San, nạp gas trái phép – nguy hiểm cận kề

Thứ Ba, 06/05/2014, 14:30
Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC), Công an tỉnh Nam Định cho biết đang phối hợp với Công an phường Ngô Quyền, TP Nam Định, hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc, đề xuất hình thức xử phạt vi phạm hành chính một đối tượng san, nạp khí dầu mỏ hóa lỏng trái phép vừa bị phát hiện. Đáng nói ở chỗ, bất chấp những nguy hiểm hành vi này có thể gây ra, trong vài tháng trở lại đây, cơ quan Công an liên tục khám phá những cơ sở vi phạm tương tự.

Gia tăng tình trạng san, nạp gas trái phép

Sau nhiều ngày theo dõi, chiều 6/3/2014, tiến hành kiểm tra hành chính một ngôi nhà trong ngõ 70 đường Ngô Quyền – TP. Nam Định, tổ công tác Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH – Công an tỉnh Nam Định và Công an phường Ngô Quyền phát hiện Nguyễn Trường Quang (sinh năm 1981) đang có hành vi san, nạp khí dầu mỏ hóa lỏng trái phép từ bình lớn sang chai 0,3 kg. Đây là loại bình mini nhiều sinh viên, hộ gia đình và các hàng quán hiện vẫn đang sử dụng tràn lan. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ toàn bộ tang vật vi phạm gồm ba bình khí dầu mỏ hóa lỏng loại 12 – 13 kg (bình gas gia đình) nhãn hiệu PETROLIME Phúc Thái, hơn ba trăm chai mini đã qua sử dụng cùng một bộ san, nạp gas thủ công bốn cửa. Nơi Quang đang ở cũng là chỗ anh ta sử dụng để tiến hành san, nạp gas hằng ngày cho những đối tượng có nhu cầu đến mua. Căn nhà ọp ẹp, ẩm thấp và cũ kĩ nằm sâu trong ngõ nhỏ chỉ có một lối ra vào duy nhất, trong khi việc san, nạp gas đòi hỏi phải được tiến hành tại địa điểm cách xa khu dân cư, có những tiêu chuẩn nhất định và theo một quy trình được cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt để đảm bảo an toàn.

Có mặt ở cơ quan Công an, Quang khai nhận đã có hành vi vi phạm từ năm 2013. Vốn là lao động tự do, nay thất nghiệp, chưa tìm được chỗ làm mới phù hợp, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, Quang đành lựa chọn công việc này làm kế sinh nhai. Đang mùa lạnh, lại rơi đúng vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, thói quen dùng các món ăn nóng như lẩu, hầm, om… cộng với tâm lý ham rẻ của nhiều người khiến nhu cầu sử dụng loại bình nạp lại cao hơn thường lệ. Có lẽ do đang là thời điểm làm ăn được nên Quang còn trù trừ, chưa muốn dừng công việc nguy hiểm này.

Được biết, đây không phải vụ việc vi phạm đầu tiên bị phát hiện, xử lý trong thời gian qua. Vài tháng trở lại đây, cơ quan Công an liên tục khám phá những cơ sở có hành vi vi phạm tương tự. Trước đó không lâu, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Công an TP. Nam Định cũng đã bắt giữ nhóm đối tượng chuyên san chiết gas trái phép và bán gas thiếu trọng lượng cho khách hàng. Khi bị bắt quả tang, đối tượng Trần Xuân Tập (18 tuổi, ngụ tại Mỹ Phúc - Mỹ Lộc - Nam Định) khai nhận: Lợi dụng giá gas tăng cao, từ tháng 10/2013, hắn cùng đồng bọn thuê căn nhà 125 Đông Mạc ( P. Lộc Hạ - TP. Nam Định) rồi thu mua những bình gas 25,2 kg (vỏ nặng 13,2 kg, gas trong bình nặng 12 kg) đem về dùng dụng cụ thô sơ chiết bớt nửa gas sang bình khác. Lúc này, bình gas chỉ còn 19,2 kg nhưng vẫn được bán với giá như bình gas đủ định lượng. Mỗi ngày, các đối tượng bán được trên dưới 10 bình và trong hơn 2 tháng đã kiếm lời bất chính hàng trăm triệu đồng. Kiểm tra nhà số 125 Đông Mạc, lực lượng chức năng thu giữ nhiều bình gas đã bị san chiết trái phép cùng tang vật là dụng cụ, phương tiện thực hiện hành vi phạm pháp.

Không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh!

Theo Đại úy Phạm Hoàng Hiệp - Đội trưởng Đội hướng dẫn kiểm tra an toàn PCCC, khó khăn lớn nhất trong quá trình xử lý là ngoại trừ những trường hợp tiến hành san, nạp gas trái phép mang tính chất tổ chức, có hệ thống, còn lại hầu hết các đối tượng vi phạm đều là những người thiếu trình độ và có hoàn cảnh khó khăn. Như Quang khai nhận, vợ anh ta là công nhân may, lương thấp mà công việc không đều trong khi hai con còn nhỏ, lại đang tuổi đến trường. Trong căn nhà dột nát của họ chẳng có gì đáng giá. Cả gia đình bốn người chen chúc trên một chiếc giường nơi góc phòng. Chăn màn, gối nệm đều đã cũ mốc. Tài sản giá trị nhất có lẽ là chiếc ti vi nằm ẩn mình trên mặt bàn xiêu vẹo. Khi lực lượng Công an đến, con gái Quang sợ sệt chạy vụt ra ngoài. Không rõ một cô bé mới mười tuổi có nhận thức được công việc bố đang làm là vi phạm pháp luật hay không, nhưng hình ảnh đó cùng sự khó khăn của gia đình Quang khiến những người thực thi công vụ không khỏi cảm thấy ái ngại.

