Người dân quận Hai Bà Trưng kêu cứu:

"Sông Sét vẫn nặc mùi hôi thối": Khi nước hóa vàng ròng?

Thứ Tư, 04/12/2013, 16:30

Câu chuyện nước thải độc hại không còn là câu chuyện mới mẻ gì đối với người dân Hà Nội. Người dân sống ở khu vực sông Sét đoạn cuối đường Trần Đại Nghĩa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vẫn hằng ngày phải chịu đựng mùi tanh tưởi và sức "nóng" của rác thải phả vào bầu không khí. Đã có nhiều dự án để cải thiện ô nhiễm ở thủ đô Hà Nội, nhưng tính đến nay vẫn chưa hề có dấu hiệu chuyển biến tích cực.

Ngửi "Sông Thối", ăn "Sông Thối"!

Chẳng phải ngẫu nhiên mà người dân Hà Nội đã quen gọi những con sông trong thành phố là "Sông Thối". Tình trạng hầu hết những con sông ở nội thành đều biến thành kênh thoát nước, đen ngòm và hôi thối đã diễn ra nhiều năm nay. Anh Nguyễn Thanh Tùng, chủ một cơ sở sửa chữa xe máy nằm trên đoạn đường Trần Đại Nghĩa (kéo dài) cho biết, dường như người dân ở dọc tuyến phố này đều đã quen với mùi thối bốc lên từ con sông nhỏ trước mặt. Nhưng có những lúc cũng không thể tài nào chịu đựng được, nhất là vào những ngày đầu hè, cuối thu hay thời điểm sau mưa, nước sông đen ngòm dâng lên cao.

Ngày trước khi dự án "cống hóa" lòng sông chưa hoàn thiện, người dân ở hai bên dòng sông này hằng ngày phải đối mặt với hàng nghìn loại rác thải trôi nổi dưới lòng sông, là nguyên nhân chủ yếu gây ra mùi "đặc trưng". Theo phản ánh của người dân ở đây, khi đường đã được xây dựng lên thì lại thành bãi tập kết rác thải của người dân các phường Bách Khoa, Trương Định với lượng dân cư đông đúc. Người dân trực tiếp ở hai bên dòng sông này đã khốn khổ vì sông thối rồi, ngay cả những người dân sống ở khu thấp tầng chung cư A1 229 Phố Vọng thuộc phường Đồng Tâm quận Hai Bà Trưng cho biết, những người dân ở khu chung cư này cũng luôn phải đối mặt với sự ô nhiễm không khí, nguồn nước do con "Sông Thối" này mang lại.

Nằm ngay phía sau khu chung cư, hàng ngày mùi thối, hắc, ngập trong không khí bốc lên chẳng gia đình nào ở khu chung cư này dám mở cửa ban công. Tầng 1 của tòa nhà là nặng "mùi" nhất do ở ngay phía trên "Sông Thối", mùi thối của con sông bốc lên tận tầng cao nhất của tòa nhà. Ban công phía sau của hầu hết các ngôi nhà ở khu chung cư này đều vô tác dụng bởi mùi của sông Sét hằng ngày bốc lên.

Sông Sét bị ô nhiễm.

Nhiều gia đình nghĩ ra cách trồng cây xanh để giảm bớt mùi ô nhiễm, nhưng không có hiệu quả. Cây vẫn mọc nhưng hầu hết bị vàng lá, cửa sổ vẫn phải đóng im lìm 24/24. Chị Giang cho biết, đều đặn vẫn thấy cán bộ của Nhà máy Thoát nước Hà Nội đi thu gom rác thải trôi nổi trên sông  mỗi tuần một lần nhưng không thể "khử" hết được mùi hôi thối, do nước thải ở các phường chưa qua xử lý vẫn theo các cống lộ thiên đổ ra sông Sét, gây mùi.

