Nỗi lo từ cụm công nghiệp chui dọc hành lang thoát lũ sông Đáy

Thứ Bảy, 06/08/2016, 08:33
Hơn 10 năm qua, tại khu đất trồng cây lâu năm rộng 4ha ở thôn Lại Dụ, xã An Thượng, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã mọc lên cụm công nghiệp tự phát với hơn 40 nhà xưởng của các doanh nghiệp. Điều đáng nói là khu đất này nằm trong hành lang thoát lũ sông Đáy.


Do tất cả các nhà máy đều hoạt động trái phép nên cuối tháng 6-2016, UBND huyện Hoài Đức và xã An Thượng đã ra “tối hậu thư” buộc các doanh nghiệp đến ngày 7-7 phải tự tháo dỡ nhà xưởng, nếu không sẽ cưỡng chế. Nhưng cho tới thời điểm này, toàn bộ nhà xưởng vẫn tồn tại...

Từ đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, rẽ vào đê tả sông Đáy khoảng 2km đã nhìn thấy nổi lên giữa những vườn nhãn là những nhà xưởng xây dựng san sát ở thôn Lại Dụ, xã An Thượng.

Vào bên trong, là hàng chục nhà xưởng đang hoạt động nhộn nhịp, xe tải, thậm chí cả xe container ra vào lấy hàng. Ngoài các xưởng đã sản xuất, có vài nhà xưởng đang xây dựng dở dang. Để thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, con đường nối từ đê sông Đáy ra khu nhà máy đã được đổ bê tông rộng tới mức 2 xe tải có thể tránh nhau.

Các nhà máy ở đây sản xuất rất nhiều mặt hàng như bánh kẹo, bao bì, thực phẩm, nhưng nhiều nhất là hàng cơ khí và thiết bị điện. Theo ước tính của chính các chủ doanh nghiệp, hiện quy mô đầu tư vào các nhà máy đặt tại “cụm công nghiệp chui” này lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Nhưng điều đáng nói là tất cả các nhà máy này đều xây dựng không phép. Từ năm 1994, khu vực này đã hình thành nhà xưởng sản xuất, sau đó ngày càng có nhiều người về mua đất lập xưởng. Trước năm 2015, ở đây có 28 doanh nghiệp mua đất mở xưởng sản xuất. Nhưng cho tới lúc này đã có 43 doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng.

Phần lớn các xưởng sản xuất tại “cụm công nghiệp chui” này là sản xuất cơ khí và thiết bị điện.

Trong số đó, ngoài những người mua đất, xây dựng nhà xưởng và đầu tư máy móc sản xuất thì có những người sau khi xây nhà xưởng đã cho doanh nghiệp khác thuê lại. Trong đó có những doanh nghiệp có diện tích nhà xưởng và kho rộng tới hơn 2.000m², còn lại vào khoảng 500 - 700m².

Việc để hàng chục nhà máy xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và trong hành lang thoát lũ có trách nhiệm của chính quyền địa phương. Không những thế, để hợp pháp hóa cho những vi phạm nói trên, trong Nghị quyết sử dụng đất đến năm 2020 và quy hoạch nông thôn mới, xã An Thượng còn đưa khu đất này vào quy hoạch cụm công nghiệp của địa phương.

Tuy nhiên do vi phạm vào hành lang thoát lũ theo Quyết định 1821/QĐ-TTg ngày 7-10-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy nên không được UBND huyện Hoài Đức chấp thuận. Theo thống kê thì có tới hơn 30 công trình nhà xưởng sản xuất nằm gọn trong khu vực hành lang thoát lũ.

Ngày 5-5-2016, UBND xã An Thượng đã ra thông báo kế hoạch xử lý vi phạm trong lĩnh vực sử dụng đất đai tại Lại Dụ và lên danh sách 15/43 hộ gia đình và doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng trái phép từ năm 2015 trở lại đây phải phá dỡ, di dời. Theo đó, sau ngày 7-7, nếu không tự tháo dỡ, chính quyền sẽ cưỡng chế.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, cho tới thời điểm này, các nhà xưởng vẫn chưa bị tháo dỡ. Vì sao chính quyền đã ra “tối hậu thư” mà mọi việc vẫn không thay đổi?

Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Chí Lương - Chủ tịch UBND xã An Thượng, cho biết sau khi thông báo cho các doanh nghiệp về việc phải tháo dỡ nhà xưởng, giữa tháng 6-2016, UBND xã đã tổ chức cuộc họp với chủ các doanh nghiệp có nhà xưởng tại đây.

Tại cuộc họp này, có 3 doanh nghiệp đề nghị chính quyền hỗ trợ tháo dỡ. Đầu tháng 7, UBND xã đã thuê máy móc vào tháo dỡ, tuy nhiên sau đó các doanh nghiệp lại không đồng ý.

Giữa tháng 7-2016, một số doanh nghiệp đã gửi đơn lên các cơ quan Trung ương đề nghị được tiếp tục duy trì nhà xưởng sản xuất tại đây. Đơn này sau đó lại được chuyển về UBND huyện Hoài Đức.

Ngày 20-7, UBND huyện Hoài Đức tiếp tục chuyển đơn này về UBND xã đồng thời yêu cầu Phòng Tài nguyên - Môi trường và UBND xã An Thượng kiểm tra, xem xét giải quyết và trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, đề xuất UBND huyện hướng xử lý.

Theo ông Lương, sau khi có chỉ đạo này của UBND huyện, UBND xã đã nhiều lần mời các doanh nghiệp lên để đối thoại, tuy nhiên, khi nhân viên của UBND xã đưa giấy mời thì các doanh nghiệp không nhận. UBND xã đã phải gửi giấy mời qua đường bưu điện.

Không những thế, UBND xã bỏ ra 1,5 triệu đồng mua một số điện thoại di động và giao cho cán bộ của UBND xã hàng ngày nhắn tin vào số di động của tất cả các giám đốc doanh nghiệp với nội dung UBND xã yêu cầu doanh nghiệp tự tháo dỡ nhà xưởng. Hiện UBND xã và Phòng TN-MT đang cùng các cơ quan liên quan rà soát, vi phạm nào thuộc thẩm quyền cấp xã thì UBND xã xử lý, cấp huyện thì UBND huyện xử lý.

Theo ông Lương, UBND huyện yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm, tuy nhiên sẽ mất nhiều thời gian. Bởi ngoài nhà xưởng, còn có rất nhiều máy móc, thiết bị, có những chiếc máy nặng tới gần 30 tấn nên việc tháo dỡ, di chuyển cần đến những thiết bị chuyên dụng. Vì vậy, trong trường hợp phải cưỡng chế cũng phải tính toán các phương án để tránh việc khiếu nại về sau.

Tân Lương
.
.
.