Sử dụng thuốc kích thích "vươn cành" cho rau: Hậu quả khôn lường

Thứ Ba, 03/12/2013, 13:30

Rau củ là thực phẩm thiết yếu trong bữa cơm mỗi gia đình. Thế nhưng nhiều người đang sử dụng loại thuốc kích thích siêu tốc "phù phép" cho cả trăm mét vuông rau, củ có thể thu hoạch sau 2 ngày gieo trồng. Chính bản thân họ cũng không biết tác hại thậm chí nguồn gốc xuất xứ của loại thuốc này. Vì lợi nhuận hằng ngày họ đang âm thầm đổ những mầm bệnh vào người tiêu dùng.

Dùng "thuốc vươn cành" mỗi giờ dài 2cm

Rạng sáng 13/11, lực lượng chức năng Hà Nội kiểm tra 2 xe ôtô tải, trọng tải 15 tấn chở đầy hạt đỗ xanh đang dừng đỗ ở phố Hà Huy Tập (huyện Gia Lâm), phát hiện 80.000 lọ thuốc kích thích giá đỗ từ Trung Quốc dự kiến sẽ được phân phối khắp Bắc đến Nam. Đây là vụ phát hiện số lượng hóa chất kích thích giá đỗ lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn Hà Nội.

Nhân sự việc trên, phóng viên Cảnh sát toàn cầu đã có cuộc thâm nhập đến các vựa rau lớn trên địa bàn Hà Nội để phản ánh tình trạng sử dụng thuốc kích thích siêu tốc của một số hộ dân.

Ngày 18/11/2013 chúng tôi có mặt tại cánh đồng rau Yên Duyên (Hoàng Mai, Hà Nội). Đây là vựa rau lớn nhất quận Hoàng Mai, mỗi ngày cung cấp cho Thủ đô tới gần chục tấn rau các loại.

Tại đám ruộng của mình, bà Nguyễn Thị K. đang hối hả cuốc đất trồng cải. Bà bảo vừa thu hoạch xong vụ rau dền, sang mùa này thì trồng cải sẽ đắt hàng hơn. Chúng tôi than thở với bà K. rằng ở nhà bố mẹ cũng trồng rau nhưng mãi không thu hoạch được một lứa nên chả ăn thua gì. Nghe vậy bà K. nói giọng úp mở: "Định trồng rau chuyên nghiệp thì phải biết cách, nếu không thì có mà chết đói".

Nghe nói vậy, chúng tôi tỏ ra vui mừng, dồn dập hỏi bà K. xem đó là cách gì nhưng bà này vẫn đầy cảnh giác. Chỉ đến khi chúng tôi nói thành thạo về các loại rau, cách thức trồng như thế nào bà K. mới tỏ ra tin tưởng và chịu chia sẻ: "Muốn thu hoạch nhanh thì anh chị phải mua thuốc "vươn cành". Mà thuốc này cũng có 2 loại: một loại viên và một loại nước". Nói rồi bà K. giảng giải tỉ mỉ cho chúng tôi về hai loại thuốc nói trên. Loại viên là 9 nghìn đồng/ viên, dạng sủi, thả vào trong nước sẽ tan. Loại thứ hai là dạng nước được đóng trong một chiếc lọ nhỏ khoảng bằng ngón chân cái, không màu, không mùi và giá bán chỉ 4 nghìn đồng/ lọ. Cả hai loại này đều có chữ Trung Quốc.

Thuốc “vươn cành” dạng sủi giá 9 nghìn đồng/viên.

Thấy bà K. nhiệt tình, chúng tôi hỏi: "Hai loại thuốc đó có tác dụng kích thích tăng trưởng nhanh mức nào?" thì bà K. hào hứng khoe: "Nhanh lắm, không tin anh chị cứ đứng đó mà quan sát. Mỗi giờ rau sẽ dài ra được 1cm. Sáng vừa trồng xong, buổi chiều nhìn đã khác hẳn rồi. Thế nên chỉ cần khoảng 2 ngày là có thể thu hoạch được một lứa".

