Hy hữu chuyện chủ đầu tư kiện khách hàng ra toà

Thứ Sáu, 27/11/2015, 09:26
Thông thường, trong các vụ kiện góp vốn xây nhà chung cư, người bị kiện là chủ đầu tư khi không thực hiện nghĩa vụ theo đúng cam kết, nhưng vụ kiện dân sự này lại có tình huống ngược lại. Người bị kiện là khách hàng đã góp cả tỷ đồng để mua suất nhà chung cư. Lạ nữa là mặc dù vụ việc kéo dài đã 11 năm, toà án dân sự 2 lần đưa ra xét xử nhưng đều bị hoãn.

Lấy lại nhà đã bàn giao

Chủ đầu tư và cũng là nguyên đơn là Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô (gọi tắt là Công ty Kinh Đô). Người góp vốn - bị đơn là bà Phan Thị Thanh ở số 72B phố Phan Văn Trị, quận Đống Đa, Hà Nội. Ông Văn Cao Điền (chồng bà Thanh) nhiều năm nay phải thay vợ đi hầu kiện để bảo vệ quyền lợi.

Ngày 31-12-2003, bà Phan Thị Thanh ký “Hợp đồng góp vốn xây dựng mua căn hộ” số 34/HĐGV với Công ty Kinh Đô ở 93 phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Theo hợp đồng này, bà Thanh góp vốn xây dựng mua căn hộ số A12, tầng 15, diện tích sàn 88m² tại công trình Toà nhà Kinh Đô tại 93 Lò Đúc. Giá trị hợp đồng là 891,66 triệu đồng. Theo dự kiến, Kinh Đô sẽ bàn giao căn hộ cho bên góp vốn vào ngày 30-6-2006.

Hợp đồng thoả thuận tiến độ góp vốn đợt 1 là 50% giá trị căn hộ (445,83 triệu đồng), nộp vào ngày 31-12-2003. Đợt 2 góp 30% giá trị căn hộ vào ngày 20-8-2004. Đợt 3 góp 20% vào ngày 30-4-2005. Đợt 4 nộp thuế giá trị gia tăng và thuế trước bạ. Tuy nhiên, gia đình bà Thanh không nộp tiền đúng ngày như trong hợp đồng. 

Giải thích về tiến độ góp vốn, ông Văn Cao Điền cho biết: “Mặc dù hợp đồng ghi ngày 31-12-2003 là lần góp vốn đợt 1 nhưng gia đình tôi nhận hồ sơ ngày 8-2-2004. Đến ngày 10-2-2004, gia đình tôi đã nộp 330 triệu đồng, ngày 13-2-2004 chúng tôi mang tiếp số tiền còn thiếu đợt 1 nộp nốt thì thấy Công an Hà Nội khám xét trụ sở Công ty Kinh Đô vì một số cá nhân của công ty này vi phạm pháp luật. Bởi vậy mà lần nộp tiền này không thành công. Đến tháng 8-2004 công ty trở lại hoạt động bình thường. Cuối năm 2005 gia đình tôi đã thực hiện xong nghĩa vụ góp vốn”.

Mặc dù vậy, nhưng ngày 21-5-2007, Công ty Kinh Đô vẫn có Thông báo số 01/TB-KTTV đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với bà Phan Thị Thanh về việc góp vốn xây dựng để mua căn hộ số A12 tầng 15. Lý do Công ty Kinh Đô làm căn cứ để đơn phương chấm dứt hợp đồng là do: “Bà Thanh vi phạm tiến độ nộp tiền cho cả 3 đợt thanh toán” và “vu khống doanh nghiệp lừa đảo”.

Tòa nhà Kinh Đô - nơi xảy ra tranh chấp căn hộ A12 tầng 15.

Tuy nhiên, sau đó hai bên đã gặp nhau thoả thuận và đến tháng 10-2007, Công ty Kinh Đô giao chìa khoá nhà sau khi gia đình bà Thanh nộp thêm tiền phát sinh diện tích và hệ thống gas là 62,5 triệu đồng. Ngày 13-1-2009, Công ty Kinh Đô chính thức bàn giao nhà cho vợ chồng bà Thanh.

