"Vỡ mộng" nơi đất khách

Thứ Năm, 14/08/2014, 18:00

Mặc dù vào mùa cấy lúa bận rộn nhưng ở nhiều bản làng thuộc huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) lại thưa thớt người khi họ kéo nhau vượt biên sang Trung Quốc làm thuê nhằm kiếm kế mưu sinh. Đã nhiều năm nay, đã có những trường hợp khi trở về mang theo cục tiền nặng trịch, ngược lại nhiều người đã thực sự "vỡ mộng". Đã không ít người bị lừa gạt sức lao động, hành hạ thân xác chưa kể tính mạng của họ cũng bị mất ở nơi đất khách quê người.

Cả làng kéo nhau đi… vượt biên

Anh Hoàng Văn Kiên (26 tuổi) cho biết, anh vừa mới từ Trung Quốc trở về được vài hôm nay. Nếu trời khô anh lại cùng mấy người trong làng sang bên đó chặt mía. Anh cho hay: "Mấy năm nay nhiều người ở vùng này đi sang Trung Quốc làm thuê nhiều lắm à. Vì sang đó cũng kiếm được ít tiền mang về trang trải gia đình. Làng mình chỉ có gần hai chục hộ thôi nhưng cả làng nhà nào cũng có người đi hết đấy. Đi tầm vài tháng là về nhà một lần. Bên đấy trời mưa mấy ngày nên mình về thăm nhà, tiện thể giúp việc gia đình luôn. Vụ này xong mình cùng mấy người trong làng lại đi tiếp, đến mùa gặt mới về thôi".

Không chỉ ở xã Đoài Côn, Trung Phúc, Thông Huề mới có nhiều người dân kéo nhau sang Trung Quốc làm thuê mà hầu hết các xã gần biên giới đều có chung tình trạng như vậy, thậm chí còn có số lượng người vượt biên hơn nhiều lần. Theo ông La Văn Đông (69 tuổi), người dân ở xã Phong Châu cho biết: "Gần đây, hầu hết nhà nào cũng có người đi làm thuê bên Trung Quốc. Đi đâu ai cũng nói đến chuyện chặt mía, cưa gỗ, trồng cây hoa quả… bên đó, bởi cứ lâu lâu lại có một vài người trở về nên theo đó cũng có khối chuyện để bàn tán, trao đổi. Tôi già rồi nên không đi được, ở nhà chỉ có mỗi đứa con gái tôi sang thôi. Trong nhà mỗi hai vợ chồng già trống vắng lắm các chú à".

Vì gánh nặng mưu sinh hằng ngày họ vẫn miệt mài lao động.

Nói đến đây, ông Đông chỉ tay ra cánh đồng ngô đang mùa thu hoạch, bị ngả vàng héo chết do thời tiết nhưng không có người thu hoạch, nói thêm: "Nếu không phải vào mùa thu hoạch ngô chắc các chú không gặp được ai đâu. Người có sức thì vượt biên đi làm thuê hết rồi, trong làng chỉ còn người già và trẻ nhỏ, trộm cướp vào cũng không biết cầu cứu ai. Cứ đà này ruộng nương tổ tiên để lại rồi cũng sẽ không có người làm mất thôi. Tôi rất lo lắng nhưng không biết làm sao cả…".

Cơ cực nơi đất khách

Theo UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, những năm gần đây tình trạng công dân Việt Nam vượt biên sang Trung Quốc làm thuê khá phổ biến và diễn ra tự phát. Ngoài công dân trên địa bàn tỉnh còn có công dân ngoài tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Ninh, Thái Nguyên… Công dân vượt biên trái pháp thường tập trung tại các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc), chủ yếu là lao động phổ thông như: phụ xây, phát nương, làm gạch, thu hái nông sản…

Ông Nông Văn Chài ở xóm Bản Khuông, xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh kể lại những ngày làm thuê bên Quảng Tây (Trung Quốc): "Cách đây nửa tháng tôi vừa chặt mía từ bên Trung Quốc về. Bên đó cũng lạnh lắm, nhiều người chỉ làm được vài ba ngày là bỏ về nhà. Nếu gặp được ông chủ tốt thì còn đỡ, không may làm thuê chủ nào keo kiệt, tham lam thì khổ cực vất vả lắm. Đợt nọ chúng tôi phải căng bạt dựng lều làm chỗ trú ngụ. Ngày làm không được nghỉ ngơi thì thôi, khi về nhìn vào mâm cơm chỉ với một bát canh lèo bèo 2, 3 tóp mỡ lợn cùng một bát canh rau cải ươm để lâu ngày nữa mà lòng đầy xót xa. Nhưng đói quá cũng đành cố nuốt trôi xuống bụng cho hết cơn đói và có sức đi làm. Vì giá rét, đói lả, cơ cực nên dần dần mọi người cũng bỏ về gần hết dù mới chỉ làm chưa đầy nửa tháng. Tôi cũng chỉ gắng gượng được 20 ngày rồi bỏ về. Nghĩ lại thời gian đó như một cơn ác mộng khủng khiếp!".

Anh Hoàng Văn Kiên ở làng Pác Thàn là người có kinh nghiệm nhiều năm về làm thuê ở Trung Quốc.

