Tan hoang rừng núi vì doanh nghiệp thăm dò, khai thác thử vàng gốc

Thứ Năm, 18/08/2016, 08:46
Cả một vùng rừng núi rộng lớn thuộc hai xã Hồng Vân, Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã bị hoạt động “thăm dò”, “khai thác thử” vàng gốc đào bới, băm nát từ 5 năm nay. Điều đáng nói, đơn vị thực hiện cái gọi là “thăm dò”, “khai thác thử” vàng gốc này, bảo rằng không tìm thấy vàng, nhưng vẫn liên tục xin gia hạn giấy phép(!).

Núi rừng bị tàn phá, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, trong khi đó Nhà nước, chính quyền và người dân địa phương chẳng thu được lợi gì từ những hoạt động “khó hiểu”, “khó kiểm soát” này…

Từ đường Hồ Chí Minh qua xã Hồng Thủy có thể chạy xe máy thẳng vào mỏ vàng trên núi Con Mèo, thuộc địa phận xã này và xã Hồng Vân. Nhưng khi cách núi chừng 200m, những người dẫn đường bảo chúng tôi phải dừng xe, cất giấu vào bụi cây, cắt rừng đi bộ, vòng qua điểm gác nằm trên con đường mòn độc đạo, án ngữ ngay trước cửa rừng do đơn vị “thăm dò”, “khai thác thử” vàng gốc ở đây thuê bảo vệ mỏ vàng. 

Muỗi, vắt rừng nhiều như trấu, bu bám đốt, cắn, khiến chúng tôi phải đi như chạy, hết băng qua rừng cây bạch đàn trên nương rẫy của người dân, lại len lỏi qua bạt ngàn lau sậy, luồn qua mênh mông rừng cây bụi gai và sau gần một giờ đồng hồ như vậy mới đến được khu vực “thăm dò”, “khai thác thử” vàng gốc của Công ty CP Khoáng sản Đông Trường Sơn (gọi tắt là Công ty Đông Trường Sơn, trụ sở thị trấn A Lưới).

Vùng núi Con Mèo đã bị hoạt động thăm dò, khai thác thử vàng gốc của Công ty Đông Trường Sơn đào bới tan hoang.

Trước mắt, cả một vùng rừng núi rộng lớn đã bị hoạt động “thăm dò”, “khai thác thử” vàng gốc đào bới, băm nát như một bãi chiến trường. 

Những người dẫn đường cho biết: Vùng núi Con Mèo có 4 quả núi lớn liền nhau, trong 5 năm qua, Công ty Đông Trường Sơn đã cắt gọt gần như toàn bộ phần ngọn; từ đây tiếp tục đào bới từng phần, sâu xuống lòng núi hàng chục mét mỗi năm để lấy đi lượng lớn đất, đá, vận chuyển tới những cỗ máy lắp đặt ở những vị trí xung quanh, xay lọc lấy vàng. Nhưng từ hơn một năm nay, họ đã thay đổi cách khai thác, làm theo công nghệ của Trung Quốc. 

Từ những “bức thành” đất, đá đang tiếp tục bị đào khoét nham nhở, nhiều nơi bị biến thành những cái tổ mối khổng lồ, chúng tôi tiếp tục đi xuống phía dưới theo một giao thông hào xuyên chẻ đồi núi, đến những nơi trước đây là núi cao, nhưng nay là thung lũng, hầm hố sâu đến rợn người, tận mắt chứng kiến những cỗ máy móc của công ty này đang hoạt động. 

Bắt đầu là một cỗ máy nằm giữa một thung lũng, sát với những “bức thành” đất, đá xung quanh; cỗ máy này có nhiều đường ống bằng sắt dài hàng trăm mét, với đường kính ống khoảng 20cm; chúng như những cái vòi bạch tuộc túa ra xung quanh, găm bám vào những “bức thành” đất, đá và dẫn về một khu vực máy móc khác.

Những người dẫn đường cho biết thêm: Sau khi dùng hai loại hóa chất màu đen và màu trắng trộn với đất, ủ trực tiếp vào các “bức thành” đất, đá đó để chúng nhanh chóng mủn mục ra, họ (Công ty Đông Trường Sơn-PV) đã sử dụng cỗ máy đặt ở điểm giữa thung lũng kể trên hút về qua những đường ống bằng sắt, rồi từ đây máy móc tiếp tục đẩy lượng đất, đá đã được xay nhuyễn tới một hệ thống máy móc khác đặt cách đó chừng 50m để lọc lấy vàng… 

Chúng tôi tiếp cận khu vực đặt hệ thống máy móc lọc vàng, quan sát thấy sau khi đã lọc lấy vàng, những chất thải như bùn đất và có thể trong đó có các hóa chất độc hại, được thải thẳng xuống suối… 

Ngày 16-8, chúng tôi tìm hiểu cái gọi là “thăm dò”, “khai thác thử” vàng gốc ở vùng núi Con Mèo của Công ty Đông Trường Sơn, ông Trần Xuân Thông, Giám đốc công ty này thừa nhận, công ty của ông đang “thử nghiệm” công nghệ Trung Quốc trong thăm dò vàng, “khai thác thử” vàng gốc ở đây. 

Nhưng theo ông, việc làm này là đúng với các điều kiện, quy định đã thể hiện trong giấy phép(!?). Hỏi, sau 5 năm hoạt động, Công ty Đông Trường Sơn đã có những đóng góp gì cho Nhà nước và hỗ trợ gì cho người dân vùng bị ảnh hưởng? Ông Thông cho rằng: Vì việc “thăm dò”, “khai thác thử” không mang lại hiệu quả như mong muốn nên… chưa đóng góp được gì(!?). 

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, các hoạt động “thăm dò”, “khai thác thử” vàng gốc kể trên của Công ty Đông Trường Sơn là trái với thực tế đang diễn ra tại công ty này. 

Cụ thể, hiện tại Công ty Đông Trường Sơn đang rốt ráo hoàn tất thủ tục gửi Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xin gia hạn thăm dò vàng gốc tại vùng núi rừng kể trên. 

Ngoài ra, thời gian qua, công ty này còn đưa trái phép cả nhân lực Trung Quốc vào đây làm việc. Ngày 28-6-2016, các đơn vị chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế và huyện A Lưới đã lập biên bản đối với công ty này về sự việc kể trên.

Phan Thanh Bình
.
.
.