Vụ “sửa” thận trái, cắt cả thận phải:

Những tai biến do thiếu hụt kiến thức

Thứ Năm, 29/12/2011, 16:07

Trong vụ bệnh nhân Hứa Cẩm Tú (37 tuổi, ngụ Thới Lai-Cần Thơ) người được xét nghiệm thận trái ứ nước độ III, thận phải còn "tốt nguyên", nhưng sau mổ hai thận "đi" cùng một lúc, xét từ góc độ kinh nghiệm thì bác sĩ có thêm bài học, còn bệnh nhân… tật suốt đời mất rồi.

Thận - cơ quan quan trọng bậc nhất trong "hệ thống xả thải" của con người. Quan trọng tới mức tạo hóa cũng "cẩn thận" gắn cho mỗi người tới hai quả. Nhưng thi thoảng số phận cũng thách đố con người khi có người phải mang tật thận bẩm sinh khác người thường một chút, khiến nhiều bác sĩ chuyên ngành đã thân bại danh liệt chỉ vì trò chơi của tạo hóa. Oan "Thị Kính" hay "Thị Mầu" cũng phải xem giới hạn khoa học hay trình độ bác sĩ.

Trong vụ bệnh nhân Hứa Cẩm Tú (37 tuổi, ngụ Thới Lai-Cần Thơ) người được xét nghiệm thận trái ứ nước độ III, thận phải còn "tốt nguyên", nhưng sau mổ hai thận "đi" cùng một lúc, xét từ góc độ kinh nghiệm thì bác sĩ có thêm bài học, còn bệnh nhân… tật suốt đời mất rồi.

Quy trình... ''mổ thận trái cắt cả thận phải''

Ngày 5/12 bệnh nhân nhân Hứa Cẩm Tú được Bệnh viện Đa khoa huyện Thới Lai chuyển đến nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Sau khi siêu âm và chụp CT scaner cắt lớp, ngày 6/12 bệnh nhân được chỉ định mổ nội soi thận trái ứ nước. Sau khi thực hiện ca mổ xong, bác sĩ còn nói thận bên phải còn nguyên, ca mổ thành công. Tuy nhiên, ngày 7/12, anh Trí chồng chị Tú vào đến phòng bệnh thấy vợ nằm bất động, còn người thì sưng phù. Khi nghe BS siêu âm lại cho chị Tú thắc mắc không thấy quả thận nào của bệnh nhân mới hốt hoảng chạy đi hỏi mới hay vợ mình đã bị cắt cả 2 quả thận.

Bác sĩ Trần Văn Nguyên (trưởng kíp mổ) giải thích: "Ban đầu các kết quả siêu âm và CT scaner không thể hiện tình trạng thận của bệnh nhân, chỉ xác định thận trái bị ứ nước độ III và có cặn, nên đã tư vấn cho người nhà là sẽ mổ nội soi cắt thận trái. Trong quá trình mổ do bệnh nhân bị thận móng ngựa nên rất khó cầm máu. Để cứu bệnh nhân ê kíp phải cắt luôn cả quả thận dính còn lại. Nghe chuyện, giới BS trong ngành chỉ biết xót xa: Đau quá! Họ đau cho một đồng nghiệp đứng chính ca mổ gặp rủi ro nhưng đau hơn cả là cho bệnh nhân. Bởi với BS còn có cơ hội để sửa lỗi ở lần sau, còn bệnh nhân đã  phải khoác "án chung thân" chạy thận suốt đời.

Ngày 15/12, bác sỹ Trần Văn Nguyên đã thừa nhận có sai sót trong chuyên môn chẩn đoán. Hiện Hội đồng khoa học của BV Đa khoa Cần Thơ cũng như HĐKH cấp trên là BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Hội Thận Niệu TP. HCM chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân gây tai biến. Chỉ biết rằng cho dù bệnh viện đồng ý chi phí toàn bộ cho bệnh nhân được chạy thận suốt đời hay ghép thận đi chăng nữa thì mọi chuyện cũng còn ở "thì tương lai".

Tại cuộc họp ngày 15/12 với hội đồng chuyên môn thận niệu, PGS-TS Phạm Văn Chuyên - Phó GĐ BV Bình Dân đưa ra dẫn chứng: chẩn đoán trong y khoa bao giờ cũng có sai số từ 15-20%. Song trên góc độ cũng về chuyên môn, Phó GS-TS Phạm Văn Bùi - Tổng Thư ký Hội Thận - Niệu học TP.HCM, Phó GĐ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), cũng cho biết, trong chuyên môn thận niệu, người bác sỹ được đào tạo 4 năm chuyên ngành "nội trú" rất bài bản. Và bài học chẩn đoán hình ảnh trước mổ là cực kỳ quan trọng nhằm lường trước những tình huống tai biến để xử trí.

