Chưa xử lý triệt để ô nhiễm môi trường

Thứ Hai, 21/12/2015, 09:12
Mặc dù TP HCM đã nỗ lực nhiều trong việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhưng tại nhiều quận, huyện, người dân vẫn bức xúc về tình trạng ô nhiễm. Hơn thế, dù đã được điểm mặt chỉ tận nơi, nhưng cả cơ sở gây ô nhiễm và chính quyền chưa thể tìm ra cách giải quyết dứt điểm, triệt để khiến người dân hằng ngày vẫn phải sống chung với ô nhiễm. 


Tại địa bàn phường An Phú, quận 2, Xí nghiệp Thức ăn chăn nuôi An Phú hoạt động sản xuất kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản có công suất 18.000 tấn/năm. 

Trước sức ép của người dân xung quanh khu vực về vấn đề ô nhiễm không khí, nước thải, cuối năm 2014, xí nghiệp này đã phải lắp đặt và cho vận hành hệ thống xử lý nước thải với công suất 10m³/ngày và tiến hành cải tạo hệ thống xử lý mùi hôi phát ra từ quá trình sấy thức ăn chăn nuôi. Nhưng tại một khu đô thị hiện đại như Thủ Thiêm, người dân không chấp nhận tồn tại một địa chỉ sản xuất gây ô nhiễm như vậy. Còn phía xí nghiệp này cho rằng đã lập phương án di dời, nhưng hiện vẫn còn thiếu kinh phí và chưa tìm được vị trí phù hợp.

Một xưởng sản xuất giấy ở quận Thủ Đức gây ô nhiễm môi trường.

Ở quận Thủ Đức, trại heo giống cấp 1 của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn nằm xen cài trong khu dân cư nhiều năm nay khiến người dân kêu trời. trại giống này đã có quyết định di dời của thành phố nhưng chây lì không thực hiện nên tiếp tục gây ô nhiễm nặng, ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Kết quả kiểm tra thực tế gần đây cho thấy, trại nuôi heo có quy mô tổng đàn heo khoảng 3.500 con. 

Trong quá trình hoạt động, cơ sở có thực hiện việc phun xịt chế phẩm sinh học để giảm mùi hôi nhưng lại vi phạm về xả thải vượt chuẩn và bị thành phố xử phạt 5 triệu đồng. Lần kiểm tra gần đây đoàn kiểm tra cũng yêu cầu cơ sở này phải thực hiện lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, song đến nay việc này vẫn không được thực hiện. Lý do, định hướng của cơ sở này là sẽ di dời về Củ Chi vào cuối năm 2016. 

Theo ông Tư, một người dân sống gần trại heo này than thở: từ nay đến hết năm 2016 có di dời được hay không còn chưa biết, nhưng người dân xung quanh vẫn phải sống chung với mùi hôi và hành vi xả thải bẩn của trại heo.

Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần ra quân vớt rác trên tuyến kênh Chiến Lược ở quận Bình Tân, đơn vị thực hiện đã thu gom được hơn 60 tấn rác. Theo phản ánh của một số hộ dân sống ven kênh, do các xe rác không thu gom vải vụn khiến các tổ hợp may mặc, gia công phải lén bỏ ngoài đường hoặc vứt xuống kênh. Dù vậy việc lập danh sách các cơ sở có phát sinh vải vụn để quản lý cũng chưa được địa phương thực hiện.

Trong khi đó, Sở TN-MT thành phố vẫn còn đang phải rà soát quy định về quản lý chất thải và phế liệu để có thể triển khai thu gom vải vụn vào năm 2016. Tại bãi rác Đông Thạnh ở huyện Hóc Môn, từ cách đây 15 năm, thành phố đã cho ngưng tiếp nhận rác thải sinh hoạt. Bãi rác này chỉ còn xử lý nước rỉ rác thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhưng vẫn cho tiếp nhận xà bần và xây dựng trạm xử lý chất thải nguy hại có công xuất 21 tấn/ngày đêm. 

Mặc dù được giám định hàng quý về chất lượng không khí, nước thải, nhưng do diện tích đất còn lại để đặt lò đốt và chôn lấp rác thải y tế không nhiều, chỉ có khoảng 5 ngàn m² lại sát khu dân cư. Do đó nhiều người dân ở đây cho rằng chưa giảm được ô nhiễm từ bãi rác, đã lại phải gánh hệ lụy từ lò đốt và chôn lấp rác thải y tế nguy hại.

Đ.Thắng
.
.
.