Nỗi oan những ngôi làng mang danh "ma độc" ở Cao Bằng

Thứ Năm, 05/06/2014, 08:30

Cái tên "ma độc" được người dân hay gọi chuyên để chỉ những người đi bỏ thuốc độc hại người để thực hiện lời nguyền trước khi được chọn làm truyền nhân. Theo lời nguyền, mỗi năm "ma độc" phải giết chết được số lượng người nhất định, nếu thực hiện được "ma độc" sẽ ngày càng trở nên giàu có, cây trồng vật nuôi sinh sôi phát triển. Ngược lại, nếu việc bất thành, lời nguyền sẽ phản tác dụng. Nhẹ thì trâu bò, lợn, gà bị chết, còn nặng thì một trong những thành viên trong gia đình sẽ bị mất mạng hoặc ly tán.

Những chuyện đồn thổi về loài độc dược hại người

Tin đồn về cách bỏ độc giết chết người ở xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng rất đáng sợ. Những kẻ bỏ độc có thể giết chết bất cứ ai nếu muốn, bằng cách dùng ngón tay đã tẩm độc sẵn rồi mời nước hoặc rượu. Để không bị nghi ngờ, họ sẽ uống rượu trước rồi mới mời lại khách. Nhưng không ai ngờ rằng, trước khi người khách đón lấy chén rượu thì kẻ bỏ độc đã dùng ngón trỏ bôi độc lên mép dưới chén.

Kinh khủng hơn nữa, kẻ bỏ độc có thể dùng độc bôi vào các loại cây ăn quả mọc dại ven đường để bẫy người không may ăn phải. Bằng cách này, họ không bị phát hiện và không phải áy náy khi giết người. Đồng thời, con "ma độc" cũng thực hiện được lời nguyền man rợ mỗi năm phải giết chết được số lượng người đã quy định. Ngược lại, nếu không thực hiện được thì lời nguyền sẽ phản chủ, nhẹ thì trâu bò, lợn, gà bị chết, còn nặng thì một trong những thành viên trong gia đình sẽ bị mất mạng.

Theo một số già làng ở xã Đức Hồng cho hay, loài thuốc độc đã ám ảnh người dân vùng sơn cước này từ hàng chục năm nay có hai loại cây: đó là cây màu đỏ và trắng. Hai cây này được những kẻ bỏ độc trồng ở nơi kín đáo, ẩm thấp, chỗ nào càng bẩn thì độc tính càng cao. Tùy theo từng trường hợp, người hạ độc sẽ dùng một trong hai cây đó để giết người. Trong đám đông, họ không bao giờ dùng loại cây thuốc độc màu đỏ bởi vì loài này gây chết người ngay tức khắc, không thể cứu chữa kịp thời và dễ bị phát hiện. Với cây thuốc độc màu trắng, nạn nhân sau vài ngày bị dính độc mới bắt đầu phát tác, sau đó toàn thân mất hết sức lực, khản giọng, cơ thể run rẩy… Vì vậy, nạn nhân có thể cứu chữa được nếu gặp được thầy lang "cao tay" nắm giữ cách trị độc.

Nhưng đáng sợ nhất vẫn là cây thuốc "Riu" (theo cách gọi của Tày, Nùng) - một loại độc dược phá hủy nội tạng con người. Những ai xấu số dính phải chất kịch độc này không hề biết mình đang dần đối mặt với cái chết. Ruột gan nạn nhân sẽ biến chứng, thối rữa trong một thời gian ngắn ngủi, người dính độc chỉ còn nước chết chứ không thể cứu chữa khỏi. Đặc biệt, loại cây độc dược này có khả năng biến hóa khôn lường. Nếu người trúng độc đã từng dùng phương thuốc của thầy lang y này chữa khỏi, và lần tiếp theo lại bị "ma thuốc độc" tấn công thì nạn nhân phải tìm đến một thầy thuốc khác mới có thể cứu sống.

Anh Nông Văn Khâm, Phó Chủ tịch xã Đức Hồng.

Chính vì những tin đồn kinh hoàng như vậy, nhiều người luôn có cảm giác nơm nớp lo sợ, đề cao cảnh giác khi đến một số bản ở Đức Hồng. Và càng không có chuyện người lạ dám uống nước, thưởng rượu cùng người trong xã khi có đám hiểu hỷ.