Chúng tôi tỏ ra e dè vì sợ với tốc độ kích thích như thế dù được lợi cho mình nhưng sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng thì bà K. bao biện: "Thời buổi bây giờ nó thế. Ai trồng rau cũng đều dùng thứ thuốc đó, nếu mình không dùng thì mình thiệt mà cũng có ai chứng minh cho là rau nhà mình sạch đâu".

Theo tìm hiểu của phóng viên thì tất cả các loại rau ở đây đều được dùng hai loại thuốc này: rau cải, rau ngải cứu, mồng tơi và rau muống đều phun tất. Thấy lợi nhuận cao nên người này bảo người kia, tất cả cùng đua nhau dùng.

Trong các loại rau kể trên thì rau muống là hấp thụ nhanh nhất. Vừa phun thuốc xong, quay về đặt nồi cơm quay ra đã thấy ruộng rau khác rồi. Thậm chí nhà nào không thu hoạch kịp sau khoảng 2 ngày thì ngọn rau sẽ dài loằng ngoằng và khó bán.

Chiếc xe tải chở 80.000 lọ thuốc kích thích giá đỗ bị cơ quan chức năng bắt giữ ngày 13/11/2013.

Rời ruộng nhà bà K., chúng tôi lân la đến khu ruộng trồng toàn rau ngải cứu của bà M.. Bà M. năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng trông vẫn rất nhanh nhẹn. Khi được hỏi bà M., đám ngải cứu này có phun thuốc "vươn cành" không thì bà M thẳng thắn nói: "Không phun thì đến đời nào mới được thu hoạch. Người ta phun cả đấy thôi. Vợ chồng tôi già rồi, thu nhập cũng chỉ dựa vào mấy sào rau này thôi".

Theo lời bà M. tâm sự thì vợ chồng bà có 2 con nhưng đều ra ở riêng. Hai vợ chồng bà dù già nhưng vẫn phải dựa vào công việc đồng áng, vì "nếu không làm thì cũng không có gì mà bỏ vào mồm" - bà M chia sẻ.

Trước đám ruộng của bà M. trồng rau muống nhưng vài tháng trở lại đây vợ chồng bà chuyển sang trồng rau ngải cứu. Trung bình cứ 3 ngày ông bà lại thu hoạch một lứa rau ngải cứu với thu nhập khoảng 300 nghìn đồng. Bà M. bảo: "Nếu không có loại thuốc đó mà cứ làm theo lối truyền thống thì chúng tôi chết đói hết".

Khi chúng tôi lân la hỏi về nguồn gốc loại thuốc đó thì bà M. mách: "Nó là thuốc tàu, chả có nhãn mác gì đâu. Nếu anh chị muốn mua thì cứ đến đại lý H.T. ở cách đây vài ngõ là có. Ở đây chúng tôi đều lấy thuốc ở đại lý đó hết. Nhưng khách lạ thì kể cũng hơi khó mua đấy. Hay cứ nói với họ là bà M bảo đến mua là người ta bán đấy".

Mua thuốc dễ như mua rau

Quả thực mua rau dễ như thế nào thì mua thuốc tăng trưởng siêu tốc dễ như vậy. Lần theo những manh mối của người trồng rau tại đây, chúng tôi có mặt tại đại lý H.T. - nơi cung cấp chính thuốc “vươn cành” cho cả khu vực. Theo phán ảnh của người dân, tuy được gọi là đại lý nhưng cửa hàng này không gắn biển hiệu, số nhà, chủ yếu bán cho người quen. Vì là người lạ, chủ đại lý có phần cảnh giác với chúng tôi khi ngỏ lời mua thuốc "vươn cành". "Ở đây chị không bán loại đó đâu, chỉ bán thuốc bảo vệ thực vật thôi. Em tìm chỗ khác nhé" - bà chủ cửa hàng dè chừng. Sau vài câu trắc nghiệm: mua làm gì? Quen ai trong làng này?... Chúng tôi đã tạo được niềm tin với bà chủ.

