Yakuza -Tượng đài bám bụi

Thứ Hai, 24/08/2020, 07:32
"Yakuza" là một từ luôn khiến những người ngoại quốc quan tâm đến Nhật Bản phải chú ý. Nó gợi lên trong đầu họ hình ảnh những tay "anh chị" mặc vét bảnh bao, lịch lãm ấy thế nhưng khuôn mặt lại bặm trợn. Đó là những con "sư tử" của chợ đen, luôn sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ góc phố của mình.


Đây không hẳn là một nhận định sai, nhưng đã có phần lỗi thời. Ngay cả sự tồn tại của các băng nhóm Yakuza cũng không còn chắc chắn nữa, và khả năng họ hoàn toàn biến mất là điều có thể.

Về cơ bản thì Yakuza là một từ chung chỉ các nhóm tội phạm có tổ chức. Vào thời Edo, khi mà xã hội phong kiến Nhật Bản được chia làm các cấp độ khác nhau, trong đó giai tầng ở dưới cùng là burakumin - nô bộc, đồ tể, đao phủ, thợ nhuộm, v.v…Vì nghèo đói và bị phân biệt đối xử mà nhiều người thuộc tầng lớp burakumin gia nhập các nhóm tội phạm có tổ chức đầu tiên tại Nhật.

Cho đến khi Thế chiến Thứ hai kết thúc, toàn nước Nhật rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế, khan hiếm đủ mọi loại nhu yếu phẩm. Nhiều khu chợ đen khi đó mới được lập nên và điều hành bởi các nhóm tội phạm kia. Họ sử dụng lợi nhuận kiếm từ chợ đen để mở rộng quy mô hoạt động, trở thành Yakuza chuyên nghiệp nắm giữ những mạng lưới không thua kém gì Mafia ở Mỹ.

Shigeharu Shirai, một trong những ông trùm Yakuza nổi tiếng, bị cảnh sát bắt giữ ở tuổi 72.

Dẫu từng có thời nắm giữ quyền lực ghê gớm trong nền kinh tế, chính trị và văn hoá Nhật Bản, nhưng theo số liệu được công bố vào năm ngoái (2019) thì số lượng thành viên các băng đảng tội phạm có tổ chức vào khoảng 39.000 người, con số thấp nhất kể từ năm 1958 đến nay. Chỉ số này bắt đầu giảm kể từ năm 2011, khi chính phủ Nhật Bản bắt đầu mạnh tay hơn với tội phạm có tổ chức.

Ngoài việc không tuyển thêm được thành viên, các nhóm Yakuza tại Nhật gần đây còn phải đối mặt với một loạt thiệt hại khác như việc cảnh sát Nhật mở chiến dịch truy bắt đối tượng làm giả thẻ tín dụng, một trong những ông trùm tầm cỡ quốc gia bị bắt tại Thái Lan. Vậy tại sao lại có rất ít người muốn gia nhập các nhóm Yakuza, ngoài việc giới chức Nhật Bản đã trở nên mạnh tay hơn?!

 Để tìm hiểu câu chuyện trên, chúng ta phải nói vài lời về cách hoạt động của Yakuza. Cũng giống như Mafia ở Mỹ hay hội Tam Hoàng ở Trung Quốc, Yakuza kiếm tiền từ những hoạt động phi pháp như bán dâm, đánh bạc, và thu tiền bảo kê, v. v... Nhưng nguồn thu nhập lấy từ các hoạt động này lại được Yakuza sử dụng để đầu tư vào những ngành nghề hợp pháp như chế biến thực phẩm và xây dựng - ước tính có đến 5% trên tổng doanh thu toàn ngành xây dựng ở Nhật Bản chảy vào túi các ông trùm Yakuza hằng năm.

