Xe "cọp" đội lốt cứu thương - Hiểm họa tai nạn tàn khốc

Thứ Sáu, 27/04/2012, 16:17

Liên tiếp những vụ xe cứu thương gây tai nạn thảm khốc trên đường chở người chết, người bệnh trở về nhà khiến dư luận hoang mang. Nguyên do của nó chủ yếu do lái xe tự gây tai nạn, đâm vào taluy đường, gây ra những cái chết đau đớn. Người chết chồng lên người chết.

Không hiểu chất lượng dịch vụ của những chiếc xe cứu thương này như thế nào, biến một phương tiện cứu người trở thành nỗi ám ảnh, sợ hãi của người dân, thậm chí là đầu mối gây ra những tai họa kép. Những cái chết thương tâm không đáng có do sự bất cẩn của lái xe, hay do chất lượng của những chiếc xe ''dù'' quá cũ kỹ xộc xệch… Trách nhiệm này thuộc về ai? PV CSTC đã thâm nhập tìm hiểu về vấn đề này.

Vấn nạn xe ”cọp”

Hiện nay ở Hà Nội, có một lượng rất lớn các xe dù (xe cọp) dán nhãn hiệu xe cứu thương đang hoạt động. Lắp còi hú, dán chữ thập đỏ, mua thêm chiếc cáng, vậy là một chiếc xe cũ nát bỗng chốc trở thành chiếc xe cứu thương "chính hiệu".

Hơn chục năm nay tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội xuất hiện những chiếc xe cứu thương giả khiến cho dư luận hết sức bức xúc. Lợi dụng tâm lý người nhà bệnh nhân, những chiếc xe cứu thương dù này sẵn sàng "chặt chém", ép khách phải trả với giá cước cao hơn rất nhiều so với giá của bệnh viện. Tuy nhiên vấn đề bức xúc, đáng nói hơn cả lại là  chất lượng của những chiếc xe này.

Những chiếc xe cứu thương dù thường lượn lờ tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội như Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai… Theo khảo sát của chúng tôi, tại Bệnh viện Việt Đức xe cứu thương dù xuất hiện nhiều nhất. Bởi, Bệnh viện Việt Đức tập trung rất nhiều ca chấn thương nặng (ngoại khoa). Ông Nguyễn Đức Tâm, Trưởng phòng Hành chính Quản trị Bệnh viện Việt Đức khẳng định tình trạng xe cứu thương dù đang hoành hành rất mạnh tại đây. Do bệnh viện có những biện pháp chặt chẽ hơn nên những chủ xe hoạt động khá kín đáo.

Chủ "dù" thường thuê hẳn một đội ngũ "cò" trà trộn vào các khoa của bệnh viện móc nối, chào mời người nhà bệnh nhân. Lợi dụng không gian bệnh viện dễ hoạt động, nhiều người ra vào các "cò" còn đến tận giường bệnh "bắt mối", phát tờ rơi, đưa card-visit. Khi "thượng đế" cần chỉ alô một tiếng xe sẵn sàng phục vụ.

Anh Hoàn, một "cựu binh" đã từng tung hoành trên những chiếc xe cứu thương cho biết: "Hầu hết bọn anh chỉ lái thuê cho chủ xe. Các chủ xe thường mua lại xe của một số công ty, cơ quan nhà nước thải sau đó về mông má lại, lắp còi hú và dán chữ thập đỏ vào. Nhiều chủ xe còn cho dán cả số 115 thậm chí còn làm biển xanh giả". Theo anh Hoàn, các chủ xe cũng phải chia chác phần trăm cho lái xe và các "cò" được cài cắm. Chính vì áp lực như vậy các chủ xe phải ép các lái xe làm giá, tìm mọi cách để bòn tiền của khách.

Những mánh khóe của cò

Theo điều tra của PV đội ngũ xe cứu thương "dù" hoạt động ở bệnh viện đều có sự liên hệ và móc nối với nhau tạo thành hội. Khi các "cò" thâm nhập vào các khoa tại bệnh viện làm giá với người nhà bệnh nhân với giá rất bèo. Có khi báo giá rất mềm, chỉ bằng 40 đến 50% giá xe của bệnh viện. Tuy nhiên khi "con mồi" đã sập bẫy chủ xe sẵn sàng giở thủ đoạn. Người nhà bệnh nhân đã làm hết các thủ tục ra viện, các chủ "dù" sẵn sàng đánh tháo với lý do bận hoặc hỏng xe. Đến những phút cuối các "dù" xe ngọt nhạt sẽ thuê cho xe khác. Và chính các "dù" khác lại tiếp quản vụ béo bở này và sẵn sàng đẩy giá cước cao hơn nhiều so với giá đã thỏa thuận với "dù" cũ. Lúc đó người nhà bệnh nhân đành phải cắn răng thuê xe với giá chát.

