Vụ lừa lấy sổ đỏ vay tiền ngân hàng: Trò cũ mà dân vẫn bị lừa

Thứ Bảy, 10/08/2013, 15:15

Thiếu tiền, nhà nghèo, muốn vay nóng để làm ăn, buôn bán, nhưng không biết vay ở đâu, bỗng dưng có người sang trọng, ăn mặc chỉn chu, đi xe xịn xuất hiện, sẵn sàng cho vay với số lượng lớn, người dân Thạch Thất, Hà Nội hồ hởi đem sổ đỏ đến thế chấp và ký vào một mớ giấy tờ mà họ cũng không hiểu đấy là giấy tờ gì. Để rồi đến khi ngân hàng cho người đến siết nợ lấy nhà, họ mới tá hỏa với tai họa trên trời rơi xuống.

Cả tin đến mất... đất

Khi chúng tôi về Thạch Thất, Hà Nội tìm hiểu câu chuyện, mới thấy thật đáng buồn, bởi ngay ở đất thủ đô, chẳng cách xa trung tâm Hà Nội là mấy mà người dân vẫn mù quáng, nhẹ dạ cả tin, để rồi bị lừa gạt trắng trợn như thế.

Anh Hoàn, nhà ở thôn 10 xã Canh Nậu, Thạch Thất, Hà Nội ngậm ngùi kể cho chúng tôi hoàn cảnh sự việc của anh. Gia đình anh có mảnh đất gần 200m2 ở trong thôn, cuối năm 2010, do có nhu cầu vốn để làm ăn, sản xuất đồ mộc, thông qua người quen giới thiệu, anh đã gặp một người phụ nữ tên Vân - là Giám đốc một công ty TNHH ở nội thành Hà Nội. Người phụ nữ đồng ý cho anh vay tiền, yêu cầu anh đưa sổ đỏ đất để thế chấp và ký vào một số loại giấy tờ mà anh cũng không tìm hiểu đó là giấy tờ gì.

Bỗng một năm sau, một cán bộ ngân hàng về thông báo, sổ đỏ đất của gia đình anh đang được thế chấp tại ngân hàng để vay số tiền là 4,1 tỷ đồng, và yêu cầu gia đình anh nộp số tiền này trả lại ngân hàng để nhận lại sổ đỏ, nếu không họ sẽ đưa ra tòa án và làm thủ tục bán phát mại mảnh đất của anh. Rất may cho gia đình anh là vụ việc được văn phòng đăng kí nhà đất huyện Thạch Thất phát hiện đối tượng có ý định chuyển nhượng mảnh đất nên đã thông báo cho gia đình. Lúc đó anh mới ngã ngửa, hóa ra một số giấy tờ có chữ kí của anh là chữ kí giả. Thực tế khi đưa sổ đỏ mảnh đất trên cho đối tượng này, anh chỉ vay họ số tiền là 200 triệu đồng, trong khi mảnh đất của anh khi đó bán được với giá 1 tỷ đồng.

Một kịch bản tương tự cũng xảy ra với chị Hương ở thôn Yên Lỗ, xã Cẩm Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Nhà chị chỉ có hai mẹ con, là một trong những hộ nghèo nhất xã. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cuối năm 2010 chị quyết định đầu tư cho con trai đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Cũng thông qua người giới thiệu, chị được gặp một phụ nữ tự nhận là Giám đốc một công ty TNHH và người này đồng ý cho chị vay 150 triệu đồng, yêu cầu chị thế chấp sổ đỏ mảnh đất diện tích 120m2 có ngôi nhà chị đang ở. Do cần tiền gấp, lại thiếu hiểu biết, chị đã nhận tiền, đưa sổ đỏ và ký vào các giấy tờ theo yêu cầu của người này.

