Sát hại vợ con vì cuồng tín

Thứ Ba, 20/05/2014, 14:00

“Tôi phải xử lý cái đạo này trong người vợ và con tôi… Được cái này thì mất cái kia!. Có đau, có tiếc đấy nhưng mà cũng phải làm” - gặp chúng tôi tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương, ông Phạm Văn Hải (SN 1957, trú tại thôn Trạch Lộ, xã Hà Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương), kẻ thủ ác gây ra vụ trọng án kinh hoàng đêm 3/5, khiến vợ và con trai tử vong gây xôn xao dư luận, kể lại.

Trong câu chuyện với chúng tôi, có lúc ông Hải rất tỉnh táo song có lúc lại thốt ra những câu nói ngây ngô, vô nghĩa. Ông Hải có bị bệnh tâm thần như lời đồn thổi?. Hay do ông quá cuồng tín đến mê muội mà gây trọng tội? Để trả lời câu hỏi đó cần phải chờ kết luận của cơ quan giám định, nhưng phía sau vụ trọng án đau lòng này, nhiều bài học đau xót còn để lại.

1. Chiều 4/5, khi chúng tôi có mặt tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương, tiếp xúc với bị can Phạm Văn Hải thì đám tang của vợ và con trai ông Hải là bà Phạm Thị Vông (SN 1959) và Phạm Tuấn Anh (SN 1982), đang diễn ra tại quê nhà. Chừng khoảng 15h, ông Hải được cán bộ quản giáo đưa ra khỏi buồng giam, ông Hải vận bộ quần áo màu xanh cũ sờn, mái tóc bạc trắng, gương mặt sạm đen vì rám nắng khiến vẻ bề ngoài già hơn nhiều so với cái tuổi xấp xỉ ngũ tuần.

“Cán bộ cho tôi về nhà, tôi còn một sào ruộng khoán không có người trông nom, cấy hái. Nhà có ba người, giờ chỉ còn một mình tôi, chẳng biết trông chờ vào ai…?” - ông Hải nói một hơi dài. Vậy là, ông Hải biết rằng vợ và con trai của ông ta đã không còn trên cõi đời này. Song có lẽ vì một niềm tin tôn giáo mù quáng, ông Hải không ý thức được mức độ nghiêm trọng hành vi phạm tội do mình đã gây ra. Trong suy nghĩ của mình, ông Hải cho rằng, ông ta đang xử lý tà đạo trong người vợ và con trai để giúp họ giải thoát khỏi nỗi khổ cực. Vậy là, dù đã được Thiếu tá Nguyễn Minh Trường, Đội trưởng Đội điều tra án xâm phạm nhân thân, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC 45) Công an tỉnh Hải Dương “cảnh báo” nhưng cánh phóng viên chúng tôi cũng có một phen toát mồ hôi trước những câu trả lời của ông Hải.

- Vì sao ông lại ra tay sát hại bà Vông và con trai Tuấn Anh?

- Đạo này ở trong người vợ và con của tôi… từ rất lâu rồi. Nó làm tan nát hạnh phúc gia đình tôi, khiến vợ chồng tôi bất hòa, việc làm ăn vì thế cũng sa sút.

- Ông làm thế nào để trừ được tà đạo?

Tôi ra tay mạnh lắm, chắc tay lắm vì nếu không con ma nó quật lại tôi…

- Sau khi thực hiện hành vi đó, ông cảm nhận rằng đã xử lý được đạo ấy chưa?

Tôi cứ xử lý thế… chẳng biết đã ra khỏi chưa, được cái này mất cái kia.

- Nếu anh Phạm Văn Độ, cháu của ông không phát hiện ra sự việc trên thì ông có đến cơ quan Công an tự thú không?

- Có chứ…

Hỏi cung đối tượng Phạm Văn Hải.

Lúc này, ông Hải bỗng ăn nói hoạt bát hẳn lên. Và nếu không được nhìn, được nghe và được thấy những cử chỉ chẳng mấy bình thường của ông ta, chúng tôi cứ nghĩ ông Hải là người rất hiểu biết: “Giết người là vi phạm pháp luật nên phải đến cơ quan Công an…” ông Hải nói.

