Thông tư 30 của Bộ Y tế: Chỉ làm khó dân nghèo

Thứ Hai, 04/02/2013, 16:11

Thông tư 30 của Bộ Y tế đã có hiệu lực từ ngày 20/1/2013 nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu rõ, thậm chí còn chưa từng nghe thấy. Những người  bán hàng rong có thu nhập thấp, công việc dịch chuyển nhiều, chủ yếu là từ các vùng nông thôn, ngoại tỉnh về thành phố kiếm sống. Việc đòi hỏi họ có giấy tờ chứng nhận sức khỏe, nguồn gốc thức ăn, chứng nhận tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm  gần như là chuyện không tưởng.

"Tôi nào có biết quy định mới"

Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định tất cả người bán hàng, người sản xuất tại cơ sở dịch vụ ăn uống (quán ăn trong nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng…), người bán thực phẩm đường phố đều phải khám sức khỏe, có giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe, được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm và có giấy chứng nhận đã được tập huấn, có đủ nước sạch, có bàn cao, khu chế biến đồ ăn sống và chín riêng, có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu… mới được coi là đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm

Thực tế, khi thông tư 30 siết chặt hơn đồng thời kéo theo rất nhiều người lao động mất việc, không thu nhập. Bởi dân bán hàng rong chủ yếu là người ngoại tỉnh, không có việc làm, lặn lội lên Hà Nội kiếm sống. Gánh hàng rong coi như cần câu cơm của cả nhà. Theo khảo sát của chúng tôi, trên khắp địa bàn Hà Nội, khi nhắc tới nghị định 30 của Bộ Y tế, hầu hết người bán hàng rong đều ngơ ngác. Nghe nói đến giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận nguồn gốc hàng hóa, hay giấy chứng nhận tập huấn cứ như chuyện... trên cung trăng.

Những câu trả lời chúng tôi nhận được chỉ là không biết, có chăng chỉ nghe đồn về thông tư 30 của Bộ Y tế. Chị Nguyễn Thị Tú (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) sống vào gánh hàng rong "bún đậu mắm tôm" ngót nghét 10 năm, lao động chính cho cả gia đình với 4 miệng cho biết: "Chúng tôi người quê lên thành phố, chỉ biết úp mặt vào làm chứ có bao giờ nghe đến thông tư với quyết định gì đâu. Nếu đúng là có cái thông tư đó thì quả thực tôi không biết sống kiểu gì. Để sắm đủ tủ kính, găng tay… như thế thì cồng kềnh quá, làm sao rong ruổi bán hàng được? Hơn nữa lại đi học tập huấn, rồi giấy sức khỏe. có ốm đau gì đâu mà phải khám. Chắc chắn tôi phải bỏ nghề về quê thôi. Mà bỏ nghề thì chết đói à".

Cùng tâm trạng với chị Tú, bà Lê Thị Vang (Gia Lâm, Hà Nội) - chủ một gánh hàng xôi tại phố Khâm Thiên nói: "Tôi bán xôi ở đây bao nhiêu năm, cả khu phố này ăn xôi của tôi, có ai làm sao đâu? Tự nhiên sinh ra cái đó sao mà phức tạp thế? Chẳng lẽ một bà nhà quê, mù chữ như tôi lại đi học lớp tập huấn gì gì đó à? Làm giấy khám sức khỏe còn tranh thủ về quê xin được chứ học hành thì chịu thôi. Các ông có bắt thì bắt tôi cho cả thúng xôi này".

Người bán hàng rong ngơ ngác với thông tư 30 của Bộ Y tế.

Hôm nay quán hàng bún chả của chị Bùi Thị Phương (Tô Hiến Thành) đắt khách nên hết sớm hơn mọi ngày nhưng chị vẫn không giấu được vẻ mặt buồn bã từ khi biết đến thông tư 30 qua báo chí. Chị nói: "Quả thực biết tin này tôi rất hoang mang. Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là trách nhiệm của những người bán hàng như chúng tôi. Tuy nhiên phải làm những thủ tục đó thì rất phức tạp. Chúng tôi cũng không biết cơ quan nào đứng ra theo dõi, quản lý hay phạt?".

Lại đầu voi đuôi chuột

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng thông tư này mới chỉ làm được phần ngọn mà bỏ qua phần gốc của vấn đề. Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phải bắt đầu từ nơi cung cấp thực phẩm (trang trại, vườn ao) chứ không phải từ vỉa hè. Việc bán hàng rong và tiêu dùng vỉa hè đã từ lâu chấp nhận nhau, tức cung và cầu đã gặp nhau. Thế nên, nghị định này chắc chắn không khả thi, chỉ làm khó cho dân.

Chị Nguyễn Thị Liên vừa gánh hàng hoa quả rong ruổi tất tưởi trên phố Quán Sứ- Hà Nội. Gánh hàng của chị đã nhiều lần bị công an tịch thu vì vi phạm lòng đường, vỉa hè. Những lúc đó thì chỉ biết dở mếu dở khóc. "Tôi chả biết nghị định nào cả. Mỗi ngày, gánh hàng chỉ ngót nghét một triệu đồng thôi, tôi mua từ chợ đầu mối, làm gì có giấy tờ. Tôi khỏe mạnh, bình thường, sao mà phải đi kiểm tra sức khỏe, phải cấp giấy chứng nhận này nọ. Mà đi khám sức khỏe chúng tôi làm gì có tiền. Không có giấy thì không được bán à. Thế thì các con tôi chết đói à".

