Trước tình trạngc hống trả CSGT thực thi nhiệm vụ trên đường:

Ứng xử văn hóa, kiên quyết xử lý vi phạm

Thứ Sáu, 30/05/2014, 09:00

Từ bất tuân hiệu lệnh, to tiếng chửi bới hay xô đẩy, giằng xé trang phục của cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ trên đường... đến lao xe đâm thẳng vào tổ công tác để bỏ chạy, là những hình ảnh xuất hiện ngày một nhiều trên các đoạn clip được tung lên mạng xã hội.

Báo cáo tổng kết tình hình tội phạm những năm gần đây của các cơ quan tư pháp, luôn có những dòng đầy lo ngại cảnh báo  thực trạng gia tăng đáng báo động của loại tội phạm này. Mặc dù các chế tài xử phạt không hề nhẹ, nhưng tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Phải chăng, bên cạnh tâm lý coi thường pháp luật của người vi phạm, hẳn còn phải có những lý do mang tính chủ quan từ phía lực lượng chức năng, mà việc nhận diện nó là việc làm rất cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm này.

“Nóng” từng ngày trên đường giao thông

Chiều ngày 10/5, môt đoạn clip dài 3 phút 20 giây ghi lại cảnh một CSGT Thanh Hóa bị đối tượng vi phạm giao thông lao vào kẹp cổ, quật ngã và đánh dã man ngay giữa phố, được post lên trang You tube đã gây xôn xao dư luận. Sự việc được xác định xảy ra vào buổi trưa cùng ngày, trước cổng trung tâm thương mại tỉnh Thanh Hóa. Đối tượng gây án là Trần Quang Độ (SN 1994, trú tại phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa), nạn nhân là Thiếu tá Ngô Hồng Hải, công tác tại Đội CSGT Công an TP Thanh Hóa.

Kết quả điều tra xác định vào khoảng 11h30 ngày 10/5, Độ điều khiển xe máy BKS: 36-B2 145.51 vượt đèn đỏ tại ngã tư đại lộ Lê Lợi - Trần Phú, TP Thanh Hóa, khi đó Thiếu tá Hải đã ra hiệu lệnh dừng xe, yêu cầu Độ xuất trình giấy tờ để kiểm tra theo quy định. Bất ngờ Độ bỏ xe, lao đến dùng tay chẹt cổ, quật ngã Thiếu tá Hải xuống đất, rồi nhặt gạch đánh liên tiếp vào phía đầu và lưng anh gây thương tích. Chỉ khi lực lượng Cảnh sát 113 xuất hiện thì Độ mới bỏ chạy. Sự việc xảy ra trước sự chứng kiến của hàng trăm người qua lại trên đường. Được biết, ngay trong ngày 10/5, Công an TP Thanh Hóa đã khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Trần Quang Độ về hành vi “chống người thi hành công vụ”.

Đối tượng Trần Quang Độ tấn công CSGT TP Thanh Hóa ngày 10/5/2014.

Trước đó vài ngày, lại một đoạn video clip ghi hình ảnh một người đàn bà hung hãn tấn công một chiến sỹ Công an TP Hà Nội, được người đi đường tự ghi lại bằng điện thoại và post lên mạng, đã gây bức xúc cao độ trong dư luận xã hội. Kết quả điều tra xác định sự việc xảy ra vào lúc 0 giờ ngày 3/5, tại khu vực ngã tư Trần Phú - Hoàng Diệu (Hà Nội). Đối tượng gây án là Nguyễn Ngọc Xuân (SN 1969, ở số 4, ngõ 371 đường La Thành, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội). Tổ công tác bị tấn công gồm các đồng chí Nguyễn Trung Dũng, Nguyễn Ngọc Hiếu và Nguyễn Phú Thành, thuộc Công an phường Điện Biên (quận Ba Đình). Khi sự việc xảy ra họ đều mặc trang phục cảnh sát và đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra địa bàn. Nguyên nhân xảy ra sự việc do xe ôtô của Xuân va quệt với một chiếc xe máy  tại khu vực ngã tư Trần Phú - Hoàng Diệu, người lái xe của Xuân đã mở cửa xe xuống đánh người đi xe máy.

