Phát hiện tiền bẩn trong ngân hàng nhờ tội phạm

Thứ Ba, 21/04/2015, 14:00
Chính quyền Mỹ đang áp dụng một chiến lược mới để trừng phạt những ngân hàng không có biện pháp ngăn ngừa nạn rửa tiền. Họ thẩm vấn một cách có hệ thống nhiều tội phạm, nhờ đó theo dõi được nguồn gốc các luồng tiền đen.
Theo Jonathan Lopez, người từng giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm chống rửa tiền và minh bạch ngân hàng (MLBIU), những nỗ lực của họ đã đem lại kết quả, và đang chuẩn bị đưa một số ngân hàng tổ chức tài chính ra tòa.

Trong suốt 4 năm từ khi thành lập, MLBIU đảm bảo các tổ chức tài chính tuân thủ luật pháp, bao gồm Luật chống rửa tiền (AML), Luật minh bạch ngân hàng (BSA). Tổ chức này hoạt động như một lực lượng hỗ trợ cơ quan chức năng chưa đủ khả năng hoặc thiếu kinh nghiệm điều tra các vụ rửa tiền.

Nhờ MLBIU mà nhiều dòng tiền bẩn bị khui ra.

MLBIU tìm kiếm thông tin về ngân hàng không chỉ từ  kẻ phạm tội lừa đảo và buôn ma túy, mà còn từ người bị tình nghi dính líu đến mọi hoạt động phạm tội khác. Nhiều tội phạm hy vọng được giảm tội sau khi khai ra những ngân hàng, sòng bạc, các dịch vụ chuyển tiền, nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới và nhiều tổ chức tài chính khác dính chàm.

"Về cơ bản, bất cứ một tội phạm nào chuyển tiền đi đều có thể là cánh cửa mở ra sự thật về một tổ chức tài chính nào đó. Với những câu hỏi đơn giản trước những người phạm tội "Ai chuyển tiền cho ông, bà?" có thể giúp đưa MLBIU đến trước cửa một tổ chức tài chính nào đó khui ra sự thật" - Lopez cho biết.

Cơ quan MLBIU từng xử lý những vụ rửa tiền chấn động, trong đó có vụ liên quan đến Ngân hàng HSBC năm 2012. Khi đó, 1,9 tỷ USD đã được thanh toán bất hợp pháp và MLBIU đã thừa nhận Luật AML không chặt chẽ khi để các tổ chức buôn thuốc phiện rửa hàng trăm triệu USD. Một trường hợp khác, Công ty thanh toán MoneyGram International đã chấp nhận nộp phạt 100 triệu USD, sau khi thừa nhận đã hỗ trợ một đường dây tội phạm rửa tiền.

Tổ chức chống rửa tiền này cũng thành công khi theo đuổi những mục tiêu nhỏ hơn, bao gồm 4 công ty chuyển tiền ở New York và California. Một số trường hợp nhờ những người chỉ điểm. Một số khác dựa vào các cuộc điều tra, thí dụ thông qua tài liệu triệu tập hầu tòa đối với các tổ chức tài chính trong quá trình điều tra tội phạm.

 MLBIU hiện cũng đang điều tra Công ty Banamex USA thuộc Citigroup có thể vì đã không theo dõi được những thương vụ chuyển tiền qua biên giới Mỹ - Mexico. Citigroup cho biết, họ đang hợp tác với MLBIU. Theo quy định của BSA, các tổ chức tài chính phải báo cáo cho nhà chức trách về những giao dịch đáng nghi ngờ hoặc những giao dịch tiền bạc quá lớn.

Trong nhiều trường hợp, một số tổ chức tài chính đã phớt lờ yêu cầu báo cáo do luật quy định, trong khi một số khác lại không muốn tuân thủ luật lệ vì họ phải tốn kém tiền bạc cho việc này. Những tổ chức như vậy đã thu hút những tên phạm tội không muốn giao dịch của mình bị chú ý. Các nhà chức trách không thể phát hiện ra những công ty như vậy trong những cuộc kiểm tra định kỳ, vì có thể quy mô kiểm tra chưa đủ lớn hoặc họ thiếu kinh nghiệm trong việc tìm ra các dấu hiệu vi phạm.

BNP Paribas từng bị phạt nặng vì liên quan đến rửa tiền.

MLBIU cũng góp phần vào nhiều vụ xử phạt ngân hàng, chủ yếu là ngân hàng có trụ sở chính ở châu Âu về việc bí mật xóa dấu vết các vụ chuyển USD liên quan đến Iran và các nước bị Washington liệt vào danh sách cấm. Hầu hết các ngân hàng này đã phải chịu phạt hàng trăm triệu USD cho những vi phạm của mình.

Trong tháng 7/2014, Ngân hàng Pháp BNP Paribas đã phải đối mặt với mức phạt cao chưa từng có. Họ đã đồng ý nộp một khoản gần 9 tỷ USD và thừa nhận có tội. Ít nhất có 3 ngân hàng khác, Credit Agricole, Société Générale và Deutsche Bank AG, cũng đang bị MLBIU để ý tới, và còn nhiều tổ chức tài chính khác cố tình vi phạm cũng trong tầm ngắm của MLBIU. 

Vân Trường - S.H.(tổng hợp)
.
.
.