Tiếng kêu cứu vô vọng hơn 20 năm

Thứ Bảy, 05/10/2013, 07:13

Hơn 40 năm người dân thôn 3, xã Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội luôn sống trong sợ hãi bởi đường dây điện trung thế 35kV chạy trên các mái nhà. Hơn chục trường hợp bị điện giật nhẹ thì gãy tay, sém tóc, nặng thì bị liệt toàn thân.

Mới đây nhất vào ngày 13/7 một công dân của thôn đã bị điện giật dẫn đến tử vong. Tai nạn thương tâm ấy đã làm dấy lên sự phẫn nộ của bà con nơi đây khi họ dự định kéo nhau đi đòi dỡ dường dây điện. Điều đáng bàn là, đường dây trung thế ấy tồn tại không phải để phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân thôn 3 mà để phục vụ cho hoạt động sản xuất của Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng số 10 Thăng Long. Và khi những sự cố về điện xảy ra thì không một đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm.

Tránh "giặc lũ" thì gặp "giặc điện"

Những năm về trước, ngoài đê sông Hồng rất trũng, cuộc sống của bà con vào mùa mưa thường xuyên bị ảnh hưởng do nước ngập và bị lũ cuốn. Thế nên chủ trương của thành phố lúc bấy giờ đã cho di dời những hộ dân ở ngoài đê vào phía trong làng, nay là thôn 3, xã Vạn Phúc (Thanh Trì, Hà Nội). Cuộc di dời nơi ở ấy diễn ra vào năm 1971. Nghe những người dân ở đây kể lại thì khi đó trên địa bàn nơi ở mới đã có đường dây điện 35kV.

Là một trong những người đầu tiên chuyển đến thôn 3 trong đợt di dời dân từ ngoài bãi vào nên ông Lã Văn Chì, 77 tuổi, hiểu rất rõ xuất xứ của đường điện trung thế này: "Đường điện 204 là tài sản riêng của Xí nghiệp 204. Khi công ty sơ tán về đây đã mượn đất của địa phương để xây nhà cho công nhân ở, xây biến thế ở trong xóm. Đến khi hết thời hạn đất họ cũng trả rồi, trạm biến thế cũng đưa ra khỏi khu vực dân cư rồi. Chỉ còn đường dây điện tính tới nay cũng đã hơn bốn mươi năm rồi nhưng vẫn chưa dỡ bỏ. Hiện đường dây điện trung thế này được chuyển giao phục vụ cho Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng số 10 Thăng Long".

Theo bà con phản ảnh thì sự tồn tại của đường dây điện trung thế 35kV này là rất nguy hiểm. "Tính sơ sơ ở thôn này cũng phải hơn chục trường hợp bị điện giật rồi. Chính nhà tôi đây này, bốn năm về trước khi con tôi xây nhà, thợ xây cũng bị điện giật giờ thành tàn phế đấy. Giờ nhà tôi vẫn thỉnh thoảng phải gửi tiền gọi là chia sẻ thiệt thòi cho người ta đấy" - bà Lã Thị Mích bức xúc nói. Người đàn ông kém may mắn bị điện giật khi xây nhà cho bà là người ở Hòa Bình. Sau khi bị điện giật đã phải đưa đi cấp cứu và nằm viện ròng rã hai tháng trời nhưng kết quả cũng chẳng hề khả quan. Bị điện hút gần hết máu trong người nên giờ chân tay co quắp, khòng kheo và phải nằm một chỗ. Khi tai nạn đáng tiếc xảy ra, tuy người cai thầu xây dựng nhà cho bà phải chịu toàn bộ trách nhiệm với công nhân của mình nhưng con cái bà Mích cũng đã bỏ ra mười triệu để thêm tiền chạy chữa cho người thợ xây đó.

Đến thôn 3, xung quanh nhà dân rất khó có thể tìm được những cây xanh to. Bởi "cây cứ cao cao một chút là Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng số 10 Thăng Long lại cho người đến chặt bằng hết để không ảnh hưởng đến đường dây điện. Cây nào còn được để thì hễ gió to, có sấm sét đánh vào nó xoẹt ra lửa rất đáng sợ. Chính cái anh thợ điện đến chặt cây cũng bị điện giật tí chết" - bà Nguyễn Thị Hảo chia sẻ.