Lúc này, tổ công tác kịp thời có mặt và yêu cầu anh ta dừng ngay việc đánh người. Nhân đó người bị đánh lên xe máy bỏ đi. Thấy vậy, Xuân xuống xe xô lao đến trước mặt tổ công tác và to tiếng chửi bới tục tĩu. Sau đó, thị dùng tay đánh vào mặt, giật đứt cúc áo, cành tùng trên trang phục của đồng chí Nguyễn Trung Dũng. Tổ công tác ngăn cản nhưng Xuân không dừng lại, mà tiếp tục tháo dép lao vào đánh đồng chí Dũng rồi mới bỏ lên xe ôtô nổ máy cố thủ. Khi đồng chí Hiếu và Dũng đứng trước đầu xe yêu cầu Xuân tắt máy, xuống xe làm việc thì thị bất ngờ rồ ga, đâm thẳng xe vào họ. Đồng chí Hiếu nhanh chân tránh được, còn đồng chí Dũng bị hất lên nắp capo. Xuân tiếp tục điều khiển xe bỏ chạy, chỉ đến khi lực lượng chức năng cùng người dân đuổi kịp thì thị mới chịu dừng xe để đồng chí Dũng xuống rồi tiếp tục lái xe bỏ chạy.

Húc CSGT lên nóc capô xe ôtô.

Ngày 6/5/2014, cơ quan CSĐT – Công an quận Ba Đình cho biết đã khởi Nguyễn Ngọc Xuân về tội “chống người thi hành công vụ”.

Vào mạng Internet, gõ cụm từ “chống người thi hành công vụ”, chưa đầy 54 giây đã cho ra hơn 52.300.000 kết quả. Hai vụ việc trên là những minh chứng mới nhất, báo động thực trạng người vi phạm giao thông sẵn sàng dùng vũ lực tấn công lại lực lượng chức năng trên các tuyến giao thông đang gia tăng đáng lo ngại. Đi tìm câu trả lời về thực trạng này, chúng tôi đã gặp những cán bộ CSGT trực tiếp làm việc trên đường đã có không ít lần “va chạm” với người chống đối, mới thấy nguyên nhân dẫn đến sự việc, không chỉ do một phía.

CSGT nói gì?

Đại úy Nguyễn Văn Khánh, Trạm trưởng Trạm CSGT Hải Dương cho biết: “Việc người vi phạm giao thông chống đối, tấn công lại lực lượng chức năng đang diễn biến phức tạp. Khởi đầu của những vụ việc này, thường chỉ là những vi phạm luật giao thông bình thường. Đó có thể là lỗi không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi quá tốc độ, chở hàng hóa quá khổ, quá tải, va quệt giao thông bỏ chạy... Khi bị lực lượng chức năng ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra, với những người có thói quen coi thường pháp luật cùng với tâm lý không muốn bị xử lý, nên dễ có thái độ bất hợp tác. Đây là lúc thường xảy ra cãi vã, đôi co về yếu tố lỗi. Việc chống đối, kháng cự của người vi phạm nếu gặp phải thái độ thiếu bình tĩnh, thiếu kiềm chế của người thực thi công vụ, rất dễ làm “bùng nổ” những xung đột bột phát do phản ứng tâm lý tiêu cực, nhất là với những người có khí chất nóng.

Trên thực tế, còn có những cán bộ chưa “thuộc” luật và thiếu khéo léo trong giao tiếp, dễ bị “cuốn” theo phản ứng tiêu cực của đối tượng, nên thường bị người vi phạm lợi dụng chính điểm yếu này để lôi kéo những người hiếu kỳ ủng hộ mình, tạo nên áp lực số đông sẵn sàng đối đầu trực diện với lực lượng chức năng và có nguy cơ bùng phát thành bạo lực. Ngoài ra, cũng có những vụ cán bộ ta hoặc là không nắm vững quy trình công tác, hoặc quá “hiền” đến mức e dè không dám thực hiện hết các quyền năng mà pháp luật đã trao cho họ, để kịp thời khống chế người vi phạm, ngăn chặn tội phạm. Chính sự do dự, không cương quyết trong xử lý, tạo tâm lý “được đà” cho người vi phạm để tiếp tục chống đối”.