Tang vật thu tại hiện trường là 3 bình gas loại 12 - 13kg, một bộ san nạp gas thủ công 4 cửa và hơn 300 bình loại 0,3kg đã qua sử dụng - những quả bom mini có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

Có thể do túng quá nên họ đã làm liều, biết sai nhưng vẫn cứ lao vào và khi bị xử lý thì xoay xở mãi cũng chưa đủ tiền nộp phạt. Không ít đối tượng còn cho rằng mức phạt 15 - 25 triệu đồng áp dụng với hành vi sản xuất, kinh doanh, san, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP quá cao. Song thực tế cho thấy, mức phạt đó chưa thấm vào đâu so với những ẩn họa mà việc làm phạm pháp của họ có thể gây ra. Thậm chí, theo đánh giá của nhiều người, mức phạt này còn chưa đủ sức răn đe vì hiện nay, không ít cơ sở vẫn đang tiếp tục duy trì hoạt động này hòng trục lợi phi pháp. Chính vì thế, đầu năm 2013, Bộ Công Thương từng đề xuất tăng mức phạt lên 80 – 100 triệu đồng đối với hành vi chiết, nạp gas trái phép. Việc sử dụng bình gas mini không được phép nạp lại tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được đề xuất nâng khung phạt lên mức 20 – 30 triệu đồng. Đồng thời, mức phạt với hành vi kinh doanh bình gas mini hoặc bình gas mini không được phép nạp lại; mua bán, vận chuyển, tàng trữ bình gas không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường cũng được đề xuất nâng lên thành 30 – 40 triệu đồng.

Khó có thể vin vào và đổ lỗi cho hoàn cảnh, bởi dù vô tình hay hữu ý, chỉ vì chút lợi ích cá nhân trước mắt, những người như Quang, như Tập cùng đồng bọn cũng đã đẩy cuộc sống của bản thân, gia đình và láng giềng vào vòng nguy hiểm!

Nguy hiểm cận kề

Lý giải về tính mất an toàn cũng như độ rủi ro cao của việc làm trên, Đại úy Phạm Hoàng Hiệp cho hay, theo đúng quy định, loại bình mini chỉ dùng một lần, không được phép nạp lại. Loại gas vốn được bơm trong bình lúc xuất xưởng cũng khác với gas trong bình 12 kg thông thường. Nếu như bình 12 kg gồm hỗn hợp khí butan và propan, có áp suất cao thì bình mini chỉ có khí butan, tạo áp suất thấp khi đánh lửa do thành của loại bình này được chế tạo rất mỏng. Chính vì thế, khi tiến hành san nạp, vô hình trung các đối tượng đã buộc bình gas mini phải chịu một áp suất cao gấp 3 lần mức cho phép.

Mặt khác, việc san đi nạp lại và tái sử dụng nhiều lần khiến cho loại bình mini vốn đã không được thiết kế van an toàn càng tăng thêm nguy cơ móp méo, rất dễ dẫn đến rò rỉ khí gas. Do nặng hơn không khí, hơi gas thoát ra ngoài sẽ bay là là trên mặt đất, tích tụ ở nơi kín gió, nơi trũng, những hang hốc trong kho chứa, nhà bếp… Vốn dễ dàng khuếch tán, hòa trộn với không khí tạo thành hỗn hợp cháy nổ, khi đạt tới giới hạn nồng độ cháy, dưới tác dụng của nguồn nhiệt hoặc ngọn lửa trần, nhiên liệu này có khả năng đốt cháy và nung chảy hầu hết các chất trong nhiệt độ lên tới gần 2.000 độ C. Chỉ cần một mồi lửa, một sơ xuất không đáng có là hàng trăm bình gas lớn nhỏ sẽ trở thành những quả bom mini phát nổ bất cứ lúc nào, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng và gây thiệt hại cho chính gia chủ cũng như những hộ gia đình làm ăn, sinh sống xung quanh.

Nếu cơ quan Công an không phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm của những đối tượng này, một khi cháy nổ xảy ra, hậu quả và di chứng để lại sẽ thật khó lường. Đó là chưa nói đến khả năng người lao động không mang trang bị bảo hộ có thể bị bỏng nặng trong trường hợp khí dầu mỏ hóa lỏng rò rỉ trực tiếp trên da. Mà kiến thức cũng như các điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ chính là điều các cơ sở, đối tượng vi phạm này thiếu và dễ bỏ qua nhất. Chính vì thế, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, rất cần đến sự quan tâm, theo dõi thường xuyên và chủ động phối hợp, giúp đỡ của chính quyền cũng như người dân địa phương

Ngọc Thương
.
.
.