Hội đồng họp chuyên môn vào ngày 15/12 tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ.

Cũng theo PGS-TS Phạm Văn Bùi, người thường 2 quả thận tách bạch 2 bên thắt lưng nhưng  y văn ghi nhận có một tỉ lệ người mang dị tật bẩm sinh thận dính. Thận móng ngựa là một trong những dạng thận dính. Tuy nhiên thận hình móng ngựa vẫn có 2 trái thận đàng hoàng. Dính nhau bằng một cái eo giả. Bó lên cái eo đó là một bó mạch máu. Loại "thận dính" nữa là thận dính bẩm sinh lạc chỗ. Hai trái thận dính nhau thành hình như chiếc "bánh tráng". Thường nằm ở 3 vị trí: hốc lưng trái, hốc lưng bên phải và nằm ngay vùng chậu.

Trước đây trong y văn nước ngoài đã từng ghi nhận nhiều vụ mổ thận dính nằm lạc chỗ mà dẫn tới sai sót. Do dính nhau như vậy nên khi mổ sai sót thường nhất là bác sỹ tưởng khối u nên cắt bỏ, mổ xong thấy bệnh nhân không đi tiểu được nữa thì mới biết là đã cắt cả 2 quả thận mà người ta đã gọi là tai biến "cắt thận duy nhất". Nhưng những "sai sót" này xảy ra vào những năm 80, khi đó kỹ thuật siêu âm chưa phát triển, X-quang thì không thấy được.

Tai biến do bác sỹ thiếu hụt kiến thức!

Tiến sĩ B.M.T., một chuyên gia trong lĩnh vực ghép thận tại TP HCM, cho biết, thận móng ngựa với những siêu âm hiện nay đều phát hiện được, do đó việc mổ nội soi dẫn đến chảy máu, sau đó mổ hở rồi mới phát hiện thận móng ngựa là điều khó có thể chấp nhận. Trong mổ thận niệu do là kỹ thuật khó nên y văn cũng cho phép một tỉ lệ sai sót nhất định. Nhưng chỉ cho phép những dạng sai sót mà y văn đã ghi nhận, còn tai biến do bác sỹ tự gây ra cho bệnh nhân thì thường do kiến thức thiếu hụt, nhìn không tới.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, BS Trần Văn Nguyên được đào tạo chuyên ngành nội trú thận niệu tại Bệnh viện Bình Dân. Cho tới nay, theo lãnh đạo bệnh viện, trước mắt bệnh nhân Tú được chạy thận nhân tạo miễn phí, khi có điều kiện sẽ ghép thận, bệnh viện sẽ lo chi phí. Tuy nhiên, 2 quả thận bị cắt không còn giữ nên anh Nguyễn Thiện Trí, chồng bệnh nhân còn băn khoăn: "Cả hai quả thận của vợ tôi không được bệnh viện giữ nên không biết đó có phải là thận "móng ngựa" hay không". Thắc mắc trên của anh Trí đã đặt ra một vấn đề thuộc về pháp luật, đó là "bằng chứng". Trưởng kíp mổ là BS Trần Văn Nguyên vẫn bị "treo dao" tạm đình chỉ phẫu thuật và chưa xem xét hình thức xử lý tiếp theo.

Án "treo dao" chỉ là đối phó

Tương tự như vụ bệnh nhân Tú ở Cần Thơ, cách đây khoảng vài tháng, tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, một bệnh nhân được bác sỹ mổ nội soi lấy sỏi thận, khi mổ thấy máu chảy ra quá nhiều, bác sỹ lúng túng, mất bình tĩnh thay vì cột mạch máu để cầm máu cho bệnh nhân, lại thắt nhầm ống niệu quản. Và bác sỹ này cũng chuyển từ nội soi sang mổ hở cho bệnh nhân, nhưng bệnh nhân đã rơi vào tình trạng nguy hiểm vì máu chảy nhiễm trùng. Xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện, bệnh nhân được chuyển gấp về Bệnh viện Nhân dân 115.

Một bác sỹ tại đây được chỉ định mổ, nhưng bệnh nhân phải đóng ổ bụng ngay vì tổn thương mạch máu không làm được. Bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy nhờ "chữa cháy" giúp. Khoa Ngoại lồng ngực mạch máu tại BV Chợ Rẫy mổ lần nữa tìm cách cứu bệnh nhân. Tóm lại để tồn tại được trên đời, có lẽ trong suốt cuộc đời còn lại bệnh nhân này sẽ không thể nào quên những giờ phút tính mạng treo trên sợi tóc khi phải trải qua 3-4 lần mổ xẻ kiểu như vậy.