Thuốc kích thích dạng nước được PV mua tại của hàng.

Theo nguồn thông tin từ bà chủ đại lý, hiện nay có 2 loại thuốc phổ biến, là loại dạng nước và dạng viên (như viên C sủi), giá cho mỗi viên là 9 nghìn đồng. Về hiệu quả thì dạng nước hiệu quả kích thích tăng trưởng chỉ bằng 60% so với thuốc viên. Chính vì thế dân ở đây chủ yếu dùng loại dạng viên sủi. Sau 1 hồi hỏi chuyện, bà chủ cửa hàng tỏ vẻ nghi ngờ: "Có mua không mà hỏi nhiều thế?". Để tạo sự tin tưởng, chúng tôi đồng ý lấy 3 viên dùng thử. Sau khi tạo được niềm tin, chủ cửa hàng còn thiện chí bày cho cách sử dụng. Mỗi viên thuốc dạng sủi dùng cho 1 sào Bắc bộ rau, pha chế làm 2 bình mỗi bình nửa viên. Cứ như thế cho vào bình phun như phun thuốc sâu. Chỉ trong 2 - 3 ngày sau khi phun sẽ thu hoạch được rau.

Hỏi về nguồn gốc xuất xứ người phụ nữ này tặc lưỡi: "Ai mà biết nó ở đâu ra? Thấy đại lý cấp trên nó bán mình mua về buôn. Toàn tiếng Trung Quốc mình sao mà dịch nổi? Cách dùng, công dụng đều do đại lý cấp trên họ nói".

Qua tìm hiểu của phóng viên, để rau tươi non và mỡ hơn, người dùng phải mua thêm 1 loại đám lá trong nước sản xuất. Qua khảo sát tại một số địa phương, loại thuốc tăng trưởng siêu tốc này được bán khá công khai tại các đại lý thuốc bảo vệ thực vật nhưng không hề bị cơ quan chức năng "tuýt còi". Chính sự lỏng lẻo trong khâu quản lý nên các đại lý mới ngang nhiên bán những loại thuốc có trong danh mục cấm lưu hành của Cục Bảo vệ thực vật.

Người bán hám lời, người trồng hám cái lợi trước mắt và hậu quả là người tiêu dùng phải gánh. Bởi các thành phần trong thuốc kích thích tăng trưởng đều không có trong danh mục hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm, do Bộ Y tế quy định và cũng không có trong danh mục các thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng được phép sử dụng do Bộ NN&PTNT quy định. Khi ngấm vào thực phẩm, các chất này thường rất khó phân huỷ dù có rửa nhiều lần với nước, tạo lượng tồn dư cao. Khi vào cơ thể con người, tồn dư chất kích thích sẽ bị tích luỹ trong các mô mỡ, gan, tuỷ sống… có thể gây nhiều bệnh tật nguy hiểm đến cơ thể con người như giảm sức đề kháng, giảm thị lực, đãng trí, nặng có thể dẫn đến ung thư.

Bà Nguyễn Thị Nhung, Trưởng bộ môn thuốc, cỏ dại, môi trường Viện Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) chia sẻ, để kích thích sinh trưởng vươn ngọn, bật chồi nhanh, đã có nhiều hộ dân sử dụng thuốc kích thích. Nếu người trồng rau sử dụng quá nhiều, liều lượng lớn, gần ngày thu hoạch sẽ không đảm bảo thời gian cách ly thì dư lượng thuốc còn lại trong rau sẽ vượt quá mức cho phép, gây ngộ độc cho người tiêu dùng, kể cả với các loại thuốc kích thích sinh học.

Hầu hết các hộ trồng rau ở Yên Duyên đều dành một khoảng ruộng nhỏ để trồng rau sạch. Rau này được chăm sóc theo cách truyền thống và chỉ để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Vì bản thân họ đều nhận thức được rằng những loại rau được bán ra thị trường đều rất độc hại.

Phong Anh
.
.
.