Quan chức sao lại không giàu?

Thứ Hai, 06/10/2014, 16:00

Suốt thời gian vừa qua, dư luận khá ồn ào về chuyện ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương với khối tài sản “khủng” bao gồm một dinh thự hoành tráng và những đồn điền cao su bạt ngàn ước tính có giá trị lên tới hàng chục triệu USD. Ngay lập tức, khi thông tin ấy được tung ra bởi một số tờ báo, có khá nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh nguồn gốc của khối tài sản đó và cả quy trình cấp đất làm đồn điền cao su mà tỉnh Bình Dương dành cho ông Chủ tịch UBND của mình.

Trước dư luận ồn ào như vậy, ông Nguyễn Minh Giao, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương, đã khẳng định trong một buổi họp báo rằng: "Việc ông Cung sở hữu căn biệt thự và khu vườn cao su là có thật, nhưng diện tích và giá trị thì không phải như vậy. Diện tích cao su hiện ông Cung đang sở hữu chỉ vài chục hécta. Tại thời điểm cao su đang lên giá (từ năm 2000 đến 2004), với hàng chục hécta cao su, thu hoạch khoảng 50 triệu đồng/ngày thì việc xây dựng căn biệt thự vài tỉ đồng là chuyện bình thường... Toàn bộ tài sản của ông Cung được hình thành và đã có từ trước khi được bổ nhiệm lãnh đạo tỉnh, điều này thì ai cũng biết".

Lời giải thích của ông Giao nghe rất hợp ly,á nhưng trước những ngờ vực sẵn có và cái nhìn mặc định của công chúng dành cho quan chức nhà nước, dư luận vẫn chưa cảm thấy nó thỏa đáng.

Song, nếu tỉnh táo, khách quan và vô tư, chúng ta không nên nhìn vào câu chuyện của ông Lê Thanh Cung chỉ với những ngờ vực thông thường như thế. Thay vào đó, nên có cái nhìn mở ra những vấn đề khác hơn và chắc chắn là cấp thiết hơn.

Minh họa của Lê Tâm.

Thứ nhất, hãy dẹp sang một bên vấn đề quy trình cấp đất cho ông Cung (cứ cho là đúng luật đi), ta thử tự trả lời câu hỏi "Quan chức phải giàu hay phải nghèo?". Xưa nay, ta vẫn thản nhiên cho rằng "nghèo thì thanh sạch" và nghèo được coi như một tiêu chuẩn của sự thanh liêm, của “chí công vô tư”. Nhưng suy cho cùng, quan chức mà nghèo thì quá nguy hiểm.

Trong một quốc gia đã mở cửa được hơn 20 năm, với nền kinh tế đã thay đổi rất nhiều so với trước thời điểm mở cửa ấy, quan chức cần phải giàu thì đúng hơn. Quan chức giàu, nguy cơ “vơ vét” sẽ càng ít hơn. Dù ai cũng biết lòng tham thì không đo được nhưng rõ ràng, với một người có rất nhiều tiền, để mua họ theo thói thường là vô cùng khó. Tất nhiên, cái giàu của quan chức phải là cái giàu minh bạch, cái giàu chính đáng, chứ không phải cái giàu do nhúng cả hai tay vào chàm. Và trong cả một xã hội ai cũng quyết tâm làm giàu, quan chức biết làm giàu chính đáng cho mình cũng là một tấm gương mẫu mực đúng nghĩa.

Nhưng ủng hộ quan chức làm giàu một cách chính đáng thì ta cũng phải trả lời câu hỏi thứ hai. Đó là "những người làm giàu như thế đã hoàn tất nhiệm vụ thuế hay chưa?".

Cách đây vài hôm, khi người viết bài này đang lang thang ở khu Ecole-Paris, hai phóng viên truyền hình Pháp đã tiếp cận và hỏi: "Anh có biết Thomas không?". "Không, tôi không biết". "Anh có biết Arsene Lupin không?". "À, đó là tay siêu trộm đại tài". "Vậy thì cầm tấm ảnh này. Nó là ảnh Thomas đấy. Và hãy cẩn thận với y. Y còn là tay siêu trộm cắp đại tài hơn cả Lupin".

Người viết mang mối ngạc nhiên về tấm ảnh kia để hỏi… “cụ Google”. Hoá ra, đó là Thomas Thevenoud, một bộ trưởng mới được bổ nhiệm của Chính phủ Pháp (Bộ Thương mại) và chỉ 2 ngày sau khi được bổ nhiệm, ông ta bị cáo buộc trốn thuế. Ở một đất nước tự do như Pháp, việc một kênh truyền hình kết tội ông bộ trưởng trốn thuế là hành vi “trộm cắp” là bình thường. Đơn giản, họ hiểu rằng ông ta đã trộm cắp từ ngân sách nhà nước, một cách lén lút.

Câu chuyện của ông Thevenoud thì liên quan gì đến chuyện của ông Lê Thanh Cung, cũng như câu hỏi “Quan chức có nên giàu?”. Thực tế là có. Để rộng đường dư luận, những quan chức như ông Cung không chỉ công khai hóa, minh bạch hóa nguồn gốc tài sản, mà còn phải chứng minh rằng mình gương mẫu ở trách nhiệm thuế. Có như thế, lòng dân mới an được.

Còn ở cương vị của mỗi chúng ta, mỗi công dân, chúng ta cũng phải ngẫm lại mình. Số lượng người thu nhập trên 5 triệu đồâng/ tháng (mức phải đóng thuế TNCN) không ít. Nhưng bao nhiêu phần trăm trong số ấy đã làm tròn trách nhiệm thuế của mình.

Mình cũng phải tự làm tấm gương trước nhất. Kẻo người ta lại mỉa mai rằng "Dân nào thì quan thế". Lúc ấy, muốn chỉ trích ai, công kích ai, ngờ vực ai, e rằng ta cũng đã không thể nắm phần lý về mình

H.Anh
.
.
.