Tội ác đến từ đâu?

Thứ Năm, 08/10/2015, 08:02
Trong 2 tháng 7 và 8/2015, 4 vụ thảm án kinh hoàng đã liên tiếp xảy ra tại các tỉnh Nghệ An, Bình Phước, Yên Bái, Gia Lai. Cả xã hội bàng hoàng trước những gì đã và đang diễn ra trong đời sống. Có ý kiến cho rằng, sự rối loạn nhân cách, lệch chuẩn về hành vi, chai sạn cảm xúc của các đối tượng gây án đã báo động một điều nguy hiểm hơn rất nhiều - đó là sự đổ vỡ của các giá trị đạo đức truyền thống - chất keo đã cố kết dân tộc Việt để vượt qua bao thăng trầm, hoạn nạn trong lịch sử.
Nhận diện căn nguyên của những điều đang xảy ra, không chỉ giúp những nhà hoạch định chiến lược đưa ra các giải pháp kiểm soát, ngăn ngừa tội phạm, bảo đảm ANTT, mà lớn hơn, để xây dựng một cuộc sống an toàn, với sức đề kháng cao trước những loại "vi rút" nguy hiểm đang âm ỉ tàn phá "nội tạng" xã hội.

Những đối thoại rùng rợn

Tuần trước, chúng tôi đến Học viện Khoa học xã hội dự lễ bảo vệ luận văn Thạc sỹ luật của một người bạn. Chờ đợi ở quán trà đá ngoài cổng, tình cờ nghe được cuộc đối thoại của 2 nam thanh niên ngồi cùng bàn, mà nhìn qua vẻ mặt, làn da cùng cách nói chuyện, biết luôn là dân "bay lắc". Một người có cái tên Hùng "xịt", tuổi trạc 19-20, hào hứng kể với bạn: Hôm qua bọn em vừa "chơi đá" xong thì anh Tuấn "bưởi" gọi, bảo lên Ciputra giúp anh giải quyết va chạm với bọn Thắng "trọc".

Huynh đệ "máu cho nhau sao phải nghĩ", cả đội em liền xách phóng lợn, kiếm, phớ lên. Dàn quân đợi mãi mà hội nó không về, chứ gặp chắc là chém sướng tay". Thanh niên kia  góp chuyện: "Bọn tao cũng đang xích mích với bọn Tuấn "bóng" ở Giảng Võ, quân bên nó đông phết. Tháng trước tao cho anh em lên làm cỏ, đập nát quán hát của nó. Mấy thằng bảo vệ quán chạy nhanh, chứ chậm tý nữa thì tao chém cho xả vai. "Cắn thuốc" hay "chơi đá" xong, nóng mắt chỉ muốn "phang" ngay, đểu thật!"…

Hung thủ Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến trong vụ thảm án tại Bình Phước.

Nghe xong câu chuyện ấy, mấy người già lặng lẽ trả tiền nước rồi ra khỏi quán. Chúng tôi cũng rời đi cho lành, nhưng băn khoăn mãi về những gì đang diễn ra trong đời sống. Nếu chuyện họ kể với nhau là thật, nghĩa là 2 vụ trọng án đã có nguy cơ xảy ra. Đám trẻ bây giờ kể chuyện đánh chém nhau đầy hào hứng. Toát lên trong toàn bộ câu chuyện là cái khí chất bốc đồng, tỏ ra "yêng hùng", thước đo giá trị con người của chúng có thể là bản lĩnh dám đâm chém người khác, dám đối mặt với nguy hiểm. Điều "tử tế" ở trong chuyện này là cái vẻ "khí khái", "nghĩa hiệp", vì đàn anh, bạn đá… mà sẵn sàng lên đường, sẵn sàng liều mạng, coi cái chết của người và của mình "như không".

Trước đây, khi Đội điều tra trọng án 1 - Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an TP Hà Nội bắt được Đức "cụt" và Thịnh "nghê" - hai "sát thủ" trong vụ đánh chém náo loạn phố Bạch Mai (Hà Nội) làm 1 người chết, 1 bị trọng thương, Đức "cụt" tranh thủ "giật le" với anh em nhà số 7, khi được hỏi vì sao lại có nickname là "cụt", y kể: "Riêng em, để giải quyết xích mích em cứ vật chúng nó ra đường, kê chân lên vỉa ba toa mà chặt. Mấy thằng bị em chặt cụt chân rồi, nên bọn nó đặt em nick là Đức "cụt".