"Cách đây không lâu, bố tôi bị tai nạn và cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức. Các bác sĩ nói đưa về nhà điều trị và chờ ngày cụ mất. Trong lúc cuống, chúng tôi chỉ mong thuê được xe đưa bố về, trong khi đó làm thủ tục thuê xe của bệnh viện cũng lằng nhằng, có khi còn hết xe. Tôi có gọi cho xe ngoài, lúc đầu mặc cả với nhau là 300 nghìn đồng. Đến phút chót lại bảo là hết xe và gọi cho xe khác nhưng giá cao hơn. Chẳng còn cách nào gia đình phải thuê xe giá 500 nghìn từ bệnh viện về Thanh Oai" - Anh Hùng bức xúc.

Theo anh Hoàn thì khi các "con mồi" đã lên xe kiểu gì cũng sẽ bị "chém đẹp". "Có lần chở 1 tử thi từ Hà Nội về Thái Nguyên. Cũng chỉ vì bị chủ "dù" chỉ đạo mà đã làm trái với lương tâm. Khi đi được nửa đường tôi đã giả cho xe bị hỏng, không thể chữa và chạy ngay được. Khi đó chúng tôi đã gọi 1 chiếc xe khác "cùng hội cùng thuyền". Sau đó sẽ ép giá gấp 3 lần nếu gia đình đồng ý thì đi còn không thì phải để xác ở đường. Nhiều trường hợp không gọi xe khác bọn anh bị chỉ đạo làm trò với khách để vòi vĩnh. Chính vì không chịu được sự cắn rứt lương tâm mà anh đã bỏ cái nghề đó" - Anh Hoàn chia sẻ.

Đèn và còi hú của xe cứu thương giả bị thu giữ.

Ông Nguyễn Đức Tâm, Trưởng phòng Hành chính quản trị Bệnh viện Việt Đức cũng thừa nhận: "Những bệnh nhân không thể cứu được, tâm lý người nhà bao giờ cũng muốn đưa về thật nhanh. Vào những lúc buổi chiều khi bệnh viện hết xe các xe "dù" bắt đầu có thời cơ hoạt động. Thường thì họ hét giá rất cao. Giả sử từ Hà Nội về Quảng Ninh nếu đúng giá của bệnh viện chỉ khoảng 1 triệu thì các xe "dù" hét lên tới 3 triệu. Đấy còn chưa kể khi người nhà bệnh nhân gọi họ vào ban đêm, giá còn đội lên gấp nhiều lần nữa"

Không thể giải quyết được

Đó là câu nói đầy thất vọng của ông Tâm. Đối với Bệnh viện Việt Đức vẫn là một bài toán khó chưa giải quyết được. Bệnh viện Bạch Mai, rắn hơn khi thành lập hẳn một trung tâm điều hành xe cứu thương. Ông Phạm Thế Hùng, Trưởng Đơn vị dịch vụ, Bệnh viện Bạch Mai nói: "Thực tế việc chuyển người chết, người hấp hối về những vùng sâu vùng xa, đi đêm về hôm, lái xe cơ quan, ăn lương hành chính không thể làm được. Vì thế, phải sử dụng nhân lực ở ngoài là những chiếc xe tư nhân. Hơn nữa, việc tập hợp có tổ chức đã hạn chế vấn nạn xe dù hoành hành ở bệnh viện này nhiều năm qua".

Cũng theo ông Hùng, để đưa được hoạt động xe dù này vào khuôn khổ, ông đã phải mất rất nhiều tâm sức, thậm chí còn bị đe dọa đến cả tính mạng với hàng trang tin nhắn. Bởi các đối tượng lái xe dù chủ yếu là dân "xã hội". Tuy nhiên, hàng năm, ông Hùng cũng phải rắn mặt thanh lọc những tay lái "xã hội", đảm bảo cho sự an toàn của người thuê xe.

Tuy nhiên, không phải bệnh viện nào cũng có những cách tổ chức khoa học như Bạch Mai để đưa hoạt động bất hợp pháp của nạn xe dù vào khuôn khổ. Ngay Bệnh viện Việt Đức, cũng chỉ được Bộ Y tế cấp cho 6 xe cứu thương. Do áp lực của bệnh nhân cao, nên năm 2009, Bệnh viện đã mua thêm 10 xe, nhưng vẫn chỉ đáp ứng được 39% yêu cầu. Còn lại 61% phải sử dụng các phương tiện vận chuyển ở ngoài. Một nơi áp lực cao về các vụ tai nạn, thương tích như Việt Đức, thì áp lực về nhu cầu xe cứu thương cũng là một vấn đề. Cung không đủ cầu, buộc người dân tìm kiếm các phương tiện ở ngoài. Lúc đó thì chất lượng, không ai quản lý.