Cũng sau đó một năm, có một cán bộ ngân hàng về thông báo sổ đỏ đất của gia đình chị đang được thế chấp tại ngân hàng để vay số tiền là 4,1 tỷ đồng, và yêu cầu gia đình chị nộp số tiền này trả lại ngân hàng để nhận lại sổ đỏ. Đến lúc này chị mới tá hỏa đi tìm hiểu vị giám đốc kia thì mới biết vị giám đốc này đã cao chạy xa bay khi đã lừa thế chấp sổ đỏ của rất nhiều người và hàng chục tỷ đồng từ ngân hàng. Chị cũng sẵn sàng trả lại ngân hàng số tiền chị đã vay của người kia để lấy lại sổ đỏ nhưng không được chấp nhận vì số tiền thực vay ngân hàng là quá lớn.

Văn bản thỏa thuận tài sản giữa chị Hương và Công ty lừa đảo.

Anh Hùng, một lãnh đạo xã Cẩm Yên cho chúng tôi biết, không chỉ chị Hương là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo này mà trong xã anh có rất nhiều người đã lâm vào hoàn cảnh tương tự. Tất cả họ đều có nhu cầu vay tiền để làm ăn hoặc để giải quyết công việc riêng nhưng không thể tự vay vốn ngân hàng được nên họ đều thông qua người quen giới thiệu để vay tiền từ những người tự xưng là giám đốc công ty này, nọ ở trên thành phố có khả năng giúp họ vay tiền. Những người dân thiếu hiểu biết lại tin vào những lời nói ngon ngọt nên đã không mảy may suy nghĩ mà ký vào các giấy tờ mà sau này họ mới biết đó là "Hợp đồng ủy quyền" cho vị giám đốc công ty kia được toàn quyền dùng sổ đỏ mảnh đất của họ để thế chấp, chuyển nhượng vay vốn ngân hàng.

Đáng buồn hơn là trường hợp nhà anh Hà cũng ở xã Cẩm Yên, thông qua môi giới anh đã đưa sổ đỏ đất của gia đình để vay 100 triệu đồng và kí vào các giấy tờ liên quan mà anh cũng không đọc kỹ và tìm hiểu. Đến khi cán bộ ngân hàng về thông báo, anh mới tá hỏa khi sổ đỏ đất nhà anh đã bị đối tượng kia thế chấp ở ngân hàng để vay 500 triệu đồng rồi bỏ trốn. Tòa án nhân dân và cơ quan thi hành án đã có quyết định thu hồi mảnh đất của gia đình anh cho ngân hàng để bán phát mại.

Sự thiếu trách nhiệm của những người có liên quan

Việc người dân ở Thạch Thất bị các đối tượng lợi dụng lừa đảo lấy sổ đỏ đi cắm ở ngân hàng để vay tiền phần lớn là do sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin của họ. Họ đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, đang cần gấp một khoản tiền lớn để làm ăn, buôn bán nên dễ dàng bị các đối tượng nắm đúng điểm yếu để lợi dụng. Tuy nhiên, cũng theo phản ánh của những người dân thì những buổi kí kết hợp đồng giữa vị giám đốc nọ và những người dân Thạch Thất thường có những công chứng viên đi cùng. Vậy thì trách nhiệm của họ để ở đâu khi vẫn vô tư làm người thứ ba chứng kiến việc kí kết này, hay họ cũng là những kẻ đồng mưu với các đối tượng lừa đảo?

Theo quy định của pháp luật, công chứng viên có trách nhiệm giải thích cho các bên giao kết trong hợp đồng về quyền, nghĩa vụ của họ, về những hệ lụy pháp lý liên quan khi họ ký các hợp đồng này. Nhưng đa số các trường hợp công chứng viên không thực hiện điều này, họ chỉ đi theo, soạn thảo hợp đồng và đưa 2 bên kí kết. Như trường hợp của anh Hoàn thì anh chỉ nhớ hình như có công chứng viên đi cùng bà giám đốc nhưng anh không được giải thích gì, còn chị Hương thì khẳng định chưa gặp công chứng viên, chưa đến phòng công chứng lần nào.

