Bên bờ sông Dinh, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An:

Sông đuổi làng

Thứ Sáu, 07/06/2013, 16:12

Có những nóc nhà đã bị nước lũ cuốn đi, có những móng nhà hiện nay vẫn nằm sót lại giữa lòng sông như một mảnh "di tích" hãi hùng khi con sông "điên" lên cơn giận dữ trong trận lũ lịch sử năm nào. Cũng không biết bao nhiêu cây cầu được dựng lên rồi bị "nuốt chửng" rất nhanh sau đó.

Và chẳng đếm nổi bao thước đất mà sông lấn làng, "nuốt" làng, "đuổi" làng, khiến nhiều hộ dân xóm Sơn Tiến Dụa, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An rơi vào tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan" hàng chục năm nay, bỏ đi không được mà ở lại cũng chẳng xong.

Khi sông "đuổi làng", dân có nguy cơ "lụt tử"

Nhắc đến trận lũ lịch sử tháng 8/2009, anh Trương Văn Huy, con ông Trương Văn Miên, ba đời sống ngay sát sông làng Dụa vẫn chưa hết bàng hoàng. Chuồng bò trước nhà hiện tại chính là ngôi nhà cũ vợ chồng anh sống cùng bố mẹ đã đổ sau trận lụt năm đó.

Theo lời kể của chị Lan - vợ anh Huy, lũ về đột ngột làm nước sông dâng cao lúc 2h sáng, khi ấy cả xóm đang ngủ say nên không ai hay biết. Nghe tiếng nước, chị đánh thức chồng dậy kiểm tra, đang ngái ngủ anh Huy còn nghe tiếng nước chảy thành… tiếng mèo kêu nho nhỏ. Đặt chân xuống giường thì nước đã lên gần đến mép giường. Hốt hoảng, anh chị bế con mới tròn 4 tuổi dậy, anh Huy lấy chiếc ghế cao kê xuống nền đất cho vợ con ngồi, rồi chạy đi tìm bố mẹ. Mới được 2 phút trở lại thì nước đã ngập đến bụng vợ. Cu con ngồi trên vai mẹ, đôi chân ướt lạnh mà vẫn thiu thiu ngủ.

Nước tràn, đất xói làm cho căn nhà vốn dĩ ọp ẹp bất ngờ chông chênh, nghiêng ngả chực đổ sập xuống. Khi cả nhà dắt díu lội ra khỏi nhà tìm chỗ cao hơn thì chưa được vài bước chân vợ chồng anh Huy giẫm phải chỗ đất hụt, trượt chân ngã xuống dòng nước chảy, trôi một đoạn. Ông bà nội thấy con cái bị lũ cuốn ra xa cũng hoảng hồn bổ nhào phía trước, may mắn ôm vào được một gốc cây. Vợ chồng anh Huy níu được một cành dâu nhỏ xíu. Trời tối như bưng, cả xóm chỉ thấy đèn dầu lập lòe ở một vài ngôi nhà phía cao trên dốc.

Đợt đó cả nhà anh Huy thoát chết nhờ một người trong xóm phát hiện, chèo bè ra cứu. Để thoát khỏi "lụt tử", cụ Trương Văn Miên đã tự di dời nhà lên phía dốc. Vợ chồng anh Huy cất nhà lùi vào phía trong làng, cách bờ sông Dinh gần 4 sào đất. Đứng trên bậc tam cấp cao đến gần 2 mét của căn nhà mới, sông còn ở đằng xa nhìn thấy mép, giờ mép nước đã ngang với cái chuồng bò, chị Lan thở dài: "Không biết rồi có sống sót qua được mùa lũ này không?".

Chị Lan thở dài: "Không biết rồi có sống sót qua được mùa lũ này không?".

