Nỗi đau trong vụ án va quệt xe giết người vô can

Thứ Bảy, 03/01/2015, 07:00
Chứng kiến người đàn ông gây tai nạn còn lớn tiếng chửi rủa, anh Tân định bụng dạy cho người này một bài học nhưng lại bị đâm nhát dao đoạt mạng. Nạn nhân tử vong, hung thủ ngồi tù nhưng vợ con, cha mẹ của cả hai bên phải gánh chịu hệ lụy đau lòng phía sau vụ án.

Việc va quệt xe rồi xảy ra án mạng không phải là hiếm nhưng trong vụ án này nạn nhân không hề liên quan đến vụ va chạm giao thông. Chỉ vì không chịu được thái độ ngông nghênh, lời lẽ tục tĩu của người gây tai nạn mà anh này đã dùng nắm đấm để hả cơn giận. Nào ngờ....

Án mạng từ vụ va quệt xe

Khoảng 20 giờ ngày 30/4/2014, Bùi Văn Ban (SN 1981, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) chở vợ là Trịnh Thị Huệ đi chơi lễ. Đến đoạn đường Bùi Công Trừng (huyện Hóc Môn, TP.HCM) thì va chạm với xe máy của một người phụ nữ. Thấy chị này bị thương, máu chảy nhiều, vợ Ban liền lấy xe đưa người phụ nữ đến bệnh viện. Nghe tin vợ bị tai nạn, chồng người phụ nữ chạy đến hiện trường. Gặp Ban, chồng chị này lớn tiếng mắng chửi và xông đến đòi đánh. Nhờ có lực lượng Công an đến giải quyết vụ việc can thiệp nên chồng người phụ nữ lấy xe chạy vào bệnh viện thăm vợ.

Đang nhậu với cháu trai trong sân nhà bên kia đường, anh N.H.Phúc nghe tiếng Ban chửi thề inh ỏi nên chạy ra xem. Biết việc anh Ban gây tai nạn mà còn chửi bới ầm ỹ, làm náo động cả đoạn đường, anh Phúc túc giận đòi đánh Ban nhưng được mọi người can ngăn. Cháu trai của anh Phúc là Lê Văn Tân (SN 1983, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) đến hỏi chuyện. Nghe Phúc kể lại đầu đuôi, anh Tân liền cầm nón bảo hiểm, đi bộ đến đánh vào đầu và vai của Ban. Không muốn gây hấn, Ban liền bỏ xe máy tại hiện trường và bỏ chạy bộ. Thấy Ban bỏ chạy, anh Phúc và anh Tân đi về nhà tiếp tục nhậu.

Chạy được một đoạn, Ban lấy điện thoại gọi cho vợ đến đón về. Do đang ở bệnh viện, chị Huệ nhờ em trai đến đón chồng. Được em vợ đưa về nhà, Ban chạy vào bếp lấy con dao và giấu vào chỗ để chân giữa xe tay ga. Lấy lý do cần lấy lại xe của mình, Ban chở cậu này quay lại nơi xảy ra tai nạn. Nhưng đến nơi thì xe của Ban đã bị Công an tạm giữ. Chỉ thấy đôi dép và phần mút lót bên trong nón bảo hiểm của vợ, Ban lại văng tục chửi thề.

Bùi Văn Ban trước vành móng ngựa

Thấy Ban quay lại, anh Tân đang ngồi uống bia với cậu liền chạy bộ đến, dùng tay kẹp cổ đè Ban xuống. Ban gồng người đẩy anh Tân ra rồi đi đến chỗ để xe định đi về. Anh Tân tiếp tục lao đến thì Ban rút dao trên xe đâm một nhát trúng ngực làm anh Tân gục ngã tại chỗ. Sau đó, Ban nói em vợ chở đến Bệnh viện gặp vợ. Trên đường đi, Ban quăng bỏ con dao gây án xuống bờ sông. Không gặp được chị Huệ, Ban đem chuyện vừa xảy ra kể với đồng nghiệp. Được chị này khuyên nhủ, Ban đến Công an quận Gò Vấp đầu thú.