Nhìn khuôn mặt nanh ác của kẻ vừa cầm dao chém người, chúng tôi tin câu chuyện đó 100% là sự thật. Không hề thấy một vẻ ăn năn, hối lỗi hiện trên mặt những "tay dao" còn non choẹt này, dù chỉ là thoáng qua. Tôi đã được chứng kiến những nụ cười thật khó giải thích. Đó là khi điều tra viên hỏi chúng rằng có ân hận vì chém người ta thành ra tàn phế, què cụt cả đời không, cả bọn… nhe nanh cười ngượng ngịu, như học trò lên bảng gặp phải đầu bài khó. Chỉ có thể giải thích, trong nhận thức của chúng, những giá trị đạo đức truyền thống như tình yêu thương con người, lòng nhân ái, bao dung, bầu bí đùm bọc… chưa bao giờ tồn tại. 

Mùa hè năm nay, khi tôi hỏi về những gì đã xảy ra trong đầu lúc ra tay sát hại cả gia đình chủ tiệm vàng Ngọc Bích (Phố Sàn, Lục Nam, Bắc Giang), Lê Văn Luyện gãi đầu giải thích: "Lúc ấy rất vội nên cháu chẳng kịp nghĩ gì cả. Nhưng trước đó, khi đột nhập vào nhà ông ấy, cháu chỉ xác định là đi ăn trộm vàng. Về sau cháu bị ông chủ nhà lên tầng 3 phơi quần áo phát hiện và xông vào giằng co, la hét… thì cháu phản ứng lại bằng dao thôi, không suy xét gì".

Điều Luyện kể, chúng tôi có căn cứ để tin rằng y "không kịp" nghĩ gì khi ra tay tàn sát gia đình nạn nhân. Theo tâm lý học hành vi, trong nội tâm kẻ phạm tội luôn ẩn chứa nỗi sợ, đó là sợ bị bắt, sợ bị trừng phạt bởi hành vi phạm tội. Người chủ nhà bằng hành động chống trả, la hét của mình, đã vô tình "kích hoạt" nỗi sợ này, dẫn đến hành vi tấn công của đối tượng như một động thái tự vệ mang tính bản năng. Và khi đã giết người thứ nhất, thì việc sát hại những người tiếp theo, được chi phối bởi một quy luật tâm lý khác, đó là "lỡ" làm việc này, phải làm nốt việc kia. Giống như một kẻ hiếp dâm xong bị nạn nhân đe dọa tố cáo, thường sẽ giết người diệt khẩu.

Tuy nhiên, để Đức "cụt", Thịnh "nghê" hay Luyện, Dương, Tiến, Mằn, Hùng (hung thủ gây ra các vụ thảm án vừa qua) có thể hạ dao xuống người khác một cách không vấn vương suy nghĩ, đó phải là kết quả của những tích tụ độc hại, làm suy thoái nhân cách, và điều này đã diễn ra âm ỉ theo thời gian.

Nguồn cơn tội ác

Trước những tấn thảm kịch vừa xảy ra, cả xã hội đã bị chấn thương. Nhiều nhà nghiên cứu, chuyên môn đã đi sâu mổ xẻ, phân tích và đưa ra những kiến giải khác nhau cho hiện tượng xã hội tiêu cực này.

Ths. Nguyễn Cao Cường - Giảng viên Trường ĐH KHXHNV nhận xét: "Giết người không ghê tay, trước hết đó là kết quả của sự lệch chuẩn về hành vi và lệch lạc về nhân cách. Nghĩa là bộ phận xã hội này phải chăng đang đi theo những chuẩn mực, thang giá trị khác với chúng ta? Nhưng vì đâu lại có sự lệch chuẩn này? Đó là một câu hỏi lớn. Tôi nghĩ, tác nhân chính đó là hoàn cảnh xã hội với đầy rẫy phức tạp như hiện nay".

Nghiên cứu về độ tuổi của đối tượng phạm tội.

Chia sẻ với quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Quân (Chuyên gia tâm lý, Hội Khoa học Giáo dục Việt Nam) nói: "Con người là thành tố của xã hội, con người chịu chi phối trong đó và tác động ngược lại. Như một cơ thể, ung nhọt từ chính cơ thể ấy sinh ra, nói cách khác là do chính cơ thể ấy nuôi dưỡng và rồi nó lại ảnh hưởng, gây đau đớn lại cho cơ thể ấy".

