Tăng giá nước và câu chuyện khát nước giữa thủ đô

Thứ Tư, 22/10/2014, 16:30

Từ ngày 1/10/2014, mức giá nước sạch bình quân trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ được điều chỉnh tăng 24,8% so với mức giá bình quân năm 2013. Tuy nhiên trong khi bài toán thiếu nước, nước nhiễm bẩn vẫn chưa được giải quyết thì việc tăng giá nước sạch một lần nữa lại dấy lên làn sóng phản đối của các hộ dân cư, nhất là những nơi không có nước để dùng.

Dân kêu trời vì thiếu nước

Gần 1 tháng nay, người dân tổ 12, phường Mộ Lao, Hà Đông phải sống trong cảnh mất nước, mọi sinh hoạt bị đảo lộn. Các bể nước ngầm trong các gia đình đều đã cạn kiệt, những đường ống dài hàng chục mét thi nhau nối từ những giếng khoan của một số nhà có giếng để đưa nước về những nhà trong ngõ sâu để tạm chống chọi với cơn khát. Nhưng hầu hết những người dân khi được hỏi đều chán nản không buồn trả lời bởi theo họ: "Bao nhiêu báo, đài về đưa tin rồi, nói nữa, nói mãi cũng có giải quyết được gì đâu. Chúng tôi vẫn phải sống không có nước".

Bà Thơm sống trong một khu nhà trọ ở tổ 12 chia sẻ: "Mất nước cũng phải gần tháng nay rồi. Nhiều nhà đã phải đi sơ tán. Nhiều nhà không đi đâu được thì đành phải ở lại tằn tiện từng tí một. Quần áo có khi phải mang ra ngoài hàng hoặc đến nhà người thân tắm giặt nhờ, không thì đi xin nước giếng khoan về dùng. Nhưng chúng tôi cũng chỉ dám dùng nước giếng để tắm giặt thôi chứ nước ăn, nước uống phải mua 25.000 một bình. Tốn tiền lắm". Cũng theo bà Thơm, trong vòng một năm trở lại đây, tình hình cung cấp nước sinh hoạt cho khu tập thể vô cùng bất ổn. Mỗi tháng các hộ dân lại phải chịu cảnh mất nước một lần, mỗi lần từ 5 ngày đến 1 tuần nhưng đây là lần lâu nhất khi gần 1 tháng nay không có nước hoặc nếu có thì rất nhỏ giọt, chỉ có những nhà đầu tổ mới lấy được. Chỉ sang một nhà hàng xóm, bà bảo: "Đây nhà này có bà bầu sắp sinh, tình trạng mất nước thế này chắc về quê sinh mất".

Anh Dũng, nhà số 61, tổ 12 cho biết: "Nhà tôi phải chia nhau ra người đi làm, người ở nhà canh nước, nhất là ban đêm thì phải túc trực thường xuyên nhưng cũng chẳng được bao nhiêu. Mọi sinh hoạt trong nhà đều phải hạn chế. Nước ăn thì phải đi mua, rất may nhà tôi cũng buôn bán nên cứ gọi người ta mang mấy bình một lúc đến cho. Mà chỉ mỗi khu tôi bị mất nước, cũng không hề có thông báo gì".

