Trào lưu đi chữa bệnh ở nước ngoài: Vì sao dân ta chưa tin bác sĩ ta?

Thứ Sáu, 06/12/2013, 08:00

Theo ước tính của Bộ Y tế, mỗi năm có hơn 40.000 lượt bệnh nhân trong nước ra nước ngoài điều trị làm "chảy máu" ngoại tệ khoảng 2 tỷ USD, một con số quá lớn so với một nước nghèo như Việt Nam. Chúng ta mang tiền đi cho người giàu và mình càng ngày càng nghèo đi. Bệnh sính ngoại, hay nguyên do, dân ta chưa tin bác sĩ ta?

Đổ xô ra nước ngoài... chữa bệnh

Con gái chị Nguyễn Thị My ở TP Hồ Chí Minh bị mắc căn bệnh u não hiếm gặp được gia đình đưa sang Singapore điều trị. Chính bác sĩ tại Bệnh viên Nhi đồng tư vấn cho chị. Theo bác sĩ, cơ sở vật chất bên đó mới đủ đảm bảo để chữa khỏi bệnh cho con chị. Chị My cũng cho biết chị không khẳng định trình độ bác sĩ nội hay bác sĩ ngoại tốt hơn nhưng xét về mặt dịch vụ bệnh viện khi tiêu tốn một khoản tiền lớn là xứng đáng.

Con chị có đầy đủ mọi thứ máy móc theo dõi, người bệnh và người nhà đến chữa bệnh luôn luôn nắm bắt được tình trạng và mọi diễn biến của bệnh tật, không phải vạ vật chờ đợi, hi vọng rồi thất vọng như tình cảnh chị đưa con đi khám ở trong nước. Thế nên, dù mất tiền tỷ, phải bán đi cả những mảnh đất cuối cùng, mẹ con chị My vẫn trường kỳ chữa trị ở Singapore, với hy vọng con chị sẽ kéo dài được sự sống. Theo lời chị My ở đó có rất nhiều bệnh nhân Việt Nam điều trị tập trung ở cùng nhau để tiết kiệm chi phí. Và khoảng 70% lượng bệnh qua Singapore là để điều trị ung thư, kế đến là tim mạch, thần kinh (tai biến mạch máu não, u não).

Anh Hùng, chị Xuân đều là công nhân viên chức ở Quận Bình Thạnh - Thành phố Hồ Chí Minh, quyết định đưa con sang nước ngoài chữa bệnh lao màng não biến chứng mù mắt bẩm sinh. Chị Xuân và anh Hùng đều là người khuyết tật về mắt nên không muốn con mình mang căn bệnh này, anh chị quyết định bán đi tài sản là căn nhà duy nhất mà cả đại gia đình đang ở, với hy vọng có thể cứu đôi mắt cho con. Anh nói: Tôi không tin các bác sĩ trong nước có thể chữa được căn bệnh này. Tôi sợ phải chờ đợi, hy vọng, rồi thất vọng, mà con tôi không có nhiều cơ hội. Thế nên, dù bán cả gia sản, anh Hùng cũng quyết tâm xuất ngoại chữa bệnh cho con.

Tiền mất... tật mang

Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào ra nước ngoài điều trị cũng nhận được những kết quả tốt đẹp. Có không ít bệnh nhân trở về trong tình trạng, tiền mất, tật mang. Cách đây một tháng, chị M. đi khám ở bệnh viện Việt Đức, bị rau cài răng lược, và được các bác sĩ ở Việt Nam tư vấn, khi mổ khả năng không giữ lại được tử cung. Chị M. không tin, bỏ ra 200 ngàn USD sang Singapore điều trị. Kết quả, chị không những bị cắt tử cung, mà cả 2 niệu quản cũng không cánh mà bay. Chị M. suýt chết vì bị tai biến. Các bệnh viện ở Singapore yêu cầu chị chi phí thêm 60.000 USD để điều trị tai biến.

