Những hành xử đang không cho nhau cái quyền làm người

Thứ Hai, 28/10/2013, 14:38

Gần tháng nay, NGƯỜI RỪNG đã thành từ khóa trên báo chí cả nước. Câu chuyện về hai cha con sống biệt lập khỏi thế giới loài người suốt 40 năm như một cơn sốt lạ giúp người ta quên đi những khó khăn của một năm kinh tế buồn, một thứ khuây khoả tạm thời. Rồi chuyện ấy cũng sẽ nguội dần thôi, nhưng không phải nó không để lại cho chúng ta điều phải nghĩ.

Mới đây, tin gần nhất cho biết, cha con người rừng đã được hỗ trợ xây nhà, làm giấy tờ tùy thân và nhập hộ khẩu. Tự nhiên thấy là lạ trong cảm xúc khi đọc cái tin ấy. Không nói đến chuyện cha con họ muốn ở lại cộng đồng hay về với nhà của họ, khu rừng, mà chỉ nói đến những chuyện khác, thậm chí là nhiều chuyện khác.

Đơn cử, thiếu gì trẻ em sinh ra bây giờ, xin được nhập hộ khẩu, xin được tờ khai sinh, vất vả đến “trần ai khoai củ”. Thế mà 2 cha con người “lạ” từ rừng trở về chẳng cần xin xỏ gì đã có thể có ngay thứ cả ngàn người đang cần. Có thể “người rừng cha” được xác định là một cựu chiến binh. Nhưng nhiều trẻ sơ sinh khác, người cơ nhỡ khác thì cũng là người chứ sao.

Cháu của người rừng, trong một phút nổi đoá, đã đốt 2 trong 4 căn chòi của người rừng. Chung quy cũng chỉ vì chuyện nhà báo gióng giả lên rằng người cháu ấy lôi người rừng ra kinh doanh khi đòi tiền làm “tour guide” Tội cho người ta. Nghèo; ít học; ở sâu ở xa; làm gì có những cái thói lưu manh hạ tiện kiểu thành thị đến thế. Dắt nhau đi mấy cây số đường rừng là phải bỏ công bỏ việc một ngày.

Mà ai chẳng phải ăn, phải nuôi gia đình. Lấy thù lao đi chăng nữa, đó cũng là chuyện tất nhiên. Dựng lên vu khống thành một kiểu “mang ra kinh doanh trắng trợn” như vậy, ai mà chẳng ức, chẳng uất. Đốt đi là phải. Đốt ấy không phải đốt hai cái chòi mà đốt một nỗi giận thì đúng hơn.

Cái cách báo chí cư xử với thân nhân người rừng, tự dưng khiến người ngoài bỗng nhiên lạnh gáy.

Nhưng suy cho cùng, đó cũng đâu phải là chuyện bất thường gì. Ngày thường, người ta vẫn cư xử với nhau như thế mà.

“Người rừng” Hồ Văn Lang.

Một ông nhạc sỹ, làm giám khảo chương trình thi ca nhạc nọ, hứa với một thí sinh “tôi sẽ cứu em”, rồi sau đó trốn biệt sau cái ghế để nuốt lời, coi như một chiêu trò, một thứ để giỡn, để đùa, để báo chí có chuyện viết… Cách cư xử ấy dã man khác chi nhà báo nọ cư xử với thân nhân người rừng. Không có gì ác độc bằng việc đặt cho người ta một niềm hi vọng rồi hô hố cười tước đoạt nó ngay lập tức. Nói ra, một cách rất thẳng, rất đau lòng nhưng chẳng quá lời, đó là cách hành xử cũng hạ tiện lắm chứ, thieeếu văn hóa lắm chứ.

Một tay nhà giàu làm bầu một đội bóng và bị án kỷ luật trừ 4 điểm. Thế là tung tin mập mờ cho cả một cộng đồng phóng viên lên chầu chực về chuyện hăm he bỏ giải. Rồi công văn bỏ giải cũng có thật. Nhưng ngay sau đó, báo chí đưa xong rồi, lại mập mờ lần nữa rằng “không bỏ giải”.

Làm bóng đá như thế thì AQ quá, Chí Phèo quá. Cậy mình là chủ đội bóng, coi cả Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, cánh phóng viên thể thao Việt Nam, người hâm mộ Việt Nam chẳng khác gì thứ để mình cà rỡn, muốn giở trò gì thì giở. Nói ra, một cách rất thẳng, rất đau lòng nhưng chẳng quá lời, đó là cách hành xử cũng hạ tiện và lưu manh mà Chí Phèo cũng không đạt tới được. Vì ít ra, theo cụ Nam Cao, anh Chí Phèo vẫn còn cái gốc gác từ sâu thẳm trong tâm hồn luôn khát khao được tử tế, lương thiện.

Rồi mở báo chí ra mà xem, đọc những cái tít đi, như cái tít "Aguero đá sưng bụng bồ" hay "Hết buôn rượu bán cha, ca sỹ X bán cả chồng"… ta càng hiểu sao xã hội giờ lắm lưu manh đến thế. Ngay cả những người làm văn hóa cũng hành xử lưu manh với nhau thì trách gì chuyện ngoài bến xe, ga tàu, ngã tư, bến chợ người ta cứ lưu manh với nhau hàng giờ???

Tự nhiên lại nghĩ đến NGƯỜI RỪNG. Cho họ giấy tờ tuỳ thân, là công nhận quyền công dân, quyền làm người của họ. Nhưng thật ra, chúng ta đang không cho họ quyền làm người, khi chúng ta săm soi họ như hai con thú lạ trong khi câu chuyện xúc động nhất cần phải nói xoay quanh NGƯỜI RỪNG chính là nỗi hoảng sợ của cái chết, của chiến tranh đã khiến người cha ôm con lao vào rừng mà sống, vì người cha ấy cảm thấy không được sống đúng nghĩa với loài người.

Thế mà đến bây giờ, chúng ta vẫn cư xử với nhau như thế, như tất cả đều là loài thú, cư xử một cách công khai: trong nhà, ngoài phố, trên báo, trên TV, trên tất cả những gì chúng ta có thể để thoả mãn thú “làm hàng” đang hân hoan trong chính bản thân mình…

Anh Nghi
.
.
.