Cán bộ của Công ty Tân Thuận đi nước ngoài nhiều như đi... chợ (!)

Thứ Ba, 25/12/2018, 08:55
Thông tin ông Hoàng Như Cương, Bí thư Đảng ủy - Phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh tự ý đi nước ngoài do công việc riêng khi chưa được cấp thẩm quyền thành phố cho phép một lần nữa đặt ra vấn đề quản lý cán bộ, công chức, viên chức của thành phố xuất cảnh ra nước ngoài cả vì việc công lẫn việc riêng; cả được phép lẫn không được phép.

Cán bộ, công chức, viên chức của thành phố đi nước ngoài đã ở mức phải báo động khi trong Chỉ thị về chăm lo Tết Kỷ Hợi 2019 được ban hành vào ngày 20-12 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố - ông Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu "Từ nay đến Tết, các cơ quan, đơn vị tập trung hoàn thành các công việc còn lại theo kế hoạch năm; không đi công tác, tham quan, học tập… ở nước ngoài. Những trường hợp đặc biệt phải do Chủ tịch UBND thành phố quyết định".

Trước đó, kết quả thanh tra việc cử cán bộ đi công tác nước ngoài trong các năm 2016- 2017 tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (Công ty IPC), của Thanh tra thành phố đã cho thấy chuyến đi nào của cán bộ DN này cũng xảy ra sai phạm. Cụ thể, chuyến đi công tác tại Bỉ, Hà Lan và Hoa Kỳ vào tháng 10-2016, UBND thành phố chỉ cho phép ông Tề Trí Dũng, Tổng Giám đốc và ông Phạm Xuân Trung, Phó Tổng giám đốc IPC đi công tác nước ngoài với mục đích để nghiên cứu chuẩn bị đầu tư KCN Hiệp Phước. Ngay sau đó, Công ty IPC cũng đã quyết định cho thêm 2 cán bộ cấp phòng tham gia chuyến đi này với tổng số tiền chi phí lên tới 1,145 tỉ đồng từ ngân sách.

Kết quả kiểm tra hộ chiếu cá nhân sau chuyến đi còn phát hiện có 3 cá nhân thuộc Công ty IPC đi vượt quá thời hạn cho phép 5 ngày, 1 cá nhân đi vượt quá 7 ngày. Ngoài ra, 2 cán bộ của IPC đại diện vốn tại các DN liên doanh, liên kết khác được IPC quyết định cho đi cùng trong chuyến này cũng ở nước ngoài vượt quá 5 ngày. Mục đích của chuyến đi là để “nghiên cứu, học tập kinh nghiệm”, nhưng trong báo cáo với UBND thành phố về chuyến công tác trên vào ngày 28-10-2016, IPC không nêu rõ được kết quả, kinh nghiệm đúc kết được sau chuyến công tác là gì.

Trụ sở Công ty IPC.

Chuyến đi Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha và Pháp của lãnh đạo IPC cũng vậy, UBND chỉ cho phép ông Tề Trí Dũng, Tổng giám đốc và ông Trần Đăng Linh, Phó tổng giám đốc Công ty IPC đi từ ngày 2-1 đến ngày 12-1-2018 bằng kinh phí do Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn và Công ty CP KCN Hiệp Phước - những DN có phần vốn góp của IPC, thanh toán chi phí cho chuyến đi.

Tuy nhiên, kết quả thanh tra về tài chính chuyến đi của Thanh tra thành phố mới đây đã xác định, Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn đã thanh toán cho 7 người thuộc IPC; Công ty CP KCN Hiệp Phước thanh toán cho 1 cán bộ của IPC. Ngoài ra cũng có 3 cán bộ khác của IPC được cho tham gia chuyến đi này bằng kinh phí tự túc.

Chuyến đi Nhật Bản vào tháng 4-2017, UBND thành phố cho phép ông Phạm Xuân Trung, Phó tổng giám đốc IPC tham gia từ ngày 6 đến ngày 15-4-2017. Nhưng trước đó 3 ngày, ông Trung đã tham gia chuyến đi công tác Đài Loan, phải bay sang nhập vào đoàn công tác ở Nhật Bản sau đó nên không tham gia đủ ngày theo lịch trình. Báo cáo về kết quả chuyến đi với UBND thành phố sau đó, ông Trung đã không thông tin chi tiết nội dung làm việc và kinh nghiệm đúc kết được sau chuyến công tác nước ngoài.

Với chuyến đi Hồng Kông vào tháng 5-2016 cũng vậy, UBND thành phố cho phép 3 cán bộ là Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc IPC tham gia, IPC đã quyết định cho thêm 3 cán bộ trong DN cùng tham gia chuyến đi này. Tiền chi phí cho chuyến đi từ DNNN, nhưng số tiền tăng thêm 8,59 triệu đồng/người tham gia chuyến đi, IPC đã không nêu được lý do.

Theo Thanh tra thành phố, ngay từ năm 2017, UBND thành phố đã có văn bản đề nghị Tổng giám đốc IPC tăng cường quản lý chặt chẽ các trường hợp cán bộ quản lý đi nước ngoài. Nhưng sau đó IPC vẫn có tình trạng cán bộ lãnh đạo đi nước ngoài khi chưa được phép của UBND thành phố. Trong đó có 7/15 đoàn đi công tác nước ngoài; 16/16 lần đi nước ngoài vì việc riêng của cán bộ lãnh đạo, quản lý Công ty IPC và 40/40 lần đi nước ngoài vì việc riêng của các cá nhân là trưởng, phó các phòng, ban thuộc IPC đều vi phạm quy định về quản lý và xét duyệt cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài. Đã vậy, một số cá nhân là trưởng các phòng, ban của IPC còn có số ngày đi nước ngoài nhiều hơn số ngày nghỉ phép năm nên việc này còn vi phạm cả Luật lao động.

Trước thực trạng sau nhiều chuyến đi nước ngoài, nhưng vẫn chưa thể hiện kết quả đạt được cho IPC, Thanh tra thành phố cho rằng việc này gây lãng phí tiền ngân sách nên cần được cấp ủy Đảng có thẩm quyền kiểm tra, làm rõ dấu hiệu vi phạm để xử lý theo quy định. 

Bảo Sơn
.
.
.