Xóa ảo, lấy thực trong giáo dục

Thứ Năm, 26/09/2013, 14:56
GS Phạm Minh Hạc, Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: Toàn dân đang rất trông chờ vào một cuộc thay đổi "căn bản và toàn diện" trong giáo dục. Một đề án về sự thay đổi đã được hoàn thiện, nhưng để thực sự trở thành hành động và có tạo ra những thay đổi theo chiều hướng tích cực trong tương lai cần tới rất nhiều tâm huyết của các nhà cải cách giáo dục. Những giải pháp cho một cuộc chấn hưng giáo dục bao giờ cũng thu hút ý kiến của rất nhiều người, trong đó có các nhà quản lý và các nhà giáo...

- Thưa GS, là người làm công tác giáo dục và quản lý giáo dục trong nhiều năm, ông nhận xét gì về "Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục" được Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo và sửa đổi vừa rồi?

+ Tôi cho rằng đề án đã đề ra được các phương án nhằm chấn chỉnh nhiều điểm bất cập trong giáo dục. Nhiều vấn đề lớn đã được đưa ra xem xét, thay đổi, rất đáng hoan nghênh. Nhưng tôi nghĩ, muốn thay đổi "căn bản và toàn diện" giáo dục, nghĩa là chúng ta phải đụng vào những vấn đề rất lớn, cần phải có một tư tưởng chiến lược chỉ đạo chung. Điều này, trong đề án, theo tôi là chưa được sáng rõ lắm.

Đề án viết còn mang tính kinh điển, thiếu hơi thở cuộc sống, những vấn đề xã hội đang mong chờ thì chưa được đề cập thỏa đáng. Tôi nói tư tưởng chiến lược là vì nó cực kỳ quan trọng cho một "trận đánh", một cuộc cách mạng. Và nó phải được thông suốt trước khi thực hiện các nội dung cụ thể.

- Theo GS thì đâu là điều căn bản cần phải đổi mới trong tình hình giáo dục của ta hiện nay?

+ Chúng ta thường hay tránh chữ sai lầm trong giáo dục, và thường gọi sai lầm là bất cập. Theo tôi là phải sòng phẳng nhìn vào những sai lầm để tìm những giải pháp mới cho chấn hưng giáo dục. Một số điều căn bản chúng ta cần tập trung chấn chỉnh hiện nay, là vấn đề mở đại học tràn lan, vấn đề phân luồng học sinh, vấn đề thay đổi tâm lý trọng bằng cấp, đào tạo người học theo phương án dạy giá trị sống và kỹ năng sống, chú trọng vào chất lượng nhân lực chứ không chạy theo các giá trị ảo.

Hiện nay chương trình học của chúng ta dạy quá nhiều lý thuyết xa vời mà quên đi những vấn đề thuộc về kỹ năng, giá trị sống. Ở các nước phát  triển, đây là những bộ môn bắt buộc. Còn chúng ta, chưa trường nào đưa hai bộ môn này vào giảng dạy. Trẻ em đi học là phải được dạy để hiểu về giá trị của bản thân và cách mang những giá trị của mình vào cống hiến cho cuộc sống như thế nào.

- Theo ông có hay không tâm lý hướng ngoại trong giáo dục của ta hiện nay, nghĩa là nhiều người dân không coi trọng giáo dục trong nước?

+ Hợp tác quốc tế là vấn đề tất yếu trong giáo dục, nước nào cũng thế, không riêng gì ta. Nhưng chúng ta hiện nay đang nghiêng về việc quá coi trọng các trường có yếu tố nước ngoài và các trường tư thục mà quên đi việc chăm chút, bồi dưỡng, khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các điển hình giáo dục trong nước. Phải nói chúng ta có không ít thành tựu trong giáo dục.

Trên thế giới hiếm có nước nào nghèo, trải qua chiến tranh dài mà có thành tựu giáo dục tốt như nước ta. Thậm chí tôi nghĩ không có yếu tố nước ngoài chúng ta vẫn có thể làm tốt giáo dục được. Chỉ tiếc rằng, chưa có môt cơ chế thỏa đáng để khuyến khích các hạt nhân tốt trong nước. Ngay cả việc muốn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục mà ta đang bàn đây, thì chính đội ngũ người làm giáo dục trong nước mới có thể đảm đương nhiệm vụ này. Cho nên, phải nhìn cho đúng vai trò của người làm giáo dục trong nước...

- Theo GS, mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục hiện đại là gì?

+ Mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục là đào tạo con người, nhưng con người đó phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Những năm qua chúng ta chú trọng phát triển về quy mô, số lượng mà chưa quan trọng chất lượng toàn diện nhân lực. Chất lượng nhân lực không thể đánh giá bằng số lượng bằng cấp hay số lượng người đi học. Vấn đề của giáo dục là đào tạo người có nghề, người "thực học, thực nghiệp".

Không ở đâu như nước ta, lại có một loại trường là Trường Cao Đẳng nghề. Vậy theo tư duy lo-gic thì các trường khác không phải trường nghề, nghĩa là học chỉ để lấy bằng cấp mà không quan trọng yếu tố nghề. Cái này rất tai hại, ảnh hưởng xấu đến giáo dục.

Học bất cứ trường nào, thì theo tôi cũng là để học cho có một cái nghề, ra cuộc sống đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động. Chúng ta đang thừa cái không cần và thiếu cái cần. Ngay các chương trình học sinh cũng toàn học những cái nặng nề mà ra đời không áp dụng được vào công việc, cuộc sống.