Nước thải sinh hoạt của toàn bộ khu dân cư phường Bách Khoa, Trương Định đều đổ ra đoạn sông nhỏ này. Theo Sở tài nguyên và Môi trường Hà Nội, 500.000m3  nước thải trong một ngày ở thành phố, đều tiêu thoát qua hệ thống cống và 4 sông tiêu chính là Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu. Nước thải từ hoạt động sản xuất, bệnh viện và cơ sở dịch vụ chứa nhiều chất gây ô nhiễm chưa được xử lý, xả thẳng vào nguồn nước. Các cơ sở rửa xe, thay dầu trên đoạn đường này cũng thải ra một lượng khá độc hại gồm nước gồm xút, dầu mỡ và các hóa chất khác. Rồi cả những cơ sở sản xuất thực phẩm, các cơ sở giặt là, hấp nhuộm trên địa bàn phường cũng "không còn cách nào khác" là phải xả thẳng ra sông.

Hiện Hà Nội mới chỉ có 40 cơ sở sản xuất công nghiệp, 29 cơ sở dịch vụ và 5 bệnh viện có trạm xử lý nước thải. Theo nghiên cứu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nước mặt ở các sông, hồ đều bị nhiễm chất hữu cơ và chất rắn lơ lửng, nhất là vào mùa khô, gây ô nhiễm.  Đáng sợ nhất là nước thải từ các bệnh viện lân cận, cơ sở khám chữa bệnh dày đặc trên tuyến phố Giáp Bát do có chứa nhiều vi sinh vật truyền bệnh. Các cơ sở, bệnh viện này rất hiếm khi vận hành hệ thống xử lý nước thải hoặc hoàn toàn không có hệ thống này do chi phí đầu tư lớn, sử dụng "tốn kém".

Trong một báo cáo của Bộ Xây dựng trình lên Thủ tướng cho thấy, hiện nay tại Hà Nội, việc cung cấp nước cho các nhu cầu sinh hoạt và sản xuất được lấy từ hai nguồn nước là nước mặt và nước ngầm, trong đó số người sử dụng nước ngầm chiếm khoảng 73%. Tuy nhiên, về chất lượng thì nguồn nước ngầm đang sử dụng để cấp nước cho Hà Nội khai thác có đặc tính: Nguồn nước ở phía Nam nội thành Hà Nội có hàm lượng sắt, amoniac rất cao. Nguồn nước ngầm của các bãi giếng ở khu vực phía Bắc lại có lượng mangan cao, các nhà máy nước ngầm Pháp Vân, Ngô Sỹ Liên, Kim Liên lại bị nhiễm asen ở mức phải chú ý.

Hà Nội "hạn" nước sạch?

Khung cảnh thường thấy mỗi lần mưa trút xuống là đường phố ngập úng, người dân Hà Nội cũng phải bì bõm lội giữa dòng nước đen để tiếp tục cuộc sống. Những lúc như vậy, tưởng chừng nước trở thành thứ thừa thãi, "cho cũng không cần", nhưng trên thực tế, để tìm thấy một nguồn nước sạch thật sự ở Hà Nội là việc khó như "mò kim đáy bể", "đãi cát tìm vàng". Sự suy thoái nguồn nước về lượng biểu hiện rõ nhất ở sự suy giảm công suất khai thác ở các bãi giếng khu vực nội thành và sự giảm mực nước dưới đất theo thời gian.

Sông Sét trở thành nơi tập kết rác.

Theo tài liệu quan trắc mực nước dưới đất liên tục ở mạng cố định của Trung tâm Quan trắc thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc cho thấy, mực nước ở các lỗ khoan quan trắc trong lòng thành phố bị giảm trong thời kì 1990-2005 với tốc độ trung bình từ 0,3-0,5 đến 0,6-0,8m/năm.

