạn ngon, kẹo lạc, kẹo bột hay quấn thừng mà chính là ''chém gió''.

Dân mình có thói quen ngồi hàng trà chén ''chém'' từ chuyện Liên hợp quốc đến cờ bạc lô đề. Hình ảnh người đàn ông ngồi co chân đầu gối quá tai ở bên hàng nước trà sang sảng chuyện trung ương đã quá quen với mọi xó xỉnh xứ Bắc rồi. Nhưng ở thời đại Internet này, cái ''đặc sản'' hàng trà chén ấy tồn tại ở khắp nơi từ Nam chí Bắc nhờ vào sự ''rỗi hơi'' và ưa ''chém gió'' của dân mình.

Câu hỏi đặt ra là người ta đổ bao nhiêu thời gian vào việc ''chém gió'' trên mạng xã hội như thế thì còn thời gian đâu để người ta làm việc đây? Không tin, bạn cứ thử dò soát lại trên trang cá nhân của mình trên mạng xã hội là đủ hiểu.

Đều đặn mỗi ngày, cứ đúng khoảng thời gian 8 tiếng vàng ngọc chính là lúc mạng xã hội rôm rả nhất với ngàn vạn ý kiến, đủ kiểu trưng trổ, triệu triệu luận bàn, tranh luận qua lại. Thậm chí, có những người còn cho rằng chẳng cần phải mua báo nữa, sáng sáng cứ lên facebook là đủ biết đủ mọi tin tức ở mọi lĩnh vực vì dân chơi facebook đã ''điểm báo'' hộ rồi.

Và chính cái sự rảnh rang của dân mình mới dẫn tới nhiều chuyện bé bằng con kiến đã được thổi to thành con cá voi chỉ vì những ''chém gió'' chan chát của các anh ''hùng'' bàn phím kia. Đấy, chỉ có mỗi chuyện cô Huyền Chip đó thôi mà đã đủ làm chất liệu cho dân ta ''chém'' tới gần hai chục ngày rồi. Thử hỏi, biệt tài ''chém'' liên thanh, ''chém'' liên hoàn đó có dân nào có được bằng dân xứ mình đây?

Thế mới hiểu, vì sao hồi đó, chính Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải bức xúc mà nói đại ý phải tới 30% công chức chả làm việc gì, chỉ mỗi sáng cắp ô đi, tối lại cắp về. Rảnh rỗi như thế thì làm gì chẳng ''chém gió'' dạt dào? Thử hỏi, nếu mỗi người chơi facebook kia là một nhân vật mà công việc ngập tới đầu và mỗi giờ làm việc họ có thể kiếm được tiền triệu thì liệu Huyền Chip có còn ''ăn đá'' hay không?

Suy cho cùng, bàn luận chuyện thiên hạ là quyền riêng của mỗi người, nhưng muốn bàn luận chuyện người khác, trước tiên phải làm xong công việc, trách nhiệm của mình cái đã. Đằng này, công việc của mình thì còn chưa ra đâu vào đâu, thành tựu chưa thấy gì, thế mà đã lên giọng ''bố đời'' mỗi khi bàn chuyện rồi.

Chợt nhớ, các cụ xưa vẫn nói "vô công rỗi nghề" với hàm ý tiêu cực là thế. Còn gì sung sướng hơn là không bận bịu gì, không lo toan gì. Nhưng đâu phải ai cũng biết tận dụng cái khoảng thời gian không bận bịu, lo toan gì kia để làm những việc có ích đâu.

Thế mới sinh ra cái chuyện có hàng triệu ''quán trà chén thời đại mới'' trên mạng chỉ chực chờ bất kỳ chuyện gì, bất kỳ ai sơ hở là ''chém'' tập thể cho lấp đầy cái thời gian giữa thời điểm ''cắp ô đi'' với thời điểm ''cắp ô về'' của mình...

H. Anh
.
.
.