Xóm Sơn Tiến với tổng số 120 hộ dân, chia làm 2 làng nhỏ sống dọc hai bên bờ sông Dinh. Làng Xởi bên bồi, làng Dụa bên lở, trong đó Sơn Tiến Dụa có 56 hộ gia đình. Sông Dinh là hợp lưu của các sông nhỏ Nậm Choọng, Nậm Tôn, Nậm Cù… nên lòng sông trải rộng mênh mông, mùa nước cạn thì cuộc sống bên sông bên núi êm ả nhưng vào mỗi mùa lũ, nước sông lại đột ngột dâng cao, tràn vào làng, cuốn sạch hoa màu, trâu bò, gà lợn…

Anh Trương Văn Liêm, xóm trưởng xóm Sơn Tiến cho biết: "Từ năm 2006 trở lại đây, dòng sông còn cuốn theo cả nhà cửa, đất đai, vườn tược của người dân. Cụ thể đã có 5 nhà đã bị xóa sổ hoàn toàn. Rất may trước đó, 4 hộ đã chuyển đi đến nơi khác ở, hộ còn lại tự ý di dời để tránh tâm lũ, chỉ còn những "xác nhà" không bóng dáng người ở. Nếu không thì…".

Bờ sông cứ sạt lở dần dần, lũ về giống như con quỷ đói nuốt chửng tất cả mọi thứ trên đường nó đi qua. Anh Liêm nói: "Nhà tôi ở tít trong này nhưng với tình trạng sông lấn làng và bờ sông sụt lở dần dần này thì số phận của cả nhà đúng là chẳng biết như thế nào nữa". Được biết trong làng, có trường hợp nhà ông Trương Văn Thuận, trận lũ đã cuốn móng nhà xuống sông và hiện nay nó vẫn còn nằm lại giữa lòng sông như một mảnh "di tích" hãi hùng để nhắc mọi người không thôi nhớ về cơn cuồng nộ của thượng đế năm nào.

Số phận tù mù "tiến thoái lưỡng nan"

Trước gia đình nhà ông Miên, đã có 4 hộ dân nhà sát mép sông di dời lên dốc. Nhưng chẳng phải cứ chuyển ra cách xa mép nước là cuộc sống đỡ khổ cực. Không bị nước cuốn thì đất đá từ trên núi ùn xuống cũng đe dọa tới mạng sống của người dân làng Dụa. Gia đình ông Trương Văn Trường cất căn nhà sát vách núi ở chỗ cao nhất trong làng. Mỗi mùa lụt đến, các hộ sát mép sông thường đến nhà ông tạm lánh. Nước sông dâng cao đỉnh điểm năm 2009 cũng không vào được tận đến nhà, nhưng mới đây một tảng đá to đổ xuống đã làm sập ngôi nhà nhỏ của ông.

Anh Liêm cho biết: "Hầu hết các hộ dân làng Dụa ở bên lở sông Dinh đều lâm vào tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan", khi con đường duy nhất để giao dịch với bên ngoài là chiếc cầu tre bắc qua sông. Nhưng cứ vào mùa lũ, lũ cũng đánh tơi bời cầu. Để đi lại, người dân đành thay nhau góp công, góp tre nứa, dây để làm cầu tre đi lại, đến nỗi tre của làng mọc không kịp cho việc làm cầu!".

Vào mùa lũ, hầu như mọi liên hệ với bên ngoài đều phải ngừng lại, phải hết lũ thì mới làm được cầu. Để cho những đứa trẻ làng Dụa đến trường, người dân làm những chiếc bè nứa nhỏ xíu, chông chênh. Đó là chưa kể tới việc mất điện do bão lũ ròng rã hàng tháng trời, người dân phải mua đèn dầu về thắp. Để đối phó và tồn tại qua mùa lũ, dân làng Dụa phải mua lương thực dự trữ cho vài tháng trời. Để rồi cả nhà hết chui vô vì ngoài trời bão nổi lại chui ra vì trong nhà tù mù. Để rồi cùng nhau sống chán chê những ngày dài ngóng chờ từng rẻo nước rút dần… mà không biết tai họa ập xuống lúc nào.

Nhà ông Miên bị phá.

