Kinh doanh truyền hình trả tiền

Sát thương nhau cho... lụi tàn?

Chủ Nhật, 27/10/2013, 17:32

Với 6 triệu thuê bao hiện hữu và 20 triệu thuê bao tiềm năng, thị trường truyền hình trả tiền đang là miếng bánh ngọt cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước hướng tới. Cuộc cạnh tranh này càng khốc liệt hơn khi cuối năm nay nhiều đại gia sẽ nhảy vào lĩnh vực này, như Viettel, FPT... Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thị trường kinh doanh truyền hình trả tiền tại Việt Nam chưa minh bạch, nếu không nói là đang có xu hướng cạnh tranh cho... lụi tàn.

Cạnh tranh bằng... phá hoại

Thời gian gần đây, rất nhiều khách hàng trên địa bàn Hà Nội đang sử dụng dịch vụ của VTV cab liên tục nhận được những cuộc điện thoại lạ với nội dung mời chào sử dụng các dịch vụ truyền hình cáp khác. Thậm chí, nhiều người tự xưng là nhân viên của hãng này để đưa ra những thông tin như VTV cab sắp phá sản, ngừng hoạt động.

Tệ hại hơn, rất nhiều đường cab của VTV đã bị cắt, đột ngột mất tín hiệu nhiều giờ liền, khiến người dân bức xúc. Tuy nhiên không phải lỗi kỹ thuật mà lỗi do bàn tay con người. Có những vụ đặc biệt nghiêm trọng như cắt cáp quang Hà Nội - Hưng Yên - Gia Lâm làm ảnh hưởng cả một tuyến liên tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Dũng, ngõ 331 Trần Khát Chân kể, ông liên tục nhận được những cuộc điện thoại tung tin về chuyện VTV cab sắp ngừng hoạt động. Sau đó, tín hiệu nhà ông bị ngắt. Khi phản hồi lên tổng đài của VTV cab và kiểm tra thì được biết dây cáp nhà anh Dũng đã bị cắt, kèm theo đó là những lời chào mời hấp dẫn từ những dịch vụ khác.

Ông Lê Bá Thắng, một người dân chứng kiến sự việc ở nhà ông Dũng đã kể lại: Khoảng 17h15 cách đây vài ngày, tôi thấy mấy anh mang thang, mặc quần áo đồng phục bên truyền hình đến trèo lên cột. Sau đó nhóm người này cắt dây ở trong hộp kỹ thuật, tôi hỏi thì nói đó là dây thừa, không sử dụng.

Biên bản hiện trường đường cab bị phá hỏng của VTV.

Chưa có một con số thống kê cụ thể, nhưng hiện tượng nhiễu sóng, mất tín hiệu của đường truyền VTV cab liên tục xảy ra trong tháng 7, 8, 9/2013. Nguyên nhân do dây tín hiệu đầu vào đã bị các đối tượng cắt rời, hoặc rút ra cắm vào hộp tín hiệu của một đơn vị truyền hình khác. Các đối tượng cạnh tranh không chỉ dùng thủ đoạn cắt cáp mà tinh vi hơn, họ còn dập ghim vào cáp QR 540, tháo giắc truyền hình cáp tại hộp thiết bị, trèo lên cột điện, đấu nối 2 dây truyền hình cáp lại với nhau gây xung điện, làm nhiễu sóng truyền hình.

Cách đây 20 ngày, khu vực Kim Ngưu - Hà Nội xảy ra hiện tượng mất sóng truyền hình cáp của hơn 200 hộ khiến dư luận bức xúc. Phải mất 2 tiếng đồng hồ, nhân viên kỹ thuật của VTV cab mới tìm ra được nguyên nhân do đường cáp quang bị cắt đứt. Tuy nhiên, đó là những vụ dễ tìm ra nguyên nhân. Có rất nhiều vụ đối tượng phá hoại rất tinh vi, dùng thủ đoạn cắt ngầm, rất khó phát hiện.

Theo ông Tạ Sơn Đông - phó Tổng giám đốc VTV cab: “những hiện tượng đó thường xuyên xảy ra khiến khách hàng dùng dịch vụ của chúng tôi rất bức xúc. Thiệt hại về kinh tế cũng đáng kể, nhưng không bằng thiệt hại về niềm tin của người tiêu dùng. Nguyên nhân được xác định là có một số đơn vị đang đầu tư vào Hà Nội và các tỉnh lân cận nên đã dùng chiêu thức "bẩn" để cạnh tranh. Bởi những hành vi phá hoại rất tinh vi, và phải là người có chuyên môn cao.

Mục đích của việc cắt dây chính là phá hoại đường tín hiệu của VTV cab cung cấp và làm mất niềm tin của người dân vào dịch vụ của VTV cab và chuyển sang sử dụng mạng khác. Tôi cho rằng, đó không phải là thủ đoạn cạnh tranh mà là hành vi vi phạm pháp luật trong môi trường cạnh tranh. Rõ ràng, về lâm sàng, doanh nghiệp đó có vấn đề, bởi nếu họ bị bắt thì sẽ tiêu tan hết", ông Tạ Sơn Đông thẳng thắn.

Cạnh tranh để phát triển hay lụi tàn

Rõ ràng, thị trường truyền hình trả tiền đang thuộc về hai đại gia lớn là VTV cab và SCTV. Nhưng xu thế độc quyền này đang thay đổi khi có sự góp mặt của FPT, Viettel, và có thể là VNPT. 