Một đối tượng chống đối CSGT,đang bị xử lý.

Xem lại đoạn clip Nguyễn Ngọc Xuân hành hung tổ công tác của Công an phường Điện Biên ngày 3/5, lẽ ra ngay khi thị có hành vi đánh, giật ve hàm trên trang phục các chiến sỹ, đã có thể bắt quả tang thị, vì hành vi “chống người thi hành công vụ” đã hoàn thành từ thời điểm này. Nhìn ba chiến sỹ đứng yên “chịu trận” trước một “nữ quái” đang hung hãn lộng hành, dư luận không khỏi bức xúc.

Về giải pháp mang tính “chủ quan” để ngăn chặn tình trạng người vi phạm “bật” lại Cảnh sát, Thiếu tá Đinh Trọng Phong, Đội phó Phòng CSGT – Công an tỉnh Yên Bái cho biết: “Theo tôi, trước tiên lực lượng CSGT phải tinh thông pháp luật về lĩnh vực công tác của mình, đồng thời phải tự trau dồi kỹ năng giao tiếp, sao cho khi sự việc xảy ra vẫn giữ được tâm lý bình tĩnh, sáng suốt để có cách ứng xử vừa mềm mỏng, có văn hóa, vừa kiên quyết trên cơ sở luật pháp. Khi đối tượng có biểu hiện manh động chống đối, cần kiên quyết vô hiệu hóa mọi khả năng chống trả của họ. Nếu xét thấy hành vi đã cấu thành tội phạm, thì tiến hành bắt quả tang ngay để ngăn chặn tội phạm. Cần thường xuyên tập huấn trang bị kỹ năng xử lý tình huống, võ thuật, sử dụng công cụ hỗ trợ cho số cán bộ làm việc trên các tuyến giao thông”.

Về các giải pháp để giải quyết tình trạng chống lại CSGT hiện nay, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục C67- Bộ Công an cho rằng: Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT, đồng thời đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thường xuyên tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, điều lệnh, quân sự, võ thuật, trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ... để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ... cho lực lượng CSGT. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa CSGT và các lực lượng khác khi giải quyết các tình huống chống người thi hành công vụ, tổ chức vận động quần chúng cùng tham gia phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về TTATGT, thông báo công khai về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung TTKS của lực lượng CSGT để người dân đồng tình ủng hộ, giúp đỡ, lên án mạnh mẽ các hành vi chống người thi hành công vụ.

Nhận xét về vụ xảy ra tại Thanh Hóa ngày 10/5 vừa qua, Đại úy Trần Phong-  Phòng CSGT- Công an TP Hà Nội cho biết theo quy trình thì mỗi tổ công tác CSGT thường phải có từ 2-3 cán bộ, vừa để phòng ngừa tiêu cực, vừa hỗ trợ nhau khi gặp các tình huống phức tạp. Xem trên clip chỉ thấy có một mình Thiếu tá Hải giải quyết sự việc thì tôi chưa rõ như thế nào ?. Mặt khác, công cụ hỗ trợ được trang bị đầy đủ mà không sử dụng ngay khi bị tấn công, cho thấy kỹ năng xử lý tình huống chưa tốt. Đại úy Phong kể: “Chúng tôi ít khi bị chống đối, vì có cách giao tiếp với người vi phạm vừa mềm mỏng, vừa đúng nguyên tắc. Tuy nhiên cũng có lần bị đối tượng say rượu hay “ngáo đá” tấn công. Khi đó chúng tôi phải quan sát, nắm bắt ngay mọi biểu hiện và tính trước cách xử lý. Chỉ cần họ bắt đầu có hành động tấn công lại là chúng tôi dùng võ thuật quật ngã, khóa trói. Chính hành động cương quyết, dứt khoát đó khiến các vụ việc được kiểm soát nhanh chóng, không để xảy ra phức tạp”.

Trung Hiếu - Ngọc Trâm
.
.
.