Hậu chuyện phá rừng ở Sơn Động - Bắc Giang:

Phạt, nhưng phải công bằng

Thứ Hai, 24/11/2014, 13:30

Sau gần 20 năm được giao đất giao rừng, người dân xã An Lạc (Sơn Động, Bắc Giang) gần như không được hưởng bất kỳ lợi nhuận gì. Sau "phong trào" phá rừng kiệt trồng keo không xin phép, rất nhiều hộ dân bị xử phạt hành chính hàng chục triệu đồng. Thậm chí một số còn bị khởi tố điều tra vì tội chặt phá rừng. Ai cũng thừa nhận lỗi lầm mình gây ra nhưng không phải ai cũng tâm phục khẩu phục bởi ở đây đang diễn ra chuyện "xử lý không công bằng".

"Dân tin, làm theo cán b"

Bấy lâu nay, phía tây dãy núi Yên Tử  được mệnh danh là "bồng lai tiên cảnh" chốn hạ giới. Với cảnh sắc thiên nhiên, núi non hùng vĩ tuyệt đẹp, con người mộc mạc giản dị. Họ sống "chậm", giản dị, hòa với đất trời tưởng như chẳng gì làm họ buồn chán. Vậy mà gần 1 năm nay, đi đến đâu, khắp trong bản ngoài nương ai nấy cũng hoang mang bởi số tiền phạt vì phá rừng ập tới, rồi vướng vào vòng lao lý. Sơn Động vốn là huyện miền núi nghèo nhất tỉnh Bắc Giang, ở đây tập trung nhiều bà con dân tộc thiểu số, đời sống vô cùng khó khăn. Cuộc sống chủ yếu dựa vào ruộng, rừng và chăn nuôi tự phát. Năm 2000 rất nhiều hộ dân tại xã An Lạc được nhà nước giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất  nhằm ổn định cuộc sống từ kinh tế rừng. Trên lý thuyết đây là chính sách đúng đắn, tuy nhiên thực tế diện tích rừng ở đây chỉ là rừng nghèo kiệt. Hầu hết không có gỗ quý, lác đác vài ba cánh rừng có lim, trám, còn chủ yếu là gỗ tạp có giá trị kinh tế không cao.

Sau  hơn 10 năm bám rừng, bảo vệ rừng, với tiền hỗ trợ 200 nghìn đồng/ha/năm cho việc chăm sóc và bảo vệ. Sau đó tiền hỗ trợ này ngày càng giảm còn 50 nghìn đồng/ha/năm, khoảng 3 năm nay số tiền ít ỏi đó cũng bị cắt do kinh phí hạn hẹp. Với diện tích đất nông nghiệp quá ít, rất nhiều người dân phải rời bản, xa làng để kiếm thêm thu nhập. Người thì đi bốc vác, làm cửu vạn, người thì biệt xứ tìm công việc tốt hơn. Trong lúc loay hoay tìm lối thoát cho kinh tế gia đình, xã An Lạc nổi lên "phong trào" phá rừng trồng keo làm kinh tế. Tuy nhiên "phong trào" phá rừng này lại được chính những cán bộ, đảng viên các thôn, xã "phát động". Ông Hoàng Văn Triệu (56 tuổi, thôn Cò Nọc) cho biết: "Quả thực là bao nhiêu năm nay, chúng tôi một lòng, một dạ bảo vệ rừng cho dù biết chúng không mang lại lợi ích kinh tế gia đình. Chúng tôi thấy cán bộ địa phương phạt rừng, trồng keo làm trước nên chúng tôi cũng làm theo. Bấy lâu nay "cán bộ làm trước làng nước mới theo sau", không tin vào cán bộ thì tin vào ai?".

Ông Hoàng Văn Triệu chia sẻ: "chỉ vì thấy cán bộ phá rừng không bị làm sao nên người dân chúng tôi mới làm theo. Từ trước tới giờ chúng tôi tuyệt đối bảo vệ rừng".

