Xã "mồ côi"

Thứ Năm, 05/12/2013, 10:00

Theo điều tra cơ bản của Trường THCS xã Hải Nam (Hải Hậu, Nam Định), có những lớp học, tỷ lệ học sinh mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ lên tới 31,4% (100 học sinh thì có hơn 30 em mồ côi), còn trung bình tỷ lệ học sinh mồ côi của trường là 13%. Đây là hệ lụy do “cơn bão” ma túy đã hoành hành từ rất lâu và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Hệ lụy buồn từ cơn bão ma túy

Là xã thuần nông, cũng như bao miền quê khác, ít ai ngờ rằng đằng sau vẻ thanh bình ở Hải Nam này, “cái chết trắng” đang hoành hành và mang đến bao hệ lụy buồn. Khuôn mặt đăm chiêu, cô giáo Mai Thị Huấn, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Nam mở lời về học sinh trường mình. Học sinh của cô đa phần đều là những học sinh lanh lợi, ham học, nhiều em học lực giỏi nhưng gia cảnh thì nhiều em hiện đang rất khó khăn. Năm học 2012- 2013, cả trường có 350 học sinh thì trung bình có 13% là học sinh mồ côi (mồ côi cha, mẹ hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ), thậm chí có một số lớp tỷ lệ này còn lên tới con số 31,4%.

Trong số này chủ yếu là học sinh mồ côi cha. Có những em mồ côi là do bố mẹ bị tai nạn lao động, có em mẹ không lấy chồng mà chỉ cố kiếm đứa con để nuôi, nhưng đó chỉ là số ít, đa phần hoàn cảnh mồ côi của các em đều liên quan đến ma túy. Bố nghiện hút rồi chết, bố nghiện nhiễm HIV lây sang mẹ, cả bố lẫn mẹ cùng chết để lại bao vất vả, lo toan dồn lên đầu con trẻ. Cô Huấn cho biết thêm, nhiều học sinh của trường hiện đang có cha, anh trai nghiện ngập.

Thậm chí có những em, nhà có 3 anh trai thì cả 3 cùng nghiện ma túy. Là người sinh ra, lớn lên ở địa phương nên cô Huấn hiểu rõ từng ngõ ngách, thôn xóm ở cái xã này. Theo lời cô thì hiện tại, có xóm để tìm được người đàn ông nào không dính dáng đến ma túy thì đó là “của hiếm”. Cũng chính vì các em đang sống trong môi trường “độc hại” như thế nên công tác giáo dục ở vùng quê nghèo này càng thêm khó khăn.

Những đứa trẻ bất hạnh

Tan học, cùng cô hiệu trưởng Huấn, chúng tôi đến nhà em Trần Tiến Dũng, học sinh lớp 9A ở xóm 7. Căn nhà cấp 4 cũ nát, ẩm mốc có vẻ như từ rất lâu không được quan tâm sửa sang. Tường vữa bong tróc từng mảng lớn. Trong nhà chẳng có bất kỳ vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc giường cũ và chiếc bàn học được bố trí ngay cạnh cửa sổ. Nhờ người gọi và phải chờ một lúc em Dũng mới về. Vừa bước vào nhà, Dũng cho hay hàng ngày em ăn uống sinh hoạt bên nhà ông bà nội ở gần đó chỉ tối mới về nhà học và ngủ. Khuôn mặt khôi ngô, trắng trẻo, nếu chỉ qua một lần gặp khó ai có thể ngờ được hoàn cảnh của em lại éo le đến thế.

Đôi mắt đượm buồn, Dũng kể, bố Dũng mắc nghiện đã rất nhiều năm, đến năm 2009, cha em qua đời vì căn bệnh HIV, hậu quả sau bao năm làm bạn với “cái chết trắng”. Gia tài để lại chẳng còn bất cứ thứ gì đáng giá. Ngay sau khi bố mất, mẹ cũng đổ bệnh ốm đau triền miên. Lúc phát hiện thì mẹ cũng đã mang trong mình căn bệnh thế kỷ và đã ở giai đoạn cuối. Đó là thời điểm gia đình em rơi xuống tận cùng đau khổ. Tưởng rằng người mẹ sẽ là nơi dựa dẫm, bấu víu ít nhất về mặt tinh thần nhưng chẳng bao lâu sau mẹ cũng lìa trần vì không còn đủ sức lực để chống lại căn bệnh tử thần đó. Mất mẹ, Dũng suy sụp hẳn.