Bi kịch những người bị gán mác "ma thuốc độc"

Men theo những con đường rải đá nhấp nhô, gồ ghề đi vào các thôn bản trong xã Đức Hồng, chúng tôi truy tìm tung tích của "ma độc". Hỏi người dân ở bản Nà Khiêu, Nà Ngườm không ai không biết đến hai người tên Hoàng Văn T và C - hai "ma độc" một thời hoành hành tại các bản trong xã Đức Hồng, Cao Thăng. Tuy nhiên, công việc tìm kiếm của chúng tôi phải dừng lại vì được biết, người tên C đã chuyển vào miền Nam sinh sống và một người đã mất cách đây nhiều năm.

May mắn, anh Trưởng bản Nà Khiêu - Ngân Bá Tạ lại biết khá rõ về chuyện này. Anh chính là truyền nhân của người cha đã mất Ngân Bá Đàm - một thầy lang y nổi tiếng một thời về các bài thuốc chữa bệnh cứu người. Cho đến nay, anh vẫn còn nhớ như in những chuyện xảy ra tại các bản lân cận trong xã.

Theo anh Tạ, những năm 1990, chuyện về tục bỏ độc giết hại người đã ám ảnh mọi người dân đến cả ngay trong giấc ngủ. Đi đâu cũng nghe mọi người xôn xao, bàn luận về những cái chết bất thường, không rõ nguyên nhân. Sau khi bàn luận chán chê, cuối cùng người dân lại tìm cách bắt quả tang những người hạ độc.

Và rồi, một thời gian sau dân bản cũng tìm ra "ma độc". Không ai khác, đó chính là Hoàng Văn T, người đã đầu độc ông Lục Văn Thước ở bản Nà Ngườm. Theo cái cớ mà người dân khẳng định ông T là người nuôi độc bởi vì có hai lý do. Thứ nhất, nơi ông Thước trúng độc là ở tại nhà Hoàng Văn T. Thứ hai, trong lúc ông Thước đang lên cơn sốt nặng, Hoàng Văn T đã chỉ đường mách nước đến nhà một thầy lang y lấy thuốc về chữa trị. Người dân suy luận logic sự việc, cho rằng Hoàng Văn T lúc đầu đã cố ý hại ông Thước. Tuy nhiên, sau vài hôm Hoàng Văn T cảm thấy áy náy nên đã gián tiếp cứu sống ông Thước.

Ngay sau khi ông Lục Văn T được chữa khỏi, cả làng đã họp lại và đưa Hoàng Văn T vào nhà văn hóa lập biên bản và đòi giết. Vụ việc còn đưa lên Tòa án huyện giải quyết nhưng không có bằng chứng nên Tòa không xử lý và cho hai bên hòa giải. Tuy nhiên, sau vụ kiện đó cả bản đã cô lập cả gia đình ông Hoàng Văn T, các ngày ma chay, đám cưới của bản không được phép tham gia. Trong thời gian đó, hễ mỗi lần ông T ra ngoài đường là bị thanh niên trong bản xua đuổi, dọa nạt, thậm chí đánh đập. Sau này, vì cô đơn với sự kỳ thị của dân làng mà ông sinh bệnh chết cách đó không lâu.

Còn người được người dân gọi là "ma độc" C lại chọn cách giải thoát bằng cách cả gia đình chạy vào miền Nam sinh sống. Trong thời gian sống ở bản Pác Bo, xã Cao Thăng (giáp ranh với xã Đức Hồng), ông C luôn chịu sự dị nghị, xa lánh của người dân trong vùng. Cũng không ai chứng kiến và dám khẳng định việc ông C nuôi độc, hại người nhưng trong ý nghĩ của người dân nơi đây luôn chất chứa sự nghi hoặc, sợ hãi.

Chuyện bắt đầu xảy ra vào cuối những năm 1990. Đây là giai đoạn mà nghiệp bốc thuốc cứu người của ông C đang ở đỉnh cao. Tuy nhiên, danh tiếng ông T bị đánh mất khi bệnh nhân lấy thuốc từ ông về uống mà không khỏi bệnh và bị chết ngay sau đó. Người dân khi thấy chuyện chết chóc mang tính bí ẩn, lạ lùng lại đổ tội cho "ma độc". Nhiều người bắt đầu nghi ngờ, xa lánh, thậm chí có người còn thẳng thừng nói rằng, có thể trong quá trình bốc thuốc ông T nhầm với cây thuốc độc nào đó nên mới dẫn đến cái chết của người bệnh nhân ở xã Cao Thăng.

