Cần giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Thứ Hai, 13/11/2023, 14:58

Ngày 13/11, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tín dụng đối với bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội.

Hàng trăm dự án cần tháo gỡ

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, ngân hàng, cho rằng, hiện nay, thị trường BĐS vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong đó có nhiều tồn tại, vướng mắc đã kéo dài như vướng mắc về hệ thống thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng (chiếm tới 70% vướng mắc của các dự án bất động sản).

Mang câu chuyện từ thực tế của doanh nghiệp mình, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty Bất động sản Toàn Cầu cho biết thủ tục pháp lý đang gây khó cho doanh nghiệp BĐS.

“Có dự án kéo dài tới 15 năm vẫn không giải quyết được khâu giải phóng mặt bằng. Bởi vậy, mong được cơ quan chức năng khi gỡ khó cho doanh nghiệp thì hãy đi vào từng dự án cụ thể, đừng chỉ chung chung. Ngoài ra, hiện nay, mỗi dự án phải trai qua 30 con dấu. Thời gian xác nhận thủ tục kéo dài đã bào mòn sức chịu đựng của doanh nghiệp, chưa kể, việc kéo dài cũng “giam” vốn khiến cho doanh nghiệp ngày càng khó khăn”, ông Hiệp nói.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã quyết liệt tháo gỡ vấn đề pháp lý nhưng vẫn chưa đủ lực để kéo thị trường lên, dẫn đến không có nguồn cung bất động sản mới. “Cả nước có 1.200 dự án đang nằm chờ tháo gỡ, trong đó, khoảng 500 dự án đang được xem xét, còn lại 800 dự án vẫn nằm chờ”, ông Đính cho biết.

70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản là pháp lý -0
Nhiều thủ tục pháp lý gây khó cho thị trường BĐS

Cùng với đó là sự mất cân đối cung cầu tại các phân khúc, dư thừa nhà ở cao cấp, biệt thự trong khi nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ còn hạn chế; nhu cầu của thị trường tại một số phân khúc đang có sự sụt giảm mạnh.

Năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế và phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn huy động từ bên ngoài như vốn vay, trái phiếu, huy động của người mua nhà; các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế; mặt bằng giá nhà ở cao so với khả năng tài chính và mức thu nhập của nhiều người dân...

Thị trường BĐS đã qua thời điểm khó khăn nhất

Chia sẻ một khía cạnh khó khăn khác, ông Lâm Hoàng Đăng – Phó Tổng Giám đốc công ty Bất động sản Văn Phú cho biết doanh nghiệp hiện đang có dự án nhà ở xã hội ở Bắc Ninh. Hiện đang mở bán nhưng có khó khăn vì khi bán nhà ở xã hội cho công nhân, thì đối tượng là công nhân, nên cầu của người mua nhà rất ít.

“Thu nhập của công nhân không cao, hầu như chỉ đủ sống. Nếu vay vốn mua nhà, hàng tháng phải trả vốn và lãi cho ngân hàng thì họ không còn tiền để trang trải. Vì vậy, họ không có nhu cầu mua nhà, dẫn tới dự án rất khó “đẩy hàng”. Chúng tôi đề xuất mở rộng đối tượng được mua nhà ở công nhân rộng hơn, có thể áp dụng cho hơn trong 10 đối tượng trong diện ưu tiên, không nên chỉ quy định cứng gây khó cho doanh nghiệp”, ông Đăng kiến nghị.

Cũng đề nghị “tháo gỡ”, bà Lê Thùy Linh- Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản IMG cho rằng với thực trạng xây nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đang gặp khó hiện nay, đặc biệt là về tiếp cận vay ưu đãi, doanh nghiệp đề nghị mở cơ chế, cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thương mại để thực hiện dự án, còn để hỗ trợ, chính sách tài khóa thay vì ưu đãi lãi suất thì điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 10%.

“Cách làm này vừa hiệu quả lại an toàn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, vì nó sẽ hoạch toán vào giá bán, đảm bảo giá bán hợp lý như vay vốn ưu đãi”, bà Linh đề xuất.

70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản là pháp lý -0
Giải phóng mặt bằng là một khâu khó khăn của BĐS

Về phía tập đoàn Novaland, ông Dennis Ng Teck Yow -Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết khó khăn về pháp lý – chiếm đến 70% các khó khăn hiện tại của doanh nghiệp BĐS và gây ra rất nhiều hệ lụy xấu. Nếu không được giải quyết kịp thời, con số doanh nghiệp giải thể, phá sản trong những tháng tiếp theo sẽ tăng cao.

"Kính đề nghị Chính phủ phối hợp cùng UBND các tỉnh/thành phố hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp BĐS phát triển dự án đồng bộ đúng với chỉ tiêu được giao. Chính phủ và Quốc hội cân nhắc xem xét, kiện toàn Luật đầu tư để Quy trình Đầu tư – Giao đất – Quy hoạch – Cấp phép xây dựng được diễn ra nhanh chóng, minh bạch, tiết kiệm nguồn vốn cho xã hội.

Theo Novaland, thị trường BĐS đã qua thời điểm khó khăn nhất, riêng Novaland đã hoàn thành 80% việc tái cấu trúc hoạt động. Tuy nhiên, để doanh nghiệp tiếp tục vượt qua khó khăn cần sự tiếp sức đồng hành của các cơ quan chức năng.

Ngoài sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ, Novaland mong mỏi chính sách tài khóa chung tay hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giãn thuế năm nay và nửa đầu năm tới.

“Kính đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Ban, Ngành có chính sách giảm thuế và giãn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp bất động sản để tháo gỡ khó khăn và tập trung ổn định kinh doanh trong 3 năm (năm 2022, 2023 và 2024)", Tổng giám đốc Novaland kiến nghị.

Trước các ý kiến này của doanh nghiệp Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định Bộ Xây dựng ghi nhận sự thẳng thắn của các ý kiến phát biểu. Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp thu nghiên cứu, và sẽ có các giải pháp, trên cơ sở tinh thần cùng đồng hành, chia sẻ tháo gỡ khó khăn. “Chính phủ và các cơ quan, ban ngành cũng như Bộ Xây dựng rất coi trọng sự phát triển của thị trường BĐS, sẽ nắm bắt tình hình, tháo gỡ từng khó khăn 1, đồng thời có giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn lâu dài. Chính phủ đang sửa đổi Luật, các bộ ngành cũng đang ban hành các văn bản dưới luật, thông tư để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS”, ông Nghị nói.

Hà An
.
.
.