Thế nhưng, theo phản ánh của ông Điền, trong khi gia đình ông đi vắng trở về thì bất ngờ thấy ổ khóa căn hộ bị thay. Tiếp theo đó Công ty Kinh Đô sử dụng căn hộ làm kho chứa vật tư. Tại Văn bản số 2547/VKSTC-V1 ngày 26-8-2010, Viện Kiểm sát Tối cao khẳng định: “Việc Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô đơn phương chấm dứt Hợp đồng góp vốn số 43/HĐ-KTTV ngày 31-12-2003, khóa cửa căn hộ số A1512 thuộc Tòa nhà số 93 phố Lò Đúc của bà Phan Thị Thanh là không có căn cứ”.

Cần xem xét căn cứ đề nghị thay đổi Thẩm phán

Ngày 11-9-2015, TAND quận Hai Bà Trưng đưa ra xét xử vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng góp vốn, đòi quyền sở hữu nhà” do Công ty Kinh Đô khởi kiện. Nhưng điều lạ lùng là dù Công ty Kinh Đô khởi kiện nhưng phiên toà đã phải hoãn do chính nguyên đơn vắng mặt. Vụ kiện này được TAND quận Hai Bà Trưng thụ lý từ năm 2013, đã từng hòa giải không thành.

Ngày 24-9-2015, phiên toà tiếp tục mở lần 2. Ngay tại phiên xét xử này, phía Công ty Kinh Đô đề nghị thay đổi thẩm phán vì cho rằng trong quá trình lấy lời khai của hai bên, thẩm phán có dấu hiệu bênh vực bị đơn. 

Trước đề nghị đó, Thẩm phán của phiên toà là bà Nguyễn Thu Hồng quyết định hoãn phiên toà. Ông Văn Cao Điền cho rằng việc hoãn phiên toà do bên nguyên đơn đề nghị thay đổi thẩm phán là không đúng quy định. 

Ông Văn Cao Điền đã có đơn gửi tới TAND TP Hà Nội kiến nghị việc Công ty Kinh Đô yêu cầu thay đổi thẩm phán là không có căn cứ, đề nghị Tòa án bác đơn xin thay đổi Thẩm phán của Công ty Kinh Đô. TAND TP Hà Nội đã chuyển đơn kiến nghị đến Chánh án TAND quận Hai Bà Trưng giải quyết theo thẩm quyền. 

Trong công văn trả lời Báo CAND ngày 30-10-2015, ông Nguyễn Trung Trực, Chánh tòa Dân sự TAND TP Hà Nội thông báo đã chuyển công văn của Báo CAND đến TAND quận Hai Bà Trưng và đề nghị Báo liên hệ với TAND quận Hai Bà Trưng để biết kết quả. 

Trả lời phóng viên Báo CAND, Chánh án TAND quận Hai Bà Trưng cho biết, Tòa án vẫn đang giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Phóng viên Báo CAND đã nhiều lần liên hệ với Công ty Kinh Đô để tìm hiểu về những nội dung có liên quan trong vụ việc này, nhưng phía Công ty Kinh Đô chưa có thông tin hồi âm.

Vụ việc tranh chấp dân sự này đã diễn ra quá lâu, gây bức xúc cho người dân, đề nghị Chánh án TAND quận Hai Bà Trưng làm rõ căn cứ Công ty Kinh Đô yêu cầu thay đổi Thẩm phán và sớm đưa vụ việc ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 13-10-2015 Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan có ý kiến gửi Chánh án TAND TP Hà Nội đề nghị nghiên cứu và chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc, tránh kéo dài thêm.

Ngày 14-6-2012, Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gửi đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an xem xét giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật đơn của bà Phan Thị Thanh về việc Công ty Kinh Đô chiếm căn hộ của bà để làm kho vật tư.

Ngày 17-1-2014, Ban Dân nguyện có Văn bản số 19/BDN đôn đốc việc giải quyết đơn của bà Phan Thị Thanh.

Ngày 30-10-2015, TAND TP Hà Nội chuyển công văn của Báo CAND tới TAND quận Hai Bà Trưng, đề nghị TAND quận Hai Bà Trưng báo cáo kết quả giải quyết về TAND TP Hà Nội.

Việt Hà
.
.
.