 Đại tá, TS Đỗ Cảnh Thìn (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm, Học viện CSND) cũng nhận định: "Đó là hệ quả tất yếu của sự tác động từ nhiều yếu tố tiêu cực chứ không phải hiện tượng mang tính bộc phát". Ông xác định căn nguyên là do sự xuống cấp đạo đức xã hội.

Lý giải về các yếu tố tác động lên tâm lý người phạm tội, Đại tá Thìn nhận xét trước tiên là vì những sức ép trong đời sống. Đó là sức ép về việc làm, rất nhiều người hiện nay không có việc làm, hoặc là việc làm không đầy đủ, cuộc sống khó khăn.

Rồi nữa là sức ép về đồng tiền, nhiều khi người ta chạy theo giá trị của đồng tiền, đồng tiền lên ngôi, nó chi phối hành vi của con người. Bên cạnh đó có những tác động của xã hội, như tranh giành, chèn ép, mâu thuẫn xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống, tạo ra áp lực trong bản thân mỗi người. Sự phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo đang diễn ra rất nhanh. Điều này cũng tác động đến tâm lý, nhận thức, đến hành vi của con người. 

Đại tá, TS Đỗ Cảnh Thìn - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm, Học viện CSND.
Vấn đề thiếu kỹ năng sống của giới trẻ cũng được Đại tá Thìn đánh giá là một trong số những nguyên nhân dẫn đến tội ác. Khi gặp những tình huống bất lợi, vì không có những kĩ năng để giải quyết nên họ xử lý theo bản năng, theo sự thúc đẩy bên trong, hơn là sự chi phối của nhận thức. Ảnh hưởng tác động vào tâm lý giới trẻ của truyền thông, của mạng xã hội, của internet là rất lớn. Đại tá Thìn lý giải hiện tượng tội phạm gây án như bắt chước theo các "hình mẫu" của tội phạm được xuất hiện tràn lan trên các phim ảnh, internet, mạng xã hội, game online.

Ông Đặng Vũ Cảnh Linh (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển) đánh giá: "Không thể phủ nhận môi trường khách quan, vì nếu ở giữa một môi trường sống lành mạnh, phi bạo lực, các chuẩn mực văn hóa và đạo đức được duy trì tốt trong các mối quan hệ xã hội thì khó có thể tạo ra những hành vi bạo lực, hành vi tội phạm, có chăng chỉ là sự cá biệt chứ không thể là sự lặp lại một cách thường xuyên ở nhiều nơi, nhiều trường hợp. Sự tác động của môi trường khách quan đến suy nghĩ, tâm lý, nhận thức cá nhân cũng không chỉ nên nhìn ở một thời điểm. Rõ ràng tác hại của những trò chơi, phim ảnh bạo lực, khuyến khích các hành vi phạm tội là sự tác động lâu dài và đem lại nhiều hệ lụy không mong muốn cho xã hội".

"Đơn thuốc" dành cho xã hội?

Đại tá, TS Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm đòi hỏi phải tiến hành tổng thể nhiều biện pháp, đồng bộ, kiên trì. Tuy nhiên, điều cốt lõi là phải xây dựng và bảo vệ nền tảng đạo đức xã hội. Những chuẩn mực truyền thống tốt đẹp cần được quan tâm giáo dục đầy đủ. Cần lên án, ngăn chặn những xu hướng tiêu cực trong thay đổi các giá trị sống và giá trị đạo đức như sự man trá, lọc lừa, chụp giật, chạy theo đồng tiền bằng mọi giá, sống bạc ác, vô cảm. Đồng thời, phải củng cố nền tảng gia đình.

Gia đình phải trở thành "pháo đài" bảo vệ những giá trị đạo đức, tinh thần, nhân cách của các thành viên, nhất là với người trẻ tuổi. Nhà trường ngoài việc giáo dục văn hóa còn phải là nơi trang bị cho giới trẻ những kỹ năng mềm để thích nghi được với môi trường xã hội mở và hội nhập vốn đang có nhiều trào lưu tích cực và tiêu cực chi phối nhận thức và hành vi của thanh, thiếu niên. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo tính nghiêm minh, đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm. Cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện, điều tra, khám phá kịp thời các hành vi phạm tội và đưa ra xử lý nghiêm minh…

Đào Trung Hiếu
.
.
.