"Học mổ xẻ không chỉ bằng truyền khẩu, bằng tay chân, mắt nhìn quan sát mà còn phải nghiên cứu, học suốt đời. Mổ nhiều có thể quen tay khéo léo hơn nhưng phải có lý thuyết làm nền tảng nữa thì mới tránh được họa "cứu người thành hại người". Do đó mà đào tạo trong ngoại khoa là một ngành rất khó chịu, PGS Bùi chia sẻ.

Ông kể, trước đây, khi còn đang "tu học", nếu bác sỹ nào bị thầy ''treo dao'' thì thấy xấu hổ vô cùng, mà đó chưa phải là mắc một lỗi nặng gây chết người, chỉ cần mới phạm những lỗi rất nhỏ, không cứ phải gây tai biến cho bệnh nhân. Đi nhậu về mà vào mổ cho bệnh nhân chắc chắn không tránh khỏi "án phạt" ''treo dao'' 3 tháng. Còn nếu lười nhác có khi 5 năm sau mới được thầy gật đầu cho cầm lại dao mổ.

Trở lại cái "án" treo dao mà BS Nguyên đang phải chấp hành, theo những gì mà chúng tôi trao đổi được cùng các bác sỹ có tâm huyết với nghề thì hình thức xử lý này cũng là cái cách lôi biện pháp hành chính ra đối phó với dư luận, với người đi kiện.

Thông thường bất cứ bác sỹ ngoại khoa nào cũng hào hứng muốn được thực hiện tay nghề ngay khi ra trường mà họ vẫn đùa là "ngứa ngáy" chân tay. Nhưng theo các chuyên gia ngành mổ xẻ thì thường phải thêm 10 năm đứng mổ nữa mới biết mình thiếu đủ gì trong nghề? Khi thấy người khác mổ mới biết mình dở, hay chỗ nào. Và đã là ngoại khoa thì không nên đặt nặng vấn đề chỉ tiêu mổ mà đặt nặng chuyện an toàn cho bệnh nhân. Nếu không đủ khả năng thì không mổ. Nhiều sinh viên y khoa đã thi đậu vào chuyên ngành mổ xẻ rồi nhưng khi tiếp cận, ông thầy chỉ nhìn phong cách của trò đã chỉ giáo nên theo nghề hay không. Tức người thầy đã lo, đã tính tới chuyện tương lai. Nếu để trò không đủ khả năng làm sẽ gây hại cho bệnh nhân.

Từ vụ việc bệnh nhân Hứa Cẩm Tú, bài học đắt giá không chỉ riêng của ê kíp mổ tại đa BV Đa khoa Cần Thơ mà còn cho cả ngành ngoại khoa toàn quốc. Những khiếm khuyết trong công tác đào tạo cần chấn chỉnh lại cả những thiếu sót trong công tác cử đi học của các địa phương. Và nên chăng đặt vấn đề thẩm định với tay nghề bác sỹ khi đứng mổ hay không, ai là người chịu trách nhiệm khi cho bác sỹ đứng mổ chính… Không thể tiếp tục đánh đổi kinh nghiệm bằng sức khỏe của bệnh nhân.

PGS Bùi ngậm ngùi: Ngày xưa tôi năn nỉ nhân viên y cụ cho tôi làm thay vị trí của họ vài ngày đầu. Sau đó là đứng phụ mổ 1 rồi phụ mổ 2. Trước khi được mổ những ca đầu tiên, tôi đọc kỹ lý thuyết, nắm kỹ thuật mổ thậm chí coi người khác đứng mổ 1-2 ca đã rồi mới nhận lời mổ ca tương tự. Không "ăn xổi, ở thì", nhất là với ngoại khoa. Nhưng giờ đã có cả 30 năm trong nghề thế mà ngó xung quanh nhiều lúc cũng khó kiếm ra BS "xung phong" phụ mổ cho mình. BS trẻ giờ chỉ muốn đứng chính ngay vì nhiều lý do. Ra trường là làm liền. Có khi có người còn bị áp lực kiếm tiền nhanh.

"Đem cái bụng con người ra mổ, bác sỹ nào cũng làm được, nhưng thế nào là biết mổ? Chưa chắc người đứng mổ nhiều ca đã là giỏi. Phải "bài bản". Thế nhưng hiện "đau đầu" trong giới ngoại khoa theo nhiều chuyên gia cũng chính từ khâu đào tạo. Hiện có bác sỹ không đủ khả năng nhưng vì là người được cử đi học nên đơn vị nhận đỡ đầu phải đào tạo cho xong, thi lần đầu không đậu, cho thi lần 2, lần 3 khi nào đậu mới thôi. Có bác sỹ từ tỉnh được cử lên bệnh viện tuyến trên học mổ xẻ, thế mà 6-7 tháng thao tác cột chỉ vẫn chưa làm được. Nhưng cử người đi thay thì tìm không ra. Cử bác sỹ ở thành phố về tỉnh làm thì sẽ chẳng ai chịu về…

Huyền Nga
.
.
.