- Ông có ân hận về những việc mình đã làm?

Có. Luyến tiếc là có… nhưng công việc cứ đè lên cổ, hết cái này lại đến cái kia… Ngồi ở đây cũng nhớ về nhà, ông Hải trả lời vu vơ. 

Rồi ngay sau đó, người đàn ông nay khua chân, múa tay làm những động tác kỳ lạ mà ông gọi là cách chống tà đạo “bắt phép” cái máy ghi âm, chúng tôi đang dùng để thu tiếng rồi luôn miệng nói rằng không cho bắt phép nữa… Sau đó thì lại luôn miệng xin về nhà.

Theo lời kể của những người có tuổi trong làng thì trước đây, vợ chồng ông Hải cũng vào dạng có của ăn, của để. Vào thời kỳ mà chiếc xe máy vẫn còn là tài sản có giá trị và niềm mơ ước của không ít các gia đình thì vợ chồng họ đã có trong tay chiếc xe máy Babetta đi dạo khắp làng. Ông Hải cũng là người đàn ông khỏe mạnh, có một lần không may gặp tai nạn, bị thương nặng nhưng ông vẫn tham gia một trận uống rượu rồi mới vào bệnh viện…

Căn nhà xập xệ bây giờ của ông Hải, ngày đó đã từng là ngôi nhà đổ mái bằng. Bây giờ, một phần của sự đầy đủ ấy vẫn tồn tại ở những mảng trần nhà nham nhở, chỉ còn lại ở phần giường, dấu vết của một thời khá giả. Phần còn lại của tòa nhà, do cảnh làm ăn cùng quẫn đã được gỡ đi nên căn nhà còn lại hiện giờ là nơi tá túc của 3 con người chỉ vỏn vẹn có hơn 20m2. Dấu vết của thời gian, của sự xuống cấp đã bào mòn đi tất cả…

Cũng theo các tài liệu thu thập được thì ông Hải có những biểu hiện bất thường về tâm lý vào năm 1999, khi ông này xuống Hải Phòng theo một thứ đạo, mà chỉ có mình ông biết. Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, việc làm ăn của gia đình ông Hải sau đó cũng  sa sút và cậu con trai duy nhất của gia đình có những biểu hiện bất thường về tâm, sinh lý… Hai cô con gái lớn của ông Hải sau đó cũng đi lấy chồng rồi đều lập nghiệp ở xa. Kinh tế gia đình của họ chỉ đủ sống nên cũng không có điều kiện để giúp đỡ bố mẹ và anh trai. Song thay vì phải tập trung làm ăn kinh tế, người đàn ông đó lại mơ màng đến những mớ lý thuyết về một tà đạo.

Ông Hải thường dành hàng giờ  để viết ra giấy các nội dung của tà đạo đó, ông ta tin tưởng rằng tà đạo đã xâm nhập vào người vợ và con ông ta, khiến gia đình làm ăn ngày càng sa sút. Có một điều đặc biệt là ông Hải viết chữ rất đẹp…

Căn nhà nơi xảy ra vụ án mạng đau lòng sáng 3/5.

Sau khi vụ trọng án xảy ra, Phòng PC 45 Công an tỉnh Hải Dương tiến hành khám xét đã thu giữ trong nhà Hải rất nhiều những giấy viết, với những nội dung liên quan đến thứ tà đạo mà ông Hải đang theo đuổi. Điều đáng nói là, sự việc này những người thân trong dòng tộc và chính quyền xã đều có biết nhưng tất cả không có biện pháp ngăn chặn và phát hiện kịp thời. Một phần có thể là do kinh tế của gia đình ông Hải quá nghèo khó… trong khi anh em trong dòng tộc cũng chẳng khấm khá gì hơn nên cứ “đèn nhà ai nhà đấy rạng”. Trong trường hợp của gia đình ông Hải, nếu chính quyền địa phương và gia đình cùng phối hợp có những biện pháp ngăn chặn kịp thời thì chắc chắn sẽ không xảy ra hậu quả thảm khốc như ngày hôm nay…

