Không dễ vay để mua nhà

Thứ Tư, 30/05/2018, 09:35
Việc các ngân hàng “siết” tín dụng vào bất động sản khiến cho không ít người có nhu cầu mua nhà ở thực gặp khó khăn. 

Điều kiện vay ngặt nghèo, lãi suất tăng cao đang làm nản lòng những người có ý định vay, tuy nhiên không ít các ý kiến cho rằng, động thái này của các ngân hàng là tích cực và sẽ loại bỏ được các chủ đầu tư làm ăn không uy tín.

Lãi suất cao, khách hàng nản

Vợ chồng anh Nguyễn Mạnh Quyết, hiện đang thuê nhà phường Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) kết hôn đã 5 năm nhưng vẫn chưa mua được nhà. 

Có trong tay khoản tiền 1 tỷ đồng tiết kiệm và hai bên gia đình hỗ trợ, vợ chồng anh quyết định đi mua nhà. Ưng một căn hộ sát đường vành đai 3 70m² với giá hơn 1,5 tỷ đồng. 

Vợ chồng anh Quyết dự tính sẽ vay thêm 500 triệu đồng từ ngân hàng để mua. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thông tin, vợ chồng anh đành tạm gác ý định mua nhà vì lãi suất tại ngân hàng đã tăng quá cao, không thể chi trả. 

Anh Quyết nhẩm tính: "Nếu như trước đây, chúng tôi vay 500 triệu đồng trong thời hạn 10 năm thì mỗi tháng sẽ phải trả khoảng hơn 9 triệu đồng. Nhưng với lãi suất hiện tại, con số này có thể tăng lên đến 12 triệu đồng/tháng, bằng hơn 1 nửa thu nhập của cả vợ chồng. Thế nên việc vay ngân hàng xem như bất khả thi".

Người có nhu cầu vay vốn mua nhà đang gặp khó bởi lãi suất tăng cao, điều kiện ngặt nghèo.

Cũng có ý định vay một khoản để mua đất, chị Phạm Thúy Nga (quận Đống Đa) đến một chi nhánh Vietcombank tìm hiểu để vay 1 tỷ đồng. 

Nhân viên ngân hàng cho biết, lãi suất ưu đãi là 7,7%/năm nếu chọn vay cố định trong 12 tháng đầu; còn nếu vay cố định 24 tháng, lãi suất là 8,7%/năm. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ tính bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 24 tháng cộng thêm biên độ 3,5%/năm (theo mức tính hiện nay là khoảng 10,5%/năm). 

Chị Nga cho hay, nhân viên khuyên chị nên vay sớm vì để lâu, điều kiện vay khó hơn và lãi suất cũng có thể tăng. Theo lời giải thích của nhân viên này, nguyên nhân khiến việc vay mua nhà đất khó khăn là do bất động sản trong thời gian qua tăng nóng, rủi ro cao mà dư địa cho vay lại hạn chế. 

"Lãi suất ngân hàng tăng cao đã khiến tôi không dám mạo hiểm sử dụng vốn vay từ ngân hàng để đầu tư. Vợ chồng tôi chắc cũng chỉ dám sử dụng số tiền mình tích cóp bấy lâu nay để đầu tư vào đất. Nếu giá đất chẳng may có giảm chút ít mình cũng không bị mất quá nhiều. Còn nếu sử dụng vốn ngân hàng thì chắc chắn sẽ lỗ nặng", chị Nga cho biết.

Sàng lọc các chủ đầu tư yếu kém

Thực hiện các chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại đã bắt đầu lộ trình "siết" chặt nguồn tín dụng của mình. Trong đó, các điều kiện vay vốn ưu đãi khắt khe hơn trước, lãi suất cho vay cũng áp dụng mức cao hơn. 

Cụ thể, trước đây các ngân hàng thường áp mức lãi suất cho vay mua nhà, đất ở mức từ 8-9%/năm, thì nay bình quân tăng lên khoảng 11-12%/năm đối với các khoản vay trung hạn. Với những khách hàng vay dài hạn, một số ngân hàng còn áp lãi suất quanh mức 12,5%/năm. Cùng với tăng lãi suất, nhiều ngân hàng còn khắt khe hơn khi thẩm định giá sản phẩm mang ra bảo đảm. 

Chẳng hạn trước đây, nếu muốn mua căn hộ, khách hàng có thể dùng chính căn hộ này để cầm cố và được ngân hàng xét cho vay tối đa đến 70% giá trị hợp đồng, còn hiện nay, nhiều ngân hàng chỉ xét cho không quá 50% giá trị.

Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình Hà Nội thì giá nhà ở Việt Nam đắt đỏ và muốn hạ giá thành sản phẩm để phù hợp với túi tiền của người dân, nhưng khi nguồn vốn trở nên khó khăn hơn thì đương nhiên giá thành sản phẩm sẽ bị tăng lên. 

Người ta lo ngại bong bóng bất động sản khi lượng cung vượt quá cầu, nhưng rõ ràng với phân khúc nhà giá rẻ, chung cư bình dân, nhu cầu vẫn đang rất nhiều, không biết đến khi nào doanh nghiệp mới đáp ứng đủ được nhu cầu của người dân, tính thanh khoản của phân khúc này cũng rất tốt. Vì thế, nên có những chính sách ưu tiên hướng đến dự án thuộc phân khúc này.

“Nhà nước đã đưa ra nhiều văn bản hỗ trợ sau khi gói 30 nghìn tỷ kết thúc, nhưng ai cũng thấy rõ sự hỗ trợ này chưa đáp ứng được nhiều vì chưa có nguồn tiền. Trong khi đó, nếu nguồn tín dụng nói chung cho bất động sản bị thu hẹp lại thì việc xây dựng các dự án giá rẻ và bình dân sẽ lại càng khó khăn”, ông Thanh nói.

Đề cập đến việc ngân hàng đang hạn chế dần nguồn cho vay với bất động sản, ông Phạm Thanh Hưng, Chủ tịch HĐQT Ceninvest cho rằng sẽ có những tác động đến thị trường, tuy nhiên cũng sẽ không quá lớn. Điều này sẽ ảnh hưởng đồng thời tạo sức ép với nguồn vốn của các chủ đầu tư nhưng là sức ép có chiều hướng tích cực. 

Ông Hưng cho rằng, ngân hàng không đóng cửa với mọi doanh nghiệp, mà chỉ đóng cửa với những doanh nghiệp có mức độ rủi ro cao. 

Chính vì thế, việc siết nguồn vốn tín dụng vào bất động sản sẽ khiến cho các chủ đầu tư phải khẳng định được uy tín, thương hiệu của mình. Từ đó, tạo lòng tin đối với ngân hàng để cho vay tín dụng và tạo niềm tin đối với khách hàng để chọn mua sản phẩm cũng như đóng tiền theo đúng tiến độ hợp đồng. 

“Các doanh nghiệp cần chủ động tìm thêm nguồn khai thác tài chính mới như tăng vốn chủ sở hữu, cổ phần hoá doanh nghiệp hoặc thông qua liên doanh, liên kết… Với các khách hàng, những người có nhu cầu mua nhà ở thực chắc chắn sẽ khó khăn hơn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng. Vì vậy, nếu muốn vay ngân hàng mua nhà, đất, người dân cần lựa chọn những khoản vay hoặc ngân hàng phù hợp với khả năng tài chính của mình”, ông Hưng nói.

Phan Hoạt
.
.
.