Đặt câu hỏi, có hay không cán bộ, người nhà cán bộ là những người "đi đầu phong trào"phá rừng, ông Trần Dìn, Chủ tịch UBND xã An Lạc thừa nhận: "Đúng là đã có những cán bộ, đảng viên phá rừng trái pháp luật. Bản thân con trai tôi, người nhà tôi cũng tham gia phá rừng. Tuy nhiên ngay khi cơ quan chức năng vào cuộc thì họ đã dừng lại hoàn toàn và đã nộp phạt đầy đủ theo quy định của pháp luật".

Người này nhìn người kia, rồi dân dựa vào cái lý "cán bộ làm trước, làng nước theo sau" ấy mà "phong trào" chặt phá rừng càng ngày càng lên cao. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục héc ta rừng tại xã An Lạc bị đốn. Và, khi chuyện đã rồi, hàng chục héc ta bị tàn phá được thay bởi những cánh rừng keo xanh bạt ngàn thì cơ quan chức năng mới ráo riết vào cuộc. Điều đau đớn hơn cả, khi người dân bắt đầu manh nha phá rừng, thì không thấy cơ quan chức năng nào đến kiểm tra, ngăn chặn. Khi những cánh rừng tan hoang, ngổn ngang cây đổ, lúc đó mới xuất hiện để áp luật phạt. Rất nhiều người dân ngỡ ngàng kí vào văn bản nộp phạt. Ông Nông Văn Thiện bức xúc: "Nhà tôi được giao 7 héc ta rừng, khi thấy mọi người phá tôi có thuê người chặt phá để trồng keo. Cứ tưởng không bị làm sao, ai ngờ kiểm lâm xuống đo đạc và kết luận gia đình tôi phá 1 héc ta rừng, phải nộp phạt 40 triệu đồng". Bà Bùi Thị Gái cùng chung tâm trạng chia sẻ: "Nhà tôi thì phá 0,5 héc ta, cũng có giấy nộp phạt 20 triệu đồng. Tôi cũng không hiểu tại sao lại phải nộp cao đến vậy. Trong khi rất nhiều người phạt rừng với diện tích lớn hơn thì phải nộp ít hơn, có nhà chỉ vài triệu. Thậm chí có nhà còn không bị phạt".

Cánh rừng của gia đình chủ tịch UBND xã An Lạc được cho là bị phá đầu tiên.

Hầu hết người dân tại xã An Lạc đều thừa nhận việc phá rừng là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên việc nộp phạt hành chính hiện nay vẫn đi vào bế tắc, gần như 100% các hộ dân chưa thực hiện nộp phạt. Lý do đơn giản bởi họ cho rằng đã có sự không công bằng ở đây. Có đến hàng chục hộ dân bị xử phạt hành chính, số tiền lên tới vài trăm triệu đồng. Đặc biệt có 3 trường hợp đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố hình sự. "Phong trào" chặt phá rừng đã nguội, tuy nhiên những sự việc xoay quanh nó vẫn là chủ đề nóng, được bàn tán xôn xao ở đây.

Người dân xã An Lạc đều nhận việc phá rừng là vi phạm pháp luật, nhưng muốn được xử lý công bằng.

Các trường hợp trong danh sách khởi tố như anh Lê Văn Vinh, thôn Đồng Bây, Châu Văn Định và Châu Văn Chung thôn Biếng. Tuy nhiên những người trong danh sách khởi tố này đều tỏ ra bàng hoàng và vô cùng bất ngờ trước quyết định đó. Anh Chung nói: "Chúng tôi thừa nhận mình đã vi phạm pháp luật, chúng tôi sẵn sàng chịu xử lý. Tôi chỉ bất ngờ một điều là: tôi cũng chỉ có phá 2,7 héc ta rừng nhưng sao hai anh em nhà tôi lại bị khởi tố. Số diện tích rừng gia đình tôi phá còn thấp hơn rất nhiều so với một vài hộ khác. Tôi chỉ mong muốn làm sao cho công bằng".