2. Trong bản tường trình với những nét chữ tròn trịa, ông Hải khai rằng ngày 3/5, ông quyết định hành đạo… Vì thế, vào khoảng 17h ngày 2/5, sau khi ăn tối xong, ông Hải đi ngủ rất sớm, bà Vông thì sang nhà của một người quen ở gần đó xem nhờ tivi. Về phần Tuấn Anh, từ buổi trưa cùng ngày, Tuấn Anh đã đến nhà của một người họ hàng là anh Phạm Văn Độ ở cùng thôn để ăn cơm tối. Bà Vông và cậu con trai nối dõi tông đường của ông Hải đều không biết rằng có một tai họa đang lơ lửng ở trên đầu họ…

Sau khi đi xem tivi, bà Vông trở về nhà, sau đó tiếp tục đi tìm Tuấn Anh về nhà. Lúc này, trong đầu của ông Hải bao ý nghĩ xâm chiếm, trong đó lớn nhất vẫn là việc vợ con ông bị tà đạo xâm nhập vào người. Vì thế, sau khi gọi Tuấn Anh về nhà, ông Hải xì sụp thắp hương khấn vái rồi chờ cho đến khi mọi người trong gia đình đã ngủ say, lúc đó khoảng 2h ngày 3/5 thì ra tay. Khi bà Vông nghe thấy tiếng động lạ giật mình tỉnh giấc thì thấy một cảnh tượng hãi hùng, ông Hải đang dùng dao chém vào người đứa con trai dứt ruột sinh thành.

Quá hoảng loạn,  người đàn bà ấy chỉ kịp ú ớ được vài câu thì bị ông Hải xông tới chém tới tấp vào mặt… Khi đó, Hải như một con thú dữ, ông ta tiếp tục ra tay đến cùng cho đến khi vợ và con trai bất tỉnh. Một chi tiết trong bản tường trình của Hải khiến chúng tôi đặc biệt lưu tâm khi viết bài đó là “sau khi thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng Hải dùng chăn lau chùi dấu vết máu ở trong nhà rồi mang chăn đi vứt… Hai con dao gây án thì để trước cửa nhà”. Như vậy là đã có lúc, ông Hải nghĩ đến chuyện xóa dấu vết nhằm che giấu sự phát hiện của cơ quan điều tra. Và đến khoảng 5h30 cùng ngày, khi thấy anh Độ sang nhà chơi, đối tượng liền nói với anh này về việc báo cáo sự việc đến chính quyền địa phương.

Có mặt tại nơi xảy ra vụ án mạng đau lòng, chúng tôi không khỏi cám cảnh trước cảnh ngộ thương tâm của gia đình ông Hải. Dường như chẳng ở nơi đâu có thể nghèo hơn được nữa… trong căn nhà cấp bốn xập xệ có thể sụp xuống bất kỳ lúc nào, tài sản chẳng có một thứ gì đáng giá. Cảnh nghèo đến xơ xác!

Chiều 4/5, đám tang của bà Vông và cậu con trai xấu số Tuấn Anh được bà con đến dự đông đủ. Bà con đến đây phần nhiều vì thương cảm trước cảnh ngộ của mẹ con bà Vông, phần khác cũng vì tò mò. Khi chứng kiến cảnh hai cô con gái của bà Vông, gào thét bên xác những người thân thì chẳng ai cầm được nước mắt. Người Việt Nam là vậy, "nghĩa tử là nghĩa tận", họ thương xót cho cảnh ngộ của một gia đình trong phút chốc bỗng tan đàn sẻ nghé. 

Với những người thân trong gia đình của ông Hải và tâm lý của hai đứa con, nỗi ám ảnh này chẳng dễ nguôi ngoai. Một bên là mẹ và một bên là người cha. Trong thâm tâm họ vừa thương lại vừa giận ông Hải… Rồi họ lại tự trách mình, nếu có biện pháp chữa trị kịp thời cho ông Hải thì có lẽ sự việc đau lòng này sẽ không xảy ra

Xuân Mai
.
.
.