Đường vào làng Nà Khiêu.

Vì vậy, tin đồn cùng những lời thêu dệt lại được nhiều người bàn cãi. Họ vừa sợ hãi vừa âm thầm theo dõi nhằm bắt quả tang, bóc mẽ chiêu trò của ông T giết người bằng thuốc độc. Và rồi, ngày định mệnh cũng đã xảy đến với ông T. Trong một bữa tối đi ăn cưới ở xã bên, một vị khách ngồi cùng mâm cỗ với ông T bỗng dưng bị đau bụng dữ dội. Lập tức, cả chủ nhà lẫn khách mời xúm quanh người đàn ông đang nằm ôm bụng. Mọi người liền nghi ngờ trong mâm nhất định đã có người bỏ độc. Một lúc, có người nhảy vào đám đông ồn ào và hét to: "Kẻ bỏ độc chính là ông T, giờ thì không chối cãi được nữa nhé". Lập tức, những con mắt đổ dồn vào ông T. Những người trong mâm rượu cũng đã chứng kiến người khách bị đau bụng đã uống với ông T mấy chén rượu nên đã lôi cổ ra khỏi nhà và đánh tới tấp.

Sau trận đòn "thừa sống thiếu chết", mãi đến sáng hôm sau, ông T mới bò lê lết về tới nhà. Lúc đó, từ làng trên bản dưới khắp nơi đều bàn tán chuyện ông T "bị quả báo". Nhiều người còn suy đoán, ông biết cây thuốc trị thương nên mới giữ được mạng sống. Không chịu được những ánh mắt nghi hoặc, khinh ghét, cũng chẳng thể thanh minh được nửa lời, ông T đã cùng gia đình quyết định rời khỏi vùng quê.

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ

Anh Ngân Bá Tạ cũng khẳng định: "Tôi hành nghề đã nhiều năm nay, nhưng chưa có trường hợp nào mắc bệnh lạ hay trúng độc. Nhiều chuyện thật bi hài đã xảy ra xoay quanh chuyện "ma độc". Vài trường hợp trong lúc nửa đêm đập cửa đùng đùng gọi tôi thức dậy và xông vào nhà với vẻ hoảng hốt nói rằng người nhà đã bị người khác hạ độc, mong đến nhà cứu chữa. Tuy nhiên, khi đến nhà thì "bệnh nhân" đã khỏi bệnh cười đùa nhảy nhót. Hỏi ra mới biết người này hay mắc chứng… tức bụng".

Nhiều khi do nghi ngờ mù quáng đã làm mất đi tình cảm thân thiết, sự gắn bó đoàn kết của những người dân trong các bản làng, dẫn đến những sự việc đáng tiếc như vừa kể trên. Tin rằng, trước sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và công tác tuyên truyền nhằm phục vụ cho cuộc sống của nhân dân sẽ góp phần nhanh chóng đẩy lùi những hủ tục, mê tín dị đoan để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra, đặc biệt là đề phòng, cảnh giác kẻ xấu lợi dụng.

Để biết thực hư về tục bỏ độc giết hại người, chúng tôi đem thắc mắc đến hỏi anh Nông Văn Khâm, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hồng. Nhấp xong ngụm trà nóng, anh Khâm cho biết: "Thực tế nhiều năm nay có xuất hiện những lời đồn về "ma độc", nhưng qua tìm hiểu thì không phải là sự thật. Nhiều người bị ngộ độc thực phẩm cũng đều đổ tội cho "ma độc". Làm sao mà có nhiều "ma độc" đến thế chứ. Người ta cứ đồn đại như thế làm tai tiếng cho xã chúng tôi. Tôi khẳng định là không có "ma độc".

Anh Khâm cho biết thêm, cả xã có 700 hộ và hơn 3.000 nhân khẩu gồm 2 dân tộc Tày, Nùng cùng sinh sống. Chuyện "ma độc" ngày xưa các cụ không hiểu biết, trình độ dân trí còn thấp nên mới có những lời đồn đại như vậy. Hiện nay, đời sống nhân dân được no đủ hơn, nhận thức cũng được nâng lên ắt sẽ loại bỏ được những ý nghĩ, tin đồn về tục bỏ độc giết hại người. Nhưng nỗi oan của cả xã chưa biết bao giờ sẽ được thanh minh, gột rửa?

Nông Lưu Vĩnh
.
.
.