Cẩn trọng kiểu bán căn hộ 'móc túi' khách hàng

Thứ Hai, 26/01/2015, 11:31
Cận Tết là thời điểm thị trường căn hộ sôi động nhất và cũng là thời điểm hàng loạt các dự án bung hàng để đón dòng tiền cuối năm. Thị trường BĐS đang có sự “nhộn nhịp” nhất định cả về giao dịch lẫn tính thanh khoản, chính vì thế hiện tượng đầu cơ, lướt sóng kiếm lời sau một thời gian dài “bất động” nay lại có cơ hội nhen nhóm trở lại. Theo nhận định của giới kinh doanh BĐS, năm 2015 thị trường BĐS sẽ có những tăng trưởng rõ rệt và sẽ có nhiều thành phần khách hàng quay trở lại, đặc biệt là giới đầu cơ.
Mập mờ thông tin giá cả

Cách đây ít ngày, chị Phạm Thị Hoa (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) đã đến một số sàn giao dịch BĐS để tìm hiểu một số dự án chung cư, với mục đích mua nhà trước Tết. Tại một sàn giao dịch BĐS khu vực đường Lê Văn Lương, chị thực sự quan tâm đến một dự án trên đường Lê Đức Thọ, do đó đã tìm hiểu cặn kẽ. 1 căn hộ 68m² giá bán được ghi trong hợp đồng là 22,5 triệu đồng/m², tuy nhiên nếu mua khách hàng sẽ phải thanh toán xấp xỉ 25 triệu đồng/m².

Với căn hộ 68m², số tiền khách hàng phải trả thêm là 170 triệu đồng và số tiền này được nhân viên tư vấn giải thích rõ ràng là sẽ không được ghi trong hóa đơn. Thắc mắc thì được nhân viên này lý giải, số tiền đó là chi phí tư vấn dịch vụ và quảng cáo, marketting. Theo lý giải của nhân viên sàn giao dịch này, thì sàn phải mua các căn hộ này từ chủ đầu tư, sau đó mới phân phối ra cho khách hàng. Nhân viên môi giới này giải thích rõ rằng, sàn cũng phải chịu rủi ro đối với căn, các tầng khó bán, do đó khi phân phối lại cho các sàn nhỏ khác, thì sàn phải trích một khoản chi phí marketting quảng cáo.     

Chỉ trong ít ngày qua, hàng loạt các dự án được các chủ đầu tư phân phối tung ra thị trường Hà Nội, nhằm đón dòng tiền cuối năm. Một số dự án nổi bật như: Tràng An Complex số 1 Phùng Chí Kiên (Cầu Giấy) do GP Invest làm chủ đầu tư, dự án FLC Complex 36 Phạm Hùng do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, hay HH1 Linh Đàm của Xí nghiệp Xây dựng Lai Châu số 1… đang được khách hàng và giới đầu tư quan tâm.

Tuy nhiên, ở những dự án nóng này, rất nhiều thông tin được rao bán trên mạng hết sức mập mờ. Đơn cử như dự án Tràng An Complex của GP Invest. Hiện trên mạng rất nhiều thông tin về việc bán căn hộ tại dự án Tràng An Complex, với nhiều mức giá khác nhau từ 26- 30 triệu đồng/m². Liên lạc với một số điện thoại của nhân viên một sàn giao dịch BĐS nói là đơn vị phân phối dự án này, PV được trả lời giá là 26 triệu đồng/m² (chưa bao gồm VAT) và đó là giá gốc của chủ đầu tư và nếu không nhanh chân, thì sẽ không còn chỗ.

Tiếp tục liên lạc với một số điện thoại khác từ một trang khác cũng là cũng quảng cáo là “đơn vị phân phối” cho dự án, PV nhận được câu trả lời với mức giá cao hơn là 29 triệu đồng/m² và đây mới chỉ là giá dự kiến. Tuy nhiên, có một thực tế rõ ràng được chủ đầu tư khẳng định rằng dự án vẫn chưa chính thức mở bán và chưa có mức giá chính thức. 

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest, đơn vị chủ đầu tư dự án Tràng An khẳng định, dự án hiện chưa được mở bán, do đó mọi thông tin rao bán căn nọ, tầng kia vừa qua, đều là của các nhà đầu cơ mạo danh. Công ty hoàn toàn không chịu trách nhiệm về những thông tin không chính thống trên mạng.

Giới “đầu cơ” tái xuất sẽ khiến thị trường BĐS đứng trước nỗi lo biến thể.

Nỗi lo bóp méo thị trường

Theo bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng phòng Nghiên cứu và tư vấn Savills Việt Nam, thị trường BĐS Hà Nội trong vài tháng trở lại đây, dù thanh khoản được cải thiện rõ rệt, nhưng góp phần không nhỏ trong đó là một số nhà đầu cơ, đầu tư lướt sóng. Tại một số dự án đã có hiện tượng “thổi giá”, khiến người mua nhà thực phải trả tiền chênh có khi lên tới cả trăm triệu đồng.

Lý giải về tình trạng này, bà Hằng cho rằng nguyên nhân xuất phát từ việc giới đầu cơ "tái xuất", với số lượng lớn hơn vì thị trường có thanh khoản tốt. “Khách hàng gần đây không tiếp cận trực tiếp được với chủ đầu tư, mà thường phải thông qua môi giới, hoặc sàn và trả tiền chênh. Đối với những tình huống này, sự ràng buộc pháp lý không lớn, nên khi xảy ra sự cố người mua sẽ là bên chịu thiệt”, bà Hằng nói. Theo đơn vị tư vấn này, thì tình trạng này sẽ là một mối quan ngại cho sự ổn định thị trường trước và sau Tết.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cengroup cho biết, qua các đợt mở bán căn hộ từ sàn giao dịch BĐS của Cengroup, cá nhân ông đã có cảm nhận hiện tượng nhà đầu cơ “tái xuất” trên thị trường sau một thời gian dài vắng bóng. Trước đây, phần lớn khách hàng khi mua căn hộ đều quan tâm trước hết về  hạ tầng, tiện ích, chất lượng dự án, rồi sau đó mới đến giá cả… thì nay, đã có một tỷ lệ không nhỏ chỉ đặt vấn đề giá lên trên hết.

Một số khách hàng, sau khi đặt cọc mua căn hộ, chỉ trong thời gian ngắn sau đã tìm cách sang tên chỉ với mục đích thu về một khoản lãi nhất định. “Đây chính là đối tượng thường thổi giá lên hoặc ghìm giá xuống, tức là những khách hàng không bền vững, chỉ có lợi ích ngắn hạn, bởi nếu thị trường “lạnh” thì tức thì họ bỏ cuộc ngay”, ông Hưng nhận định. Ông Hưng cũng cho rằng, đầu cơ là hoạt động không thể thiếu trong thị trường phát triển, nhưng chỉ nên ở một tỷ lệ thích hợp, còn nếu cao hơn sẽ khiến thị trường biến thể, làm loạn giá trên thị trường.

Phan Hoạt
.
.
.