Lúc dân mới di cư vào nơi ở mới cũng chỉ cắm sào, dựng lều tạm bợ nên đường điện trung thế này cũng không ảnh hưởng nhiều lắm đến sinh hoạt của bà con. Thế nhưng do địa thế vẫn là đất trũng, mưa to vẫn thường xuyên ngập, muốn ở ổn định bà con luôn phải tôn nền lên cao thêm, nhà cũng xây kiên cố hơn. Do vậy khoảng cách giữa nóc nhà với đường điện trung thế ngày càng rút ngắn. Đường điện giờ trở thành quá thấp, dây thì ngày một trũng xuống. Bi kịch đến mức hộ nào đó xây nhà, lợp ngói thường thợ chỉ dám bắc giáo đứng ở trong lợp ngói chứ không dám trèo lên trên nóc vì sợ điện giật.

Sau nhiều vụ tai nạn do điện giật, bốn mươi hộ dân nơi đây đã đồng lòng ký vào một lá đơn để gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền kêu cứu. Nhưng đã hơn 20 năm qua, kể từ lá đơn đầu tiên được gửi đi tình trạng vẫn thế. Tâm lý bà con hoang mang, lúc nào cũng sống trong cảm giác thấp thỏm lo âu biết đâu ngày mai thôi tai họa sẽ ập đến nhà mình, người thân của mình. Có một nghịch lý là, hầu như những hộ dân ở đây khi xây nhà đều không thể nào thuê được thợ địa phương. Thợ địa phương thì đi nơi khác làm, chỉ có thợ tứ xứ mới dám đến làm thuê, đơn giản vì họ không biết nên không thấy sợ.

Những hôm trời mưa, nhiều người dân không dám đi ra ngoài vì sợ bị điện giật. Những hộ cùng xóm với nhà ông Hiện, bà Mích mỗi khi trời mưa nếu đi chân đất ra sân thì cảm giác rất rõ bàn chân mình tê tê như có luồng điện chạy qua.

Cái chết thương tâm và đỉnh cao của sự bức xúc

Chúng tôi tìm đến nhà bà Đinh Thị Bản đúng vào lúc gia đình đang lo cúng 50 ngày cho anh Hiển. Không khí tang thương vẫn còn bao trùm ngôi nhà mới xây. Nói về cái chết thương tâm của con trai mình, bà Bản không cầm được nước mắt: "Mấy hôm trước Hiển nghe cô ruột mình than thở là gian bếp bị xô ngói nên nó bảo với cô là để khi nào rảnh cháu qua xếp lại ngói cho. Buổi sáng hôm ấy nhân lúc rảnh rỗi nó bảo tôi bế con để  nó chạy qua nhà cô (nhà đối diện với nhà anh Hiển - PV) xem bếp bị dột thế nào. Chỉ một lúc sau khi tôi vẫn còn đang bế cháu trong nhà thì nghe một tiếng "uỵch". Tôi thấy người ta hô hoán ầm ĩ ở bên đó, rồi có người hốt hoảng chạy sang nói với tôi "thằng Hiển bị điện giật rơi xuống chuồng gà nhà bà Hảo chết rồi''. Lúc đó mới khoảng bảy giờ sáng thôi".

Bà Hảo bức xúc kể lại sự việc xảy ra ngày 13/7.

Quá đau lòng trước cái chết thương tâm của anh Hiển, nhiều người trong gia đình anh đã phẫn nộ đòi giữ nguyên hiện trường để gọi các cơ quan chức năng đến chứng kiến. "Công an huyện đến rồi, chính quyền xã cũng đến rồi nhưng riêng người của ngành Điện thì không một ai bén mảng tới cho dù gia đình tôi đã đến báo tận nơi. Cho đến tận ngày hôm nay khi cháu tôi mất đã được 50 ngày cũng chưa có một người nào của Sở Điện lực hay của Công ty cổ phần cơ khí và Xây dựng số 10 Thăng Long đến thắp cho cháu tôi lấy một nén nhang" - bà Nguyễn Thị Hảo, cô ruột anh Hiển phẫn uất.