Mang dao nhưng không cố ý giết người

Ngồi trước vành móng ngựa, Bùi Văn Ban cúi gằm mặt không dám ngoái nhìn về phía sau. Cha mẹ, vợ và rất nhiều người thân của anh Tân có mặt tại khán phòng không ngưng nhìn vào kẻ đã giết chồng, con mình. Hai tay ôm lấy mặt, Ban xoa đều, cố lấy lại sự bình tĩnh. Trả lời Hội đồng xét xử về hành vi phạm tội, Ban rành mạch khai nhận.

- Bị cáo có biết nguyên nhân vì sao anh Tân, nạn nhân trong vụ án chết không? – Vị chủ tọa hỏi.

- Dạ lúc mới gây án bị cáo không biết. Chỉ đến khi được tống đạt cáo trạng, bị cáo mới biết vì sao anh Tân chết. – Ban lí nhí khai nhận.

- Nạn nhân bị đâm một nhát dao gây thủng tim, phổi, dạ dày… nên tử vong. Sau khi bỏ chạy, được người nhà chở về, vì sao bị cáo lại mang theo dao quay lại chỗ gây tai nạn? Vị chủ tọa lớn tiếng hỏi.

- Vì sợ anh Tân tiếp tục đánh nên bị cáo mang dao để phòng hờ.

- Bị cáo để dao ở đâu?

- Bị cáo để dao trên chỗ để chân của xe Vision.

- Thực tế việc va chạm giao thông là việc hết sức bình thường. Có thể thấy người thân bị thương nên người nhà người ta nóng ruột, đánh bị cáo vài bạt tai. Đâu có gì mà bị cáo lại mang theo dao, quay lại hiện trường? – Vị chủ tọa nhíu mày, giọng nhấn mạnh.

- Bị cáo chỉ muốn lấy xe về. Nhưng sợ mấy anh này sẽ đánh mình nên bị cáo mới mang theo dao. Bị cáo không có ý định đâm ai hết. Vì anh Tân nhảy từ trong hẻm ra đánh bị cáo. Bị cáo bỏ đi mà anh này vẫn chạy theo bóp cổ nên bị cáo mới rút dao xoay người đâm đại. Bị cáo không ngờ chỉ một nhát dao mà anh Tân tử vong.

Được chủ tọa thẩm vấn, anh Phúc, cậu của nạn nhân cho biết lời khai của bị cáo gần như chính xác diễn biến sự việc. Tuy nhiên khi Ban quay lại cùng một người thì không có việc Tân đánh trước hay cầm cổ Ban để rồi bị đâm. Theo anh Phúc thì hôm đấy anh và anh Tân đã ngồi uống với nhau vài chai bia. Đến khoảng 8 giờ tối thì nghe bên kia đường ồn ào. Lúc này anh thấy Ban văng tục, chửi thề, đổ lỗi cho người phụ nữ kia. Nhìn thấy thái độ coi thường người khác, luôn miệng nói những lời khó nghe nên anh định sẽ đánh Ban để bị cáo không nói bậy nữa. Nhưng được mọi người can ngăn nên anh không đánh được Ban. Sau đó thì Tân ra đến nơi và có dùng nón bảo hiểm đánh Ban. Tuy nhiên khi Ban bỏ chạy thì hai cậu cháu đi về nhậu tiếp. Một lát sau lại nghe tiếng Ban la lối, Tân đi ra định nói chuyện phải trái. Tuy nhiên khi Tân đi một lúc thì anh Phúc đi theo. Ra đến nơi anh Phúc chỉ kịp nhìn thấy tay Tân đang để trên vai Ban rồi từ từ khụy người xuống. Anh Phúc không hề thấy Tân bóp cổ Ban…

Vợ Ban ngã quỵ sau khi tạm biệt chồng với mức án 15 năm tù.

Mặc dù chỉ là người có quyền và nghĩa vụ liên quan nhưng anh Phúc được xem như là nguồn cơn dẫn đến sự việc đáng tiếc. Nếu như anh không “tức giận”, đòi đánh bị cáo thì anh Tân sẽ không đánh Ban rồi dẫn đến sự việc đáng tiếc này. Thực tế vụ việc không hề liên quan đến anh Phúc và nạn nhân. Thay vì khuyên can, nói rõ cho bị cáo hiểu rõ thì anh Phúc lại đòi đánh bị cáo…- Vị chủ tọa nhắc nhở anh Phúc. 