Bà Phương vừa múc bún cho khách vừa chao chát. Góc quán vỉa hè của bà ở Mai Hắc Đế, Hai Bà Trưng- Hà Nội dạo này thưa thớt khách. "Mỗi ngày ra chợ, tôi thấy hàng nào ngon thì mua, làm gì có giấy tờ. Nhà tôi ở tận tầng 4, không bám lề đường mà sống thì chết đói. Ôi dào, lại đầu voi đuôi chuột thôi, bao nhiêu nghị định rồi chả đâu vào đâu. Siết chặt được mấy ngày rồi đâu vào đấy, tôi chả tin là thực thi được. Tôi bán hàng bằng cái tâm của mình, đầu tiên là cho chính những người trong gia đình tôi ăn. Ngày nào tôi cũng ăn hai bát phở do chính mình nấu, sao mà không an toàn. Bây giờ bắt tôi xin đủ giấy chứng nhận, rau, hành, gà này thì lấy đâu ra. Bắt quá thì tôi nghỉ bán, tìm việc khác làm. Mà làm gì bây giờ???"

Cần giấy chứng nhận à, tôi xin được ngay

Chúng tôi không lạ gì với các kiểu giấy chứng nhận "cần là có" ngay ở Việt Nam. Nhưng nghe chính những người bán hàng lầm lũi này tuyên bố thì thực sự choáng.

Chị Thục bán hàng dạo nộm và thịt bò khô, ngô khoai từ đường Khâm Thiên lên hồ Thiền Quang. Chị là nhân viên đường sắt, lương vỏn vẹn 3 triệu đồng, không đủ trang trải nuôi hai con ăn học, nên 3 năm nay, chị tranh thủ giờ nghỉ cơ quan đi bán hàng rong. Chị là một trong số ít người bán hàng rong chúng tôi gặp có vẻ điềm tĩnh.

"Tôi là người nhà nước, giấy khám sức khỏe, tôi có thể lo được. Nhưng giấy tờ, nguồn gốc xuât xứ hàng hóa thì lấy đâu ra. Tại sao các ông không quản lý các cơ sở chế biến ấy. Họ phải có giấy tờ thì chúng tôi mới có được chứ. Mà chả lẽ, đi bán hàng, lúc nào cũng kè kè một lố giấy tờ à. Tôi làm nhà nước, không đủ tiền nuôi con, phải lăn lộn kiếm sống. Đã khổ thể mà chẳng tạo điều kiện cho dân lại còn hạch sách. Mấy hôm trước tôi bị công an bắt lên phường, tôi nói rõ rằng, tại sao người dân mưu sinh đàng hoàng như thế mà các chú còn gây khó dễ, đừng đẩy họ vào đường cùng, lại sinh ra tệ nạn". Chị Thục nói, 3 năm nay chị đi bán dạo dọc tuyến phố này, toàn khách quen, có ai kêu ca gì đâu.

"Còn nếu muốn có đủ loại giấy tờ chứng nhận, nói thật, tôi cũng xin được ngay. Nhưng đưa ra những quy định này lại tạo cơ hội cho tiêu cực, rồi lại chứng nhận giả cho mà xem".

Kiểm chứng thông tin của chị Thục, chị Lan ở quán cơm Việt Nam trên phố Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng, Hà Nội khẳng định, chỉ những người nghèo mới phải vật lộn kiếm sống vất vả như chị. "Tôi từng là người nhà nước, về một cục, lấy chồng muộn, 60 tuổi mà con con bé tí, chồng ốm đau quặt quẹo, không làm lấy gì nuôi con. Tôi làm cơm không ngon, không an toàn, sao khách lại đông. Giờ muốn giấy tờ gì nào, tôi "mua" được hết. Nhưng liệu những giấy tờ đó có thực chất không hay lại tạo cơ hội cho tiêu cực".

Tuy nhiên, phải những người sành sõi như chị Thục, buôn bán  lâu năm mới có cái lỹ lẽ đó, chỉ hầu hết những người bán hàng rong ở Hà Nội, chân lấm tay bùn. Những quy định trong thông tư 30 của Bộ Y tế thực sự đã gây khó dễ cho những người dân nhỏ bé, nghèo khổ, thậm chí có khi khiến họ tuyệt đường mưu sinh.

Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục vệ sinh an toàn thực phẩm - Bộ Y tế: Một quy định đã cũ từ hơn 10 năm trước

Đây là một vấn đề đã cũ, chúng tôi đã triển khai từ năm 2001, nên bây giờ chỉ được nhắc lại để làm một cách rốt ráo hơn mà thôi. Chắc chắn sẽ khả thi. Tuy nhiên đó là một cuộc chiến lâu dài chứ không phải ngày một, ngày hai mà làm được. Ngay như việc cấm đốt pháo, hay đội mũ bảo hiểm, cũng phải một quá trình dài chúng ta mới làm được triệt để đấy thôi. Chúng tôi đã tập huấn, phổ biến cho một số bà con. Bây giờ mình đang vận động để người dân hướng tới cuộc sống an toàn và văn minh hơn. Giấy tờ, hóa đơn ở đây, không yêu cần nhiêu khê gì mà chỉ là giấy tờ viết tay đưa cho nhau, để biết nguồn gốc, xuất xứ của thức ăn ở đâu, tạo cho người dân một thói quen có trách nhiệm với món hàng mình bán ra. Việc này rất đơn giản, nên không có chuyện tiêu cực, mua bán giấy tờ gì cả. Đây là một văn bản chuẩn để vận động bà con thực hiện, và không có chuyện gây phiền nhiễu cho dân. Chắc chắn chúng tôi sẽ thực hiện được.

Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng ở phố Bạch Mai cho biết, không phải đợi đến thông tư này, mà từ lâu, phòng đã tổ chức tập huấn cho người dân trên địa bàn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, thì số lượng người dân được tập huấn cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và hầu hết, người dân đều thờ ơ với việc đó, thậm chí coi đó chỉ là hình thức???

Linh – Phong
.
.
.