Chuyện bà con thôn 3 bức xúc vì đường điện trung thế 35kV chạy ngay sát trên mái nhà mình đã diễn ra từ lâu. Bản thân ông Nguyễn Hào Hiệp là bố đẻ của anh Nguyễn Văn Hiển cách đây nhiều năm đã tập hợp chữ ký của bà con để làm đơn gửi các cơ quan chức năng. Rồi sau đó cứ vài năm lại sửa ngày tháng và gửi đi nhưng tuyệt nhiên không có một cơ quan chức năng nào hồi âm. Và chỉ đến khi con trai ông mất vì điện giật ông đã làm đơn tố cáo gửi đến Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội.

Và đến ngày 29/8/2013, Tổng công ty này đã có công văn phúc đáp lại gia đình ông. Tuy nhiên, trong công văn của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội đã đổ lỗi cho dân, trong đó có đoạn: "Để phục vụ cho công việc sản xuất của công ty 204, năm 1968 Công ty cổ phần Cơ khí và xây dựng số 10 Thăng Long làm chủ đầu tư xây dựng đường điện trung thế 35kV từ cột số 25 đến nhánh 204 đến cột 30 đường dây 371 E1.32 Thường Tín với chiều dài khoảng 700 mét. Tại thời điểm thi công là đất nông nghiệp không có công trình của các hộ dân. Sau này một số hộ dân xây dựng công trình nhà ở dưới đường dây điện trung thế đã vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện".

Tuy nhiên ở phần cuối công văn, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội cũng đã hứa hẹn sẽ chỉ đạo để Công ty Điện lực Thường Tín phối hợp với cơ quan địa phương tạo điều kiện cho Công ty CP Cơ khí và Xây dựng số 10 Thăng Long thực hiện việc di chuyển đường dây này sớm nhất.

Ông Chử Văn Tý, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc cho biết:

"Đối với xã Vạn Phúc thì đường dây điện trung thế 35kV là quá nguy hiểm. Chúng tôi đã đề nghị nhiều lần trong các kỳ tiếp xúc Hội đồng nhân dân huyện, thành phố nhưng vẫn chưa được giải quyết. Lý do là vì đường điện này có từ năm 1969 trong khi nhân dân xã Vạn Phúc được chuyển thoát lũ năm 1971. Lúc bấy giờ đường cao thế của người ta cao khoảng 5 mét. Khi nhân dân vào đó làm ranh làm cọc thì không ảnh hưởng nhưng vì đầm ruộng trũng nên từ năm 1971 đến ngày hôm nay nhân dân đã phải tôn tạo mặt đường lên. Thế nên khoảng cách từ mặt đất đến đường dây điện chỉ còn khoảng 3 mét, sát mép nhà dân. Từ hồi đó đến nay có khoảng 9, 10 người bị điện giật dẫn đến bị thương. Vụ gần đây nhất là xảy ra chết người. Sau vụ việc đáng tiếc đó chúng tôi đã báo cáo lên UBND huyện Thanh Trì, lên Sở Điện lực TP Hà Nội. Trong buổi họp gần đây nhất thì Chi nhánh điện Thường tín cùng với UBND xã Vạn Phúc đã thống nhất đi chuyển đường điện men theo đê sông Hồng. Hy vọng kế hoạch di dời đường điện sẽ sớm được triển khai để không làm ảnh hưởng đến đời sống cũng như tính mạng của bà con thôn 3 nữa''.

Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng số 10 Thăng Long cho biết:

Mấy chục năm trước thì đường dây điện trung thế này đúng là chỉ phục vụ cho việc sản xuất của Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng số 10 Thăng Long. Nhưng những năm trở lại đây nó còn phục vụ cho đời sống sinh hoạt của hơn 100 hộ dân ở khu vực ngoài đê của xã Vạn Phúc. Thực tế, đường dây điện này thuộc về sự quản lý chủ yếu của Chi nhánh điện lực Thường Tín. Hiện họ cũng đang có biện pháp di dời đường dây điện men theo đê sông Hồng để tránh những tai nạn đáng tiếc như đã xảy ra.

Phong Anh
.
.
.