Được biết toàn xóm có 30 - 40 trẻ em đang độ tuổi học Tiểu học. Hằng ngày, các em vẫn đi học qua chiếc cầu tre ọp ẹp này. Nếu không đi qua cầu thì đến trường bằng gì? Chị Lan chia sẻ: "Trước khi mùa lũ về, các gia đình thường gửi con em mình ở nhà họ hàng bên kia sông để cho các cháu đi học bình thường như các bạn. Nhưng với những gia đình không có người quen như chúng tôi thì chịu chết. Bố mẹ khổ thì không nói làm gì, chỉ thương mấy đứa nhỏ thôi!".  

Dân kêu cứu, chính quyền bảo phải chờ

Trước ngọn số phận chon von và tù mù bên cây đèn dầu của bà con làng Dụa cạnh bờ sông Dinh gần chục năm nay, chi bộ xóm đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị "kêu cứu" lên xã. Anh Liêm cho biết: "Cũng nhiều lần xóm được thông tin là sắp có dự án xây cầu và làm kè hai bên bờ sông. Tuy nhiên đến nay chẳng thấy dự án nào cả và mấy năm trở lại đây thì hầu như yên ắng hẳn. Người dân đành sống chung với lũ".

Cây cầu tre làng Dụa.

Về những thiệt hại do lũ gây ra, không phải chính quyền xã không biết. Tuy nhiên, sức dân ít và có hạn, ngân sách xã lại không có, thành ra vấn đề của người dân xóm Sơn Tiến tồn đọng suốt những năm qua mà không có cách gì giải quyết nổi. Sau mỗi đợt lũ, chính quyền chỉ biết đến hỏi thăm và động viên người dân bằng mười mấy suất quà nhỏ gồm mì tôm, các đồ sinh hoạt cá nhân cần thiết. "Nhưng mười mấy suất quà ấy không phải những gia đình trực tiếp gánh chịu hậu quả được nhận hoàn toàn mà lại được chia đều cho tất cả mọi người. Nếu không thì khó sống lắm", chị Lan thở dài.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội là đơn vị trực tiếp quản lý việc thực hiện kế hoạch, chính sách bảo trợ xã hội trên địa bàn huyện, đồng thời có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động nhân đạo, từ thiện để giúp đỡ đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng xã hội cần có sự trợ giúp của Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, khi trình vấn đề của hàng chục hộ dân xóm Sơn Tiến, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Quỳ Hợp cho biết không phải vấn đề chính sách nào Phòng cũng giải quyết và vấn đề này thuộc sự quản lý của Ban Di dời và Phát triển kinh tế miền núi.  

Và khi các cơ quan chức năng chưa có những động thái nào tích cực và cụ thể thì cơn lũ đời, lũ trời và những câu chuyện "chết đi sống lại" của mấy chục hộ dân xóm Sơn Tiến bên bờ sông Dinh vẫn chưa chấm dứt và có nguy cơ tái diễn khi mùa mưa bão tháng 8, tháng 9 sắp về.

Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp:

“Xóm Sơn Tiến và xóm Cốc Mắm là hai xóm của xã Thọ Hợp chịu ảnh hưởng lũ lụt, sạt lở từ sông Dinh. Xóm Sơn Tiến có 30 hộ nhà sát gần bờ sông Dinh, còn 20 hộ ở xa hơn. Trong 5 hộ sát bờ sông Dinh nhất, xã đã hỗ trợ cho 4 hộ gia đình mỗi hộ 10 triệu đồng, một hộ thì tự di dời tránh những nguy cơ sụt lở khi mùa bão sắp về. Mặc dầu xã rất muốn xây kè theo mong muốn chính đáng của người dân, nhưng kinh phí giải quyết vấn đề này rất lớn. Chính quyền xã đã gửi đơn lên cấp huyện mong muốn tạo điều kiện khoảng 8 - 9 tỷ đồng cho dự án xây kè và cầu nhưng hiện tại câu trả lời vẫn là chưa có".

Đậu Dung - Cẩm Huyền
.
.
.