“Lúc đó em đã định nghỉ học để xin đi làm phụ hồ kiếm sống. Bởi nếu tiếp tục đi học thì cũng chẳng có tiền. Ông bà nội ngoại cũng đã già và rất nghèo nên cũng chẳng thể có tiền để cho em đi học. Tuy nhiên ở nhà ít ngày em lại thấy rất nhớ trường, nhớ lớp, nhớ các bạn. Và rồi bạn bè, thầy cô, họ hàng chú bác ngày nào cũng đến nhà động viên em phải cố gắng vượt lên, tiếp tục đi học. Cũng từ đó em mới tự tin hơn để tiếp tục đi học”, khóe mắt đỏ hoe Dũng nói. Với sự giúp đỡ của họ hàng, người thân, nhà trường, trở lại đi học Dũng đã luôn cố gắng hết sức mình, 3 năm liền vừa qua em đều là học sinh có học lực giỏi trong trường.

Đặc biệt, năm vừa rồi Dũng đã được vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi cấp huyện môn Vật Lý. Nói về mơ ước sau này, Dũng nói: “Em muốn sau này sẽ được khoác lên mình sắc phục công an hoặc trở thành 1 thầy giáo. Nếu trở thành một chiến sỹ công an em sẽ quyết tâm bắt bằng hết tội phạm ma túy để không có bất kỳ một bạn nhỏ nào phải rơi vào hoàn cảnh như em, hoặc trở thành 1 thầy giáo có thể góp phần của mình để giúp các bạn có hoàn cảnh khó khăn được học hành”.

Đồng cảnh ngộ với Dũng, Hoàng Thu Huyền học sinh lớp 9B cũng có hoàn cảnh éo le chẳng kém. Bố cũng chết vì ma túy nhưng Huyền còn đáng thương hơn bởi ngoài việc phải gồng mình lên để sống, ngoài giờ học, giờ làm Huyền còn phải chăm bẵm mẹ đang bị bệnh nguy kịch. Mẹ Huyền cũng đang mang trong mình căn bệnh HIV ở giai đoạn cuối. Hậu quả tàn khốc do người cha để lại khi làm bạn với ma túy hàng chục năm trời. Cuộc sống của mẹ con Huyền giờ sống nhờ chủ yếu vào họ hàng lối xóm. Ngoài giờ học, em phải mò cua bắt ốc, ai thuê làm gì vừa sức thì làm để kiếm thêm cái ăn, cái mặc, còn đồng phục, sách vở đã được nhà trường hỗ trợ. Không học giỏi như Dũng, nhưng Huyền cũng là học sinh rất ham học.

Chưa bao giờ Huyền nghỉ học dù chỉ là một tiết. Mùa rét căm căm với chỉ độc một manh áo sờn mỏng manh trên người nhưng em vẫn luôn đến lớp đúng giờ. Ham học là thế nhưng khi được hỏi sau này em muốn học ngành gì, Huyền lại rất ấp úng: “Em muốn làm nhiều thứ lắm nhưng giờ em cũng chẳng dám nghĩ đến bởi cũng chẳng biết em còn được đi học đến lúc nào. Lúc nào còn được đi học là vui rồi”. Vậy là mọi ước mơ của em đã bị bóp nghẹt ngay từ trong trứng nước bởi cái cuộc sống tối tăm do ma túy gây ra.

Ở Hải Nam này, học sinh mồ côi còn nhiều hoàn cảnh éo le lắm như: Bùi Xuân Hiếu học sinh lớp 9A. Hiếu không có cha. Mẹ Hiếu là người bị mù, vì muốn có đứa con để nuôi nấng, nương tựa lúc về già nên đã đi xin con và Hiếu được sinh ra. Cuộc sống hàng ngày của mẹ con Hiếu rất tằn tiện, mọi thứ sinh hoạt phải dựa hết vào người thân.

Thế nhưng suốt những năm qua, Hiếu luôn là học sinh giỏi thuộc tốp đầu ở trường. Em cũng đã đạt nhiều giải ở các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện; hay như Vũ Thanh Toàn, học sinh lớp 8A, nhà ở xóm 2, bố cũng mất đã lâu vì tai nạn lao động. Mẹ quanh năm chỉ trông vào mấy sào lúa nên hoàn cảnh gia đình cũng luôn túng đói. Thế nhưng Toàn cũng nhiều năm liền là học sinh giỏi…

Vùng quê không yên ả

Ông Mai Khải Hoàn, Phó chủ tịch UBND xã Hải Nam, cho biết, hiểm họa ma túy tồn tại ở đây từ những năm 1990. Đó là những năm cơn lốc vàng đã làm điên đảo vùng quê nghèo khó này. Bao nhiêu trai tráng trong xã kéo nhau đi quần thảo khắp các vùng rừng sâu núi thẳm để mong được đổi đời. Vàng chẳng thấy đâu mà chỉ thấy một thời gian sau họ lại lũ lượt kéo nhau về với hàng loạt tệ nạn, trong đó nguy hiểm nhất là ma túy. Thế rồi người nọ lại lôi kéo người kia, kể cả anh em họ hàng trong nhà, khiến cho cả miền quê nghèo này quay cuồng trong “cơn lốc” ma túy. Cũng kể từ đó đến nay tệ nạn ma túy luôn là nỗi ám ảnh với người dân Hải Nam.