Trong đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục vừa rồi, có một điểm bất cập nữa là tôi thấy ít nói về người học quá. Một nền giáo dục toàn diện cần hai yếu tố: người dạy và người học. Đổi mới giáo dục là đổi mới quá trình từ người dạy đến người học, vậy chúng ta không chỉ nói thầy mà quên mất trò. Yếu tố người học mà không tốt thì không đổi mới giáo dục nào thành công cả.

- Vậy, GS có thể đưa ra một triết lý giáo dục nào cần thiết nhất trong đổi mới giáo dục hiện nay?

+ Tôi cho rằng giáo dục phải hoàn thành và phát triển được các giá trị thực ở người học. Đó là các giá trị cần cho chính bản thân người học, cho gia đình và xã hôi. Một xã hội muốn giàu có, phải có những người có giá trị thật. Chúng ta đã từng thấy nhiều ví dụ, về những người lúc đi học thì giỏi, bằng cấp tốt, mà ra đời không đáp ứng được đòi hỏi công việc.

Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây, trong bối cảnh nền giáo dục nước ta hiện nay, là phải làm một cuộc cách mạng tâm lý trong toàn xã hội, phải thay đổi triết lý giáo dục trong toàn xã hội, về việc thực học thực nghề, như tôi đã nói ở phần trên.

Hiện nay, toàn xã hội đang chạy theo tâm lý bằng cấp. Học để lấy bằng cấp hơn là học để lấy một cái nghề. Từ quản lý nhà nước về giáo dục lẫn người đi học đang xem nặng tâm lý này. Nên người có bằng cấp thì nhiều mà người giỏi kỹ năng nghề đáp ứng thị trường lao động thì ít. Trong rất nhiều hội chợ việc làm, các đơn vị tìm lao động vẫn khó khăn tìm người có nghề, cho dù người có bằng cấp đến tìm việc thì không thiếu.

Nên vừa rồi mới có hiện tượng hàng ngàn cử nhân đi học nghề để kiếm sống. Tâm lý xã hội thực ra là rất quan trọng, không thể xem thường. Một khi tâm lý xã hội còn như hiện nay, thì sẽ không có cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nào trong giáo dục thành công cả.

- Xin cảm ơn GS.

GS Hồ Ngọc Đại: Nhân tài là đặc sản cá nhân, không thể đào tạo. Sẽ có rất nhiều giải pháp được hiến kế để nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng giáo dục muốn đổi mới phải bắt đầu từ lớp 1. Thiết kế chương trình nên thay đổi thời gian học từ 12 năm còn 11 năm, trong đó vẫn phải ưu tiên cho tiểu học 6 năm, như vậy tuổi này các em cần được giữ gìn trong vòng tay cha mẹ, nhà trường 12 năm, còn lại 3 năm cho cấp THCS và 2 năm THPT.

Cái quan trọng của giáo dục là phải xác định được toàn bộ nền giáo dục phục vụ cho con trẻ, tất cả vì lợi ích của con trẻ, làm được thế thì sẽ thành công. Cũng có quan điểm cho rằng cần phải tăng cường đào tạo nhân tài, nhưng theo tôi, nhân tài là đặc sản cá nhân không đào tạo được, không bồi dưỡng được, chỉ tạo điều kiện cho họ thôi. Vì vậy không nên đặt vấn đề đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, không nên đặt ra trường chuyên lớp chọn.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Chúng ta quá nôn nóng...

Điều đáng báo động là quy mô đào tạo của chúng ta mất cân đối trầm trọng: khoa học tự nhiên chỉ có 18%, khoa học kỹ thuật chỉ có 11%, trong khi KHXH chiếm 43%. Đáng buồn hơn, chúng ta thiếu tính sàng lọc trong tuyển sinh, trong quá trình đào tạo; luận văn, luận án thủ tục nặng nề hơn nội dung.

Nguyên nhân là do cơ quan nhà nước quá nôn nóng phát triển, rồi bệnh thành tích khiến học và dạy không thực chất. Giáo dục muốn đổi mới toàn diện kiên quyết phải có các giải pháp đột phá như: Có chính sách mới đảm bảo chất lượng đào tạo, có kiểm định chất lượng giáo dục và có cả xếp hạng chất lượng đào tạo, đi kèm theo đó phải có cơ chế kiểm định (hiện chúng ta chưa có tổ chức kiểm định chuyên nghiệp), tăng cường thanh tra, kiểm tra việc xét tuyển của Bộ GD & ĐT và phải hoàn thiện cơ chế quản lý giáo dục

GS Nguyễn Xuân Hãn: Phải kiểm tra lại toàn bộ vấn đề đầu tư, chi tiêu ngân sách cho giáo dục.

Chúng tôi cùng một số nhà khoa học của Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội gửi một số kiến nghị đến Nhà nước, Đảng và Chính phủ đề nghị cần phải đánh giá thực chất chất lượng giáo dục; chấn chỉnh hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng gắn kết giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp - giáo dục đại học, khắc phục những lệch lạc có tính hệ thống, phân luồng hợp lý, liên thông mềm dẻo.

Theo tôi, cần phải kiểm tra lại toàn bộ vấn đề đầu tư, chi tiêu ngân sách Nhà nước và đóng góp của dân cho giáo dục. Cần sớm thành lập Ủy ban Giáo dục đào tạo quốc gia giúp Đảng và Chính phủ điều phối toàn bộ công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam…

Q. Trang - T. Phương
.
.
.