Câu chuyện đáng băn khoăn nhất mà chúng tôi ghi nhận được ở đây là trường hợp gia đình bà Bùi Thị Đỏ (62 tuổi). Bà Đỏ tâm sự: "Nhà tôi là gia đình chính sách, con trai tôi là liệt sĩ, chồng lại đau ốm nằm đó nhiều năm nay. Một mình tôi thân già lo cho bao miệng ăn, tôi thấy người ta phạt rừng trồng keo, tôi cũng thuê người làm. Những mong cuộc sống khấm khá hơn, có tiền chạy thuốc men cho ông ấy. Vậy mà bây giờ tôi có quyết định xử phạt tới 40 triệu đồng. Tôi lấy đâu ra tiền mà nộp". Gia đình bà Bùi Thị Đỏ được giao 6 héc ta rừng, đầu năm 2014 bà có thuê người phạt 1 phần để trồng keo. Sau đó vay mượn để mua keo giống trồng trên diện tích được phạt, những tưởng không có chuyện gì xảy ra bởi những cây keo của rất nhiều gia đình, trong đó có cả cán bộ xã đã xanh tốt, thậm chí có gia đình đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Thế rồi tai họa ập xuống khi bà cầm tờ quyết định xử phạt 40 triệu đồng cho số diện tích rừng bà đã phá. "Ban đầu thấy người ta bảo tôi bị khởi tố, nhưng vì gia đình chính sách nên giảm xuống còn nộp phạt. Họ còn bảo nếu không nộp phạt sẽ bị cưỡng chế", bà Đỏ cho biết. Từ khi nhận được biên bản nộp phạt đến hôm nay, bà Đỏ vẫn chưa thể hình dung ra mình sẽ lấy đâu ra 40 triệu để nộp phạt. Và khi không có tiền nộp thì cơ quan chức năng sẽ trông chờ gì ở gia đình bà. Và câu hỏi cứ đeo đẳng bà Đỏ rằng, tại sao mình cũng phá với diện tích như người ta mà phải chịu mức phạt lớn đến vậy? Chỉ cần nghĩ vậy thôi, người đàn bà khắc khổ ấy lại không cầm được nước mắt.  

Ông Nguyễn Văn Hiệu, Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Sơn Động cho biết:

"Đúng là đã có cán bộ, đảng viên và người nhà tham gia chặt phá rừng tại xã An Lạc. Việc xử lý hành chính đang gặp rất nhiều khó khăn, bà con cho rằng chúng tôi xử lý không công bằng khi mức phạt dựa vào diện tích bị chặt phá. Tuy nhiên theo luật mức xử phạt phải dựa vào mật độ cây trong phạm vi bị chặt phá. Hơn nữa đây là khu vực không phải rừng hoàn toàn. Có sự chênh lệch về rừng non, rừng tái sinh. Chính vì thế có thể diện tích nhỏ nhưng lại xử phạt cao và ngược lại".

Khi chúng tôi đặt câu hỏi tại sao không ngăn chặn ngay hành động phá rừng của bà con tới những ngày đầu, ông Hiệu cho rằng: "Nhà nước đã giao đất, giao rừng cho bà con, bà con phải có ý thức tự bảo vệ. Khó khăn nữa là khi chúng tôi đến ngăn chặn, nhiều người trên núi cứ chặt phá, đến nơi thì bỏ chạy. Lực lượng của chúng tôi thì mỏng.

Đúng là có trường hợp con trai ông Trần Dìn (Chủ tịch UBND xã An Lạc) tham gia chặt phá. Đáng ra trường hợp này chúng tôi đề nghị khởi tố, tuy nhiên anh này đã dừng lại sau khi được cảnh báo".

Ông Trần Dìn, Chủ tịch UBND xã An Lạc, huyện Sơn Động, Bắc Giang cho biết: "Rừng này được nhà nước chia cho nhân dân để bảo vệ trong vòng 50 năm nhưng không phát triển được. Trong quá trình làm thì nhân dân lại không nhận thức đầy đủ. Cái này nếu theo chủ trương của UBND tỉnh, Chi cục kiểm lâm tỉnh mà nhân dân làm thì không có vấn đề gì. Đằng này bà con tự ý chặt phá rừng là sai. Hai đối tượng bị khởi tố là vì lý do khi Chi cục kiểm lâm của UBND tỉnh và Hạt kiểm lâm Sơn Động đang tập trung ngăn chặn thì họ lại vẫn cố tình phá tiếp. Nó như một hình thức cố tình chống đối. Thực tế một số gia đình cán bộ cũng tham gia phá rừng nhưng khi bị xử phạt thì đã chấp hành tốt".

Phong Anh
.
.
.