Vụ trộm bảo vật bạc tỷ tại Lăng vua Tự Đức - Cố đô Huế:

"Rào giậu" không chặt, "Đạo tặc" tới liền

Thứ Sáu, 06/12/2013, 12:00

Đã hơn chục ngày nay, người dân Huế vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ trộm cổ vật táo tợn tại Điện Hòa Khiêm - Lăng vua Tự Đức. Sáu cổ vật có giá trị văn hóa lớn đã bị bọn "đạo tặc" cuỗm mất ngay trước "mũi" lực lượng bảo vệ của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Điều đáng nói, sự việc lại xảy ra đúng vào tháng có Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.

Ngược dòng thời gian, cuối năm 2010 tại Lăng vua Khải Định cũng đã xảy ra một vụ trộm cắp cổ vật tương tự. Hơn lúc nào hết, vấn đề an ninh di sản được đặt ra ở mức báo động, đòi hỏi một thái độ trách nhiệm và bức tường rào chắc chắn trước sự dòm ngó của "đạo tặc", chứ không phải là câu nói "rất lấy làm tiếc" của những cơ quan có trách nhiệm bảo vệ di sản.

Sự tắc trách tiếp tay cho "đạo tặc"

Vụ việc xảy ra vào khoảng 3 giờ sáng 8/11/2013 tại Điện Hòa Khiêm, Lăng vua Tự Đức, TP Huế. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, số hiện vật đã bị kẻ gian trộm cắp mất, gồm một cặp lư xông trầm hình con nghê bằng đồng, cao 40cm, dài 48cm, nặng gần 90kg. Bốn cái ché có nắp (loại thường đựng rượu) bằng sứ men màu lam, vẽ hoa văn rồng phượng, sông núi mang đặc trưng thời Nguyễn, cao hơn 60cm, đường kính đáy từ 22-32,5cm. Số cổ vật nêu trên đều có niên đại thế kỷ 19. Trong khi vận chuyển, kẻ gian đã làm vỡ một cái ché nên vứt lại. Theo đánh giá của một nhà chuyên môn, đôi lư xông trầm hình nghê nếu bán trên thị trường sẽ không dưới 2 tỉ đồng, còn mỗi cái ché có giá hàng trăm triệu đồng. Đây đều là đồ ngự dụng của vua Tự Đức lúc còn sống tại hành cung này.

Tại hiện trường không có dấu vết cạy phá các tủ, hòm đựng cổ vật, như vậy có cơ sở nhận định số cổ vật trên đã bị mất tại vị trí trưng bày. Trong khi đó, theo quy định thì hết giờ mở cửa đón khách hàng ngày và vào ban đêm, cổ vật phải được đưa vào các hòm, tủ bảo vệ chuyên dụng và khóa lại.

Điều đáng nói là vào đêm xảy ra vụ án, tại Lăng vua Tự Đức có tới sáu nhân viên bảo vệ chuyên trách của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Ngay tại Điện Hòa Khiêm có một bảo vệ ngủ cạnh nơi để hiện vật. Có tin vào khoảng 3 giờ sáng, khi nhân viên này mở cửa đi vệ sinh, kẻ gian phục sẵn bên ngoài đã lẻn vào trong điện khua khoắng cổ vật.

Hiện cơ quan điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đang truy xét thủ phạm. Giả thuyết về sự thông đồng, tiếp tay "từ bên trong" vẫn chưa được loại trừ, vì xưa nay các vụ trộm có tính chất "nội công, ngoại kích" không phải là hiếm. Ông Mai Xuân Minh - Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, cả sáu cán bộ bảo vệ tại Lăng vua Tự Đức vào đêm 8-11-2013 đã bị đình chỉ công tác, để có thời gian làm việc với cơ quan điều tra.

Điện Hòa Khiêm - nơi xảy ra vụ trộm cổ vật.

Theo ông Minh, vụ trộm tại Lăng vua Tự Đức vừa qua không phải là cá biệt. Trước đó, việc trộm cắp thùng tiền công đức và hiện vật đã xảy ra nhiều lần ở các điểm di tích trong quần thể di tích Cố đô Huế, như vụ trộm tại Lăng vua Thiệu Trị. Gần nhất vào cuối năm 2010, "đạo tặc" cũng đã "ghé thăm" Lăng vua Khải Định, lấy đi một số hiện vật có giá trị. Đến nay công tác điều tra tuy đã bắt được thủ phạm nhưng vẫn chưa truy thu được hiện vật. Ông Minh không cho biết cụ thể thiệt hại trong vụ này, về vụ mất cổ vật tại Lăng vua Tự Đức, ông Minh nói: "rất lấy làm tiếc" và thừa nhận sự tắc trách, không làm tròn trách nhiệm của nhân viên bảo vệ của Trung tâm này.

"Lắm sãi không ai đóng cửa chùa"?

Dường như ai cũng biết, di tích và di vật, hiện vật được ví như máu của mỗi nền văn hóa, bởi đó chính là những bằng chứng, cứ liệu hùng hồn nhất chứng minh về bề dày, chiều sâu văn hóa của một quốc gia, dân tộc. Trở lại với vụ trộm tại Lăng vua Tự Đức, những phân trần của lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế xem ra thật khó thuyết phục. Nghịch lý ở chỗ, tại các lăng tẩm đang cất giữ hàng trăm cổ vật trị giá trị lớn, nhưng không có lấy một cái camera giám sát hay hệ thống báo động nào. Điều này theo ông Minh là do "những khó khăn về kinh phí đầu tư". Thế nhưng theo chúng tôi được biết, khoản thu hàng năm từ tiền bán vé tham quan quần thể di tích Cố đô Huế dao động từ 80 đến 100 tỷ đồng. Trừ đi phần nộp vào ngân sách của tỉnh, thì với số tiền Trung tâm được giữ lại phục vụ hoạt động, thừa khả năng mua sắm các thiết bị bảo vệ cần thiết. Như vậy, vấn đề chỉ là ý thức trách nhiệm với công tác bảo vệ di sản mà thôi.

