Trai làng hung đồ xuống tay giết chết bạn thân vì nghi không trả 200 nghìn tiền nhậu

Chủ Nhật, 16/06/2013, 13:44

Ngày 14/5/2013, Công an huyện Tây Sơn (Bình Định) bắt  khẩn cấp hai đối tượng Nguyễn Thành Luân (23 tuổi) và Trịnh Công Luân (21 tuổi) đều trú tại thôn Trường Định 2, xã Bình Hòa (Tây Sơn, Bình Định) điều tra làm rõ hành vi đánh chết người. Nạn nhân trong vụ án này Nguyễn Trường Giang (21 tuổi) trú tại thôn Vân Tường cũng xã Bình Hòa.

Đánh chết người vì cho rằng bạn nhậu “trốn” trả tiền

Tối ngày 13/5, Nguyền Trường Giang đang nhậu với nhóm bạn 6 người sau một ngày tập huấn quân sự, trong đó có Nguyễn Thành Luân ở một quán nhậu tại địa phương. Trong lúc đang nhậu, Giang xin phép về trước tắm rửa rồi quay lại. Giang đi 30 phút nhưng không thấy đến, nhóm bạn nhậu bảo gọi điện cho Giang. Khi Phan Đức Trung (một người bạn của Giang và nhân chứng vụ việc) cầm điện thoại gọi cho Giang thì Giang cho biết sắp đến nơi.

Tuy nhiên, chờ mãi không thấy Giang đến, sau đó gọi điện thì máy Giang không liên lạc được, Nguyễn Thành Luân cho rằng Giang bỏ về vì sợ phải trả tiền bữa nhậu. Thành Luân tỏ ra bực mình, trước đó nhiều lần nhậu nhẹt gây rối tại địa phương đã bị Giang nhắc nhở (Giang làm trong đội du kích xã), lần này đang nhậu Giang mất tăm nên càng tức hơn. Nhóm Thành Luân có ý định chờ Giang quay lại để làm rõ mọi chuyện. Thấy các bạn nhậu có ý định tìm Giang hỏi chuyện, Đức Trung có nhắn tin vào điện thoại của Giang “Mày đi đâu thì đi, ở đó lũ nó đánh”.

Sau khi thanh toán xong chầu nhậu 2 lít rượu hết 200 ngàn, Thành Luân đi xuống quán cà phê Hương Thầm (tại thôn Trường Định 2). Thấy Giang ngồi trong quán, Thành Luân gọi thêm đồng minh Công Luân xuống, sau đó gọi Giang ra ngoài. Trước quán cà phê Thành Luân nắm cổ áo Giang, Công Luân đánh váo gáy làm Giang té xuống đất, xuất huyết não dẫn đến tử vong tại chỗ. Gây án xong, hai tên Luân bỏ trốn.

Phan Đức Trung (21 tuổi, thôn Trường Định 1, xã Bình Hòa, Tây Sơn, Bình Định), nhân chứng sự việc kể lại: “Tối 13/5, Giang có gọi điện rủ tôi đi nhậu. Do đi làm xa lâu ngày ở Gia Lai, lần này về tập huấn quân sự nên hai chúng tôi rủ nhau đi làm vài ly. Khi vào quán thấy Thành Luân đã ngồi trong quán cùng vài người, trong đó có một người là anh họ của Luân cũng tập huấn trong đợt với chúng tôi nên rủ chúng tôi ngồi cùng bàn.

6 người uống hơn 2 lít rượu thì Giang xin về trước tắm rửa rồi quay lại sau. Mãi không thấy Giang quay lại nên mấy người đó bảo tôi gọi điện cho Giang. Lúc đầu gọi thì Giang nói đến chợ (chợ thôn Trường Định 2) nhưng mãi lâu không thấy Giang vào quán. 10 phút sau, mấy người gọi cho Giang nhưng máy tắt nguồn (mãi sau mới biết là máy Giang hết pin không liên lạc được). Gọi mãi không được, Thành Luân sinh kình cãi cho rằng Giang không muốn trả tiền nên bỏ về trước. Thấy cả nhóm có ý định tìm Giang đòi đánh nên tôi đã nhắn tin bảo Giang đi về kẻo bị đánh. Có thể máy hết pin nên Giang không đọc được tin nhắn của tôi mới xảy ra việc đau lòng như thế”.

Quán cà phê Hương Thầm, nơi xảy ra vụ án mạng.

Trung kể tiếp: “Sau khi thanh toán hơn 200.000 đồng bữa nhậu, tôi đi xuống quán cà phê Hương Thầm, lúc này không thấy Giang trong quán. Tại quán tôi gặp mấy anh lớn trong xóm nên kéo ghế ngồi cùng, lát sau thấy Giang trong quán đi ra ngồi cùng mấy người nữa. Lúc đó Thành Luân cũng vào quán, thấy Giang ngồi đó, Thành Luân gọi cho Công Luân xuống. Tại quán Thành Luân kêu Giang ra trước cửa và Công Luân đánh vào đầu làm Giang té xuống. Thấy Giang bị đánh té, tôi và bà chủ quán chạy ra đưa Giang vào nhà hàng xóm, gọi xe đưa Giang vào trạm y tế thôn. Thế nhưng trong lúc chờ xe cấp cứu đưa đi viện thì Giang không qua khỏi, tôi chỉ nghe các y tá nói Giang đã mất vì bị chảy máu não, lúc đưa vào trạm y tế Giang đã tắt thở”.