Bên cạnh đó, nước ngầm ở trong lòng đất của Thủ đô Hà Nội vốn rất sạch, nhưng ở thời điểm hiện tại điều đó dường như không hề đúng nữa. Nguyên nhân đầu tiên là do chất thải tăng lên quá nhiều, có nhiều thành phần độc hại. Các chất thải dạng lỏng không được xử lý hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn đều được thải ra sông, hồ. Các con sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ, sông Kim Ngưu… trong lòng thành phố không còn là các sông tự nhiên xinh đẹp. Chúng đều đã biến thành các kênh dẫn nước thải quy tụ về phía Nam thành phố. Một số bãi chôn lấp chất thải rắn còn để trong lòng thành phố như bãi rác Tam Hiệp, bãi rác Mễ Trì, nghĩa trang Văn Điển… đều  là các nguồn gây ô nhiễm cho môi trường nói chung, trong đó có nước dưới đất.

Những người gánh chịu hậu quả của việc nguồn nước sạch đang dần cạn kiệt chính là người dân Thủ đô. Khu chung cư 15T2. Minh Khai, Hà Nội đã nhiều lần phản ánh đến báo chí tình trạng nước máy ở đây có màu "đen như nước cống", không một ai dám ăn, dám uống thứ nước đen kịt chảy ra từ vòi nước máy. Những "làng ung thư" mọc lên như nấm, những bệnh về da trở thành căn bệnh rất đỗi "bình thường".

Theo thống kê của Bệnh viện K, mỗi năm có khoảng 77.457 ca mới mắc bệnh ung thư, trong đó 80% là do môi trường sống và chỉ có khoảng 5% do gen di truyền. Ô nhiễm nước là nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ người mắc các bệnh cấp và mạn tính như viêm màng kết, tiêu chảy, ung thư… Người dân sinh sống quanh khu vực ô nhiễm, điển hình như cụm cư dân phường Bách Khoa, Trương Định ngày càng mắc nhiều loại bệnh tình nghi là do dùng nước bẩn trong  sinh hoạt.

Theo TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội, bệnh viêm da cơ địa, vảy sừng, đốm ở lưng và tay là biểu hiện ban đầu của bệnh nhiễm asen mạn tính. Viêm da cơ địa trở cũng thành bệnh phổ biến trong dân cư bắt nguồn từ việc nguồn nước bị ô nhiễm asen. Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận, tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có trên 9 ngàn ca tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém.

Tưới rau sạch bằng nước "Sông Thối" đã qua xử lý?

Mặc dù Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở nằm phía Bắc Công viên Yên Sở (quận Hoàng Mai) cùng với rất nhiều dự án cấp thoát nước, xử lý chất thải khác được đầu tư  đã được đưa vào hoạt động trong thời gian gần đây, có thể xử lý một lượng lớn nước thải hằng ngày của toàn thành phố, nhưng hiện trạng hôi thối, bốc mùi điển hình trên con sông Sét đoạn chạy qua phường Bách Khoa và Trương Định vẫn chưa thể khắc phục triệt để. Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, nhà máy này sẽ đảm bảo xử lý nước thải chảy qua lưu vực sông Kim Ngưu và sông Sét, đảm bảo nước thải sau khi được xử lý sẽ được bơm ra hồ Yên Sở, có thể sử dụng được để tưới tiêu cho nông nghiệp.

Trong một đề tài nghiên cứu cho biết, trong mỗi 1.000m3 nước thải đã qua xử lý chứa trung bình 52,9kg nitơ, 13,9kg P2O5 và 28kg K2O. Đó là nguồn phân bón rất có giá trị cho cây trồng và là thức ăn tốt cho thủy sản.  Tuy nhiên do nguồn nước thải đô thị, bao gồm cả nước thải công nghiệp và bệnh viện, không được xử lý hoặc xử lý không hiệu quả, cho nên rau và  thủy sản nuôi trồng bằng nước thải có nguy cơ bị nhiễm các chất độc hại như kim loại nặng, vi khuẩn gây bệnh... ảnh hưởng sức khỏe người nuôi trồng và người tiêu dùng, đồng thời có nguy cơ cao làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

Cẩm Huyền
.
.
.