Chị Nông Thị Tương ở làng Bản Coỏng, xã Thân Giáp - người hay vượt biên sang Trung Quốc làm thuê cho hay: Mỗi ngày chị làm thuê từ 6h đến 17h, buổi trưa được chủ trang trại mang cơm đến ăn ngay tại bãi mía. Hằng ngày chị và mọi người được trả công 70 nhân dân tệ, tương đương với khoảng 240 nghìn đồng. Nhóm chị là may mắn gặp được người chủ tốt mới được trả cao như vậy. Chị đã nhiều lần vượt biên trái phép nhưng may mắn chưa lần nào bị bắt giữ.

Chị Tương cho biết thêm: Trong làng đã có một vài người trong lúc lao động ở Trung Quốc đã bị Công an bắt giữ không biết lý do, nguyên nhân. Nhiều người đã làm thủ tục xuất cảnh hợp pháp qua các cửa khẩu, lối mở lớn nhưng không đủ thời gian làm thuê, không được chủ chấp nhận và giao việc nên chị đành trốn qua các lối mòn. Mặc dù biết rằng làm điều đó nếu bị Công an Trung Quốc bắt sẽ bị bắt giam, phạt tiền và cải tạo lao động, tuy nhiên vì thiếu tiền trang trải cuộc sống, lo cho con cái ăn học, chị Tương và nhiều người dân khác vẫn bất chấp rủi ro.

Nguy hiểm rình rập

Quay lại với câu chuyện của anh Hoàng Văn Kiên ở làng Pác Thàn, sau khi nhấp xong ly rượu thuốc ngâm nồng ấm anh kể tiếp: "Tôi đi sang làm thuê ở Tàu đã nhiều năm nay nên giờ khi tìm được mối tốt lại giới thiệu người thân quen ở làng trên xóm dưới sang cùng. Nếu gọi được càng nhiều người sang tôi lại được trả tiền cao hơn, khoảng trên 300 nghìn đồng một ngày lao động. Tuy vậy, nếu xảy ra sơ suất, rủi ro gì thì tôi lại là người đứng "chịu sào", chuyện bị trách mắng, thậm chí đánh đập là khó tránh khỏi".

Theo anh Kiên, anh đã từng chứng kiến trường hợp người tỉnh Lạng Sơn bị chết đuối khi đang lao động cho một chủ hàng ở Trung Quốc. Trong lúc đang vác mía vận chuyển lên đò người phụ nữ này bỗng nhiên bị trượt chân ngã xuống sông. Do lớp bùn dày đặc nên những người làm cùng không thể cứu nổi. Rất may, gặp phải người chủ tốt nên đã cho người chở xác về nhà lo làm tang lễ và bồi thường tiền cho gia đình nạn nhân.

Đây là cảnh thường thấy ở khu vực biên giới Việt - Trung, người dân luôn tìm cách vượt biên để kiếm tiền.

Không chỉ vậy, nhiều công dân làm thuê đã bị chủ quỵt tiền lao động, trở về nhà vẫn mang nhiều nguy cơ bị trấn lột tiền, bị Công an Trung Quốc bắt về cải tạo nhiều tháng sau mới thả về. Thực tế đã có nhiều trường hợp gặp phải như chị Tương ở Bản Coỏng, xã Thân Giáp, anh Bàng, chị Đào ở Pác Thàn, xã Đoài Côn… đã từng bị các chủ Trung Quốc lừa lấy sức lao động và trở về nhà không đồng dính túi. Thậm chí có một số trường hợp thường xuyên bị mâu thuẫn gia đình sau khi đi làm thuê về do nghi ngờ vợ hoặc chồng mình ngoại tình với người khác.

Trung Phúc là một trong số các xã có người vượt biên sang Trung Quốc đông đảo nhất. Trao đổi với ông Triệu Quang Thái, Bí thư Đảng ủy xã Trung Phúc cho biết: "Nhiều người sang Trung Quốc làm thuê lắm nhưng chưa thống kê được số liệu chính xác đâu. Vì một người họ đi khoảng vài ngày lại trở về sau đó lại đi tiếp, cứ người này thay người kia đi lại về. Kể ra tiền công cũng kiếm được kha khá, chứ ở quê thì họ không biết làm gì ra tiền ngoài việc bám lấy đồng ruộng. Tất cả cũng do đời sống kinh tế của người dân còn nghèo khổ thôi".

Không chỉ ở huyện Trùng Khánh mới có tình trạng người dân vượt biên làm thuê trái phép sang Trung Quốc mà các huyện Trà Lĩnh, Hạ Lang cũng tương tự như vậy. Nhiều người đã từ việc làm thuê bên kia biên giới trở về với một số tiền đáng kể để cải thiện cuộc sống, ngược lại không ít người đã phải trả cái giá quá đắt, thậm chí bằng cả mạng sống cũng chỉ vì hai chữ "mưu sinh". Điều kiện sống nơi đây vốn đã khó khăn, khắc nghiệt nhưng hành trình vươn lên thoát khỏi cảnh đói nghèo lại còn gian nan hơn nhiều lần

Nông Lưu Vĩnh
.
.
.