Cạn tiền, chị M. đành quay về Việt Nam, trở lại Bệnh viện Việt Đức. Kết quả chị M. chỉ mất 12 triệu đồng cho ca mổ và hiện tại sức khỏe chị đã bình phục trở lại. chị cùng gia đình quay sang Singapore kiện, nhưng kiện ai, và bắt đầu từ đâu. Chị đành ngậm ngùi trở về nước.

Phòng điều trị ở Việt Nam và Singapore.

Một trường hợp khác, chị L., vợ một quan chức ở Hà Nội, bị ung thư cổ tử cung. Hành trình 2 năm, mất 2-3 tỷ đồng chữa chạy, Trung Quốc, Singapore nhưng rốt cục, bệnh vẫn hoàn bệnh, thậm chí khi mổ chị L. còn bị làm thủng ruột già. Những trường hợp đó, khi đưa về bệnh viện Việt Đức đều được cứu chữa kịp thời, với một mức chi phí rất khiêm tốn.

Thì rõ, rất nhiều tai biến, thậm chí tiền mất tật mang khi dân ta ra nước ngoài chữa bệnh. Và lúc đó họ cũng chẳng biết kiện ai. Thế nhưng, vì sao người dân vẫn đổ xô ra nước ngoài chữa bệnh, và xu hướng đó, càng ngày càng tăng. 2 tỷ USD một năm là một thất thoát quá lớn đối với một nước còn nghèo như Việt Nam. Vậy tại sao, chúng ta không có chính sách thu hút người bệnh trở về điều trị trong nước. Dân ta chưa tin bác sĩ ta. Hay vì trình độ bác sĩ còn non kém, không đáp ứng được yêu cầu của bệnh nhân.

90% số tiền chi trả cho dịch vụ

Đó là khẳng định của PGS, Tiến sĩ Nguyễn Bình Giang, phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, 90 % số tiền người dân phải trả cho phòng lạnh, hoa tươi, thái độ phục vụ chứ không phải cho dịch vụ y tế thực thụ. Theo ông, các bệnh nhân Việt Nam ra nước ngoài vì một lý do, để hưởng thụ một dịch vụ chăm sóc tốt hơn trong nước. Còn phác đồ điều trị thì hầu hết đều giống nhau. Về chuyên môn, máy móc, phương thức điều trị Việt Nam không hề thua kém các nước...

Thậm chí Việt Nam có nhiều bác sĩ giỏi, có vị trí trong khu vực và trên thế giới. Chẳng hạn như đối với một số bệnh về nội tiết thì Việt Nam lại được đánh giá là nơi sở hữu công nghệ kỹ thuật cao, có khả năng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân mắc các bệnh về tuyến nội tiết. PGS, TS Trần Ngọc Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết TƯ được mệnh danh là người xuất khẩu kĩ thuật mổ nội soi tuyến giáp cho biết:  Đã có một bệnh nhân ở Úc sang Việt Nam để được tận tay ông mổ nội soi.

Giáo sư Lương cũng là người đi ra nước ngoài thường xuyên để giảng cho các bác sĩ của Singapore, Trung Quốc, Úc,   Phillipins... về kỹ thuật mổ trong nước. Và rất nhiều bác sĩ giỏi, những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành như PGS- TS Nguyễn Viết Tiến, PGS- TS Nguyễn Thanh Liêm, đều là những người xuất khẩu kỹ thuật y tế tiên tiến ra nước ngoài, đặc biệt là trong khu vực. Chỉ riêng kỹ thuật nuôi trứng non trưởng thành trong ống nghiệm, Việt Nam không chỉ đứng đầu Đông Nam Á mà còn đứng đầu thế giới.

Những căn hộ ở Sing được người việt nam thuê giá "rẻ".

Thế nhưng, hằng năm chúng ta vẫn  bị chảy máu ngoại tệ, với một con số không hề nhỏ so với một nước đang phát triển như Việt Nam. Có lẽ nguyên nhân lớn nhất mà ai cũng nhận ra, đó chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của chúng ta quá kém. Bệnh viện quá tải, nhếch nhác, cơ sở vật chất thiếu thốn, thái độ bác sĩ hách dịch, vấn nạn phong bì tràn lan. Các bệnh viện công vẫn làm việc theo lối quan liêu, bao cấp. Trong khi đó, ở các nước như Singapore, Đài Loan, họ coi đó là một dịch vụ, có chiến lược quảng cáo, chiêu dụ khách hàng. Họ không gọi là bệnh nhân, mà là khách hàng. Phòng máy lạnh, có hoa tươi, được đối đãi như thượng đế, thoát khỏi cảnh ăn chờ nằm chực, chen lấn, xô đẩy.