Cả xã có 20 thôn xóm với hơn 8.000 nhưng con số mà ông Mai Khải Hoàn đưa ra khiến ai cũng phải giật mình: mỗi năm trung bình cả xã có 7 người chết vì ma túy, HIV. Ma túy như trở thành một trào lưu, người nọ lôi kéo người kia, không từ bất kỳ người thân nào. Có những gia đình cả bố và vài ba người con trai cùng mắc nghiện. Học sinh thì rất nhiều em cứ học hết lớp 9 là bỏ học đi làm thợ xây, phụ hồ rồi lại bị lôi kéo vào con đường tội lỗi, gia đình có tài sản gì là bán hết để lấy tiền mua ma túy.

Học sinh Hải Nam đang phải học tập trong môi trường hiểm họa ma túy luôn rình rập.

Là người đã lăn lộn ở địa bàn Hải Nam rất nhiều năm, Trung tá Cao Trọng Đông, Đội trưởng Đội phong trào và Công an phụ trách xã (Công an huyện Hải Hậu) thừa nhận việc đẩy lùi tệ nạn ma túy ở Hải Nam gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng các con nghiện trong xã sau nhiều năm không hề thuyên giảm. Cứ lớp này bị bắt, chết dần thì lại có lớp khác do bị lôi kéo dụ dỗ lại sa vào con đường tối tăm này. Hàng loạt phong trào như: Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa khu dân cư, 5 không, 3 tự: tự quản, tự phòng, tự bảo vệ… được triển khai đã lâu, kết quả đạt được cũng không nhỏ như tình trạng trộm cắp, cờ bạc hầu như ít khi xảy ra, an ninh trật tự được đảm bảo nhưng chỉ riêng tệ nạn nguy hiểm nhất là ma túy thì không đẩy lùi được.

Ngoài số lượng lớn con nghiện tại địa phương, Hải Nam còn một số lớn con nghiện hiện đang lang thang phiêu bạt khắp nơi nữa. Cũng chính vì tệ nạn ma túy phức tạp nên Hải Nam đã được chuyển hóa thành 1 trong 47 địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự của Bộ Công an. Trung tá Đông trăn trở, khổ nhất vẫn là những đứa trẻ. Bố mẹ chết đi, ở với ông bà khó quản lý, giáo dục và dễ sa ngã trong môi trường ma túy luôn rình rập. Hiện việc quản lý giáo dục các em đành giao phó hết cho nhà trường.

Hiện công tác quan tâm, động viên các em chuyên tâm vào học tập và tránh sa vào tệ nạn đang được Trường THCS Hải Nam thực hiện rất tốt. Nhà trường đã thành lập một ban tâm lý học đường, cứ buổi tối các thầy cô giáo cùng với Công an xã, hội phụ huynh, chính quyền địa phương lại đi đến từng nhà các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt để động viên, kiểm tra các em học. Hàng năm nhà trường còn trích kinh phí để giúp đỡ các em bộ đồng phục, sách vở để các em đến trường, vận động mọi nguồn tài trợ giúp đỡ các em bớt khó khăn hơn trong cuộc sống.

Tuy nhiên, trong suy nghĩ của chúng tôi cũng đúng như lời cô giáo Mai Thị Huấn, Hiệu trưởng nhà trường, lứa tuổi học trò trong trắng của các em mà phải sống trong một môi trường ma túy cứ như “con hổ đói ngồi rình mồi” thế kia thì chỉ cần có một giây phút sơ hở các em cũng sẽ dễ sa ngã. Chúng ta đang cố giữ các em nhưng giữ được bao lâu, giữ được đến lúc nào sẽ là một câu hỏi khó khi các em rời ghế nhà trường? Em nào đủ bản lĩnh thì có thể vượt lên, em nào không đủ bản lĩnh chắc sẽ lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn như cha, anh các em đã mắc.

Rời Hải Nam với bao suy tư, trăn trở. Chi tiết cô Huấn kể cho chúng tôi rằng có lần buổi tối đến nhà các em kiểm tra học tập mà trong nhà có ánh sáng, cổng khóa, gọi không có người trả lời, lo lắng quá phải trèo qua hàng rào vào trong sân ngã rách cả ống quần, chúng tôi hiểu rằng, làm công tác giáo dục ở vùng quê dậy “sóng ngầm” này thật không hề dễ

.
.
.