Đem thắc mắc về tình trạng gần tháng nay tổ 12, phường Mộ Lao không có nước với ông Trần Quốc Cường, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Thống Nhất, đơn vị cung cấp nước cho tổ 12, ông Cường cũng bức xúc cho biết: "Cả văn phòng chúng tôi cũng không có giọt nước nào. Nước chúng tôi mua của Viwaco. Mà Viwaco thì dạo này đường ống nước bị vỡ rồi bị xử phạt thế nào thì các bác biết rồi đấy. Mà giờ bảo xây dựng đường ống nước thứ 2, thành phố nói rằng đã có 1.200 tỷ để xây dựng đường ống thép mới nhưng chả thấy động tĩnh gì, chúng tôi thì không có một giọt nước, còn người dân kêu như vạc. Cách đây hơn 20 ngày, lượng nước không có để mà cấp. Chúng tôi gửi công văn lên thành phố, Viwaco, UBND quận Nam Từ Liêm rồi, nhưng chẳng thấy cơ quan nào trả lời. Chúng tôi lên thì ông giám đốc Viwaco bảo không có tiền, không có tiền thì nhận trách nhiệm ấy làm gì, không có tiền thì phải vay, phải huy động hoặc đề nghị Chính phủ giải quyết thế nào chứ. Ngày xưa thấy bảo vay tiền làm hai đường ống, nhưng mới được một đường thì giờ đã hỏng hết, còn đường ống thứ 2 chả thấy động tĩnh gì cả. Các bác là cơ quan báo đài, báo chíâ cũng đề nghị các bác tác động các cấp giải quyết cho chúng tôi. Chúng tôi cũng chỉ là người trung truyển nước từ Viwaco bán cho họ, chúng tôi đã làm hết sức mình rồi".

Bể nước ngầm đã cạn, phải dùng nước giếng khoan.

Cũng giống nhu khu Mộ Lao, gần một tuần trôi qua, hơn 300 hộ dân phường Ngọc Khánh đang phải sống trong cảnh không có nước sinh hoạt nên người dân đã phải đi xin, hoặc mua nước ở các khu vực lân cận. Tình trạng trên xuất phát từ quyết định cắt nước, mà theo người dân là không báo trước của Công ty nước sạch Ba Đình. Các hộ dân nơi đây cũng mang những vòi nước, xô chậu cạn khô, can nước, bình nước được tận dụng tối đa để dự trữ nước sinh hoạt. Được biết, sau khi bị cắt nước 3 ngày, nhiều hộ dân đã liên tục gọi điện tới Công ty nước sạch Ba Đình để phản ánh, tuy nhiên câu trả lời nhận được vẫn là: hiện đang nâng cấp, sửa chữa đường ống nước, hoặc do sự cố, áp lực chưa đủ để bơm nước, kèm theo lời hứa hẹn sẽ cấp lại nước sớm nhất có thể. Tuy nhiên, sau những lời hứa hẹn, các hộ dân vẫn phải sống trong cảnh không có nước sinh hoạt và khổ sở chắt chiu số nước vừa xin được.

Tăng giá nước phải đầu tư cho vùng chưa có nước

Trong khi nhiều nơi không có nước để dùng thì người dân lại một lần nữa hốt hoảng khi giá nước đột ngột gia tăng. Theo đó, TP. Hà Nội tăng giá nước ba năm liên tiếp từ năm 2013 đến năm 2015. Tất cả các lần tăng đều vào ngày 1/10 hằng năm. Cụ thể, với những hộ sử dụng 10m3 nước đầu tiên sẽ tăng từ 4.172 đồng/m3 lên 5.020 đồng/m3; trên 10m3 đến 20m3/tháng tăng từ 4,930 đồng/m3 lên 5.930 đồng/m3; trên 30m3/tháng tăng từ 10,619 đồng/m3 lên 13.377 đồng/m3. Tất cả các mức giá trên chưa có thuế giá trị gia tăng (VAT) và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt. Riêng các trường hợp cung cấp nước sạch không thuộc hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh của thành phố, UBND TP. Hà Nội phê duyệt đơn giá bán phi sinh hoạt cho từng dự án cụ thể.

Việc tăng giá nước sạch trong khi chất lượng nước ngày càng không đảm bảo khiến rất nhiều người bức xúc. Anh Lê, phố Quan Hoa, Hà Nội cho biết: "Nhà tôi mất nước liên tục, nước thì đục chắc chỉ trong hơn nước cống một tí. Chất lượng nước càng đi xuống thế mà suốt ngày nói chuyện tăng giá. Nếu mà nước đảm bảo thì có tăng chúng tôi cũng chả thắc mắc. Thậm chí chúng tôi sẵn sàng trả tiền cao hơn để có nước sạch chất lượng dùng".