Đối với những cán bộ ngân hàng, khi nhận thế chấp sổ đỏ để cho vay, họ phải có trách nhiệm đi kiểm tra tài sản mà mình nhận thế chấp để làm căn cứ định giá tài sản, xác định số tiền tương ứng có thể cho vay. Họ phải trực tiếp đến gặp chủ sở hữu sổ đỏ để nắm tình hình về tài sản, về giá trị pháp lý, quyền sở hữu, đồng thời có trách nhiệm giải thích cho người dân những hệ lụy pháp lý khi tài sản của họ được thế chấp tại ngân hàng... Bởi theo quy định của pháp luật, đất của các chủ hộ dân muốn chuyển nhượng được cho người khác bắt buộc phải có sự đồng thuận của tất cả các thành viên trong gia đình.

Trong các vụ việc đã xảy ra, hầu hết những người dân được hỏi đều cho biết, họ chưa gặp bất kỳ cán bộ ngân hàng nào đến xem xét mảnh đất của họ, chỉ sau khi các đối tượng  lừa đảo kia trốn mất, những cán bộ ngân hàng "mẫn cán" mới lặn lội về đây để thông báo và yêu cầu họ nộp tiền để lấy lại sổ đỏ. Anh Hùng, cán bộ xã Cẩm Yên bức xúc nói: "Không loại trừ khả năng chính những công chứng viên, cán bộ ngân hàng đã làm ngơ, tiếp tay cho những kẻ lừa đảo làm cho tình hình càng thêm phức tạp".

Thực trạng trên không chỉ diễn ra ở huyện Thạch Thất  mà còn xảy ra ở nhiều quận, huyện ngoại thành Hà Nội. Đối tượng mà những kẻ lừa đảo hướng tới là những người dân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vì yêu cầu bức thiết cần tiền để trang trải cuộc sống và sự cả tin mà họ đã mang cả gia tài mình cho kẻ khác sử dụng, đổi lại, họ chỉ nhận được số tiền ít ỏi đủ để giải quyết những khó khăn trước mắt. Như anh Cường, ở quận Hà Đông, đã đưa sổ đỏ ngôi nhà trị giá 1 tỷ đồng chỉ để vay 400 triệu đồng lấy tiền chữa bệnh và mua xe chở hàng thuê; hay như chị Linh ở huyện Thanh Trì, vì cần tiền chữa căn bệnh dị tật ở chân, tay khiến chị đi lại khó khăn bao năm nay đã đưa sổ đỏ ngôi nhà trị giá 1,2 tỷ đồng để vay được 150 triệu đồng chữa bệnh. Khi nhận tiền, cả anh Cường, chị Linh đều không cần làm biên nhận gì mà chỉ ký theo yêu cầu của những kẻ lừa đảo.

Thậm chí như gia đình anh Dũng ở  quận Long Biên, vì cần vay tiền để chữa bệnh tai biến cho mẹ, anh đã đưa sổ đỏ cho kẻ lừa đảo để vay 400 triệu đồng. Mặc dù đã cảnh giác với thủ đoạn của kẻ lừa đảo, nhưng lợi dụng lúc mẹ anh đang cấp cứu trong bệnh viện, đối tượng này đã lừa cả gia đình anh, cả người mẹ đang nằm trên cáng cấp cứu ký vào hợp đồng ủy quyền giao sổ đỏ đất cho chúng toàn quyền sử dụng. Và sau đó, kẻ lừa đảo cũng biệt tăm, còn cán bộ ngân hàng nơi lưu giữ sổ đỏ của gia đình anh vẫn hàng tháng đều đặn về yêu cầu gia đình phải nộp số tiền hơn 3 tỷ đồng, kèm theo lời dọa sẽ phát mại đất, khiến cho bố mẹ anh vốn đã già yếu, bệnh tật, nay lại càng héo hon, lo lắng vì không biết tương lai gia đình anh sẽ ở đâu.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, những vụ việc trên đang được Công an Hà Nội xem xét giải quyết. Chúng tôi cũng hi vọng rằng, bài viết này sẽ là lời cảnh báo cho  nhiều người dân, đừng quá nhẹ dạ cả tin vào những kẻ không quen biết, mà đem đánh đổi cả gia tài chỉ lấy ít tiền nhỏ mọn lo làm ăn, để cuối cùng phải ngồi trên đống lửa, nơm nớp lo sợ ngày mai mình chẳng còn chốn nào để nương thân

Ngọc Trâm
.
.
.