Càng ngày các nhóm Yakuza càng thâm nhập sâu vào nền kinh tế Nhật Bản, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản và tài chính. Để làm được việc đó thì những tay Yakuza cũng phải trả một cái giá: họ không thể nào tiếp tục hành xử như những tên côn đồ được, mà phải khoác lên mình chiếc áo vest và trở thành doanh nhân thực thụ. Nhưng nếu thế thì người ngoài, đặc biệt là lớp trẻ, lại không có lý do gì phải gia nhập Yakuza cả, mà chỉ cần lập công ty riêng của mình. Nhiều Yakuza thì ngược lại sẵn sàng từ bỏ tổ chức của mình để tránh bị cảnh sát điều tra, tập trung vào việc điều hành doanh nghiệp hợp pháp do mình làm chủ.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu luật pháp Nhật Bản, giáo sư Curtis Milhaupt ở trường đại học Columbia (Mỹ), nhận xét: "Vai trò của Yakuza trong xã hội Nhật Bản đang thay đổi, và sự đi xuống về mặt tổ chức vừa là một biểu hiện, vừa là một biện pháp đối phó của các băng nhóm với sự đổi thay đó!". Cũng chính là giáo sư Curtis  đã nói về một phản ứng khác cũng vì nguyên nhân đấy, đó là việc băng Yamaguchi-gumi, nhóm Yakuza lớn nhất Nhật Bản, vừa mới trải qua một cuộc "nội chiến".

Nhờ vào mối quan hệ chặt chẽ với những cá nhân ở trên cùng của giới cầm quyền Nhật Bản, Yamaguchi - gumi đã và đang thu lời hàng trăm triệu USD hằng năm từ những hoạt động kinh tế hợp pháp. Vì vậy mà "bố già" Shinobu Tsukasa có lý do để ra lệnh cấm thành viên Yamaguchi - gumi tham gia một số hoạt động phi pháp quá nguy hiểm như buôn bán ma tuý.

Tuy vậy, quyết định trên đã vấp phải phản đối nghiêm trọng từ phía dưới, đặc biệt là từ chi nhánh tại Kobe của Yamaguchi-gumi vốn từ lâu dựa vào những hoạt động phi pháp trên. Vì thế mà họ đã tự mình tách ra và thành lập một băng nhóm của riêng mình. Hiện cảnh sát đang theo dõi hoạt động của cả hai bên để đảm bảo rằng sẽ không xảy ra đổ máu.

Bản thân các nhóm Yakuza cũng không cần có nhiều người nữa, mà lại dựa vào các mối quan hệ với những cá nhân có quyền lực. Đã có thông tin rằng, các quan chức Nhật Bản trong uỷ ban xây dựng cơ sở hạ tầng cho Olympics Tokyo đã nhận hối lộ từ Yakuza để tiết lộ thông tin về quy hoạch đất đai.

Các thành viên trong những băng đảng Yakuza đang càng ngày ít hơn và già đi.

Tiện nói về các chính sách chống Yakuza, ngành luật pháp Nhật Bản đang dần dần chuyển sự chú ý của mình đến với hoạt động kinh doanh tài chính mờ ám do Yakuza kiểm soát. Trong vòng 12 tháng vừa qua đã có hơn 50 công ty tài chính, cho vay, cầm đồ, v.v…do Yakuza  điều hành bị rút giấy phép hoạt động do có liên quan đến việc rửa tiền.

 Những nhân vật như Icchu Nagamoto thì bị xét xử và phạt tù theo bộ luật mới có mức hình phạt cao hơn. Về phần mình, giới báo chí đang cố gắng đưa ra ánh sáng mối quan hệ giữa các doanh nghiệp và giới Yakuza. Mục đích của họ là làm sao để những công ty do Yakuza quản lý không còn tìm được đối tác sẵn sàng làm ăn với họ nữa. Những bước đi kể trên đã thật sự phát huy tác dụng trong việc làm suy yếu phần nào Yakuza, nhưng những băng đảng tội phạm này đang tìm cách sử dụng quyền lực chính trị của họ để tự bảo vệ mình và đẩy lùi mọi chính sách chống Yakuza.