Chị Lan, Nghĩa Tân, Cầu Giấy chia sẻ: "Cả mùa hè vừa rồi khu nhà tôi mất nước liên tục. Có khi cả tuần không có nước. Nhiều nơi có nước đều đặn nhưng đục, cặn đen sì, người dân lấy mẫu đi kiểm tra thì tòi ra nhiễm asen, nhiễm bẩn. Thấy suốt ngày nói lộ trình tăng giá, nhưng sao chẳng thấy ai đề cập đến tăng chất lượng nước. Chúng tôi bỏ tiền ra là để mua nước sạch, nước an toàn".

Xô, chậu được tận dụng tối đa để dự trữ nước.

Anh Hùng, Ngọc Khánh bức xúc không kém: "Nước là nhu cầu tối thiểu nên cần phải bảo đảm cung cấp thường xuyên. Giờ giá nước sinh hoạt tăng thì phải đồng nghĩa với việc bảo đảm nhu cầu nước cho người dân cũng như chất lượng nước. Tăng giá nước sinh hoạt phải phù hợp với chất lượng nước sạch được cung ứng tới hộ dân. Khi chất lượng nước sinh hoạt được cải thiện, đảm bảo với đúng tiêu chuẩn nước sạch dùng cho sinh hoạt thì việc tăng giá nước như lộ trình sẽ không bị dân phản ứng. Điều tưởng chừng như ai cũng biết này lại được đơn vị cung ứng nước sạch làm… ngược hoặc cố tình làm ngược".

Hiện tại, vẫn còn nhiều nơi còn đang phải sử dụng nước giếng khoan xen lẫn nước máy, thậm chí ngay một số nơi nằm sát ngay bên cạnh đường ống dẫn nước sạch vẫn không có nước máy để dùng. Nhưng những đơn vị cung cấp nước vẫn thường xuyên đưa ra những lí do hết sức khó hiểu để có thể tăng giá. Nhưng dù nó có là lí do gì đi chăng nữa thì cũng không thể đổ trách nhiệm lên vai người dân. Có lẽ, các khách hàng "thượng đế" không hề có quyền lựa chọn trong việc sử dụng nước ngoài việc chọn dùng hay không dùng. Dù là chất lượng thế nào, giá cả ra sao người dân vẫn phải cắn răng chịu đựng chứ không thể không dùng nước được. Vậy những phản ứng gay gắt về chất lượng, về việc tăng giá của nhiều người liệu có sai ?

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng, có trách nhiệm trong việc quản lý, cung cấp nước cần có động thái rà soát lại chất lượng các nguồn cung cấp, nhu cầu của người dân cùng các vấn đề: Các kênh cung cấp nước đã tốt chưa, nguồn nước có sạch, có đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng, ý kiến của người dân như thế nào, họ đã hài lòng với nguồn nước đang sử dụng, có đồng ý tăng giá không? Nếu đáp ứng được tất cả những thắc mắc trên, chắc hẳn sẽ chẳng ai ý kiến gì về việc tăng giá nước để có một chất lượng phục vụ tốt hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng giá nước trong bối cảnh hiện nay là chưa hợp lý và chưa cần thiết, gây bức xúc cho người dân, nhất là những nơi đang sống trong cảnh mất nước thường xuyên, ngày đêm mong ngóng từng giọt nước về bởi thực tế, chất lượng nước sinh hoạt hiện nay trên toàn thành phố Hà Nội chưa tương xứng với mức giá mà người dân phải trả hàng tháng. Nước sinh hoạt vẫn còn bẩn, nguồn nước cung cấp chưa ổn định, lúc có, lúc mất. Hơn nữa, khi thu nhập của người dân vẫn còn rất bấp bênh, mọi mặt hàng đều tăng giá thì việc tăng giá nước sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của nhiều người

Ngọc Mai - Ngọc Minh
.
.
.