Nhiều bệnh nhân đã lựa chọn ra nước ngoài để được dịch vụ tốt mà chưa cần biết khâu khám và điều trị sẽ thế nào. Hơn nữa, vấn đề y đức của thầy thuốc đang xuống cấp, khiến người dân mất niềm tin vào bác sĩ ta. Họ có tiền, họ sẵn sàng lựa chọn một dịch vụ tốt, được trọng thị còn hơn ở trong nước, phải cầu cạnh, và khốn khổ khi đi bệnh viện. Thế nên, bỏ ra một khoản tiền lớn để mua lấy sự an toàn, thoải mái, đó là tâm lý chung của nhiều người giàu hiện nay. Tuy nhiên, không tránh khỏi một bộ phận không nhỏ ra nước ngoài do tâm lý sính ngoại.

Bài toán chất lượng dịch vụ, không biết bao giờ mới có thể giải được. Khi hàng ngày, người dân vẫn phải chen chúc nhau trên những chiếc giường cũ kỹ, nhếch nhác, khi đi khám bệnh còn là nỗi sợ hãi, khốn khổ của mỗi người bệnh. Chừng đó, số ngoại tệ thất thoát ra nước ngoài, chắc không dừng lại ở con số 2 tỷ USD.

PGS, TS Trần Ngọc Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương

Nói về tay nghề, so với Thái Lan và Singapore, các bác sĩ Việt Nam không hề thua kém, thậm chí, nhiều bệnh nhân sang đó điều trị, họ còn kê đơn cho về Việt Nam gặp tôi. Tâm lý do người Việt mình thích hàng ngoại. Hơn nữa, dịch vụ của mình quá kém. Muốn thu hút 2 tỷ USD ấy trở về Việt Nam, chúng ta phải có những biện pháp mạnh tay, tuyên truyền cho người dân biết, các bác sĩ trong nước không hề thua kém thế giới về trình độ.

Mặt khác, phải nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng thêm cơ sở vật chất. Đây là vấn đề nan giải, cần sự chung tay của nhiều ban, ngành. Một cuộc chiến lâu dài, nan giải, nhưng cần phải làm ngay từ bây giờ. Khi người hưởng dịch vụ được chăm sóc bình đẳng và thể hiện được quyền của mình đối với đồng tiền mình bỏ ra để mua dịch vụ, đây chính là mấu chốt để giữ lại tiền của dân không bị chuyển ra nước ngoài.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bình Giang - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức

Người dân Việt bây giờ sính ngoại, đồ dùng, sinh hoạt cá nhân họ còn dùng hàng xách tay nữa là. Đó là một tâm lý phổ biến trong đại đa số những người có tiền. Nhưng nếu thực sự muốn thay đổi thói quen đó của người dân, thì chúng ta cũng phải nhìn lại mình.  Chúng ta phải đổi mới chất lượng dịch vụ, nâng cao chất lượng các khu khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Thay vì sang Singapore mất 50 ngàn USD cho một ca điều trị, thì ở Việt Nam, hãy cho cơ chế mở, có thể mất 10 ngàn USD, chúng ta sẽ có dịch vụ tốt điều trị cho người dân. Phải cho cơ chế, thì chất lượng dịch vụ sẽ tốt. Chúng ta cần phân định rõ, phần điều trị cho người bình thường và phần dịch vụ, như một hình thức, lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo. Chứ bây giờ, chúng ta đang khống chế dịch vụ, không coi khám chữa bệnh là một dịch vụ mà vẫn mang nặng tính bao cấp, thì người ta ra nước ngoài thôi.

Hà - Huyền
.
.
.