Nhân chứng thứ 2 trong vụ việc là bà H. chủ quán cà phê Hương Thầm cũng thuật lại câu chuyện tương tự, bà nói: “Lúc tôi đang pha cà phê cho khách thì bất ngờ thấy mấy người đánh nhau trước quán. Lúc chạy ra, thấy một người bị đánh nằm bất tỉnh trên đường, tôi với một khách (tức là Trung) trong quán đỡ người bị đánh vào nhà đối diện quán và kêu xe chở đi cấp cứu. Mấy người đều là khách quen của quán, hồi giờ tôi không biết họ có mâu thuẫn gì không mà ra tay đánh người như thế. Nghe đâu, vì nạn nhân không chịu uống rượu mà bị tìm đánh như vậy”.

Vụ việc xảy ra, dù hai tên Luân tẩu thoát nhưng sáng hôm sau đã bị cơ quan chức năng tóm gọn. Tại cơ quan điều tra, tên Thành Luân thừa nhận gọi Công Luân xuống đánh Giang. Công Luân là người trực tiếp đánh chết Giang, mặc dù trước đó cả hai không hề có mâu thuẫn hay xích mích gì.

Ông Nguyễn Văn T, một người dân trong thôn Trường Định 2, cho hay: “Thằng Thành Luân đã có gia đình nhưng nó toàn lêu lổng, ham chơi, trước đây nó thường xuyên đánh lộn, gây gổ trong xóm. Thấy đó, hệ quả của việc biếng làm ham nhậu là việc nó đánh chết người. Tôi mong sao chính quyền xử lý thật nghiêm vụ này để noi gương cho những người khác”.

Nỗi đau của một gia đình nông dân nghèo

Gia đình có 3 người con, Giang là con út trong nhà. Dù không học hành giỏi giang nhưng Giang là đứa con ngoan, được lòng bạn bè hàng xóm. Học hết cấp 2, sức học không cho phép Giang tiếp tục đến trường, Giang nghỉ học đi học nghề máy múc. Học thành nghề, Giang về quê làm việc ở lò gạch trong xóm lấy tiền giúp đỡ gia đình. Từ ngày về quê làm việc, Giang chăm chỉ nên được chon vào đội du kích xã. Chính vì làm việc có trách nhiệm, Giang thường xuyên đi tuần đêm và nhắc nhở những thanh, thiếu niên ham chơi, trong đó có Thành Luân hay nhậu nhẹt, gây rối trật tự ở địa phương.

Nhân chứng Phan Đức Trung kể lại vụ việc.

Vì những lần Giang nhắc nhở, Thành Luân ấm ức trong lòng thêm lần nhậu này, Giang bỏ về trước nên Thành Luân mới tìm cách đánh Giang. Bà Nguyễn Thị Út (58 tuổi, thôn Vân Tường, xã Bình Hòa) mẹ ruột của Giang nói trong nước mắt: “Tối hôm đó (13-5), thằng Giang nó phải đi trực ở xã, nó về nhà nhưng tôi không có ở nhà, nghe bố nó bảo nó về tắm rồi nói đi chơi sau đó lên xã trực đêm. Về nhà, tôi nói với bố nó gọi điện cho con bảo về sớm mà trực chứ đừng đi chơi khuya. Chưa kịp gọi dặn con thì nghe hàng xóm qua báo thằng Giang bị tai nạn nặng nằm ở trạm y tế thôn. Nghe tin con bị tai nạn, nhà tôi tất tả chạy ra. Đến nơi thấy con nằm bất tỉnh”.

Gạt nước mắt, bà Út nói tiếp: “Thằng Giang trước giờ hiền lành không gây gổ với ai bao giờ. Có gì thì bọn chúng nói với nhau, có đánh thì lấy cây đánh gãy chân, gãy tay... cũng còn là con tôi, còn ở với tôi. Sao nỡ đánh lấy mạng con như thế. Con ơi là con, con chết tức tưởi không nói một lời. Mẹ sao sống nổi bây giờ”.

Trước cái chết của em trai, chị gái và anh trai của Giang cũng nghẹn ngào không nói thành lời. Người anh của Giang nói: “Em tôi chết oan như thế, giờ mong sao pháp luật trừng trị nghiêm khắc những kẻ máu lạnh. Mong rằng em tôi được yên nghỉ nơi chín suối”. Chỉ vì xích mích nhỏ, máu yêng hùng cùng với ma men đã khiến Nguyễn Thành Luân và Trịnh Công Luân ra tay giết chết Nguyễn Trường Giang. Người chết, người vào tù, để lại đằng sau là những nỗi đau mất mát. Kẻ ra tay trực tiếp lấy đi mạng sống của Giang là Công Luân còn người vợ dại, con thơ mới 2 tháng tuổi. Rồi sau này họ sẽ nương tựa vào đâu khi người chồng, người cha vướng vào vòng lao lý.

“Nhìn người vợ ẵm theo con nhỏ xuống thắp hương tạ tội trước mặt con tôi, tôi cũng xót. Họ cũng là người cha, người mẹ, người vợ như tôi, họ không có lỗi. Nhưng con họ họ thương, họ xót thì con tôi giờ nằm dưới 3 tấc đất sâu kia ai xót, ai thương. Tôi chẳng mong gì gia đình họ đền bù, bồi thường vì nghèo khổ như nhau, có bao nhiêu tiền con tôi cũng đâu sống lại. Giờ tôi cũng chẳng muốn gì cả, cứ để pháp luật xét xử”, mẹ của Giang nói thêm.

Vụ án Nguyễn Trường Giang một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với lối sống của một bộ phận thanh, thiếu niên hiện nay. Tại Bình Định, tình trạng thanh, thiếu niên gây án ngày càng gia tăng và hậu quả rất nghiêm trọng

Nguyên Thu
.
.
.