Vụ sạt lở đất mỏ than Phấn Mễ - Thái Nguyên: Đã được cảnh báo từ lâu

Chủ Nhật, 29/04/2012, 14:52

Nhiều đêm nay, người dân xung quanh khu vực xóm Khuôn đều không dám ngủ. Họ luôn hoang mang, lo sợ, vừa ngủ vừa ngóng tin hễ có động tĩnh gì thì … chạy. Tuy nhiên, không phải đến bây giờ, những gia đình sống xung quanh bãi thải của mỏ than Phấn Mễ mới lo sợ. Mà thực tế, họ đã sống trong nỗi sợ hãi này từ rất lâu.

Thay đổi phương pháp tìm kiếm

Sau ba ngày nỗ lực tìm kiếm 6 nạn nhân bị vùi lấp trong vụ sạt lở núi phế thải tại mỏ than Phấn Mễ (Đại Từ- Thái Nguyên) dù đã huy động nhiều nguồn nhân lực, máy móc thiết bị, bóc từng lớp đất nhưng đến nay vẫn chưa tìm được thi thể. Chiều ngày 17 tháng 4, lực lượng tìm kiếm đã thay đổi phương pháp, từ đào trọng điểm sang đào phân rãnh bãi thải.

Theo đó, các máy xúc, máy ủi được giao nhiệm vụ chia hiện trường thành 4 rãnh chạy song song. Các rãnh được đào tới sát mặt đất, đến đâu gọn đến đó, mỗi rãnh cách nhau 5m. Cứ mỗi khi đào xong 4 rãnh mà chưa tìm thấy các nạn nhân mắc kẹt thì lại lật đống đất đá sang rãnh bên cạnh, tạo ra 4 rãnh mới. Với phương pháp này, khu vực bãi đất đá sẽ được lật từng lớp một cách kỹ lưỡng và tăng khả năng năng tìm thấy các nạn nhân một cách lớn nhất.

Ông Đặng Viết Thuần, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên  khẳng định phương pháp đào phân rãnh sẽ tăng khả năng tìm thấy các nạn nhân.

Ông Thuần cho biết chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan đã thống nhất đặt quyết tâm tìm bằng được các nạn nhân còn mất tích. Lực lượng tìm kiếm sẽ áp dụng tất cả các biện pháp khoa học. Cùng với đó, nếu như phía thân nhân các nạn nhân có yêu cầu sử dụng thêm các biện pháp tâm linh, lực lượng tìm kiếm cũng đồng ý; mục đích cuối cùng là để tìm thấy các nạn nhân càng sớm càng tốt. Các nhà sư cũng được mời đến làm lễ cầu siêu cho những nạn nhân xấu số.

Các nhà sư làm lễ cầu siêu cho các nạn nhân.

Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn đã mời thêm 4 chuyên gia người Úc tham gia dự báo và xác định vị trí các nạn nhân thông qua phương pháp kỹ thuật mỏ - địa chất. Lực lượng tìm kiếm nạn nhân đã phát hiện ra một số đồ dùng cá nhân của người bị vùi trong đất như chiếc xe đạp, bình gas và xác một con chó của các gia đình bị nạn, nằm sâu 6m dưới lớp đất đá.

Chiều tối 17 tháng 4, chính quyền địa phương đã có thông báo di dời khẩn cấp tám hộ dân xóm Khuôn 2, xã Phục Linh nằm trong khu vực nguy hiểm, nơi "núi phế thải" của mỏ than Phấn Mễ có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào.

Bãi phế thải Phấn Mễ với diện tích gần 100ha đất thu hồi của người dân ba xóm Khuôn 1, Khuôn 2 và Khuôn 3. Xung quanh bãi thải này được bao quanh bởi đồng ruộng, nhà cửa, vườn tược. Trước đây, nó vốn là một vùng đất màu mở, người dân có thể  trồng cây. Nhưng từ khi có mỏ than Phấn Mễ bắt đầu đổ phế thải (năm 2006) thì toàn bộ diện tích khu đồi bị biến thành bãi đổ thải.

Thậm chí, có những vết nứt rộng hơn 20cm, dài hàng chục mét, sâu hun hút xuất hiện đầy rẫy trên bề mặt bãi thải, nhưng lực lượng bảo vệ mỏ than thường đổ đất chèn vào vết nứt để lờ đi.

Dân đã kiến nghị, nhưng lãnh đạo chưa kịp giải quyết

Nhiều đêm nay, người dân xung quanh khu vực xóm Khuôn 2,3 đều không dám ngủ. Họ luôn hoang mang, lo sợ, vừa ngủ vừa ngóng tin hễ có động tĩnh gì thì … chạy. Tuy nhiên, không phải đến bây giờ, những gia đình sống xung quanh bãi thải của mỏ than Phấn Mễ mới lo sợ. Mà thực tế, họ đã sống trong nỗi sợ hãi này từ rất lâu.

Hàng trăm người dân chờ đợi kết quả từ lực lượng cứu hộ.

Người dân sống quanh khu vực này đã có đơn kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét việc di dời từ lâu. Ngày 17 tháng 4, trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Việt Nam, ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên thừa nhận, lãnh đạo tỉnh và huyện Đại Từ đã nhận được thông tin phản hồi về tình trạng nguy hiểm ở khu đất này từ phía người dân, nhưng chưa kịp lên phương án xử lý thì đã xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Cũng theo ông Long: "Sau khi việc tìm kiếm nạn nhân kết thúc, lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra toàn bộ hồ sơ vụ việc liên quan đến bãi than Phấn Mễ. Nếu phát hiện sai phạm ở cấp nào, cơ quan nào, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm minh trách nhiệm cán bộ ở cơ quan, đơn vị có sai phạm".

Cả làng ngăn đường chặn xe chở thải

Ông Hà Văn Hồng, 62 tuổi, trú tại thôn Khuôn 1 bức xúc: "Đây không phải lần đầu tiên bãi chứa thải bị sạt lở. Nó đã từng bị sạt lở rất nhiều lần. Ngay như năm 2008, một vụ sạt lở bãi thải xảy ra tại thôn Khuân 3 nhưng không nghiêm trọng bằng đợt này. Rất may, mọi người đều chạy thoát khỏi khu vực sạt lở nên không ai bị thiệt mạng!". Xóm Khuân 1 có hơn 130 hộ dân, trong đó sống liền kề sát với chân bãi thải lên tới vài chục hộ, trong đó, 12 hộ dân vừa bị san phẳng trong đợt sạt lở vào sáng 15/4 vừa qua; hai hộ dân đang bị trực tiếp đe doạ bởi đám đất đồi bị ùn sát mép cửa thì... dừng lại.

Nhóm PV
.
.
.