Ông Tâm khẳng định, hơn 20 năm nay, vấn nạn xe dù vẫn chưa giải quyết được. Bệnh viện Việt Đức cũng đã làm khảo sát về tình trạng xe cứu thương dù hiện nay hoạt động ở Việt Đức. Theo ông Tâm, chỉ có khoảng 16 xe, chiếm 12% hoạt động. Nhưng với áp lực cao như Bệnh viện Việt Đức thì chắc hẳn tỷ lệ không dừng lại ở đó.

Ông Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện nay, ngoài xe cứu thương của các Bệnh viện được Bộ Y tế cấp phép hoạt động với số lượng hạn chế, Sở Y tế Hà Nội đã cấp giấy phép cho 2 trung tâm, Trung tâm 115, và Công ty TNHH Bắc Việt. Sở Y tế Hà Nội cũng chịu trách nhiệm kiểm định và giám sát hoạt động của 2 trung tâm này về chất lượng dịch vụ như phải có đội ngũ bác sĩ chăm sóc, trang bị các thiết bị y tế cần thiết, và đặc biệt đó là những chiếc xe cứu thương chuyên dụng.

Sở cũng chỉ chịu trách nhiệm về những chiếc xe do Sở cấp phép. Còn hiện tượng xe dù, xe cọp đang hoành hành ở các bệnh viện, nằm ngoài chức năng của Sở Y tế. Cũng giống hiện tượng tắc xi dù hoạt động vậy thôi, không ai kiểm soát được hết. Ông Cường cho biết. 

Vấn nạn những chiếc xe ọp ẹp, cũ nát, đội ngũ tài xế chủ yếu là dân thất nghiệp, thậm chí đi tù vài năm về, tranh thủ cơ hội chộp giật kiếm tiền dấy lên nỗi lo cho sự an toàn của xe cứu thương. Nói như ông Tâm, hay ông Cường, câu chuyện cũ lắm rồi. Cũ nhưng không ai đứng ra chịu trách nhiệm giải quyết, đó mới là chuyện đáng bàn. Cuối cùng, gánh nặng vẫn đổ lên đầu những người dân nghèo. Và họ, trong cơn cùng quẫn vẫn phải phó mặc số phận mình cho những chuyến xe "song hành" cùng nỗi sợ hãi…

Ông Nguyễn Việt Cường - Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội

Hiện tượng xe dù là không hợp pháp, vì họ không có phép, nhưng chúng tôi không kiểm soát việc này mà thuộc thẩm quyền của Phòng Cảnh sát giao thông. Không thể biến cái xe 12 chỗ, thành xe cấp cứu. Chúng tôi khuyến cáo người dân, khi có nhu cầu sử dụng xe cứu thương phải liên hệ trực tiếp với bệnh viện và các cơ sở y tế để được sử dụng những chiếc xe hợp pháp, đảm bảo quyền lợi kinh tế cũng như sự an toàn tính mạng cho họ. Còn hiện tượng xe cứu thương gây tai nạn, chủ yếu là do không may mắn mà thôi. Theo tôi, hiện nay có chủ trương xã hội hóa, nhiều đơn vị tư nhân tham gia vào hoạt động này, nhưng do nhu cầu nhiều nên vẫn chưa đáp ứng được.

Ông Nguyễn Đức Tâm, Trưởng phòng Hành chính Quản trị Bệnh viện Việt Đức

Giải quyết vấn đề xe cứu thương dù đang là một bài toán khó cần có sự vào cuộc của các cơ quản quản lý Nhà nước, và quản ý ngành Y tế. Bởi đây là một mối quan hệ dân sự, rất khó để giải quyết triệt để. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt vẫn là ở chỗ, chúng tôi không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân nên họ phải tự lo thôi. Nếu Bộ Y tế cho chúng tôi 30 đến 40 xe cứu thương và trợ giá hoạt động thì chúng tôi sẽ giải quyết được nạn cò mồi ngay.

Từ năm 2011 đến nay đã xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông từ xe cứu thương. Mới đây nhất, ngày 30/3/2012, chiếc xe cứu thương BKS 30X-8827 của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều khiển, chở 4 người từ Hà Nội về Nghệ An bất ngờ nổ lốp, mất lái, đâm vào taluy đường bên phải trên đại lộ Thăng Long. Cú va chạm mạnh đã hất văng chiếc cáng, bên trên có ông Nựu, ra sát phần taluy bên tay trái. Anh Cao Văn Kính bị hất văng qua taluy bên phải, rơi xuống phần đất trống giữa cao tốc và đường gom, tử vong tại chỗ. 3 người còn lại trên xe bị thương nặng.

Nhóm PVXH
.
.
.