Ông Mai Xuân Minh - Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế.

Một vị từng lãnh đạo cơ quan này cho biết: "Thời còn phụ trách Trung tâm, có những đêm mưa gió vì sốt ruột không biết anh em bảo vệ lăng tẩm như thế nào, tôi đã gọi lái xe đi thị sát các điểm di tích. Nếu bắt gặp anh nào không cất hiện vật vào hòm khóa lại, tôi phạt rất nặng, thậm chí đuổi việc ngay. Năm 2010 khi mất cổ vật tại Lăng vua Khải Định, tôi đã viết đơn xin từ chức gửi lãnh đạo tỉnh. Các cụ ta đã dạy "khuynh gia tại trưởng", nên mất cổ vật dù với bất cứ lý do nào, thì trách nhiệm vẫn thuộc về tôi, vì công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc cán bộ dưới quyền chưa thường xuyên, liên tục. Bảo vệ cổ vật theo tôi không thể cứ phó mặc, khoán trắng cho nhân viên mà được".

Được biết, trong những năm qua Trung tâm đã ký hàng chục văn bản hợp tác với các ngành chức năng địa phương về khai thác di sản. Nhưng việc phối hợp mới chỉ tập trung vào việc duy trì trật tự tại các điểm tham quan, chứ chưa thực sự quan tâm đến việc bảo vệ hiện vật. Để xảy ra vụ trộm cắp này phải chăng là do nhận thức chưa tới, hay do "lắm sãi không ai đóng cửa chùa"?!.

Hiện nay, tại các lăng tẩm đang lưu giữ hàng trăm hiện vật quý giá, nhưng việc bảo vệ rất lỏng lẻo. Đơn cử như di tích Lăng vua Tự Đức rộng tới 15 ha, mà chỉ có vài nhân viên vừa bảo vệ kiêm bán vé tham quan, vừa quét dọn, vệ sinh. Mặt khác, nhân viên thuộc Ban bảo vệ của Trung tâm là những người được thuê từ nhiều địa phương.Về quân số và trình độ nghiệp vụ chưa tương xứng với yêu cầu công việc. Ngoài hệ thống tường rào và gậy, đèn pin cho nhân viên bảo vệ, Trung tâm chưa làm gì khác để bảo quản những báu vật vô giá của quốc gia.

"Chảy máu cổ vật" là mất đi di sản

Sau khi xảy ra vụ trộm, cùng với việc vào cuộc của cơ quan điều tra, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã có những động thái "chữa cháy". Ông Minh chia sẻ: "Chúng tôi đã họp rút kinh nghiệm, đánh giá yếu tố con người là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mất cổ vật, từ đó nghiên cứu sắp xếp lại lực lượng bảo vệ, báo cáo tỉnh xin tăng cường đầu tư cho công tác này. Trước mắt triển khai khảo sát các vị trí để lắp đặt thiết bị giám sát, chống trộm, đầu tư các tủ trưng bày hiện vật có khóa an toàn. Chúng tôi sẽ trao đổi với Công an tỉnh về các giải pháp bảo đảm an toàn cho hiện vật tại các di tích, có thể đề xuất lực lượng Công an tham gia công tác này".

Vấn đề "chảy máu cổ vật" tại các di tích đã và đang diễn ra nhức nhối, từng "làm nóng" diễn đàn Quốc hội. Ngay tại Huế, việc "chôm chỉa" cổ vật từng xảy ra một cách nghiêm trọng, nhưng xem ra vẫn chưa làm những người trong cuộc cảm thấy nóng ruột ? Nhu cầu sở hữu cổ vật trong xã hội ngày càng lớn, thì thách thức với công tác bảo vệ cổ vật đặt ra càng nặng nề. Bài học đắt giá từ sự lơ là, chủ quan mất cảnh giác của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, cũng là bài học cảnh tỉnh chung với tất cả chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước về di sản tại các địa phương có di sản.

Thiết nghĩ, để bảo vệ các cổ vật quý giá, các chùa, đền, nơi thờ tự cần nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa bằng cách cất giữ đồ thờ quý, cổ vật cẩn thận; đầu tư trang bị hệ thống điện thắp sáng, lắp đặt hệ thống camera, báo động; hoạt động bảo vệ phải kết hợp tuần tra với canh gác 24/24 giờ; cần cảnh giác cao độ với sự xuất hiện và biểu hiện bất thường của người lạ mặt tại di tích; kịp thời báo cáo cơ quan Công an về các vụ trộm cắp. Quan trọng nhất là phải có quy định ràng buộc trách nhiệm không chỉ của Ban quản lý, mà cả chính quyền địa phương đối với công tác bảo đảm an ninh di sản.

Mỗi một cổ vật, di tích chứa đựng trong nó những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học… và tồn tại mang tính "độc bản", nghĩa là không thể có một "phiên bản" nào khác đủ sức thay thế nó. Khi di tích, hiện vật đã mất đi, thì vĩnh viễn không thể phục hồi, vì giá trị lớn nhất đó là trầm tích thời gian hàm chứa trong đó.

Đào Trung Hiếu
.
.
.