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, nguyên Giám đốc kỹ thuật trung tâm truyền hình cáp Việt Nam: "Ở nước ta vẫn giữ thói quen kinh doanh chộp giật, cạnh tranh không có sự giám sát của pháp luật. Ngoài việc cạnh tranh bằng những chiêu thức phá hoại, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền còn dùng chiêu thức giá, như giảm giá, khuyến mãi vô tội vạ".

Cần đặt quyền lợi của khách hàng lên trên hết.

"Chúng ta cần có một cơ chế về giá rõ ràng trên cơ sở luật pháp, không phải muốn giảm giá thế nào cũng được. Bởi giá thấp, nhưng dịch vụ của anh có bền vững không. Kinh doanh truyền hình là một con đường dài hơi, không thể chịu lỗ mãi mà tồn tại được".

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng đã đưa ra rất nhiều ví dụ về sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trả tiền, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Đơn cử, có kênh hợp tác với chủ đầu tư xây dựng hạ tầng tòa nhà để cung cấp dịch vụ độc quyền, sau đó nâng giá. Hay trường hợp khách hàng khiếu nại Đài Truyền hình kỹ thuật số (VTC) khi công bố phát 10 kênh HD, nhưng thực tế chỉ phát 3 - 4 kênh HD mà vẫn thu tiền thuê bao hàng tháng.

Miếng bánh ngọt nhưng có quá nhiều người chia sẻ nên các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền dùng đủ mọi chiêu thức để giành bằng được khách hàng về phía mình. Đó là việc áp đặt dịch vụ trong các tòa chung cư, đưa khách hàng vào thế không có lựa chọn nào khác. Ngay như tòa nhà HH2 trên đường Lê Văn Lương (Thanh Xuân - Hà Nội), khách hàng chỉ có một dịch vụ duy nhất là truyền hình cáp Hà Nội. Nên họ buộc phải dùng vì không có đường cáp của các kênh truyền hình khác. Liệu đó có được coi là một hình thức cạnh tranh???

Những chiêu thức cạnh tranh như vậy chứng tỏ một thị trường manh mún, nhỏ lẻ. Cuối năm 2013, Viettel và FPT sẽ nhảy vào thị trường truyền hình trả tiền. Do đó, cuộc cạnh tranh này càng khốc liệt.

Nhưng cạnh tranh như thế nào khi miếng bánh ngọt hấp dẫn đó lại chưa được điều tiết bởi một hệ thống luật pháp chặt chẽ. Những chiêu thức kinh doanh vi phạm pháp luật liệu có ngăn chặn được. và đến khi nào, thị trường cạnh tranh truyền hình trả tiền mới thực sự minh bạch và rõ ràng, cùng hướng tới một mục đích chung vì quyền lợi của người xem?

Thị phần của VTV cab khá lớn, chiếm 30% năm 2012. Hiện nay, ở nước ta có các kênh truyền hình trả tiền như VTV cab, SCTV (Truyền hình cáp Saigon Tourist), HTVC (Truyền hình cáp thành phố Hồ Chí Minh, My Tivi, K, AVG (An Viên). Trong đó SCTV, liên doanh giữa công ty du lịch Sài Gòn và VTV chiếm 40% thị phần năm 2012, VTV cab chiếm 30% thị phần.

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, tổng doanh thu từ truyền hình trả tiền không nhỏ, năm 2011 là 2 tỷ đô la, năm 2012 là 2,5 tỷ đô la, có tốc độ phát triển nhanh, bình quân 7,3% một năm.

Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu, văn phòng luật sư Minh Châu

Hành vi phá hoại tín hiệu truyền hình cáp VTV và các kênh truyền hình khác đều đã vi phạm pháp luật. Nếu như đối tượng ấy đã hủy hoại tài sản, gây thiệt hại vật chất thì có thể quy kết được tội hủy hoại và cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 Bộ luật Hình sự.

Ông Nguyễn Quốc Việt - nguyên giám đốc kỹ thuật Trung tâm truyền hình cáp Việt Nam.

Chúng ta nên hình thành nguyên tắc trong cạnh tranh truyền hình trả tiền. Không thể dùng chiêu bài giá, hay những chiêu thức phá hoại tinh vi mà hãy cạnh tranh bằng nội dung, chất lượng kỹ thuật, dịch vụ chăm sóc khách hàng, và hệ thống đường cáp trên một hạ tầng. Tất cả những điều đó phải được đặt trên một cơ sở pháp lý bền vững.

Ở Việt Nam, chúng ta cứ đua nhau ra kênh truyền hình, đua nhau tăng kênh, nhưng các kênh nội dung cứ na ná nhau, không có bản sắc. Điều đó gây ra sự lãng phí xã hội rất lớn. Theo tôi, truyền hình trả tiền phải cạnh tranh bằng nội dung, ra ít kênh, nhưng chất lượng tốt, cố gắng tạo được sự khác biệt trong các kênh, tức khắc sẽ có đối tượng tìm đến mình.

Không có nước nào như nước mình. Họ làm vấn đề này rất chặt chẽ trên cơ sở luật pháp và có quy hoạch rõ ràng. Có hai cách thức cạnh tranh, cạnh tranh cho phát triển và cạnh tranh cho lụi tàn. Các nhà quản lý thử xem chúng ta đang đi theo cách thức nào?

Khánh Linh
.
.
.