Đi cùng người thân đến tòa, cha mẹ anh Tân tỏ ra bức xúc khi bị cáo bảo con trai quá cố của mình có lỗi. Cha nạn nhân đau xót trình bày “Rủ thêm người lấy dao quay lại hiện trường mà bảo là không có ý. Lại còn bảo con tôi là người có lỗi. Tôi không tin lời khai của bị cáo. Nếu nói con tôi bóp cổ bị cáo thì nó phải đứng trước mặt chứ sao bị cáo lại khai là xoay người về phía sau đâm lên. Tôi đề nghị tòa xét xử công minh, đúng người đúng tội…”.

Nghe Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 18 đến 20 năm, Bùi Văn Ban bật khóc rưng rức. Được nói lời nói sau cùng, Ban ngậm ngùi nói lời xin lỗi gia đình nạn nhân. Anh ta cũng xin Tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt để có thể về sớm chăm sóc vợ con và khắc phục hậu quả cho gia đình nạn nhân. Bị còng tay đưa vào phòng lưu phạm, Ban chần chừ bước, đôi mắt sũng nước nhìn người thân.

“Con bà còn có ngày trở về, còn chồng tôi…”

Thấy gia đình nạn nhân bước ra khỏi phòng xử, tránh không khí ngột ngạt, mẹ bị cáo vội bước theo. Chiếc áo khoác nhàu nhĩ cố ôm lấy vóc dáng gầy gò của người đàn bà tuổi gần thất thập. Con dại cái mang, mái đầu hơn hai thứ tóc nhưng vì con gây án, bà vẫn lóc cóc đi theo năn nỉ, xin tội cho con mình. Thấy bà bước đến, mẹ nạn nhân buông thõng mấy câu rồi lảng đi chỗ khác. Người mẹ già lại cố nhẫn nhịn, xích lại gần vợ nạn nhân. Bà xin lỗi, nói nhiều, kể lể hoàn cảnh của Ban… mong vợ nạn nhân tha thứ nhưng chị chỉ im lặng, quay lưng. Một hồi, người phụ nữ không dằn nổi cảm xúc nên gằn giọng: “Con bà còn có ngày trở về, còn chồng tôi thì sao?...”, rồi cũng bước đi mà đôi mắt đỏ hoe.

Ban là con trai út trong nhà, chỉ học đến lớp 9 rồi nghỉ học. Nhờ người quen giới thiệu, Ban được nhận vào làm quản lý thiết bị tại trường Đại học Công nghiệp. Một vợ hai con, Ban là trụ cột cho cả gia đình. Thế mà, tai bay vạ gió, Ban gây án để lại bao khó khăn cho người thân. Đã bồi thường được 70 triệu nhưng gia đình bị cáo không ngờ phía nạn nhân lại yêu cầu số tiền lớn hơn thế nhiều. Tiền mai táng, trợ cấp nuôi dưỡng con nạn nhân, tổn thất tinh thần…tổng cộng hơn trăm triệu, bà lo lắng không biết sẽ tính sao.

Nhận định hành vi của bị cáo là côn đồ, chủ động mang theo hung khí quay lại nơi gây tai nạn và gây án. Hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, thể hiện sự xem thường pháp luật, xem thường mạng sống của người khác… Nhưng xét thấy bị cáo đầu thú, tại tòa thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, ăn năn hối cải, bị hại cũng có một phần lỗi nên tuyên phạt Bùi Văn Ban mức án 15 năm tù về tội “giết người”.

Có mặt từ lúc bắt đầu phiên xử, vợ của Ban chỉ biết cúi mặt theo những lời khai của chồng. Nhất cử nhất động của Ban nơi vành móng ngựa chị đếu thấy rõ nhưng chỉ biết ngậm ngùi nhìn theo. Chị cố gắng đến bên xe đặc chủng nhìn chồng nở nụ cười động viên rồi ngã quỵ khi xe đi khuất. Nước mắt chị cứ thế rơi mà chẳng nói được lời nào. Phía ngược nắng, vợ nạn nhân vội vã bước đi như không muốn thấy cảnh đau lòng.

Người có tội phải đền tội nhưng người thân của họ nào có tội tình gì mà phải gánh chịu nỗi đau khổ khôn nguôi.

Mẫn Lâm
.
.
.