Quyền lực "phía trên" của Yakuza đang mạnh lên, nhưng họ lại đang mất kiểm soát đường phố. Trong một khoảng thời gian dài nhiều thập kỷ, Yakuza là một thế lực mang tính kiểm soát tại các cộng đồng dân cư. Người dân khi có việc tranh chấp gì đó sẽ mang mối bất hoà của mình đến một ông trùm Yakuza địa phương để phân giải. Ngược lại, Yakuza điều hành thu tiền bảo kê của người dân và làm những việc như giữ an ninh trật tự, thu gom và phân loại rác, v.v… thông qua một số doanh nghiệp nhỏ mà mình điều hành. Mối quan hệ hai bên này như là một chất keo thần kỳ biến Yakuza thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hằng ngày.

Thế nhưng vai trò này của Yakuza đã suy giảm nghiêm trọng. Ngày nay nước Nhật có hệ thống dịch vụ công vào hàng tốt nhất thế giới. Cảnh sát và các cơ quan luật pháp càng ngày trở nên dễ tiếp cận hơn đối với người dân. Và bản thân Yakuza cũng rút dần khỏi các hoạt động kể trên để tập trung vào việc kinh doanh lớn. Kết quả là người dân không cần đến Yakuza. Họ không còn lý do nào để tiếp tục tôn trọng hay che chở cho những đối tượng tội phạm này.

Một hậu quả khác là việc xuất hiện nhiều hơn những nhóm tội phạm phi-Yakuza, hay còn gọi là Hangure. Đây không hẳn là những băng đảng có tổ chức, mà giống hơn là một số tên tội phạm tập hợp lại để cùng nhau thực hiện vài phi vụ trước khi tản ra. Phần nhiều thành viên các nhóm Hangure là người nhập cư trái phép từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, v.v…được lãnh đạo bởi một hay một vài thành viên cũ của Yakuza. Chúng rất manh động và thường xuyên tổ chức các vụ cướp có vũ trang nhắm đến các cửa hàng nhỏ. Khách du lịch nước ngoài cũng là một đối tượng ưa thích khác của chúng. Cảnh sát Nhật hiện đang hoạt động hết công suất để truy tìm và dẹp bỏ các băng nhóm Hangure.

Đại dịch COVID-19 đã và đang giáng một đòn mạnh vào Yakuza. Những ông trùm Yakuza thường đều đã ngoài 60, 70 tuổi, nhiều người trong số đó lại mắc các bệnh gan mật do rượu, ma tuý, sử dụng mực xăm bẩn, v.v…và vì thế trở thành nhóm người dễ chịu tổn thương vì virus nhất. Một trong số 16 ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Nhật là ông trùm của băng Inagawa-kai, và trong những tháng tiếp theo thêm nhiều nhân vật lãnh đạo khác đã phải vào bệnh viện.

Cùng lúc đó thì hoạt động kinh doanh của Yakuza cũng phải ngừng lại. Những công ty hợp pháp đều phải đóng cửa theo lệnh của chính phủ là đương nhiên, nhưng cả các phòng thí nghiệm điều chế ma tuý nữa cũng dừng hoạt động. Vì đại dịch COVID - 19, khách du lịch ngừng đến Nhật Bản, đồng nghĩa với việc những khu phố đèn đỏ cũng mất khách hàng.

Kể cả khi các băng đảng có thoát khỏi cảnh hỗn loạn sau đại dịch COVID-19 thì bộ máy của họ cũng đã chịu tổn thương đáng kể. Gần như chắc chắn rằng sẽ có thêm nhiều thành viên rời bỏ tổ chức và tự mình nắm quyền điều hành các công việc kinh doanh hợp pháp. Sau khi thế hệ lãnh đạo Yakuza hiện nay đi xuống thì nếu những tổ chức này không tự tan rã thì cũng sẽ thay đổi toàn bộ hình thức tổ chức, hoạt động của mình. Tóm lại, Yakuza ở Nhật không còn có tương lai nữa. Điều  khiến người ta quan tâm vào thời điểm này là ai sẽ nổi lên để thay thế những tổ chức tội phạm già cỗi này trong tương lai ở đất nước mặt trời mọc đây?!.

Lê Công Vũ (tổng hợp)
.
.
.