Dân bỏ nhà, tháo chạy vì bất lực trước tình trạng ô nhiễm

Thứ Hai, 27/06/2016, 14:00
Gần 60% các hộ dân ở thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã phải bỏ nhà, đến nơi khác sinh sống vì bất lực trước tình trạng ô nhiễm khói bụi.


Từ nhiều năm nay, người dân tại tổ 12, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình phải sống trong tình trạng ô nhiễm khói bụi khí thải từ hơn 120 ống lò vôi hoạt động suốt ngày đên ngay sát khu dân cư. Gần 60% các hộ dân ở đây đã phải bỏ nhà, đến nơi khác sinh sống vì bất lực trước tình trạng ô nhiễm.

Bầu không khí trở lên đặc lại vì khói bụi lò vôi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, xung quanh khu vực Cầu Nghìn ven sông Hóa thuộc thị trấn An Bài có tới 64 lò vôi với hơn 120 ống lò với nhiều công suất khác nhau đang ngày đêm hoạt động liên tục và trực tiếp thải khói bụi ra môi trường xung quanh. Đặc biệt, trong số các lò vôi này có tới 25 lò nằm trong hành lang bảo vệ cầu, hàng chục lò không có giấy phép nhưng vẫn đang hoạt động...

Khói bụi trên Cầu Nghìn, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Được biết, tổ dân phố 12 ( xung quanh khu vực Cầu Nghìn) trước đây có 120 hộ dân cư sinh sống, nhưng trong những năm trở lại đây, đã có 70 hộ dân cư phải chuyển đi nơi khác vì tình trạng khói bụi quá nghiêm trọng, những hộ dân còn lại buộc phải sinh sống xunh quanh khu vực vì không có điều kiện để chuyển đi và phải “ sống chung với lũ”.

Một điều có thể dễ dàng nhận thấy nhất trên khu vực này đó là cây xanh hai bên đường đều bị che phủ bởi một lớp bụi dày đặc, đặc biệt đi qua khu vực Cầu Nghìn vào lúc 9h sáng sẽ cảm nhận được sự ngột ngạt đến khó thở của bụi dày đặc trong không khí.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, người dân sống tại chân Cầu Nghìn cho biết: Cuộc sống sinh hoạt rất bất tiện, cứ nắng, khô thì bụi mà mưa thì bẩn, không làm ăn được gì, chỉ còn cách che bạt và đóng cửa nhưng cũng không hết bụi. Quần áo giặt xong phơi không quá hai tiếng đồng hồ thì bụi đã bám trắng cả quần áo. Người dân cũng có kiến nghị lên các cơ quan chức năng nhưng không giải quyết được gì hơn nên đành sống chung với bụi bặm.

70 hộ dân cư phải chuyển đi nơi khác vì tình trạng khói bụi quá nghiêm trọng.

Năm 2012, UBND thị trấn An Bài đã lập quy hoạch và trình UBND huyện Quỳnh Phụ phê duyệt quy hoạch 19ha khu kinh doanh vật liệu xây dựng, bến bãi và được UBND huyện Quỳnh Phụ chấp thuận. 

Năm 2013, Bộ Xây dựng đã có công văn số 2135 (ngày 11/10/2013) về việc dừng cấp phép xây dựng lò sản xuất vôi thủ công; UBND tỉnh Thái Bình cùng các sở ngành liên quan cũng đã có văn bản chỉ đạo dừng hẳn việc cho phép đầu tư xây dựng các dự án sản xuất vôi tại khu vực Cầu Nghìn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch UBND thị trấn An Bài, tổ dân phố 12 đã thành lập được 1 đội vệ sinh môi trường, quét dọn 4 lần/ngày; đồng thời mua xe phun nước để phun các tuyến đường dân sinh, đoạn dốc cầu Quốc lộ 10. Chính quyền địa phương cũng đã khuyến cáo yêu cầu các hộ kinh doanh phải che chắn và phun nước giữ ẩm tại khu vực sản xuất không để bụi phát tán ra bên ngoài...

120 lò vôi ngày đêm nhả khói gây ô nhiễm.

Theo thực tế quan sát của chúng tôi và phản ánh của người dân trên địa bàn, hoạt động của tổ vệ sinh môi trường trên khu vực thực sự không có hiệu quả, có chăng cũng chỉ là giải pháp tình thế và chưa có tính lâu dài. Xe phun nước đi hết 1 lượt quay về thì phía bên kia đường đã khô và khói bụi vẫn tiếp tục tràn ngập.

Trước thực tế trên, đề nghị UBND tỉnh Thái Bình sớm có những chỉ đạo và giải pháp hữu hiệu để giải quyết, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực lò vôi Cầu Nghìn, nhằm đảm bảo đời sống sinh hoạt cho những hộ dân trên địa bàn và tránh những vấn đề về sức khỏe lâu dài cho người dân.

Xe vệ sinh rửa đường như muối bỏ bể...!
Ông Phạm Đức Thuận, Chủ tịch UBND thị trấn An Bài thừa nhận việc sản xuất vôi đã gây ảnh hưởng không tốt đến đời sống của nhân dân quanh khu vực. Ông cho biết trên địa bàn xung quang khu vực Cầu Nghìn có 64 lò vôi đang hoạt động, trong có chỉ có 31 lò có giấy phép kinh doanh, với 33 lò còn lại UBND thị trấn hoàn toàn không có bất cứ hình thức xử lý nào dù các lò này vẫn đang ngày đêm hoạt động mà không có giấy phép kinh doanh.
Nguyễn Đức Khương
.
.
.